Sống cùng AI

Thế giới đang chứng kiến cuộc đua phát triển AI từ các đại gia công nghệ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Câu hỏi lớn đó là xã hội con người sẽ ra sao trong thời gian sắp tới? Hỏi để biết, để có ý thức chuẩn bị ứng phó như thế nào.

Trong bài viết này chúng tôi nêu một số khía cạnh có khả năng đem lại một số thử thách trong phát triển xã hội từ việc AI được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Những khía cạnh này giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn vào vấn đề để có thể đưa ra giải pháp toàn diện hơn. 

Đối với các nhà khoa học thì mục tiêu duy nhất của phát triển khoa học và công nghệ là để cải thiện cuộc sống của con người. Do đó qua mỗi cuộc cách mạng công nghệ thì nhiều công việc nặng nhọc hay những công việc lặp lại không có nhiều giá trị sẽ được thay thế bởi công nghệ mới và nhiều công việc làm mới được tạo ra. Thí dụ khi máy tính cá nhân ra đời vào khoảng cuối thập niên 1970 thì khá nhiều công việc tính toán bằng tay được máy tính thay thế. Nhiều người đã lo ngại không biết một số lớn người lao động sẽ làm gì? Nhưng sau đó ngành như công nghệ thông tin phát triển phần mềm, khoa học máy tính và công việc lắp ráp/sửa chữa máy tính bùng nổ từ đó, tạo nên những giá trị tài sản mới, nhu cầu xã hội mới, công việc mới. Giá trị và chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao với phát triển khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, xã hội đang đối mặt với các thách thức do tốc độ phát triển cấp lũy thừa của công nghệ, đặc biệt là AI, mang lại. Điều này diễn ra nhanh chóng hơn nhiều so với khả năng thích ứng và cải tiến của các tổ chức và quốc gia. Theo Định luật Martec, những bất cập này ngày càng trở nên rõ ràng, đồng thời tạo ra cơ hội và thách thức đối với mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia, quyết định đến tương lai của họ.

Ý thức thay đổi của xã hội rất chậm so với phát triển của công nghệ khoa học kỹ thuật. Xã hội nào có thể thay đổi nhanh sẽ có lợi thế tăng năng suất lao động nhanh, quyết định vị thế cạnh tranh của quốc gia.

Nếu Artificial Intelligence (A.I.) như được hiểu thông thường hiện nay, thì nên hiểu Intelligence là thông minh, là khả năng thu thập, tích hợp và phân tích thành kiến thức để có cách (how) xử lý những bài toán của cuộc sống tinh và nhanh hơn khả năng thông minh bình thường của con người. Con người đang cho phép cái máy, con AI thông minh hơn con người như một phương tiện cho một cuộc sống văn minh hơn. Nhưng cái máy AI hiện tại chưa có ‘Trí tuệ’ (wisdom) và con người cũng không muốn mất chủ quyền “trí tuệ” (wisdom) và phải muốn giữ quyền quyết định nên làm gì và tại sao (what & why) vì có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống cần phải có thấu cảm với bối cảnh cũng như có những điều kiện (consideration) về luân lý, đạo đức, văn hóa xã hội đặc thù cho từng tình huống không thể đổ đồng trách nhiệm cho máy.

Phải có định nghĩa này để thấy máy đã thông minh hơn con người từ 1997 khi máy tính IBM Deep Blue đánh thắng Vô địch thế giới cờ vua Garry Kasparov, nhưng vì con người vẫn còn làm chủ “trí tuệ”, khả năng biết mình muốn gì và tại sao, cho nên con người vẫn còn làm chủ, có thể ra lệnh máy. Máy chỉ là một công cụ, phương tiện ngày càng tinh vi lợi hại hơn thôi. Câu hỏi ở đây là con người phải dùng trí tuệ để phân tích cái lợi và cái hại của công cụ này ở đâu và con người tìm điểm tối ưu trong việc sử dụng nó như thế nào. Không sớm chủ động thì sẽ bị động, tớ sẽ lấn sân chủ, chủ sẽ thành tớ.

Hai lĩnh vực trong hệ thống xã hội cần được đặc biệt quan tâm

Vấn đề giáo dục

Cho đến nay hầu như tất cả phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội đều dựa vào kiến thức, khả năng xử lý thông tin cũng như giải quyết vấn đề của con người. Do đó tất cả các hệ thống giáo dục trên thế giới đều đặt trọng tâm vào phát triển kiến thức cũng như kỹ năng ứng dụng kiến thức để chuyển giao cho thế hệ trẻ. Chỉ có một số chương trình đặt trọng tâm vào việc phát triển trí tuệ để biết cách đặt vấn đề và tại sao (why) phải chọn cách giải quyết tình huống ra sao (how). Đánh giá năng lực học tập cũng như năng lực của một ứng viên lao động xưa nay đều tập trung chính vào kiến thức và khả năng ứng dụng kiến thức chuyên môn đó, do thế hệ đi trước chuyển giao.

