Sóng nhiệt phơi bày bất bình đẳng xã hội

Không chỉ phơi bày những bất bình đẳng đang tồn tại, các đợt sóng nhiệt còn tạo ra những bất bình đẳng mới.

Các quốc gia có thu nhập thấp nhất dự kiến sẽ hứng chịu nhiều đợt sóng nhiệt nhất. Nguồn: The Conversation

Nếu sống ở một quốc gia đang phát triển trong một đợt sóng nhiệt, bạn sẽ nhanh chóng hiểu rõ tại sao các quốc gia nghèo hơn phải đối mặt với những nguy cơ lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Những quốc gia này thường nằm ở những khu vực nóng nhất thế giới, với những đợt sóng nhiệt nguy hiểm có xu hướng ngày càng gia tăng khi Trái đất ấm lên. 

Từ các thành phố nhộn nhịp đến các vùng nông thôn, nhiệt độ kỷ lục đã được ghi nhận tại nhiều nơi ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan, Philippines và Thái Lan trong những đợt nắng nóng năm 2024. Một số thành phố của Ấn Độ đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, lên tới 50°C. Vùng Sindh của Pakistan ghi nhận mức nhiệt 52°C, trong khi nhiệt độ ở Iba của Philippines lên tới 53°C. Tình trạng này khiến nhiều trường học phải đóng cửa, thậm chí Philippines phải đưa ra cảnh báo y tế. Tại nhiều bang của Ấn Độ, chính quyền đã ra cảnh báo nắng nóng, yêu cầu người dân ở trong nhà. Nắng nóng kết hợp với độ ẩm cao đã gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động hằng ngày.

Theo Báo cáo về tình trạng khí hậu của Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử – kỷ lục này nhanh chóng bị phá vỡ trong năm tiếp theo, năm 2024 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Khi nhiệt độ tăng lên do nồng độ khí nhà kính tăng cao kỷ lục, biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan thường xuyên hơn và dữ dội hơn. 


Đến những năm 2030, mức độ phơi nhiễm với sóng nhiệt của 1/4 dân số có thu nhập thấp nhất thế giới là 12,3 tỷ người/ngày, trong khi  phần còn lại của thế giới là 15,3 tỷ người/ngày. 

Các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu – theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Là lục địa đông dân nhất, cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân châu Á đang bị đe dọa. Một ví dụ điển hình là số lượng các đợt sóng nhiệt ở nơi đây ngày càng tăng. Tại Ấn Độ, mức nhiệt trên 45°C vào mùa hè từng là một hiện tượng hiếm gặp, nhưng giờ đây lại thường xuyên xảy ra. 

Nếu không có biện pháp hiệu quả để hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, các mức nhiệt kỷ lục sẽ tiếp tục bị phá vỡ. Hiện tại, mức nhiệt trên 50°C vào mùa hè là một hiện tượng hiếm gặp – giống như mức nhiệt 45°C vài năm trước. Tuy nhiên, chúng ta không thể để điều đó lặp lại – khiến mức nhiệt ngày càng cao dần trở thành điều bình thường. 

Nghèo đói kìm hãm khả năng thích ứng 

Sóng nhiệt là một trong những thảm họa khí hậu và thời tiết gây chết người nhiều nhất, có thể tàn phá mùa màng, vật nuôi và cơ sở hạ tầng. Các nghiên cứu cho thấy hiện nay, khoảng 30% dân số toàn cầu phải chịu đựng mức nhiệt độ và độ ẩm có nguy cơ gây tử vong ít nhất 20 ngày mỗi năm, và điều đáng lo ngại là nguy cơ này đang gia tăng.

Các biện pháp thích ứng, chẳng hạn như cách xây dựng các cơ sở có điều hòa giúp mọi người tránh nóng, áp dụng các biện pháp làm mát tại nhà, những thiết kế và quy hoạch đô thị nhằm giảm nhiệt, có thể góp phần giảm thiểu tác động của việc phơi nhiễm với nhiệt độ cao. Tuy nhiên, khả năng triển khai các biện pháp thích ứng của mỗi quốc gia thường phụ thuộc vào kiến thức, văn hóa, quản trị và nguồn lực tài chính của quốc gia đó. Nghèo đói ảnh hưởng đến tất cả những yếu tố này. Nhiều quốc gia đang phát triển vẫn còn chật vật trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, chứ đừng nói đến việc đối phó với những thảm họa gia tăng trong một tương lai ngày càng nắng nóng. Những ảnh hưởng kết hợp của các yếu tố kinh tế, thể chế và chính trị cũng kìm hãm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia thu nhập thấp.


