Senkaku/Điếu Ngư: Quần đảo tranh chấp

Bài viết của Joyman Lee đăng trên tạp chí History Today từ năm 2011 đến nay vẫn còn giá trị thời sự, khi những diễn biến gần đây cho thấy sự căng thẳng trong mối quan hệ Trung – Nhật liên quan đến vấn đề chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng gia tăng.

Ngày 7 tháng 9 năm 2010, một tàu cá Trung Quốc đã va chạm với hai tàu tuần duyên Nhật Bản tại quần đảo không người ở nhưng nhiều dầu mỏ ở vùng biển Đông Hải – Nhật Bản gọi đó là quần đảo Senkaku (Tiêm Các), còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Sau vụ va chạm, lực lượng tuần duyên [Nhật Bản] đã bắt giữ các thủy thủ và thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng, người mà băng ghi hình cho thấy là đã cho tàu đánh cá lao thẳng vào tàu tuần duyên. Tiếp nối sự kiện đó là hàng loạt các cuộc biểu tình bài Nhật được tổ chức ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông và Thẩm Dương. Các tour du lịch Nhật Bản bị hủy, bốn nhân viên của công ty sản xuất phụ tùng xe hơi Nhật Bản Fujita bị bắt ở tỉnh Hà Bắc, và nghiêm trọng nhất là [Trung Quốc đã] quyết định ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.

Ngày 1 tháng 11 Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, trong một động thái đầy khiêu khích, đến thăm quần đảo Kuril ở phía Nam cũng đang trong tình trạng tranh chấp, nơi Liên Xô giành được từ tay Nhật Bản vào năm 1945.

Chuỗi sự kiện này đánh giá một bước lùi trong quan hệ quốc tế của Nhật Bản, vốn đang sa lầy trong những bất đồng liên quan tới kế hoạch di dời căn cứ quân sự Futenma tại Okinawa mà quân đội Mỹ đã sử dụng từ nhiều thập kỷ nay. Và Nhật Bản dường như đang bị công kích từ mọi phía trong khi một Trung Quốc mới nổi lên dường như đang ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán, đủ sức đe dọa những lợi ích quan trọng của Nhật Bản, trong đó có vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Quan niệm chủ quyền gắn với triều cống*

Để hiểu rõ cuộc tranh chấp hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta cần nhìn lại lịch sử đối ngoại của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Trương Khải Hùng từ Viện Sinica của Đài Loan, cho rằng trật tự thế giới dưới góc nhìn của Trung Quốc thời cận đại dựa trên địa vị và sự ổn định (danh phận chi tự). Nghĩa là, chủ quyền hợp pháp ở đây [đối với một quốc gia] không nhất thiết dựa trên sự kiểm soát mang tính trực tiếp, mà là ở quyền [buộc người đứng đầu quốc gia ấy phải xin] thừa nhận và sắc phong chức danh cùng quyền hạn kèm theo. Theo logic đó, các hoàng đế mở rộng quyền lực của mình vượt khỏi biên giới Trung Quốc không phải bằng vũ lực mà bằng sự cai trị có tính “nhân đức”, điều mà các nhà Nho của Trung Quốc xưa kia tin rằng sẽ khiến các quốc gia khác phải thừa nhận quyền lãnh đạo của hoàng đế. Như vậy, nước Trung Quốc xưa kia cho rằng nó cai trị cả bên ngoài biên giới, kể cả nơi nó không có bộ máy chính quyền.

Việc công nhận địa vị thiên tử của hoàng đế Trung Quốc sẽ đem lại những lợi ích thực dụng: trao đổi quà tặng với triều đình Trung Quốc, một hình thức đem lại nhiều lợi lộc [cho các vị vua nước láng giềng, giúp họ] có được nhiều hàng hóa không dễ gì kiếm được ở nơi khác. Hơn nữa, quà tặng và sắc phong của các hoàng đế Trung Hoa còn giúp những vị vua các nước láng giềng củng cố vị thế cai trị của mình. Mặc dù Nhật Bản đứng ngoài hệ thống này trong suốt thời kỳ Tokugawa (1603-1868) nhưng phần lớn các quốc gia Đông Á, Trung Á, Đông Nam Á, kể cả Ryukyu (Lưu Cầu – Okinawa hiện nay), đều chấp nhận triều cống Trung Quốc.

Sự lúng túng của Trung Quốc trước luật pháp quốc tế từ phương Tây

Trật tự quốc tế với Trung Quốc là trung tâm đã suy yếu rất nhiều trong triều nhà Thanh (1644-1912). Việc Trung Quốc bại trận trước nước Anh trong các cuộc chiến tranh nha phiến (1839-42) và Hiệp ước Nam Kinh (1842) cũng như Hiệp ước Vọng Hạ với Mỹ năm 1844 đã giúp các siêu cường phương Tây áp đặt các đạo luật quốc tế có xuất xứ từ châu Âu lên những trật tự quan hệ quốc tế ở Đông Á.

