12 khía cạnh của nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa (Phần 2)

Tiếp theo kỳ trước, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tiếp tục phân tích các khía cạnh của nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa (kinh tế AI) cùng các gợi ý về chiến lược phát triển, khả năng bắt nhịp xu hướng cũng như các thách thức đối với Việt Nam.

Tranh minh họa: Harvard Business Review.

7. Hợp tác

Từ cấp độ địa phương cho đến cấp độ toàn cầu, muốn phát triển tốt thì cần xây dựng hay tham dự vào các mạng lưới, tức là các hệ sinh thái tương trợ nhau giữa các nút của nó. Trí tuệ của mạng lưới (“trí tuệ tập thể”) lớn hơn nhiều so với trí tuệ của từng nút (“trí tuệ cá thể”), các cơ hội và nguồn lực cũng dồi dào hơn, dễ nâng đỡ nhau phát triển hơn nhiều so với các nút đứng riêng lẻ. Người ta có nói những câu như là “muốn thành tỷ phú phải có mạng lưới to”, “mạng lưới chính là công ty (kiểu mới)”. Nhờ vào các mạng lưới, ta chẳng hạn có thể ngồi ở Việt Nam mà điều hành một công ty ở Singapore có vốn từ Mỹ bán hàng sang Đức, v.v., rất nhiều cơ hội mới mở ra so với nếu chỉ bó hẹp ở mức một địa phương hay một đất nước.
Một công ty như Linkedin với vốn hóa đến 30 tỷ USD là một ví dụ về giá trị của các mạng lưới nghề nghiệp trên internet. Internet đã và sẽ rất có ích cho chúng ta trong việc tìm kiếm các đối tác thích hợp trên khắp thế giới, xây dựng một mạng lưới hợp tác, tạo một hệ sinh thái cho chúng ta. Cùng với sự hỗ trợ của AI, việc tìm kiếm tạo dựng mạng lưới sẽ còn thuận tiện hơn nữa, và ắt hẳn sẽ có các công ty chuyên về phát triển AI nhằm trợ giúp các cá nhân và tổ chức phát triển mạng lưới.

Công cụ là một chuyện, nhưng để thực sự có được một mạng lưới chấp nhận và tin tưởng ta, ta cần xây dựng uy tín của mình. Xây dựng uy tín là cả một quá trình lâu dài. Ngoài ra, ta cần biết được đâu là điểm mạnh điểm yếu của mình, thì mới dễ hợp tác thành công các bên cùng có lợi.
Bất kể là cá nhân hay tổ chức nào cũng đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Chúng có thể liên quan đến mọi thứ, ví dụ như khả năng kỹ thuật của ta, cơ chế của ta, hoàn cảnh của ta. Những điểm mạnh sẽ là những hướng mà ta dễ tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, dễ đem bán cho người khác, còn những điểm yếu là những điểm mà ta cần cải thiện và cần sự giúp đỡ của người khác, và đó chính là cơ sở trong cạnh tranh và hợp tác.
Đâu là những điểm mạnh điểm yếu của Việt Nam? Những gì Việt Nam có lợi thế cho xuất khẩu, và những gì cần nhập khẩu và cải thiện, trong thời đại AI? Điều này cần có các chuyên gia, các nhà quản lý phân tích, ở đây tôi chỉ xin đưa ra vài ý tưởng:

Giá thành lao động tương đối rẻ (kể cả trong lĩnh vực AI) là một điểm mạnh, tỷ lệ người trẻ nhiều là một điểm mạnh, nhưng trình độ và ý thức trong công việc nói chung chưa cao, là một điểm yếu của Việt Nam.

Giá thành lao động tương đối rẻ (kể cả trong lĩnh vực AI) là một điểm mạnh, tỷ lệ người trẻ nhiều là một điểm mạnh, nhưng trình độ và ý thức trong công việc nói chung chưa cao, là một điểm yếu. Việt Nam hiện có thế mạnh trong những khâu trong dây truyền AI mà đòi hỏi nhiều nhân lực, đòi hỏi sáng tạo ở mức vừa phải, ít đòi hỏi tư duy trừu tượng và hệ thống và sáng chế ở mức cao cấp. Ví dụ như việc xử lý dán nhãn dữ liệu, hay việc tạo các ứng dụng cụ thể dựa trên các công cụ nền tảng AI đã được phát triển.

Những gì liên quan đến Việt Nam hóa, phục vụ cho thị trường Việt Nam, thì nói chung công ty nào, dù là trong nước hay ngoài nước, cũng sẽ cần đến người Việt. Quan hệ tốt với mọi nước trên thế giới, thái độ trung lập là điểm thuận lợi để thu hút đầu tư và đẩy mạnh thương mại. Thị trường Việt Nam cũng đủ lớn để làm nơi thử nghiệm cho nhiều sản phẩm trước khi mang ra quốc tế.

