Sẽ kiến nghị với các Bộ, ngành về các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí dành cho KH&CN
Ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XII, GS.TSKH Đặng Vũ Minh- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Tia Sáng.
Với kinh nghiệm của một nhà khoa học nhiều năm quản lý Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, theo ông để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, KH&CN cần tập trung giải quyết những nhiệm vụ gì?
Trong những năm sắp tới, đất nước ta sẽ phải đối đầu với nhiều thử thách từ việc biến đổi khí hậu toàn cầu đến khủng hoảng năng lượng, từ các loại bệnh dịch mới cho đến ô nhiễm môi trường, từ việc chống nạn khủng bố cho đến việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ngay từ bây giờ, KH&CN ở Việt Nam phải tập trung nghiên cứu để giải quyết những vấn đề nói trên.
Để thực hiện nhiệm vụ này, tôi cho rằng phải tập trung vào 3 việc chính: Đầu tư thỏa đáng cho KH&CN; đào tạo một thế hệ cán bộ khoa học giỏi về chuyên môn, có tài, có đức; xây dựng một cơ chế quản lý khoa học và công nghệ phù hợp. Trong 3 việc nói trên, cần đặc biệt chú ý đến việc xây dựng đội ngũ những nhà khoa học vừa có tài năng vừa dám dấn thân vì sự phát triển của đất nước – đây là yếu tố quyết định.
Những năm gần đây, Bộ KH&CN cũng đã trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, trong đó có những cơ chế, chính sách được coi là mang tính đột phá, nhưng dường như tiềm lực KHCN của đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Theo GS, cần phải có thêm giải pháp gì nữa?
Tôi đồng tình với nhiều giải pháp của các nhà khoa học đã đề ra trên diễn đàn của Tia Sáng. Ở đây, tôi chỉ xin được nêu lại ý kiến của GS. Pierre Darriulat-một nhà vật lý nổi tiếng. Theo ông, để đại học và nghiên cứu ở Việt Nam phát triển ngoài việc cần tăng lương cho cán bộ giảng dạy và khoa học, “Việt Nam cần tự tin hơn vào thế hệ trẻ và mở hơn ra thế giới. Đôi lúc Việt Nam dường như thiếu sự tin tưởng vào thế hệ trẻ và không sẵn sàng trao cho họ trách nhiệm mà họ có thể đảm nhiệm được. Trong lịch sử, các mạng và chiến tranh đã đem lại cơ hội cho người Việt Nam trẻ tuổi, thông minh đảm trách những trọng trách quan trọng của đất nước, và chúng ta đã thấy họ thành công như thế nào”. Đó là ý kiến rất đáng để chúng ta suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Để tạo điều kiện cho Bộ KH&CN và các Bộ, ngành khác có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ ông vừa nêu, theo ông về mặt lập pháp và giám sát, Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội sẽ tập trung vào những nội dung gì?
Sắp tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và dự kiến Chương trình hoạt động toàn khóa trình Quốc hội xem xét và phê duyệt. Theo ý kiến tôi, trong lĩnh vực KH, CN&MT trong nhiệm kỳ tới, về mặt lập pháp cần quan tâm đến việc soạn thảo các luật và pháp lệnh làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến an toàn năng lượng kể cả việc sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình. Về mặt giám sát, cần đặc biệt chú ý đến việc thực hiện các luật và pháp lệnh bảo vệ môi trường, trước hết là vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và không khí… Chúng tôi sẽ kiến nghị với các Bộ, các ngành hữu quan về các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng kinh phí dành cho KH&CN, đặc biệt là việc phát huy tác dụng của các phòng thí nghiệm trọng điểm.
Tôi rất mong muốn được sự hợp tác của tạp chí Tia Sáng với Ủy ban KHCN&MT trong việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến của các nhà khoa học trong việc soạn thảo luật, pháp lệnh; và trong việc giám sát hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và nghiên cứu triển khai KH, CN&MT.
Xin cảm ơn GS!