Người Anh hợp pháp hóa quyền kiểm soát hệ thống cảng biển và hải quan hàng hải của Trung Quốc, thâu tóm được qua các hiệp ước, biến địa vị của Trung Quốc thành một nước bán thuộc địa. Mặc dù một số sử gia khi nhìn lại đã cho rằng nhà Thanh có phản ứng lại khá nhanh và đến năm 1862, các học giả ở trường Đồng Văn Quán do triều đình lập ra đã được nghiên cứu các tài liệu quan trọng, ví dụ như cuốn Các thành phần Luật quốc tế của Henry Wheaton (1836), nhưng trong thực tế nhà Thanh vẫn rất lúng túng, không biết phải áp dụng những hiểu biết đó như thế nào trong trật tự quan hệ với các nước láng giềng.

Trong khi đó, dưới triều Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản tiến hành một chương trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước đầy tham vọng, bao gồm cả việc áp dụng các thuật ngữ phương Tây trong ngôn ngữ ngoại giao. Năm 1876, Nhật Bản buộc đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc là Triều Tiên phải ký hiệp ước Kanghwa, với cách thức giống hệt như cách đô đốc Perry của Mỹ đã buộc Nhật Bản mở cửa giao thương từ 22 năm trước đó. 

Xung đột quanh những mối quan hệ của Trung Quốc và Nhật Bản với Triều Tiên lên đến đỉnh điểm vào cuộc họp ở Thiên Tân năm 1885, nơi Trung Quốc từ chối yêu sách của Nhật Bản đòi quan hệ Nhật – Hàn được thừa nhận căn cứ theo luật quốc tế. Thay vì biện hộ rằng không am hiểu tiêu chuẩn phương Tây như các nhà đàm phán Triều Tiên từng làm, quan đại thần Lý Hồng Chương của Trung Quốc nói với nhà ngoại giao Nhật Bản Ito Hirobumi rằng có một “khác biệt sâu sắc” giữa quan hệ triều cống Triều – Trung với hiệp ước thông thường mà Triều Tiên đã ký với Nhật Bản.

Trong nghiên cứu mang tên Nhật Bản đô hộ Triều Tiên: Đối thoại và Quyền lực (2005), Alexis Dudden lập luận rằng Nhật Bản đã phá vỡ được vị thế trung tâm quyền lực tại châu Á của Trung Quốc vào thế kỷ 19 bằng cách sử dụng ngôn ngữ và sức mạnh của luật pháp phương Tây để thay thế cho các quy ước của Trung Quốc vốn cho tới lúc đó vẫn còn được chấp nhận rộng rãi ở Đông Á. Nhật Bản đã áp dụng các thuật ngữ dịch ra từ tiếng Anh để đối thoại với Trung Quốc. Tại Thiên Tân, Ito thậm chí còn từ chối trao đổi với Lý Hồng Chương bằng tiếng Nhật hoặc Trung, thay vào đó chỉ nói tiếng Anh, khiến cho vị đại thần của Trung Quốc bị hoàn toàn bất ngờ.

Xung đột quan điểm về Đông Á giữa Trung Quốc và Nhật Bản sau đó được giải quyết trên chiến trường. Mặc dù hải quân được trang bị yếu hơn một cách cơ bản nhưng Nhật Bản đã tận dụng được một chuỗi những sai lầm vô cùng tai hại về chính trị và chiến lược của Lý Hồng Chương để đánh bại Trung Quốc hoàn toàn trong các năm 1894-95, giành quyền kiểm soát Triều Tiên và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, chưa kể Nhật Bản còn tấn công cả Đài Loan.

Tại một cuộc gặp sau đó vào năm 1905, quan đại thần Viên Thế Khải của Trung Quốc bị đại diện phía Nhật Bản cười nhạo sau khi Viên phàn nàn rằng trong văn bản có một chữ Hán mà ông chưa từng nhìn thấy bao giờ. Vị đại diện Nhật Bản giải thích rằng chữ đó là kogi, có nghĩa là ‘phản đối’, được dịch từ chữ ‘protest’ trong tiếng Anh. Vậy là, trong thời kỳ này Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc, mới là nơi cung cấp nguồn từ vựng chữ Hán hiện đại sử dụng trong luật pháp và các lĩnh vực khác, từ thực vật học cho tới kinh tế học.