8. Tài nguyên

AI có thể làm tăng trưởng nhiều thứ, nhưng có một thứ nó không làm tăng trưởng được, đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn của thế giới. Cũng bởi vậy tỷ trọng của AI trong việc tăng trưởng các ngành điện nước (tiếng Anh gọi là utilities) được dự kiến là thấp nhất trong các ngành kinh tế, ở mức dưới 10% vào năm 2030.

Khi AI càng nhiều lên thì giá thành của các công cụ AI sẽ càng rẻ đi, nhưng điện nước hay thực phẩm sẽ không rẻ đi, chúng vẫn luôn chiếm tỷ trọng nhất định trong nền kinh tế. Những nước có đất đai rộng, nhiều tài nguyên thiên nhiên như là Nga hay Canada, bản thân nguồn tài nguyên đó khiến họ giàu có, có lợi thế lớn trong thời đại AI, trong khi vị thế quốc tế của những nước như Nhật Bản với ít tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị giảm.

Giá thành lao động tương đối rẻ kể cả trong lĩnh vực AI là lợi thế của Việt Nam. Nguồn: thanhnien.vn

Kinh tế về cơ bản là biến năng lượng thành các thứ khác (nói theo lời của một chuyên gia kinh tế). Thiếu năng lượng thì mọi thứ long đong. Châu Âu của năm 2023 là một ví dụ về chuyện đó, khi mà giá năng lượng tăng vọt khiến nhiều công ty lụi bại. Thậm chí năng suất lao động ở Pháp hiện tại bị thấp đi so với 5-7 năm trước.
Việt Nam đất chật người đông, tài nguyên thiên nhiên tính theo đầu người khá khiêm tốn so với thế giới, bởi vậy để có thể phát triển bền vững trong thời đại AI thì cần quan tâm bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, các quy trình xử lý và tái sử dụng nước, v.v. Tất nhiên, AI sẽ có vai trò quan trọng trong những việc này. Ví dụ như mạng lưới điện thông minh, với rất nhiều nguồn điện tái tạo phi tập trung khác nhau từ các hộ dân và các công ty, sẽ giúp mọi người sản xuất, tích trữ và mua bán điện với nhau để có đủ điện dùng với chi phí thấp nhất.

9. Toán học

AI chính là các thuật toán, mà nói đến thuật toán tức là nói đến toán học. Không chỉ là toán ở mức độ phổ thông, mà là toán cao cấp, hiện đại, ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Từ logic toán học, giải tích, đại số tuyến tính, xác suất thống kê, cho đến giải tích hàm, toán tử vi tích phân, hình học vi phân, đại số đồng điều, quá trình ngẫu nhiên, tối ưu hóa, v.v.

Việt Nam đất chật người đông, tài nguyên thiên nhiên tính theo đầu người khá khiêm tốn so với thế giới, bởi vậy để có thể phát triển bền vững trong thời đại AI thì cần quan tâm bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, các quy trình xử lý và tái sử dụng nước, v.v.

Vai trò của toán học trong nền kinh tế ngày càng quan trọng, và trong thời đại AI nó sẽ lại càng ngày càng quan trọng thêm. Ở Pháp, người ta tính rằng vào năm 2015 toán học ảnh hưởng trực tiếp tới 15% tổng sản lượng quốc nội1, và đến năm 2022 con số này đã tăng lên thành 18%2. Người ta rất lo ngại khi nhận thấy toán học ngày càng quan trọng lên như vậy, nhưng lượng giáo viên toán ở Pháp ngày càng giảm vì nghề đó thiếu hấp dẫn, và học sinh ngày càng kém đi về toán!

Những người có khả năng suy luận logic tốt, có nền tảng toán học tốt, hiểu biết nhiều về các cấu trúc toán học, sẽ rất thuận lợi khi tham dự vào lĩnh vực AI, có khả năng tạo ra các thuật toán AI hay, ra kết quả hay và chính xác. Các công ty cũng rất chú trọng điều này, bởi vì có được thuật toán hay hơn, tốt hơn so với đối thủ là điểm rất quan trọng trong thế cạnh tranh của các công ty công nghệ AI.

