Sự kết thúc của lịch sử loài người và câu chuyện cuối cùng: Đọc Nexus của Yuval Harari
Bạn đang sống trong kỷ nguyên cuối cùng của lịch sử loài người. Lịch sử sẽ không chấm dứt, nhưng lịch sử của con người thì sẽ kết thúc. Bạn đang nghe câu chuyện cuối cùng do con người kể. Từ đây các câu chuyện sẽ không còn được viết ra bởi con người nữa.
Nexus của Harari mang đến cho độc giả một cách nhìn mới về lịch sử thế giới và vai trò của con người trong thế giới đó từ góc độ thông tin. Nói cách khác đó là câu chuyện về cách thức thông tin định hình thế giới.
Ba trăm nghìn năm trước, một giống loài xuất hiện trên đồng cỏ châu Phi. Giống loài này đã thành công đến mức các hậu duệ đã kiêu hãnh tự gọi mình là Người khôn ngoan (Homo Sapiens). Nhưng Harari đặt câu hỏi liệu loài này có khôn ngoan thực sự trong bối cảnh mà họ đang đẩy giống loài của mình trước bờ vực của các cuộc khủng hoảng mang tính sống còn về sinh thái, môi trường, công nghệ và tương tác xã hội? Vấn đề nằm ở chỗ sức mạnh của con người đến từ khả năng xây dựng các mạng lưới khổng lồ của sự hợp tác. Nhưng cách thức các mạng lưới khổng lồ đó được xây dựng cũng đặt con người trước các rủi ro trong việc sử dụng sức mạnh đó một cách không khôn ngoan. Nguyên nhân của điều đó không nằm ở bản tính con người mà nằm ở chính mạng lưới mà chúng ta xây dựng, ở chính cách thức mà chúng ta sử dụng thông tin.
Thông tin, sự thật và các câu chuyện
Thông tin tạo ra ưu thế của loài người trong giới tự nhiên. Con người là giống loài duy nhất tin vào các câu chuyện. Các câu chuyện tưởng tượng cho phép tạo ra những tổ chức xã hội ở quy mô lớn. Không có giống loài nào mà hơn 1,4 tỉ cá thể “cùng tin” và được “tổ chức” thành một cộng đồng có “bản sắc”, ví như “Trung Quốc”. Hơn một tỉ người khác tin vào một cuốn sách có tên “Kinh thánh” và câu chuyện về sự sáng tạo ra thế giới. Trên hết là tất cả mọi người trên hành tinh đều tin vào một câu chuyện: sự tồn tại của đồng tiền – câu chuyện mà Harari cho rằng xứng đáng nhận giải Nobel Văn học. Các câu chuyện như thế giúp loài người kết nối, kiến tạo bản sắc và xây dựng sức mạnh của giống loài. Góc nhìn trên đây làm nên tên tuổi của Harari trong hai công trình nổi tiếng là Homo Sapiens và Homo Deus.
Trong cuốn sách tiếp theo, Nexus, Harari lập luận rằng thực chất các câu chuyện được xây dựng trên thông tin; và số phận của con người và xã hội loài người được định đoạt bởi sự tương tác của thông tin, các phương thức tuyền tải, lưu trữ và chủ thể kể chuyện. Nói cách khác, với những câu chuyện khác nhau, cách kể chuyện khác nhau và chủ thể kể chuyện khác nhau, chúng ta sẽ có những mô hình xã hội khác nhau.
Điều này gần như không thay đổi trong 5000 năm cho đến khi AI (Trí tuệ nhân tạo) xuất hiện. AI là các công cụ có khả năng tự học, tự thay đổi để tạo ra tri thức mới, ý tưởng mới và tự ra các quyết định. Khi đó, bản chất của thông tin và chủ thể kể chuyện cũng thay đổi. Harari nêu ra viễn cảnh: đó là lúc “xã hội” không còn thuộc về “con người” nữa.
