Sở hữu hay hiện hữu? (Phần 2)

Fromm đưa ra hai kiểu mẫu sống: kiểu mẫu sở hữu (mối quan hệ của tôi với thế giới là sở hữu và chiếm hữu, là kiểu mẫu sống muốn biến mọi người và mọi vật, bao gồm cả bản thân mình, thành tài sản của mình) và kiểu mẫu hiện hữu (hoặc tương phản với sở hữu và có nghĩa là đầy sinh động và liên hệ xác thực với thế giới; hoặc tương phản với làm duyên làm dáng bề ngoài, có ý nói tới thái độ sống với bản chất đích thực, chân hiện thực của một người hay một sự vật).

Fromm nhận xét rằng về phương diện ngôn ngữ, điều khẳng định “tôi có một chiếc xe” có ý nghĩa hiện thực; nhưng người ta cũng còn nói “tôi có một ý tưởng”, điều khẳng định này không có ý nghĩa hiện thực mà là trừu tượng hóa một hành động: suy nghĩ và quan niệm một điều gì đó. Hành động tư duy đầy sinh khí của con người bị trừu tượng hóa thành một đồ vật để sở hữu, cái vốn thuộc nội tâm bị ném ra bên ngoài trong quá trình khách thể hóa, trở thành một thứ xa lạ. Các triết gia như Parmenides, Plato xem ý tưởng (idea) là một hiện thực cơ bản, từ đó kết luận rằng tồn tại (being) là một thực chất (substance) vĩnh cửu và không biến đổi. Fromm bác bỏ điều này: “Nếu ý tưởng về tình yêu (trong ý nghĩa của Plato) lại hiện thực hơn trải nghiệm yêu thương, thì người ta có thể bảo tình yêu là một ý tưởng vĩnh cửu và không biến đổi. Nhưng nếu chúng ta khởi đầu từ hiện thực của những hữu thể con người đang hiện hữu, đang yêu thương, đang căm ghét, đang đau khổ, thì chẳng có tồn tại nào mà lại không đồng thời đang hình thành và đang biến đổi… Biến đổi và sinh trưởng là những phẩm tính cố hữu của quá trình sống.” (Sở hữu hay hiện hữu?). Fromm cũng đồng tình với khái niệm vô thường của Phật giáo, khẳng định không có gì là bền vững mãi mãi.

Fromm đưa ra hai kiểu mẫu sống: kiểu mẫu sở hữu và kiểu mẫu hiện hữu.

1)    Kiểu mẫu sống sở hữu là kiểu sống mà mối quan hệ của tôi với thế giới là sở hữu và chiếm hữu, là kiểu mẫu sống muốn biến mọi người và mọi vật, bao gồm cả bản thân mình, thành tài sản của mình.

2)    Trong kiểu mẫu sống hiện hữu có hai hình thức hiện hữu. Một hình thức là tương phản với sở hữu và có nghĩa là đầy sinh động và liên hệ xác thực với thế giới. Hình thức kia là tương phản với làm duyên làm dáng bề ngoài, có ý nói tới thái độ sống với bản chất đích thực, chân hiện thực của một người hay một sự vật.

Ý tưởng về kiểu mẫu sống sở hữu của Fromm cũng rất phù hợp với bàn luận của Berdyaev về mẫu hình “gã tư sản”. Berdyaev đã viết: “Gã tư sản trong ý nghĩa siêu hình học là con người chỉ tin chắc vào thế giới của những đồ vật khả dĩ nhìn thấy được, là những thứ buộc anh ta phải thừa nhận và anh ta muốn chiếm giữ địa vị vững chắc trong cái thế giới ấy. Anh ta là nô lệ cho cái thế giới nhìn thấy được và cho ngôi thứ của các địa vị được thiết lập trong thế giới ấy. Anh ta đánh giá những con người không căn cứ vào việc họ là những người thế nào, mà căn cứ vào những gì họ có được. Gã tư sản là công dân của cái thế giới ấy, anh ta là chúa tể của trần gian. Chính là gã tư sản đã nghĩ ra chuyện trở thành chúa tể của trần gian. Sứ mệnh của anh ta là ở trong chuyện này.” (Bàn về nô lệ và tự do của con người).