“Sóng nhiệt là loại thời tiết cực đoan gây tử vong nhiều nhất, nhưng không để lại dấu vết tàn phá hay hình ảnh kinh hoàng. Chúng giết chết những người nghèo, cô đơn ở các nước giàu, và những người nghèo làm việc ngoài trời ở các nước đang phát triển”. (nhà khí hậu học Friederike Otto)

Theo một nghiên cứu do PGS. Mojtaba Sadegh về Kỹ thuật xây dựng ở Đại học Boise State (Mỹ) và các cộng sự công bố vào năm 2022, những khu vực nghèo nhất trên thế giới sẽ phải hứng chịu sóng nhiệt nhiều gấp hai đến năm lần so với các quốc gia giàu có hơn vào những năm 2060. Đến cuối thế kỷ này, mức độ phơi nhiễm với nhiệt độ cao của 1/4 dân số toàn cầu có thu nhập thấp nhất sẽ gần bằng với toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Để đánh giá mức độ phơi nhiễm với sóng nhiệt của các quốc gia, nhóm nghiên cứu đã phân tích các đợt sóng nhiệt trên khắp thế giới trong 40 năm qua, sau đó sử dụng các mô hình khí hậu để dự báo. Họ cũng kết hợp các ước tính về khả năng thích ứng với nhiệt độ tăng và giảm nguy cơ phơi nhiễm với nhiệt độ cao của các quốc gia.

Kết quả cho thấy những quốc gia giàu có thể giảm thiểu rủi ro thông qua việc nhanh chóng đầu tư vào các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi một phần tư dân số nghèo nhất thế giới – những khu vực có khả năng thích ứng chậm hơn, sẽ phải đối mặt với rủi ro khi nhiệt độ gia tăng. Khả năng thích ứng với nhiệt độ tăng của 1/4 dân số nghèo nhất thế giới chậm hơn 15 năm so với 1/4 dân số giàu nhất thế giới. Ước tính này dựa trên tốc độ chuẩn bị và hỗ trợ cho các kế hoạch thích ứng được trình bày trong Báo cáo Khoảng cách thích ứng của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Độ trễ thực tế sẽ khác nhau do bất bình đẳng giàu nghèo, nhưng kết quả này đã cung cấp một bức tranh tổng thể về những nguy cơ đang gia tăng.

Sóng nhiệt gia tăng ở các nước nghèo

Nhìn lại những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy số ngày nắng nóng trong những năm 2010 tăng 60% so với những năm 1980. Theo định nghĩa của nhóm nghiên cứu, một đợt sóng nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cực đoan trung bình hằng ngày vượt quá phân vị 97 của một khu vực (nằm trong top 3% nhiệt độ trung bình hằng ngày cao nhất của khu vực đó, được ghi nhận trong một khoảng thời gian nhất định), kéo dài trong ít nhất ba ngày liên tiếp. 

Các tác giả cũng nhận thấy thời gian xảy ra sóng nhiệt đang kéo dài hơn, cũng như tần suất các đợt sóng nhiệt đầu mùa, cuối mùa xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Điều này có thể làm tăng số ca tử vong do sóng nhiệt. 

Nghiên cứu cho thấy mức độ phơi nhiễm với sóng nhiệt trung bình của 1/4 người nghèo nhất thế giới trong những năm 2010 cao hơn 40% so với 1/4 người giàu nhất thế giới – khoảng 2,4 tỷ người/ngày so với 1,7 tỷ người/ngày (person-day: được tính bằng số người nhân với số ngày phơi nhiễm với sóng nhiệt). 

Những nước phát triển thường không chú ý đến nguy cơ sóng nhiệt ở các nước nghèo, một phần vì số ca tử vong do nắng nóng không được theo dõi một cách nhất quán ở nhiều quốc gia.

Theo dự đoán của nhóm nghiên cứu, đến những năm 2030, mức độ phơi nhiễm với sóng nhiệt của 1/4 dân số có thu nhập thấp nhất thế giới là 12,3 tỷ người/ngày, trong khi phần còn lại của thế giới là 15,3 tỷ người/ngày. 

Đến những năm 2090, ước tính con số này sẽ lên tới 19,8 tỷ người/ngày nắng nóng ở 1/4 dân số nghèo nhất thế giới, gần bằng mức độ phơi nhiễm với sóng nhiệt của 3/4 dân số có thu nhập cao hơn.

Nhiều sắc thái của bất bình đẳng nhiệt

Các đợt sóng nhiệt phơi bày những bất bình đẳng đang tồn tại, đồng thời tạo ra những bất bình đẳng mới. “Sóng nhiệt là loại thời tiết cực đoan gây tử vong nhiều nhất, nhưng không để lại dấu vết tàn phá hay hình ảnh kinh hoàng. Chúng giết chết những người nghèo, cô đơn ở các nước giàu, và những người nghèo làm việc ngoài trời ở các nước đang phát triển”, Friederike Otto, đồng sáng lập World Weather Attribution – một dự án hợp tác học thuật nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời là giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham thuộc Imperial College London, cho biết. “Trong thời gian vừa qua, đã có hàng ngàn câu chuyện về những người nghèo chết vì nắng nóng mà không bao giờ được kể lại”.

