Sở hữu trí tuệ: Ranh giới giữa những quyền còn – hết

Việc thiếu quan tâm đến cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ xâm phạm quyền của người khác, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Việc gắn nhãn hiệu lên biển hiệu mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là hành vi xâm phạm quyền SHTT. Nguồn: noithatgq.com

Cạn quyền SHTT trong trường hợp nào?

Năm 2017, hàng loạt cửa hàng điện thoại di động, máy tính tại Hà Nội và TP.HCM nhận được thư cảnh báo từ đại diện pháp lý của Apple – tập đoàn công nghệ nổi tiếng với nhiều sản phẩm như điện thoại Iphone. Theo bức thư, các cửa hàng này đều không phải là đơn vị được ủy quyền của Apple để bán hay sửa chữa các sản phẩm của Apple, nên không được phép sử dụng các nhãn hiệu “Apple”, “iPhone” hoặc “logo quả táo khuyết” trên biển hiệu cửa hàng. Trong vòng bảy ngày kể từ khi nhận được thư cảnh báo, họ phải chấm dứt việc sử dụng các nhãn hiệu này trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh (nếu có) – theo yêu cầu của đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam.

Động thái siết chặt việc sử dụng nhãn hiệu của Apple nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ các chủ cửa hàng. Nhiều người cho rằng họ bán hàng chính hãng, có tên cửa hàng riêng, chỉ sử dụng thêm các dấu hiệu kia để thông tin cho khách hàng biết rằng nơi đây bán sản phẩm của hãng nào. Từ trước đến nay, việc sử dụng như vậy phổ biến ở rất nhiều cơ sở kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, không chỉ riêng gì các cửa hàng điện thoại. Chẳng hạn như trên biển hiệu của các cửa hàng điện máy, chúng ta dễ dàng bắt gặp bên cạnh tên cửa hàng ở chính giữa, một loạt nhãn hiệu nổi tiếng như Panasonic, Toshiba, Sony… cũng xuất hiện xung quanh, giúp người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm mang thương hiệu mà cửa hàng này đang phân phối. Việc bán hàng và gắn thêm nhãn hiệu sản phẩm như vậy là đúng hay sai?

Câu hỏi đơn giản này liên quan đến một trong những học thuyết căn bản của sở hữu trí tuệ (SHTT) – thuyết cạn quyền/hết quyền (exhaustion of right). Khi sản phẩm mang quyền SHTT (sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả…) được bán ra thị trường bởi chủ sở hữu quyền SHTT hoặc người được chủ sở hữu quyền SHTT cho phép, chủ thể nắm quyền SHTT không còn quyền kiểm soát việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm. Chẳng hạn một công ty sở hữu sáng chế về một loại thuốc mới sẽ có quyền cấm các bên khác sản xuất và bán loại thuốc này, nhưng không thể cấm khách hàng đã mua loại thuốc này từ công ty sở hữu bằng sáng chế và bán lại cho một bên khác.

Dù có vẻ xa lạ và khó hiểu với hầu hết mọi người song thực tế, khái niệm hết quyền SHTT liên quan đến nhiều hoạt động mua bán, trao đổi đang diễn ra xung quanh chúng ta. Cơ chế hết quyền SHTT nhằm đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu quyền SHTT, đồng thời vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. “Nếu không công nhận rằng quyền SHTT sẽ hết ngay sau khi sản phẩm mang quyền SHTT được bán đi hợp pháp thì những người đã mua một sản phẩm nào đó, ví dụ ô tô Porsche, bộ truyện Harry Potter, đều phải xin phép nhà sản xuất và tác giả bộ truyện khi họ muốn bán sản phẩm này cho người khác”, luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty SHTT Bross & Partners, giải thích trong một bài viết trên Lexology.

Để tránh tình cảnh éo le này, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam đã sớm áp dụng nguyên tắc hết quyền SHTT. Nội dung về hết quyền SHTT có thể được quy định cụ thể trong các văn bản luật hoặc theo án lệ. Ở Việt Nam, nguyên tắc này đã được thể hiện trong Luật SHTT cũng như nhiều văn bản trước khi Luật SHTT ra đời, áp dụng cho các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…). Cụ thể, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện các hoạt động lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài.