Fromm là nhà phân tâm học, ông nghiên cứu thể hiện khác biệt trong cuộc sống của hai kiểu mẫu tinh thần trong một số hành vi thường ngày của con người:

1)    Trò chuyện

Xem xét một cuộc tranh luận giữa hai người, một người (A) có ý kiến X, một người khác (B) giữ ý kiến Y. Mỗi người đều đồng nhất bản thân mình với ý kiến mà mình giữ. Mỗi người chỉ lo tìm những luận cứ hợp lý lẽ để bảo vệ cho được ý kiến của mình. Không thể nào kỳ vọng mỗi người thay đổi ý kiến của mình, bởi vì ý kiến là sở hữu của họ mà nếu mất đi thì có nghĩa là họ bị nghèo đi.
.
Tình hình có thể khác hơn, nếu cuộc trò chuyện không có nghĩa là một cuộc tranh luận. Liệu có ai còn chưa hề trải nghiệm một cuộc gặp gỡ với một nhân vật nổi tiếng, danh giá, hay thậm chí quả thực có những phẩm tính cao đẹp, hoặc giả với một người mà mình trông đợi sẽ giúp mình có được thứ gì đó: một công việc tốt, một sự quý mến hay ái mộ? Trong những trường hợp như thế người ta có xu hướng ít nhất cũng hơi lo âu, và thường lo “chuẩn bị” bản thân mình cho cuộc gặp quan trọng. Người ta suy nghĩ về những đề tài câu chuyện khả dĩ gây chú ý cho người kia; họ nghĩ trước xem nên mở đầu câu chuyện thế nào; vài người còn phác họa trước toàn bộ cuộc trò chuyện về phần mình. Họ cũng tự củng cố tinh thần cho mình bằng cách nghĩ về những gì họ đang có: những thành đạt trong quá khứ của họ, phong cách khả ái của họ (hoặc phong cách hù dọa của họ nếu vai diễn ấy hiệu quả hơn), địa vị xã hội của họ, những mối quan hệ của họ, vẻ bề ngoài cũng như trang phục của họ. Tóm lại là họ hình dung trong đầu một sự cân đo giá trị của họ và dựa trên sự định giá ấy mà họ phô bày các hàng hóa của mình ra trong cuộc trò chuyện. Nhiều người rất tài giỏi chuyện này và gây ấn tượng được cho khá nhiều người, dù cho ấn tượng mà họ tạo nên chỉ giúp ích phần nào thôi, còn thực ra phần lớn thành công của họ là do xét đoán của những người khác không được tinh tường cho lắm. Tuy nhiên, nếu người thực hiện không thật thông minh, cuộc trò chuyện sẽ thành gượng gạo, ngụy tạo, tẻ nhạt và không gây chú ý được bao nhiêu.

Tình hình sẽ hoàn toàn khác hẳn, khi những người tham dự cuộc trò chuyện không chuẩn bị trước gì hết, không lo củng cố bản thân mình bằng bất cứ kiểu gì. Thay cho những chuyện ấy họ ứng đáp tự phát và đầy bổ ích; họ quên đi bản thân mình, quên đi những tri thức và địa vị mà họ có. Cái “tôi” không cản đường họ, chính nhờ vậy mà họ có thể ứng đáp trọn vẹn đối với người khác cũng như những ý tưởng của người khác. Họ làm nảy sinh ra những ý tưởng mới, bởi vì họ không bám víu vào cái gì hết nên mới có thể tạo dựng và hiến tặng. Trong khi những người thuộc kiểu mẫu sở hữu chỉ trông cậy vào những gì họ sở hữu, thì những người thuộc kiểu mẫu hiện hữu lại dựa trên sự kiện là họ đang hiện hữu, là họ đang sống thật, là một thứ gì đó mới mẻ sẽ ra đời, chỉ cần họ có can đảm dám để cho nó sinh ra, dám ứng đáp. Họ hoàn toàn sống thật bước vào cuộc trò chuyện, bởi vì họ không bóp nghẹt bản thân họ bởi mối quan tâm lo lắng cho những gì họ sở hữu. Khí chất sống thật của họ có tính lây lan và thường hỗ trợ cho những người khác vượt lên trên khí chất vị kỷ của mình. Nhờ vậy mà cuộc trò chuyện không còn là cuộc trao đổi hàng hóa (thông tin, tri thức, danh phận) và trở thành cuộc đối thoại trong đó chuyện ai có lý hơn không còn là vấn đề nữa. Hai người so kiếm bắt đầu khiêu vũ cùng nhau và chia tay nhau mà không có chiến thắng hay buồn rầu, vốn là những thứ vô bổ, nhưng họ sẽ cùng có được niềm vui.
 