Khi AI có lượng kiến thức gấp nhiều lần và khả năng xử lý thông tin nhanh gấp nhiều lần so với con người thì trọng tâm đào tạo kiến thức của các hệ thống giáo dục không còn giá trị như trước nữa.

Khi AI có lượng kiến thức gấp nhiều lần và khả năng xử lý thông tin nhanh gấp nhiều lần so với con người thì trọng tâm đào tạo kiến thức của các hệ thống giáo dục không còn giá trị như trước nữa. Vậy hệ thống giáo dục cần thay đổi trọng tâm đào tạo để dạy gì và đến trường để làm gì? Đây là một thách thức mà các hệ thống giáo dục trên thế giới đang gặp phải và chưa thấy có giải pháp cụ thể nào đề ra kể cả tại những đại học hàng đầu ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ.

Vấn đề con người xã hội

Áp lực của nền kinh tế thời hậu Covid-19 dẫn đến các doanh nghiệp tăng tốc ứng dụng các công cụ tự động hóa và AI vào trong hoạt động phát triển sản phẩm cũng như điều hành nhằm tối ưu hiệu quả và hiệu suất kinh doanh. Điều này dẫn đến một lượng lớn lao động sẽ mất việc. Điều này đang xảy ra trên toàn thế giới. Ở các nước tiên tiến thì nhiều công việc trong các ngành có thu nhập cao đang dần được thay thế hay tối ưu hóa bởi AI như CNTT, y tế, luật, hành chính, kiểm toán v.v. Trong những tháng cuối năm 2023, bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (“Big 4”) đã cho nghỉ việc hơn 300 ngàn nhân viên chuyên nghiệp. Đây là những công ty có tiếng chỉ tuyển thành phần xuất sắc nhất của cho công việc suốt đời! Trong khi đó ở các nước đang phát triển thì các công việc không đòi hỏi chuyên môn cao có quy trình rõ ràng cũng như các công việc có thể tự động hóa đang dần được thay thế bởi AI. Công ty Samsung thậm chí đóng cửa cả nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh vì các sản phẩm này nay có thể được sản xuất tại Hàn Quốc với người máy và quy trình tự động hóa tiên tiến với giá thành cạnh tranh, không cần lao động giá rẻ tại Việt Nam nữa.

Việt Nam đang ở đâu?

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng cao có thể dùng AI để đổi đời. Bao nhiêu năm kinh tế phần lượng của Việt Nam đã tăng trưởng khá nhanh. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn gấp đôi trong mỗi 10 năm. Nhưng năng suất lao động của Việt Nam không tăng bao nhiêu. Thống kê trong năm 2022 cho thấy năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn ở mức 135/180 nước khảo sát, nằm trong 1/4 cuối bảng. Nghĩa là giá trị gia tăng của kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không được bao nhiêu và vẫn còn đang nhập hầu hết các thiết bị nguyên liệu đầu vào. Chúng ta chủ yếu vẫn còn đang dùng cơ bắp để kiếm sống với rất ít hàm lượng thông minh, sáng tạo. Điểm sáng là Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao trong lĩnh vực chuyển đổi số và có tỷ lệ dân số trẻ vẫn còn khá lớn có khả năng hội nhập tốt vào thế giới số. Đây là cơ hội hiếm có đổi đời cho kinh tế Việt Nam trong một thời gian ngắn để đi từ đáy 1/4 lên top 1/4 trên bảng xếp hạng năng suất lao động thế giới.

Với ba yếu tố trên, chúng tôi nêu một số thách thức mà chúng ta đang đối diện từ AI.

1. Ứng dụng AI sẽ tối ưu giá trị kinh tế cho doanh nghiệp trong đó có phần tối giản chi phí nhân sự. Lợi ích kinh tế tập trung phần lớn ở chủ doanh nghiệp trong khi đó lượng nhân viên mất việc trở thành gánh nặng của xã hội. Khi lượng người thất nghiệp đủ lớn sẽ gây ra bất ổn an ninh xã hội. Đào tạo đội ngũ này để tái gia nhập thị trường lao động cũng như cho những việc làm mới do công nghệ AI mang lại đòi hỏi thời gian và ngân sách cũng như chính sách an sinh xã hội của chính phủ. Một số nước đang tham khảo khả năng xây dựng chính sách thuế mới cho sử dụng AI trong doanh nghiệp và chính sách thu nhập cơ bản không điều kiện.    

2. Khi ranh giới giữa người và máy càng ngắn thì bản chất của quan hệ xã hội và cách chúng ta tương tác với nhau càng trở nên quan trọng. Từ khi có điện thoại thông minh, chúng ta chứng kiến thời gian con người dùng điện thoại tăng đáng kể và điều này ảnh hưởng đến chất lượng tương tác giữa con người và con người. Khi AI với robot có khả năng đọc, nghe, hiểu và nói ngôn ngữ con người làm tương tác giữa người và máy ngày càng hiệu quả. Điều này sẽ thay đổi hành vi và thói quen của con người và chi phối thời gian và chất lượng tương tác giữa con người. Giáo dục trí tuệ cảm xúc (EQ Emotional Quotient) ngày càng trở nên quan trọng.  