Càng ngày nhu cầu hiểu biết về toán học ngày càng tăng, và các khoa toán ở đại học sẽ ngày càng đắt giá, đặc biệt là các chương trình toán học định hướng AI. Bản thân cách dạy và cách học toán cần được cải tiến nhiều, nhằm giúp người học hiểu được đúng bản chất các khái niệm toán học và nhận thấy các ứng dụng của nó, tránh tình trạng học toán thấy vô bổ không dùng được vào việc gì, vì học mà không hiểu thì tất nhiên sẽ không dùng được.

Nói một cách rộng hơn, thì vai trò của hiểu biết về kỹ thuật ngày càng tăng lên trong quan hệ tương đối giữa kỹ thuật và kinh doanh, đặc biệt là trong thời đại AI. Theo những phân tích gần đây3, phần lớn các công ty khởi nghiệp thành công là có người sáng lập là người giỏi về kỹ thuật, thuê người giỏi kinh doanh về làm quản lý công ty cho mình, thay vì ngược lại là người giỏi kinh doanh thuê kỹ sư về tạo sản phẩm cho mình. Bản thân Trung Quốc cũng đã có chính sách coi trọng tài năng kỹ thuật từ lâu, khi mà họ trả lương cho giáo sư đại học cao hơn luật sư, so với ở các nước khác thì ngược lại.

Vai trò của toán học trong nền kinh tế ngày càng quan trọng, và trong thời đại AI nó sẽ lại càng ngày càng quan trọng thêm. Các em học sinh trong ngày hội Toán học mở do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức năm 2020. Nguồn ảnh: VIASM.

10. Quản trị

Dù muốn hay không, trong cuộc sống và công việc, chúng ta phải quản rất nhiều thứ, từ thời gian và sức khỏe của bản thân, cho đến giấy tờ pháp lý, quan hệ khách hàng, nhân sự, tài chính, thuế má, rủi ro, chiến lược, v.v.  Các luật lệ, quy trình quản trị nhiều khi rất phức tạp, rắm rối, thậm chí có khi mâu thuẫn với nhau, dẫn đến chi phí cho quản trị rất là cao.
Không hiếm công ty công nghệ mà số người làm quản trị nhiều hơn số người làm phát triển công nghệ. Cộng đồng châu Âu cho phép các dự án nghiên cứu phát triển do châu Âu tài trợ được cộng thêm 20% vào số tiền chi cho nghiên cứu phát triển; chỗ 20% thêm vào đó là cho quản trị, Nhưng đó là chi phí quản trị ở mức công ty, chưa kể chi phí quản trị ở bản thân Cộng đồng châu Âu, rồi chi phí cho việc thu thuế ở các nước rồi trích nộp cho châu Âu, v.v.

Sự phức tạp, rắm rối trong quản trị cũng là lý do dẫn đến nhiều sai phạm. Kể cả thuê chuyên gia kế toán, luật sư từ ngoài hỗ trợ vẫn sai phạm, vì các chuyên gia đó nhiều khi cũng không rành hết luật lệ.

Ở đâu có vấn đề, ở đó có cơ hội… cho AI. Xu hướng đưa các công cụ AI vào hỗ trợ cho quản trị là xu hướng tất yếu của thời đại, và nó sẽ giúp làm giảm chi phí, tăng hiệu quả quản trị ở các nơi. Thậm chí có công ty còn cho AI vào… hội đồng quản trị.

Những công việc quản trị thường ngày, như là kiểm kê, kế toán, kiểm tra hợp đồng, v.v. phần lớn sẽ có thể giao cho AI xử lý. AI cũng sẽ giúp chúng ta thu thập và xử lý các thông tin “real time”, ví dụ như là các chỉ số kinh tế vĩ mô,  thay vì bị chậm trễ đến mấy tháng như trước đây.

Với sự phát triển của các công cụ AI, các tội phạm thông tin sẽ lại ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Bởi vậy câu hỏi làm sao bảo vệ an toàn thông tin trong thời đại ngày nay là câu hỏi vô cùng quan trọng, và chi phí cho vấn đề này cũng vô cùng lớn, thậm chí còn lớn hơn chi phí cho phát triển AI ở nhiều nơi.

Theo một lý thuyết “chủ tịch khỉ” thì con khỉ chọn lựa các quyết định ngẫu nhiên chưa chắc gì đã tạo kết quả kém hơn một nhà chính trị chuyên nghiệp được bầu làm tổng thống, vì được bầu làm tổng thống nhiều khi là do tranh cử giỏi chứ không có nghĩa là hiểu biết tốt về kinh tế, có chiến lược tốt cho đất nước. Về khoản này, có lẽ AI sẽ học được phân tích chiến lược được tốt hơn các nhà chính trị hay các giám đốc. Điều đó không có nghĩa là AI sẽ thay thế các giám đốc, các chủ tịch, cũng như là AI sẽ không thay thế các bác sĩ, nhưng AI sẽ hỗ trợ cho họ phân tích được tốt hơn, đưa ra được các quyết định đúng đắn hơn.