2)    Đọc sách

 Cái gì đúng cho cuộc trò chuyện thì cũng đúng cho việc đọc sách vốn là – hay phải là – một cuộc trò chuyện giữa tác giả và độc giả. Lẽ dĩ nhiên trong đọc sách (cũng như trong cuộc trò chuyện) tôi đọc tác giả nào (hay trò chuyện với ai) là điều quan trọng. Đọc tiểu thuyết rẻ tiền là một hình thức ngủ ngày, nó không đem lại phản ứng bổ ích, văn bản được ngốn ngấu như xem phim truyền hình, hay giống như nhai “chip” khoai tây chiên trong lúc xem truyền hình. Tuy nhiên, một cuốn tiểu thuyết, thí dụ như của Balzac, thì có thể đọc một cách bổ ích với sự tham dự của nội tâm – tức là trong kiểu mẫu hiện hữu. Thế nhưng nó cũng rất thường hay được đọc trong kiểu mẫu sở hữu. Trí tò mò của họ được khơi gợi, các độc giả muốn biết được âm mưu: liệu nhân vật chính của họ có chết hay không, họ muốn biết câu trả lời. Trải nghiệm của họ đạt đỉnh điểm, khi họ biết được kết thúc, có hậu hay không có hậu, tức là họ sở hữu được toàn bộ câu chuyện, tựa hồ như thực sự sở hữu nó, khi họ lục lọi tìm trong trí nhớ của họ. Thế nhưng họ không hề nâng cao được tri thức của mình, họ không thấu hiểu được nhân vật trong tiểu thuyết nên không thể thấu hiểu nhiều hơn bản chất con người, hay thu nhận được tri giác về bản thân mình.

Các kiểu cách đọc sách triết học hay lịch sử cũng hệt như vậy. Cách thức một người đọc sách triết học hay lịch sử được hình thành – hay bị làm méo mó – bởi nền giáo dục. Nhà trường nhắm tới mục đích trao cho mỗi học viên một số lượng nhất định “tài sản văn hóa”, và cuối khóa học chứng nhận cho các học viên như ít nhất đã có được một lượng tối thiểu tài sản. Các học viên được dạy cho đọc một cuốn sách, sao cho họ có thể nhắc lại được những ý tưởng chính của tác giả. Đó là cách thức các học viên “hiểu biết” Plato, Aristotle, Descartes, Spinoza, Leibniz, Kant, Heidegger, Sartre. Sự khác biệt giữa các trình độ giáo dục khác nhau từ cao đẳng đến đại học chủ yếu là số lượng tài sản văn hóa được đòi hỏi; số lượng tài sản này cũng phù hợp đại khái với số lượng tài sản vật chất mà các học viên có thể kỳ vọng sẽ được sở hữu trong cuộc sống sau này. Cái được gọi là những học viên xuất sắc là những người có thể nhắc lại một cách chỉn chu nhất mỗi một người trong các triết gia khác nhau đã nói gì. Họ giống như những hướng dẫn viên được thông tin đầy đủ trong viện bảo tàng. Cái mà họ chưa được học chính là những gì vượt ra ngoài cái thứ tài sản tri thức ấy. Họ chưa học được việc tra vấn các triết gia, trò chuyện với họ; họ chưa học ý thức được những mâu thuẫn của chính các triết gia, ý thức được việc họ bỏ lại những vấn đề nhất định hoặc tránh né vấn đề; họ chưa học phân biệt được giữa những gì là mới mẻ và những gì mà các tác giả không đề cập đến vì đó là ý kiến thịnh hành vào thời của các triết gia ấy; họ chưa học lắng nghe được để có khả năng phân biệt khi nào các tác giả phát biểu từ bộ óc và khi nào thì bộ óc và trái tim của các tác giả cùng phát biểu; họ chưa học được để phát hiện ra liệu các tác giả là khả tín hay trá ngụy; và còn biết bao nhiêu điều khác nữa.

Các độc giả thuộc kiểu mẫu hiện hữu thường đi đến kết luận rằng ngay cả cuốn sách được ca ngợi nhiều, cũng có khi là cuốn sách chẳng có giá trị hay chỉ có giá trị hạn chế. Hoặc là họ có thể hiểu được cuốn sách thật đầy đủ, đôi khi còn hơn cả tác giả, vốn là người thường xem mọi thứ mình viết ra đều có tầm quan trọng như nhau.

3) Thực thi quyền uy

Theo Fromm, quyền uy (authority) là một từ ngữ mơ hồ với hai nghĩa khác nhau: quyền uy hợp lý (rational authority) và quyền uy phi lý (irrational authority). Quyền uy hợp lý đặt cơ sở trên năng lực và giúp người ta dựa vào để phát triển. Quyền uy phi lý dựa vào sức mạnh để bóc lột người bị thần phục.

Hầu như mọi người trong cuộc đời mình đều có thực thi quyền uy, ít nhất cũng trong việc nuôi dạy con cái.