Thực tế, Harari lập luận, chạy đua giữa các xã hội loài người là cuộc cạnh tranh giữa các câu chuyện, mà xét đến cùng là cuộc chạy đua giữa các mạng lưới thông tin. Vì thế, trong phần đầu cuốn sách, ông phác thảo lại lịch sử loài người từ góc độ thông tin và mạng lưới và cách thức các mạng lưới thông tin đã kiến tạo, định hình và phá hủy xã hội loài người như thế nào.
Về cơ bản, đó là góc nhìn “bi quan”, như thường lệ, của Harari. Nexus lập luận rằng con người rất giỏi trong việc tìm kiếm và tổng hợp tri thức nhưng trên cơ sở tri thức đó, rõ ràng là khó để có thể kết luận rằng con người đã đạt đến sự “khôn ngoan’. Con người có thể tạo ra các tổ chức xã hội khổng lồ, tìm ra thông tin của mọi thứ, từ sự hình thành của vũ trụ đến bản đồ Gene của sinh vật. Điều này dẫn con người đến “góc nhìn ngây thơ về thông tin” rằng càng nhiều thông tin thì càng nhiều quyền lực, sự tự do và thông tuệ. Thực tế, sự khôn Ngoan không đi liền với việc có nhiều thông tin. Nhiều khi việc có nhiều thông tin chỉ dẫn đến sai lầm và hỗn loạn chứ không phải sự thật hay các quyết định đúng đắn.
Vậy đặc điểm gì của thông tin có thể lý giải cho “bi kịch” đó? Câu trả lời đến từ các đặc tính thông tin của loài người. Nếu chúng ta cung cấp tin xấu cho người tốt, họ sẽ ra các quyết định sai lầm và gây ra sự tự hủy hoại. Và ngày càng nhiều, chúng ta đang thấy những quyết định như thế diễn ra quanh mình, trên khắp các ngõ ngách của Trái đất. Thực tế là Homo Sapiens hiện đang sở hữu các công nghệ liên lạc tiên tiến nhất hiện nay, nhưng đồng thời chúng ta đang mất dần khả năng đối thoại với nhau, lắng nghe lẫn nhau. Các cuộc đối thoại giữa người với người đang chết dần. Tương tự, từ những năm 40 của thế kỷ XX đến nay, chúng ta ngày càng có nhiều thông tin về vũ khí nguyên tử. Nhưng liệu việc nhiều thông tin đó có làm nhân loại “khôn ngoan” hơn, hay chỉ dẫn đến việc chế tạo thêm các quả bom có sức hủy diệt lớn hơn? Những ví dụ như thế có thể tìm thấy ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các khía cạnh của đời sống và tổ chức loài người. Ngày nay, mỗi chiếc điện thoại thông minh chứa lượng dữ liệu lớn hơn toàn bộ thông tin từ thư viện cổ đại Alexanderia và cho phép chủ nhân kết nối với hàng tỉ người khác. “Nhưng với tất cả dòng thông tin chuyển động với tốc độ nghẹt thở đó, nhân loại đang tiến dần hơn đến bờ tự hủy diệt” (Harari, Nexus).
Harari lập luận, chạy đua giữa các xã hội loài người là cuộc cạnh tranh giữa các câu chuyện, mà xét đến cùng là cuộc chạy đua giữa các mạng lưới thông tin.
Vấn đề, theo Harari, thông tin không phải là sự thật. Con người đang gặp phải sai lầm chí mạng trong việc nhận thức về thông tin và sử dụng chúng để vận thành thế giới. Nhiều thông tin không đồng nghĩa với chân lý và sự khôn ngoan, vì phần lớn thông tin là chi tiết gây nhiễu không có nhiều giá trị. Sự thật là thứ “khan hiếm”, khó nắm bắt, “buồn tẻ” và đôi khi “đắt đỏ” về thời gian, tiền bạc và tâm sức mà không phải ai cũng kiên nhẫn để tìm ra. Đồng thời, chức năng chủ yếu của thông tin không phải để mô tả hiện thực mà là nhằm để kết nối con người thành các mạng lưới. Và để làm được điều này, các câu chuyện phần lớn là “hư cấu”, hướng đến tính kết nối chứ không phải hướng đến chân lý.