Sự gắn liền giữa quyền SHTT với sản phẩm khiến nhiều người đôi khi nhầm lẫn ranh giới giữa những quyền còn – hết. Ở đây, chủ sở hữu chỉ hết quyền chi phối hoạt động mua bán và sử dụng sản phẩm sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Những quyền SHTT còn lại, bao gồm sử dụng và chuyển giao nhãn hiệu vẫn thuộc về chủ sở hữu. Chẳng hạn, khi mua điện thoại Iphone chính hãng của Apple, người mua hoàn toàn có quyền bán lại cho người khác mà không cần sự cho phép của Apple. Tuy nhiên, họ không có quyền gắn các dấu hiệu như “logo quả táo khuyết”, nhãn hiệu “Iphone”, “Apple” trên biển hiệu, bởi đây là quyền sử dụng nhãn hiệu thuộc về chủ sở hữu, không nằm trong các hoạt động “lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm” như quy định trong Luật SHTT về nguyên tắc hết quyền.

Ngoài việc gắn lên biển hiệu truyền thống, hành vi sử dụng nhãn hiệu cũng “biến hóa” đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu không chú ý, doanh nghiệp bán hàng chính hãng nhưng vẫn có thể xâm phạm quyền SHTT. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty Muscle Up ở Việt Nam chuyên bán các loại thực phẩm bổ sung dành cho người tập thể hình, thể thao, bao gồm sản phẩm mang nhãn hiệu “Rule 1 Proteins” của Công ty Rule One Proteins (Hoa Kỳ). Mặc dù bán sản phẩm chính hãng, Công ty Muscle Up vẫn bị coi là xâm phạm quyền SHTT của Rule One Proteins do sử dụng hình ảnh, nhãn hiệu sản phẩm để quảng cáo trên các website, facebook của Công ty Muscle Up.

“Bạn chụp ảnh, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên website, facebook và các trang mạng xã hội khác với lập luận rằng tôi đang bán hàng chính hãng, lẽ ra khi tôi bán được nhiều, chủ nhãn hiệu càng có lợi, đúng ra là phải cảm ơn tôi không hết, hoặc tôi mua sản phẩm về kinh doanh, không cho tôi quảng cáo thì tôi bán làm sao? Hầu hết các chủ thể kinh doanh, do thiếu hiểu biết đều lý luận như vậy”, luật sư Nguyễn Vũ Quân ở Kenfox IP & Law – đơn vị được Rule One Proteins ủy quyền trong vụ việc trên, chia sẻ. “Cách tư duy như vậy hoàn toàn có thể đặt doanh nghiệp vào những rủi ro pháp lý. Một sản phẩm có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người bán, nếu ai cũng làm như vậy thì chủ nhãn hiệu không còn khả năng kiểm soát hình ảnh, giá trị cho nhãn hiệu mà họ đã xây dựng. Nghiêm trọng hơn, người tiêu dùng nhầm tưởng rằng bạn đã được chủ nhãn hiệu cho phép sử dụng nhãn hiệu của họ, hay là nhà phân phối chính thức của họ. Điều này trước hết làm mất độc quyền sử dụng, định đoạt nhãn hiệu của họ. Xa hơn, nó gây ra tình trạng hỗn loạn, sử dụng nhãn hiệu một cách tự do, tràn lan, không kiểm soát, tác động tiêu cực đến uy tín của nhãn hiệu và chủ thể quyền. Một quy tắc bất biến là, khi bạn muốn sử dụng quyền SHTT nói chung hay nhãn hiệu nói riêng, để tránh bị cáo buộc vi phạm, bạn nên xin phép chủ thể quyền SHTT”.

Khi nào được “mua đi, bán lại”?

Sự tồn tại của hết quyền SHTT dẫn đến sự xuất hiện của hoạt động nhập khẩu song song. Chẳng hạn, Apple đang phân phối sản phẩm điện thoại Iphone ở nhiều quốc gia trên thế giới với các mức giá khác nhau, trong đó giá bán ở Úc rẻ hơn ở Brazil. Do vậy, người nhập khẩu ở Brazil có thể mua sản phẩm Iphone từ Úc về để bán lại ở Brazil với giá bán rẻ hơn so với giá bán chính thức của Apple tại thị trường này. Thị trường cùng lúc xuất hiện sản phẩm chính hiệu được phân phối bởi cả hai kênh thương mại song song như vậy còn gọi là thị trường xám (market grey).