Quyền uy trong kiểu mẫu hiện hữu không chỉ đặt cơ sở trên năng lực cá nhân để thực hiện một chức năng xã hội nhất định, mà còn đặt cơ sở ở ngay chính trong tư chất của nhân cách (essence of personality) đã phát triển ở trình độ cao. Những nhân vật như thế tỏa sáng quyền uy mà không ra lệnh, đe dọa, ăn hối lộ. Họ là những cá nhân đã phát triển cao, biểu thị ra bằng sự thể hiện bản chất họ là gì và con người có thể là gì, chứ không phải chủ yếu bằng những gì họ làm hay họ nói. Các bậc hiền triết đã từng là những quyền uy như thế. Những cá nhân như thế ở mức độ thấp hơn cũng có thể tìm thấy trong các trình độ giáo dục ở những nền văn hóa đa dạng rất khác biệt nhau.

Trong các xã hội thô lậu xưa kia quyền uy thường thuộc về người có năng lực thực hiện nhiệm vụ. Với các xã hội dựa trên ngôi thứ và quy mô rộng lớn hơn thì tình thế phức tạp hơn nhiều, quyền uy do khả năng bị thay thế bởi quyền uy do danh phận xã hội. Nhưng điều này không có nghĩa rằng quyền uy đang hiện tồn nhất thiết là không có năng lực. Năng lực không phải là yếu tố thiết yếu của quyền uy. Trên thực tế hầu như không có mối quan hệ nào giữa năng lực và quyền uy, tình trạng này hiện hữu trong các hình thức khác nhau của hệ thống xã hội được biết đến cho tới nay. Tuy nhiên, có những vấn đề rất nghiêm trọng trong các trường hợp quyền uy thiết lập trên nền tảng năng lực nào đó: một nhà lãnh đạo có thể có năng lực trong lĩnh vực này, nhưng lại không có năng lực trong lĩnh vực kia – thí dụ như một chính khách có thể có năng lực trong việc tiến hành cuộc chiến tranh, nhưng không có năng lực trong tình trạng hòa bình; hoặc là một nhà lãnh đạo trung thực và can đảm vào lúc khởi đầu sự nghiệp lại mất đi những phẩm tính ấy do bị quyền lực quyến rũ; hoặc là những rắc rối do tuổi tác và sức khỏe có thể dẫn đến hư hỏng. Cuối cùng, chúng ta thấy rằng các thành viên của một bộ lạc bé nhỏ xét đoán hành vi của một quyền uy sẽ dễ dàng hơn nhiều, so với hàng triệu người trong hệ thống của chúng ta bây giờ: chúng ta biết ứng viên cho quyền uy chỉ bằng một hình ảnh tạo ra bởi các chuyên gia về các quan hệ với công chúng.

Dẫu cho các phẩm tính năng lực bị mất đi vì nguyên nhân nào đi nữa trong các xã hội rộng lớn có tính ngôi thứ, thì kết quả cũng là xảy ra việc quyền uy bị làm cho thành xa lạ (alienation). Năng lực khởi thủy, có thực hay được cho là thế, nay được chuyển giao cho bộ đồng phục hay cho danh hiệu của quyền uy, cái ký hiệu bề ngoài ấy của quyền uy thay thế cho năng lực thực sự cùng những phẩm tính của nó. Nhà vua – đang sử dụng danh hiệu ấy như một biểu tượng cho loại quyền uy này – có thể ngu xuẩn, tội lỗi, độc ác, tức là hoàn toàn không có năng lực để (to be) một quyền lực, nhưng vẫn có được (to have) quyền lực. Chừng nào hắn ta còn có danh hiệu, hắn vẫn được xem là có các phẩm tính của năng lực. Ngay cả khi nhà vua đang cởi truồng, thì mọi người vẫn tin là nhà vua đang mặc quần áo đẹp. Chuyện này không phải là thứ gì đó tự nhiên xảy ra. Những kẻ sở hữu những biểu tượng ấy của quyền uy và những kẻ được lợi từ chuyện này ắt phải làm cho tư duy phê phán hiện thực của các dân chúng-thần dân bị cùn nhụt, mờ tối đi, để khiến cho họ tin vào chuyện bịa đặt. Bất cứ ai suy nghĩ về chuyện này đều biết những mưu toan của tuyên truyền, những phương pháp làm cho xét đoán phê phán bị phá hủy, dùng cách nào để những lời sáo rỗng ru ngủ khiến cho trí óc bị quy phục, làm sao để dân chúng phải câm nín do bị phụ thuộc và mất đi khả năng tin vào những gì nhìn thấy sờ sờ trước mắt cũng như mất đi khả năng xét đoán. Dân chúng tin vào chuyện bịa đặt nên bị mù trước hiện thực.