Các mạng lưới thông tin
Nexus trình bày một lược sử về quá trình tiến hóa của các mạng lưới thông tin của con người, đi từ các phiến đất sét đến máy in và radio. Mỗi cộng đồng có các thách thức riêng đối với việc xây dựng mạng lưới thông tin và câu trả lời cho thách thức đó tạo ra các xã hội khác nhau. “Những gì chúng ta vẫn nghĩ là xung đột ý thức hệ và chính trị hóa ra thường là các cuộc chạm trán giữa các loại hình đối lập của mạng lưới thông tin” (Harari, Nexus). Đến đây, Harari giới thiệu với người đọc các dạng mạng lưới thông tin của con người: các mạng lưới thông tin con người (human networks) và mạng lưới “phi-sinh thể” (Inorganic network).
Đối với các mạng lưới thông tin của con người, tôn giáo và hệ thống hành chính là những tác nhân chủ đạo thúc đẩy kiến tạo thông tin và lan tỏa chúng dưới dạng các câu chuyện. Trong nhiều nghìn năm, câu chuyện tôn giáo là sản phẩm được truyền bá rộng rãi nhất và có sức hấp dẫn nhất bởi sự thúc đẩy của cả hệ thống vương quyền và thần quyền. Với ý nghĩa đó, sự tiến hóa của xã hội loài người là sự tiến hóa của các mạng lưới thông tin. Phương thức biểu đạt thông tin mới làm thay đổi cấu trúc xã hội và quan hệ giữa người với người. Khi một nông dân Lưỡng Hà lần đầu tiên ghi chép những ký tự chỉ số lượng mùa vụ, thu hoạch lên trên một phiến đất sét 5000 năm trước, một cuộc cách mạng thông tin đã xuất hiện. Phương tiện lưu thông tin không chỉ liên quan đến dữ liệu mà còn tạo ra sự thay đổi thiết chế. “Quyền sở hữu” là ví dụ, đã thay đổi vì mảnh đất sét đó. Hôm qua, sở hữu của nông dân với mảnh đất là sự đồng thuận của dân làng về toàn quyền canh tác trên đất. Hôm nay, “sở hữu” nghĩa là có được mảnh đất sét do nhà nước ban cấp, ghi chép về thông tin mảnh đất, bất chấp những người xung quanh có đồng thuận hay không. Từ đó mà các kho lưu trữ, thư viện, mạng lưới quan liêu nhà nước, luật pháp được xác lập.
Trong trường hợp này, cuộc cách mạng mạng lưới thông tin tạo ra cuộc cách mạng hành chính.
Công nghệ, kỹ thuật sẽ thúc đẩy cải tiến liên tục quy mô của các mạng lưới thông tin này. Cuộc cách mạng tiếp theo diễn ra vào giữa thế kỷ XV với sự phát triển kỹ thuật in con chữ rời. Sách vở, tri thức đã gia tăng với số lượng chưa từng có. Các câu chuyện cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các cộng đồng lớn hơn. Và hệ quả của nó, như chúng ta biết, kỷ nguyên của văn hóa Phục hưng, của văn học, nghệ thuật, từ kịch Shakespeare đến tiểu thuyết của Cervantes. Nhưng không chỉ có các vở hài kịch, người ta cũng lan truyền các phiên bản khác nhau của Kinh thánh, và thế là chiến tranh tôn giáo xuất hiện và tàn phá châu Âu trong hai thế kỷ, trước khi câu chuyện tiếp theo về chủ nghĩa dân tộc sẽ thống trị lục địa này.
Tin giả và thuyết âm mưu chắc chắn không phải là một hiện tượng mới bởi chúng đã xuất hiện và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội của loài người. Trong quá trình đó, không phải con người không nhận thức được sự nguy hiểm của thông tin và các câu chuyện. Vì thế, Harari lập luận rằng có một số xã hội đã tìm ra phương thức tự sửa lỗi sai của thông tin. Con người đã đầu tư rất nhiều cho các thiết chế này để mong có được sự thật từ vô số các thông tin bất định. Ở châu Âu, mất 200 năm để tạo ra các thiết chế như thế: báo chí, các viện hàn lâm, các tạp chí khoa học,…
Tuy nhiên, dù là mảnh đất sét hay Tivi, chúng là phương tiện lưu trữ thông tin và góp phần tạo ra câu chuyện. Cuốn sách không có khả năng tạo ra thông tin và sáng tạo các câu chuyện. Chúng chỉ giúp lan truyền nhanh chóng hơn các ý tưởng của con người. Nhưng mạng lưới thông tin phi-sinh thể thì khác.