Nắng nóng ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau, tùy theo tình hình kinh tế xã hội:

Bất bình đẳng nghề nghiệp: Giữa thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhiều người phải ra ngoài kiếm sống, nơi không khí nóng như lò thiêu, có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đây là thực trạng của những người lao động chân tay, người bán hàng rong, nông dân, người thu gom phế liệu và hàng triệu người sống ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bất bình đẳng kinh tế: Những người có điều kiện sống, nơi ở và chăm sóc sức khỏe tốt hơn có thể không chịu nhiều thiệt hại do nắng nóng. Trong khi đó, những người có nguồn lực hạn chế bị tổn hại sức khỏe do nắng nóng, ảnh hưởng đến công việc và kinh tế, từ đó hạn chế các cơ hội của họ, tiếp tục kéo dài hoặc đẩy mạnh vòng xoáy bất bình đẳng.

Bất bình đẳng y tế: Nắng nóng khắc nghiệt có thể dẫn đến những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm sốc nhiệt, các vấn đề hô hấp, căng thẳng và thậm chí là tử vong. Những người phơi nhiễm nhiều hơn với nhiệt độ cao thường là những người không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.

Bất bình đẳng giới: Do những rào cản mang tính hệ thống, nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng đến công việc, lương bổng và sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái nhiều hơn so với nam giới. Trong các đợt sóng nhiệt, phụ nữ dễ bị mất việc làm và phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình nhiều hơn. Điều này ảnh hưởng đến việc học tập, cơ hội kinh tế và sức khỏe tổng thể của họ, đồng thời khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giới.

Bất bình đẳng địa lý: Các thành phố đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng lớn do nhiệt độ tăng cao. Một phần nguyên nhân nằm ở hiện tượng “đảo nhiệt đô thị”, khi các thành phố thay thế lớp đất phủ tự nhiên bằng các tòa nhà, vỉa hè và các bề mặt khác có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt mạnh hơn so với lớp phủ tự nhiên, gây ra những đợt sóng nhiệt nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ tăng cao thường kèm theo hạn hán và mưa lớn, dẫn đến lũ lụt, làm gia tăng nghèo đói và mất an ninh lương thực. Do vậy, cần có nhiều không gian xanh hơn ở các đô thị để làm mát tự nhiên. 

Cuộc khủng khoảng không biên giới

Biến đổi khí hậu không có giới hạn và đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Chẳng hạn như Bhutan là quốc gia phát thải carbon âm, nhưng vẫn chịu tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu. Tại Lunana của Bhutan, một trong những địa điểm cao nhất mà con người cư trú, các hồ băng đang tan chảy đột ngột đe dọa đến tính mạng và sinh kế của người dân nơi đây. Khi nhiệt độ tăng, các sông băng tan chảy nhanh hơn, khiến nước đổ về hạ lưu nhiều hơn. Điều này cho thấy một sự bất bình đẳng khắc nghiệt khác: dù không phát thải khí nhà kính, người dân Bhutan vẫn phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu. 

Việc đầu tư vào các biện pháp thích ứng trên toàn thế giới là yếu tố quan trọng giúp góp phần phòng tránh các thảm họa nhân đạo do biến đổi khí hậu gây ra. Các quốc gia giàu nhất thế giới – nơi phát thải phần lớn khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, đã cam kết từ hơn một thập kỷ trước về việc phân bổ 100 tỷ USD hằng năm vào năm 2020 để giúp các nước nghèo thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Một phần số tiền đang được phân bổ, dù khá chậm chạp. 

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu trong tương lai ở các nước đang phát triển rơi vào khoảng 290 tỷ đến 580 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, và đang tiếp tục gia tăng. Việc tăng cường hỗ trợ quốc tế có thể giúp các nước nghèo thích ứng với thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Các doanh nghiệp và các nhà đổi mới cũng có thể tham gia bằng cách phát triển công nghệ làm mát và lưới điện siêu nhỏ, giá rẻ để giúp các nước nghèo chống chịu qua những đợt sóng nhiệt xuất hiện ngày càng nhiều.

Dù nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng rất ít cũng có thể tác động đáng kể đến khí hậu và các kiểu thời tiết, thường gây ra hậu quả thảm khốc với con người và hành tinh. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu: thời tiết cực đoan, khan hiếm nước, thiếu lương thực và mất mát đa dạng sinh học trên đất liền và đại dương. Những tác động này đang làm gia tăng bất bình đẳng và tình trạng di cư, ảnh hưởng đến sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu. Do đó, việc giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5°C không phải là một lựa chọn mà là một điều bắt buộc cần làm. Chính phủ các nước phải hành động để cắt giảm khí thải và bảo vệ người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.□

Thanh An tổng hợp

Nguồn: The Conversation, UNDP

Bài đăng Tia Sáng số 14/2025

Tác giả

(Visited 42 times, 5 visits today)