3)    Có tri thức (having knowledge) và tri giác (knowing)

Sự khác biệt giữa kiểu mẫu sở hữu và kiểu mẫu hiện hữu trong lĩnh vực tri giác thể hiện qua hai cách diễn đạt: “tôi có tri thức” và “tôi tri giác”. Có tri thức hàm nghĩa chiếm đoạt và sở hữu một tri thức khả hữu; tri giác mang tính chức năng và chỉ là phương tiện trong một quá trình tư duy có hiệu quả.

Theo quan điểm của nhiều nhà hiền triết thì tri giác trong kiểu mẫu hiện hữu khởi sự với việc ý thức được tính trá ngụy của cảm nhận tri giác thông thường đang thịnh hành, tức là ý thức được rằng bức tranh hiện thực vật thể của chúng ta không tương ứng với cái “hiện thực đích thực”, chủ yếu hàm ý rằng đa số mọi người còn chưa ý thức được sự thực: điều mà họ cứ tưởng là chân lý và hiển nhiên, thực ra lại chỉ là ảo giác. Như vậy tri giác bắt đầu bằng việc đập tan ảo giác, rồi xuyên thấu qua bề mặt để đi tới gốc rễ, tức là đi tới những nguyên nhân. Các nhà hiền triết không cho rằng mục đích của tri giác là nhắm tới xác định “chân lý tuyệt đối”, tức là thứ gì đó khiến ta cảm thấy an toàn với nó, họ chỉ xem tri giác như một quá trình tự khẳng định của lý trí con người (the self-affirmation process of human reason). Tri thức tối ưu trong kiểu mẫu hiện hữu là tri giác sâu hơn; còn trong kiểu mẫu sở hữu là có nhiều tri thức hơn nữa.

Fromm nhận xét rằng nói chung nền giáo dục cố huấn luyện con người có được tri thức như một sở hữu. Học viên nhận được một lượng tri thức tối thiểu cần thiết để có thể thực hiện công việc trôi chảy. Nhà trường là những công xưởng sản xuất ra những kiện hàng tri thức tổng thể.

 5) Niềm tin

Trong ý nghĩa tôn giáo, chính trị, hay trong ý nghĩa thông thường, khái niệm niềm tin có hai nghĩa hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc theo nó được sử dụng trong kiểu mẫu sở hữu hay kiểu mẫu hiện hữu.

Niềm tin trong kiểu mẫu sở hữu là sở hữu một lời giải đáp mà không có chứng minh duy lý nào cho nó. Nó bao gồm những diễn đạt do những người khác (thường là bộ máy quan liêu) tạo ra. Nó đem lại cảm nhận chắc chắn do sức mạnh (thực hay ảo) của bộ máy quan liêu. Đây là tấm vé gia nhập vào nhóm đông người. Nó làm giảm nhẹ đi trách nhiệm cá nhân trong tư duy và trong việc đưa ra những quyết định. (Như Đại pháp quan của Dostoevsky trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov làm nhẹ gánh nặng tự do lựa chọn theo lương tâm cho đám đông yếu đuối). Niềm tin trong kiểu mẫu sở hữu tự cho nó là tri thức vững chắc tối hậu, nó là khả tín do sức mạnh của những người truyền bá và bảo hộ nó. Có ai mà lại không lựa chọn sự chắc chắn, nếu chỉ cần giao nộp độc lập của mình là đủ?

Niềm tin trong kiểu mẫu hiện hữu trước hết không phải là niềm tin vào một ý tưởng nhất định, mặc dù cũng có thể là như vậy. Nhưng chủ yếu đó là một định hướng nội tâm, một tâm thế (attitude). Thí dụ như tôi tự tin vào bản thân, tin vào người khác, tin vào nhân loại, tin vào khả năng con người có thể trở nên nhân bản đầy đủ. Niềm tin như thế cũng chứa đựng sự chắc chắn, nhưng đó là sự chắc chắn đặt cơ sở trên trải nghiệm của riêng tôi, chứ không phải phục tùng theo một quyền uy áp đặt cho tôi một niềm tin nhất định. Đây là sự chắc chắn về một sự thật không thể chứng minh được một cách duy lý với bằng chứng rõ ràng, đó vẫn chỉ là sự thật mà tôi cảm thấy chắc chắn do bằng chứng chủ quan qua trải nghiệm của riêng tôi mà thôi.

Đọc thêm

Phần 1: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6310

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)