AI là cuộc cách mạng lớn nhất về thông tin trong lịch sử. Lần đầu tiên trí thông minh của máy có thể ra quyết định và tạo ra các ý tưởng mới. Có nghĩa là việc kiến tạo thông tin và kể các câu chuyện giờ đây không còn là độc quyền của con người. Thậm chí, với sự phức tạp của các hệ thống máy tính và sự can dự ngày càng sâu của AI vào đời sống của con người, (đặc) quyền/ chức năng kiến tạo thông tin và kể chuyện sẽ sớm rời xa con người, đơn giản vì con người sẽ không thể hiểu được sự vận hành quá phức tạp, quá nhiều dữ liệu của thế giới mà họ đang sống.
Đối với mạng lưới thông tin con người, chúng ta chịu sự giới hạn của đồng hồ sinh học. Chúng ta cần ngủ. Nhưng thuật toán thì không. Chúng không ngủ, không chết, và trong nhiều trường hợp, thậm chí chúng “buộc” con người làm việc theo tốc độ và sự điều khiển của chúng. Vì thế, mạng lưới thông tin của con người giờ đây dường như là không ngưng nghỉ. “Breaking News” (Tin nóng) diễn ra 24/7, các cuộc thảo luận chính trị, báo cáo tài chính từ New York đến Thượng Hải, được cập nhật liên tục. Chính vì thế, nếu chúng ta ép một sinh thể lúc nào cũng hoạt động, lúc nào cũng “hưng phấn” trước các loại thông tin, không sớm thì muộn sinh vật đó cũng kiệt sức về thể chất, tinh thần và chết. Harari cho rằng một trong những từ tiếng Anh bị hiểu nhầm nhất hiện nay là “excited”, vốn có nghĩa là “bị kích thích, sôi nổi”, nhưng đã bị rất nhiều người hiểu nhầm là hạnh phúc. Thực tế, “excited” là trạng thái các cơ quan thần kinh hoạt động mạnh, bị kích thích bởi một sự kiện nào đó. Nếu con người bị kích thích liên tục trong một thời gian dài, hệ thống sinh học của chúng ta sẽ sụp đổ. Điều này còn dễ dàng được nhận ra ở nhiều địa hạt khác, trong sự rạn nứt của các tương tác chính trị, xã hội đến cuộc tranh luận xem ngôi sao bóng đá nào là vĩ đại nhất mọi thời đại. Liệu chúng ta có nhất thiết, và đến mức phải “chiến đấu” liên tục, ở khắp các mặt trận, mạng xã hội, tham gia vào mọi chủ đề tranh luận, tranh đấu ở mọi lời bình luận, tham góp ý kiến ở mọi diễn đàn,… trước khi dành thời gian cho mình để tư duy về bản chất thông tin, tính xác thực, và ý nghĩa của các cuộc tranh luận đó. Vì thế, có lẽ xã hội loài người cần chậm lại, cần nghỉ ngơi để hồi phục sự minh mẫn và lấy lại sự điềm tĩnh.