AI và robot sẽ tối ưu giá trị của con người, tối ưu giá trị kinh tế của tổ chức kinh doanh nhưng chỉ cho những ai, tổ chức hay quốc gia có khả năng tiếp cận công nghệ ấy.

3. AI và robot đang phá vỡ triết lý và trọng tâm đào tạo của các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Khi AI mở ra kỷ nguyên mới cho cá nhân hóa đào tạo, đào tạo liên tục và học tập suốt đời cho mỗi người trên toàn cầu mọi lúc, mọi nơi và trên hầu hết mọi khía cạnh chuyên môn ngoài thực nghiệm. Với thực nghiệm thì công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường phối hợp với AI có thể cho con người trải nghiệm thực nghiệm càng giống thật. Vậy vai trò của nhà trường nên như thế nào? Học sinh và sinh viên có những hoạt động tập trung ở trường với mục tiêu gì? Chắc chắn học sinh và sinh viên sẽ không ngồi nghe và chép kiến thức từ thầy cô trên bục giảng vì dạy những kiến thức này thì AI có thể đảm nhận phần lớn rồi. 

Điều này dẫn đến câu hỏi thầy cô sẽ dạy gì trong lớp hay nói một cách khác hơn vai trò của thầy cô lúc bấy giờ như thế nào? Vì AI có thể đảm nhận một số công tác giảng dạy, vậy học sinh sinh viên học gì với ai và như thế nào? Xưa vì lượng kiến thức chuyên môn khá nhiều nên mới phân chia ra ngành nghề để tiện cho việc đào tạo và tuyển dụng. Thế cấu trúc chương trình đào tạo ngành nghề sẽ như thế nào trong kỷ nguyên cá nhân hóa đào tạo khi mỗi một sinh viên có thể thiết kế chương trình đào tạo riêng dựa theo sở thích và nhu cầu của riêng mình.

4. Khi AI được tích hợp vào tất cả các công cụ sử dụng trong cuộc sống thì không thể nào ngăn cấm học sinh sinh viên sử dụng các công cụ AI trong việc học tập. AI có thể tối ưu giá trị con người bằng cách tối ưu quá trình phát triển cá nhân nhưng nếu sử dụng không đúng như vi phạm liêm chính hay đạo đức học thuật thì nó có thể triệt tiêu và có khả năng phá vỡ giá trị con người. Vậy trách nhiệm cá nhân của mỗi con người trong thời đại AI nằm ở đâu? Lúc bấy giờ giá trị cốt lõi của tự trọng, tự lập và tự giác ngày càng trở nên quan trọng. Thêm nữa, các mô hình ngôn ngữ lớn sử dụng bởi các công cụ AI phổ biến có khả năng đưa ra những thông tin không xác thực nhưng rất thuyết phục. Điều này dễ dẫn đến việc con người dần mất khả năng phản biện khi tin tưởng vào những thông tin được phản hồi bởi AI một cách tuyệt đối mà không kiểm chứng.  

5. AI và robot sẽ tối ưu giá trị của con người, tối ưu giá trị kinh tế của tổ chức kinh doanh nhưng chỉ cho những ai, tổ chức hay quốc gia có khả năng tiếp cận công nghệ ấy. Điều này có khả năng mang lại bất bình đẳng giáo dục cho nhiều địa phương không có hạ tầng cơ sở để tiếp cận và nguy cơ phân cấp xã hội ngày càng cao.  

Hướng đến tương lai

Trong bối cảnh AI ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chúng ta cần xác định rõ ràng cả cơ hội và thách thức mà nó mang lại. Đối với Việt Nam, việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ AI một cách hiệu quả sẽ quyết định đến tương lai phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Chúng ta cần:

– Nâng cao nhận thức và đào tạo: Phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo để trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về AI cho lực lượng lao động, chuẩn bị cho sự chuyển mình trong thị trường việc làm.

– Chính sách hỗ trợ: Xây dựng chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ cho các doanh nghiệp và cá nhân trong việc ứng dụng và phát triển AI, bao gồm chính sách thuế, tài chính và hợp tác quốc tế.
– Chú trọng đến đạo đức AI: Đặt vấn đề đạo đức nhất là trong giáo dục và an ninh thông tin trong ứng dụng AI lên hàng đầu, đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người dùng.

– Hợp tác quốc tế: Mở rộng hợp tác quốc tế để cập nhật công nghệ, nghiên cứu và phát triển, cũng như chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về AI.

Bằng cách nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức một cách chủ động, Việt Nam có thể tận dụng được lợi ích to lớn từ AI, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng xứng tầm trong khu vực.□


Về các tác giả:

Giáo sư Trương Nguyện Thành, giáo sư Đại học Utah
Chuyên gia Kinh tế Trần Sĩ Chương

Đọc thêm:
12 khía cạnh của nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa -Phần 1
12 khía cạnh của nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa – Phần 2
Giáo dục trong kỷ nguyên của bất định

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)