Lịch sử quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Điều này liên quan như thế nào tới tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư? Từ thập niên 1970, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và cả Nhật Bản đều khẳng định mạnh mẽ chủ quyền ở quần đảo này, nơi có cùng khoảng cách đến Đài Loan và cực Tây Nam quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Theo các nguồn từ Trung Quốc thì lần đầu tiên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được nhắc đến là trong một tài liệu từ thế kỷ thứ 15 hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Bodleian, Oxford. Những nguồn tài liệu cổ nhất đều chỉ đề cập về vị trí của quần đảo này trên tuyến đường từ Trung Quốc đến Ryukyu, nhưng những tài liệu thế kỷ 17 của Trung Quốc đã khẳng định rõ biên giới trên biển giữa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo Ryukyus – họ gọi đó là Heishuigou (Hắc Thủy Câu – rãnh nước đen) – một khu vực bất ổn mà ngày nay chúng ta biết nó chính là rìa của thềm lục địa.

Năm 1720, Từ Bảo Quang, vị phó sứ Trung Quốc trong chuyến đi nhằm phong tước vương cho vua của nước Lưu Cầu (Ryukyu), đã cùng với các học giả địa phương đã biên dịch cuốn du ký Zhongshan Chuanxin lu (Trung Sơn truyền tín lục) – ghi chép về hành trình tới Trung Sơn (Chusan), trong đó xác định rõ biên giới cực Tây của vương quốc Lưu Cầu là tại đảo Kume, phía Nam của Hắc Thủy Câu. Một vị phó sứ khác là Châu Hoàng cũng xác định Hắc Thủy Câu là ranh giới vào năm 1756. Sau này, sứ thần Lý Định Nguyên có ghi chép lại về phong tục hiến tế sống một con dê hoặc lợn khi có đoàn tàu đi sứ qua vùng nước này.

Cuối thế kỷ 19, nhà cải cách Vương Đào, người từng có kinh nghiệm du hành tới châu Âu đã phản bác việc Nhật Bản sáp nhập Lưu Cầu (Ryukyu) bằng cách dẫn nguồn các tài liệu cổ Nhật Bản trong đó nói rằng Ryukyu là một quốc gia riêng biệt vào năm 1670. Ông lập luận rằng mặc dù quần đảo này là chư hầu của cả Trung Quốc và xứ Satsuma của Nhật Bản, nhưng mối quan hệ với Trung Quốc có tính chính thống hơn; việc một nước triều cống bên ngoài (tức Nhật Bản) xâm chiếm một nước triều cống bên trong Trung Quốc là một sự sỉ nhục [đối với Trung Quốc].

Ngược lại, lập luận từ phía Nhật Bản hầu như bỏ qua các sử liệu Trung Quốc. Với tuyên bố rằng quần đảo không có người ở và không bị quyền lực nào kiểm soát – hay gọi là terra nullius – Nhật Bản đã sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ của mình vào năm 1895 sau chiến thắng trong chiến tranh Trung – Nhật. Nhật Bản tuyên bố rằng quần đảo được một thương gia ở Fukuoka tên là Koga Tatsushiro “phát hiện” vào năm 1884, người sau đó đã đăng ký thuê lại các đảo này từ Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Nội vụ thấy rằng vẫn chưa rõ đây có thuộc về lãnh thổ Nhật Bản hay không, nhất là khi đã có những tài liệu rất chi tiết viết bằng tiếng Trung Quốc và Lưu Cầu về quần đảo này khiến cho “khám phá” của Koga khó được chứng thực. Dù vậy, nội các [Nhật Bản] vào năm 1895 đã quyết định rằng quần đảo nên trở thành một phần của nước Nhật. Quyết định này tạo cơ sở cho việc Nhật Bản tuyên bố chủ quyền lãnh thổ theo Hiệp ước Hòa Bình San Francisco năm 1952 khi kết thúc Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, khi đó cả Trung Quốc và Đài Loan đều không tham gia.

Theo quan điểm của Trung Quốc, có rất ít cơ sở để Nhật Bản khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước đây là “vô chủ”, và cần có sự phân biệt giữa “không người ở” với “vô chủ”. Có những nguồn tài liệu nói rằng có một số mộ của ngư dân Đài Loan trên đảo. Tuy lực lượng chiếm đóng của Mỹ ở Okinawa đã quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1945 đến năm 1972 và dùng nơi này làm căn cứ huấn luyện nhưng Chính phủ Mỹ không hề cho rằng việc chuyển giao quyền quản lý quần đảo cho Nhật Bản đồng nghĩa với việc chuyển giao chủ quyền, và Mỹ khẳng định rõ rằng đây là vấn đề cần được các bên liên quan cùng giải quyết.

Nhận thấy sự mơ hồ đó, Hội đồng Lập pháp Okinawa, khi đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của Mỹ, đưa ra một tuyên bố vào tháng Tám năm 1970, nói rằng quần đảo là của Nhật Bản và tuyên bố này sau đó được ngoại trưởng Aichi Kiichi ủng hộ trước Quốc hội. Lúc đó, Đài Loan đưa ra một phản đối chính thức, và đến cuối năm đó thì truyền thông Trung Quốc cũng chính thức lên tiếng phản ứng với nội dung tương tự.