Đáng tiếc con người đang ngày càng trao nhiều quyền lực cho các mạng lưới thông tin phi-nhân. Chúng ta ngày càng đẩy con người vào trạng thái “hưng phấn” thông tin hơn nữa. Và đó là khởi đầu cho một bi kịch thông tin mới của con người. Bi kịch này thậm chí còn được đẩy lên cao hơn khi cái mà chúng ta gọi là Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI), theo đề xuất của Harari, nên được gọi là Trí tuệ xa lạ (Alien Intelligence) vì chúng không được vận hành theo cách thức như con người. AI không có cảm xúc, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không có mục tiêu. Và chúng đang tham gia vào định hình tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Thế giới hiện tại có khoảng 1 tỉ camera giám sát, tức là cứ tám người thì có một chiếc. Chính phủ Iran, thay vì sử dụng cảnh sát đạo đức để giám sát phụ nữ ra đường không trùm khăn, đã sử dụng hệ thống camera công cộng. Máy tính sẽ phân biệt phụ nữ, đàn ông, nhận diện khuôn mặt và ngay lập tức gửi tin nhắn cảnh báo vào thuê bao điện thoại của người “vi phạm”. Trong vòng hai tháng, hệ thống giám sát tự động này đã gửi đi 1 triệu tin nhắn cảnh báo, tự động ra quyết định tịch thu 2000 xe ôto và gửi hồ sơ của 4000 người tái phạm đến toà. Các công ty cũng sử dụng hệ thống dữ liệu này để ra các quyết định kinh doanh và quảng cáo. Năm 2019, Tripadvisor đã duy trì mạng lưới thu thập thông tin toàn cầu đối với các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng,… nơi họ sử dụng dữ liệu của 463 triệu du khách, 859 lượt đánh giá đối với 8,6 tỉ lượt cư trú, ăn tại nhà hàng,…
Theo Harari, thông tin không phải là sự thật. Con người đang gặp phải sai lầm chí mạng trong việc nhận thức về thông tin và sử dụng chúng để vận thành thế giới.
AI và câu chuyện cuối cùng
Harari thách thức quan điểm rằng AI là chìa khóa cho mọi vấn đề mà nhân loại đang gặp phải bởi vì thực tế thì những người sáng tạo ra cái cày, sáng tạo ra máy hơi nước, và sáng tạo ra máy tính cũng tuyên bố tương tự về công cụ vạn năng mới của mình.
Người sáng tạo ra cái cày tuyên bố nông nghiệp sẽ cứu thoát con người khỏi cái đói và sự lang thang bất định của dân săn bắn hái lượm bằng cách mang lương thực về ngay cạnh nhà mình. Lần đầu tiên con người biết rõ lượng thức ăn trong nhà. Dân số bắt đầu gia tăng, các sáng tạo văn hóa vật chất, tinh thần, nhà nước, văn minh, chữ viết,… được tạo ra ở quy mô lớn. Nhưng theo cùng với nó là chiến tranh ở quy mô lớn chưa từng có. Dịch bệnh trở thành vấn đề thường trực. Xung đột và áp bức xã hội dựa trên bất bình đẳng nghề nghiệp, thu nhập,… sẽ ám ảnh tâm trí loài người.
Tương tự, con người tự hào về máy hơi nước, thứ đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp, đưa loài người sang một kỷ nguyên mới với của cải vật chất chưa từng có. Tiến bộ thì đã rõ. Nhưng cũng chưa bao giờ trong lịch sử mà bất bình đẳng giữa các xã hội lại lớn đến thế. Với cùng một loại hình công nghệ đã tạo ra Bắc và Nam Triều Tiên. Thực tế, cách mạng công nghiệp là một “thất bại” của loài người trong quản trị toàn cầu. Con người lúng túng trong việc tạo ra một mô hình xã hội có sự dung hòa tôn giáo, sắc tộc, duy trì trật tự quan hệ quốc tế và xây dựng các mạng lưới sản xuất công nghiệp, thị trường toàn cầu. Cuối cùng, giới tinh hoa ở London, Berlin và Paris đã thu thập thông tin và kể với nhau câu chuyện rằng để thịnh vượng, cần phải mở rộng ảnh hưởng, độc quyền các nguồn tài nguyên, thị trường và xác lập “không gian sinh tồn”. Lựa chọn mang tính thảm họa của con người để thích ứng với khung cảnh công nghiệp đưa đến chủ nghĩa đế quốc và chế độ thực dân toàn cầu mà các cuộc chiến tranh thế giới và cuộc đấu tranh bằng máu của hàng tỉ người chống xâm lược, chống thực dân cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX vẫn còn hằn in trong tâm trí nhân loại.