Không phải lúc nào chúng ta cũng được phép nhập khẩu sản phẩm để“mua đi, bán lại” mà phải căn cứ theo cơ chế hết quyền ở từng nơi. Bởi lẽ, mỗi quốc gia có thể áp dụng cơ chế hết quyền theo phạm vi khác nhau. Ở những nước nhập khẩu áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia, hoạt động nhập khẩu song song không được công nhận, vì chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ hết quyền trong phạm vi lãnh thổ nước này. Ở cấp độ khu vực, nhập khẩu song song chỉ được thừa nhận trong phạm vi khu vực. Khi nước nhập khẩu áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế, hoạt động nhập khẩu song song được thừa nhận vì chủ thể nắm giữ quyền SHTT sẽ hết quyền kiểm soát việc lưu thông và khai thác thương mại sản phẩm trên toàn thế giới. Việc lựa chọn cơ chế hết quyền thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, “giá thuốc cao và khó khăn trong tiếp cận với thuốc là tình trạng đặc thù ở các nước đang phát triển nói chung”, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Chánh thanh tra Bộ KH&CN, phân tích trong một bài viết trên Tạp chí KH&CN Việt Nam. “Bởi vậy, các nước đang phát triển thường coi nhập khẩu song song là công cụ hữu hiệu nhằm giảm giá thuốc và tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, hoạt động nhập khẩu song song đang diễn ra trên mọi lĩnh vực ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Nhưng nếu không chú ý, doanh nghiệp thực hiện hoạt động nhập khẩu song song rất dễ “bước nhầm” sang buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Bởi lẽ, sản phẩm được nhập khẩu song song dựa trên nguyên tắc hết quyền SHTT phải là sản phẩm do chủ sở hữu quyền hoặc người được ủy quyền đưa ra thị trường. Nếu không chứng minh được điều này, doanh nghiệp sẽ bị coi là bán hàng giả mạo nhãn hiệu.

Những trường hợp “lỡ bước” như vậy không phải là hiếm. Chẳng hạn trường hợp của Công ty Chí Đức ở Việt Nam vào năm 2007, đã nhập khẩu lô hàng bộ nhớ RAM mang nhãn hiệu “Kingmax” từ Hồng Kông vào Việt Nam. Sản phẩm này do Công ty Kingmax Semiconductor (Đài Loan) sản xuất, đã được bán ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu. Bên cạnh Công ty Chí Đức, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu và bán sản phẩm này. Trong đó, Công ty Viễn Sơn (Việt Nam) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Kingmax” cho sản phẩm bộ nhớ máy vi tính. Trên cơ sở này, Công ty Viễn Sơn đã gửi công văn đề nghị Cục Hải quan TP.HCM tạm dừng thủ tục thông quan đối với lô hàng của Công ty Chí Đức với lý do là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “Kingmax”. Để không bị coi là nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu, Công ty Chí Đức phải chứng minh được lô hàng của mình đã được chủ sở hữu/người được chủ sở hữu ủy quyền cho phép đưa ra thị trường. Như vậy, lô hàng này sẽ được coi là hàng nhập khẩu song song và được công nhận hợp pháp. Nhưng kết quả không thành công, Công ty Chí Đức đã bị xử phạt hành chính về hành vi nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu.

Việc quan tâm nhiều hơn đến yếu tố SHTT khi nhập khẩu hàng hóa là điều cần thiết để doanh nghiệp tránh khỏi những tình huống tương tự. “Đối với nhãn hiệu, nhà nhập khẩu phải chứng minh hàng hóa được nhập khẩu là hàng hóa được đưa ra thị trường bởi chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép. Tức là, hết quyền đối với nhãn hiệu đã xảy ra và chủ sở hữu nhãn hiệu không còn quyền kiểm soát các giao dịch liên quan đến hàng hóa mang nhãn hiệu nữa. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh thành công, hàng hóa được coi là hàng nhập khẩu song song và được công nhận hợp pháp. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng giả mạo về nhãn hiệu”, TS. Nguyễn Như Quỳnh phân tích. “Khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu ít quan tâm đến yếu tố SHTT mà quan tâm nhiều hơn đến bản thân hàng hoá nhập khẩu. Do đó, trong nhiều trường hợp, xác định chủ sở hữu nhãn hiệu và người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thực sự là gánh nặng đối với nhà nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, hàng hoá có thể đi qua nhiều quốc gia với nhiều nhà kinh doanh khác nhau trước khi đến với người tiêu dùng”.

Bài đăng KH&PT số 1326 (số 2/2025)

Tác giả

(Visited 48 times, 48 visits today)