Sợ sai số dẫn đến sai lầm

Bão Chanchu chính thức hình thành ở Thái Bình Dương từ ngày 8/5, nó băng qua quần đảo Philipines và thẳng tiến vào lục địa theo hướng Tây Bắc. Cho đến ngày 12/5, khi Đài khí tượng Hong Kong (ĐKTHK) và các trung tâm dự báo trên thế giới đã bắt đầu "vạch mặt" được "âm mưu" của nó, cơn bão sẽ có khả năng chuyển lên hướng Bắc.


Họ đã lập tức phát đi các bản tin cảnh báo về nguy cơ này. Cho đến 20h ngày 13/5, một lần nữa ĐKTHK và các trung tâm dự báo khác trong khu vực lại xác nhận thêm rằng “con quái vật Chanchu” sẽ có nhiều khả năng ngoặt lên hướng Bắc và tấn công vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và Đài Loan. Trên thực tế thì đến ngày 15/5 cơn bão mới thực sự đổi sang hướng Bắc theo dự đoán. Thật may cho người dân Trung Quốc, họ đã có ít nhất hai ngày để chuẩn bị tinh thần đối phó với sự quỷ quyệt của quái vật Chanchu. Tuy nhiên, dự báo của ĐKTHK và của thế giới được coi là “dự báo xa”, theo các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam (tạm viết tắt là TDKTVN), “dự báo xa” (từ 48h đến 72h) như thế sẽ kém chính xác, sai số lớn, và như vậy “không những không có hiệu quả trong phòng chống mà có thể còn gây thiệt hại nhiều hơn”. Nếu đúng như vậy thì quả là ĐKTHK “liều lĩnh” thật! Dự báo của họ sớm tận ba ngày, và theo các chuyên gia của TDKTVN thì đối với dự báo như vậy, sai số tâm bão sẽ là 400km – 450km. Tại sao các trung tâm dự báo có uy tín trên thế giới lại chấp nhận được sai số lớn đến như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, có lẽ họ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với tính mạng người dân nên nếu có bất cứ nguy cơ nào họ cũng đều nỗ lực để cảnh báo kịp thời. TDKTVN đưa ra thông báo (“thông báo” khác với “dự báo”) về sự đổi sang hướng Bắc đột ngột của bão Chanchu, “dự báo gần” như thế đảm bảo được sai số nhỏ nhưng ngư dân Việt Nam thì trở tay không kịp. Giá như những ngư dân Việt Nam được báo trước ba ngày thì các tàu của họ có khi đã chạy tránh bão được quãng xa vào cỡ sai số 400km-450km rồi.        
Đối với những hoạt động mang tính trách nhiệm lớn đối với cộng đồng, tất nhiên sự chính xác và nghiêm túc phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng trong việc dự báo bão thì sự chính xác và nghiêm túc ấy có mục tiêu cuối cùng là gì? Thành tích dự báo chính xác hay bảo vệ tính mạng và tài sản con người?      
Bão cũng như phần lớn những hiện tượng thời tiết khác đều có bản chất là thất thường vì hành tung của chúng chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Một cơn bão dù đã bảy ngày trời chỉ có di chuyển theo hướng Tây Bắc không có nghĩa rằng sang ngày thứ tám nó vẫn di chuyển theo hướng ấy mà không thể đổi sang hướng Bắc. Một trong những cái khó của dự báo bão có lẽ là ở chỗ, cần phải thoát khỏi sức ì của sự trực quan cũng như sự áp đặt của niềm tin đơn giản vào một hiện tượng thời tiết quá ư là phức tạp và nguy hiểm này.   
Chống chọi với các thảm họa thiên nhiên vốn là cuộc chiến đấu lâu dài và đầy đau khổ của con người. Khi nền văn minh phát triển cao, khả năng chiến đấu của con người tăng lên. Nhưng còn một yếu tố mà thiếu nó thì mọi sự áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật đều gần như trở nên vô nghĩa. Yếu tố đó là tính cộng đồng, là trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau, là tinh thần đặt đồng loại của mình lên trên hết. Tính cộng đồng nói chung và trong phòng chống thiên tai nói riêng nhất thiết cần phải được giáo dục một cách tự nhiên và căn bản từ phổ thông. Bởi vì, nếu không được như vậy, tính cộng đồng chỉ có thể bộc phát qua một nhóm người trực tiếp phải đương đầu với đau thương mất mát, còn đối với những người đang ăn no mặc ấm khác, họ chỉ có thể cảm nhận và hành động một cách phong trào mà thôi.   


P.V

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)