Trái bom nổ chậm

Sự tranh chấp chủ quyền tại quần đảo này sớm muộn sẽ xảy ra, giống như một trái bom nổ chậm, do nó gắn với những quyền lợi to lớn. Nhật Bản khẳng định rằng Trung Quốc và Đài Loan quan tâm đến quần đảo chủ yếu vì có khả năng nơi đây có nhiều mỏ dầu. Giữa các nước liên quan đến những tranh chấp gần đây về chủ quyền đối với quần đảo, có rất ít những cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Vấn đề này vẫn là một trong những tâm điểm gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Trung – Nhật, bên cạnh một điểm nóng khác là vụ Thảm sát Nam Kinh năm 1937. Quan điểm cứng nhắc [, không xoa dịu] của Nhật Bản về [trách nhiệm của họ đối với] những tội ác thời Đệ nhị Thế chiến càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa bài Nhật và biến nước này dễ dàng trở thành một mục tiêu để những người Trung Quốc bất mãn trút giận.

Quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể được so sánh với tình hình thời thập niên 1930, khi mà Trung Hoa Quốc dân Đảng từ chối chấp nhận hay thừa nhận quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với Mãn Châu Lý (mà Nhật Bản gọi là Mãn Châu Quốc) bất chấp mối lo ngại rằng thực lực quân sự Trung Quốc không thể chống lại Nhật Bản. Bằng cách không thừa nhận quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với phần lãnh thổ bị mất, Trung Quốc muốn gây ra tình hình bất ổn ở khu vực đó ngay cả khi Chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng đóng tại Nam Kinh hoàn toàn không có khả năng vươn tầm kiểm soát tới khu vực tranh chấp. Đồng thời, thái độ thách thức của Chính phủ [Trung Hoa Quốc dân Đảng] đối với Nhật Bản còn giúp họ củng cố vị thế lãnh đạo duy nhất và hợp pháp ở Trung Quốc. Như vậy, việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Mãn Châu Lý thời thập niên 1930 cũng như ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày nay chủ yếu là nhằm phục vụ chính sách đối ngoại của họ chứ không thực sự phản ánh một khẳng định về sự kiểm soát thực chất đối với những vùng tranh chấp này theo quan niệm thông thường của phương Tây.

Dưới góc nhìn của Tokyo trong tình hình hiện nay, một nước Trung Quốc đầy kiên quyết đang khoe cơ bắp và cố bắt thế giới phải chấp nhận một logic thiếu căn cứ, hay ít nhất đó là một logic xa lạ đối với truyền thống luật pháp phương Tây, gây xâm phạm quyền kiểm soát lãnh thổ mà Nhật Bản thu được một cách hợp pháp vào thế kỷ 19, theo những luật lệ chính tắc đương thời.

Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu tranh chấp Trung – Nhật nếu không biết về sự phức tạp trong quá trình hình thành các quốc gia ở châu Á cuối thế kỷ 19. Bất chấp nền kinh tế khu vực Đông Á phát triển mạnh mẽ kể từ sau Thế chiến thứ II, tranh chấp biên giới vẫn tiếp tục tồn tại như một di sản từ thế kỷ 19, một giai đoạn khi mà có những chênh lệch rõ ràng về sức mạnh giữa các quốc gia liên quan, một bên là những nước am hiểu vận dụng các phương thức của phương Tây như Nhật Bản và Nga, và bên kia là những nước thích nghi và phản ứng chậm hơn như Trung Quốc. Việc Nhật Bản giành được quyền kiểm soát tạm thời đối với quần đảo không có nghĩa là nó hoàn toàn loại bỏ được một quan niệm cũ về chủ quyền hợp pháp [theo cách nhìn của Trung Quốc].

Ngày nay, Nhật Bản đang có những tranh chấp lãnh thổ không chỉ với Trung Quốc mà với cả Nga và Hàn Quốc. Trong thời kỳ đỉnh cao phát triển kinh tế hậu chiến của Nhật Bản thì những vấn đề này còn rất nhỏ, nhưng kể từ khi cán cân quyền lực trong khu vực thay đổi thì những diễn biến vừa qua đã làm lộ ra khả năng dễ bị tổn thương của Nhật Bản. Trong bối cảnh ấy, khi xu hướng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế – chính trị càng trở nên rõ rệt hơn ở Đông Á thì nguy cơ xung đột sẽ ngày càng tăng thêm.

Hoàng Minh lược dịch theo
http://www.historytoday.com/joyman-lee/senkakudiaoyu-islands-conflict

* Các tít phụ do ban biên tập tạp chí bổ sung.

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)