11. Chuyển đổi

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở mỗi nơi, có những ngành nghề, công nghệ, công ty chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, rồi sau đó giảm dần hay mất hẳn đi, khi có những ngành mới, công nghệ mới, công ty mới xuất hiện.  Ví dụ như máy hơi nước là một “động cơ vĩ đại” của cách mạng công nghiệp trong mấy thế kỷ, nhưng ngày nay nó nằm trong viện bảo tàng.

Vào thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển của AI cũng có nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Thậm chí có những nghề mà cách đây nửa năm cũng chưa ai nghe nói đến, ví dụ như nghề “prompt engineer” (nghề tạo các lệnh giao tiếp với các hệ thống AI để tạo ra kết quả tốt nhất).

Chuyển đổi là quy luật tất yếu của lịch sử, và trong quá trình chuyển đổi sẽ có nhiều kẻ thua, người thắng. Những kẻ thua là những “khủng long” cố bám lấy môi trường cũ, sức ỳ quá lớn, không kịp thay đổi đúng hướng theo thời đại, như là những Kodak, Xerox, v.v. Ngay cả Intel hay IBM, những ông trùm về máy tính và bán dẫn cách đây 2-3 thập kỷ, giờ đang có nguy cơ thụt hậu dần, so với những gương mặt mới như Nvidia. Ngay cả Facebook (Meta) hiện vẫn còn đang làm mưa làm gió, nhưng thêm vài sai lầm như là Metaverse thì cũng sẽ sa sút dần.

Ai sẽ là những kẻ thắng mới trong quá trình chuyển đổi mới này do AI tạo ra? Những kẻ thắng đó có lẽ sẽ phải là những kẻ linh hoạt, có khả năng chuyển đổi nhanh, thích ứng với những môi trường mới, tình huống mới.

12. An toàn

Mặt trái của thời đại thông tin là “tội phạm thông tin” (cybercrime): lừa đảo trên mạng, chiếm đoạt danh tính, ăn cắp thông tin bí mật, tung tin giả, v.v. Tội phạm thông tin được đánh giá là loại tội phạm lớn nhất thế giới hiện tại, ở mức 10 nghìn tỷ USD trên thế giới mỗi năm, và trung bình mỗi người mất đến 8-9% thu nhập của mình cho các loại tội phạm thông tin. Đặc biệt, các công ty, các tổ chức chính phủ, các nhân vật quan trọng, v.v. là những đối tượng liên tục bị tấn công hằng ngày qua hệ thống máy tính và truyền thông.

Với sự phát triển của các công cụ AI, các tội phạm thông tin sẽ lại ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Bởi vậy câu hỏi làm sao bảo vệ an toàn thông tin trong thời đại ngày nay là câu hỏi vô cùng quan trọng, và chi phí cho vấn đề này cũng vô cùng lớn, thậm chí còn lớn hơn chi phí cho phát triển AI ở nhiều nơi.

Về phía chính sách công, rất nhiều nơi đã và đang đưa ra các luật lệ nhằm bảo vệ an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân của mọi người (trong đó có thông tin về sức khỏe, về tài chính, v.v.), và Việt Nam cũng nên làm theo. Về phía các cá nhân và các tổ chức, việc nâng cao trình độ về bảo mật thông tin và đưa ra các biện pháp hiệu quả là việc rất cần thiết. Rất nhiều cá nhân, tổ chức bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng một cách quá dễ màng, mà nếu biết một số nguyên tắc đơn giản thì sẽ không mắc phải bẫy. Nhưng kể cả những người có thể tự coi mình là chuyên gia bảo mật cũng không thể chủ quan, vì các kiểu tấn công ngày càng tinh vi.

Ở đâu có vấn đề, ở đó có cơ hội. Những công ty chuyên về cung cấp dịch vụ an toàn thông tin ở Việt Nam, nếu làm ăn nghiêm túc, đem lại dịch vụ tốt cho khách hàng, sẽ kiếm được thị trường lớn. □

——-

Chú thích

1 https://www.lesechos.fr/2015/05/les-maths-contribuent-a-hauteur-de-15-au-pib-francais-265260

2 https://www.cnrs.fr/fr/18-du-pib-et-13-des-emplois-en-france-impactes-par-les-mathematiques

3 Chẳng hạn https://hbr.org/2017/11/the-startups-most-likely-to-succeed-have-technical-founders-who-quickly-hire-businesspeople

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)