Giờ đến lượt AI. Liệu con người có chắc là họ khôn ngoan hơn so với các tổ tiên đi trước.
Khác với tấm đất sét 5000 năm trước, chiếc máy in 600 năm trước, máy tính và AI là một cuộc cách mạng trong cách thức thông tin được tạo ra và lan tỏa. Phiến đất sét không tự nó phân tích số liệu để tạo ra các loại thuế mới. Máy in có thể nhân lên khả năng lưu trữ và tốc độ lan tỏa thông tin lên gấp hàng nghìn lần các mảnh đất sét. Radio và TV tạo ra các cấu trúc mới để truyền tải thông tin và kể chuyện, nhưng chúng vẫn không thể sáng tạo ra các câu chuyện. Máy tính và AI thì khác. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, các công cụ có khả năng thay thế con người trong việc sáng tạo ra thông tin và kể các câu chuyện hoàn toàn mới. Với ý nghĩa đó, AI không “kết thúc” sự hiện diện của con người theo cách Hollywood vẫn tưởng tượng về những kẻ hủy diệt mà thực tế chúng đẩy con người vào các địa hạt mới của công nghệ, kỹ thuật, thông tin và quyền ra quyết định. Trước hết, AI tạo ra sự thay đổi về bản chất sự hiện diện của con người bằng cách chia rẽ và thúc đẩy con người tự xung động với nhau. Bức màn sắt của thời kỳ Chiến tranh Lạnh sẽ được thay thế bằng bức màn Silicon – tạo ra bởi các con chip và codes máy tính có tác động thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và gây ra cạnh tranh giữa các cường quốc. Cuộc chiến tranh lạnh tiếp theo là cuộc chiến giữa các hệ thống công nghệ, không phải ý thức hệ. Thứ hai, Bức màn Silicon này không chỉ phân chia một nhóm cư dân này khỏi nhóm cư dân khác mà là sự chia rẽ mang tính toàn cầu. Vì thế, Harari cảnh báo rằng tầm mức tác động và tính nghiêm trọng của mối đe dọa mới là chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Đến đây, Harari phác thảo bức tranh tương lai chính trị, xã hội của loài người trong khung cảnh được vận hành bởi AI. Đâu là tương lai của quyền riêng tư? Của tự do cá nhân? Chấm điểm công dân? Về quyền đối với các dữ liệu của con người? Ông dẫn ra một loạt ví dụ về việc sử dụng camera giám sát về cách thức mà các công cụ dữ liệu đang đẩy con người vào tình thế xung đột. Facebook là một ví dụ tiêu biểu. Các thuật toán của nó đã đổ thêm dầu vào làn sóng bạo lực chống lại người Islam Rohingya thiểu số trên đất nước đa số Phật giáo Myanmar bằng cách truyền đi các tin tức của các vị sư cực đoan có tính kỳ thị, đơn giản vì chúng nhận được nhiều tương tác hơn các tin tích cực khác.
Cuối cùng, Harari đưa chúng ta trở lại với niềm tin của nhân loại mà Facebook, Google, Apple… đang thúc đẩy từng ngày từng giờ nhằm tạo ra các mạng lưới thông tin lớn hơn, nhiều dữ liệu hơn và từ đó giúp con người đến với sự thật hơn. Tuy nhiên khi chúng ta có đầy đủ thông tin hơn điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ khôn ngoan hơn và đặt câu hỏi: liệu càng nhiều thông tin có thực sự là lời giải cho các vấn đề của con người. Thực tế, cuộc cách mạng thông tin thập kỷ qua đang gây ra những vấn đề mới đối với sự vận hành xã hội, quan hệ quốc tế và việc xác lập các hệ giá trị mới về nhân phẩm, đạo đức, an ninh, nhân quyền, tự do cá nhân, chủ nghĩa thực dân dữ liệu,… Trên cơ sở đó, ông kết luận AI và mạng lưới thông tin phi-nhân đang đưa con người vào một địa hạt nguy hiểm. Triển vọng của chúng là rất lớn để nâng cấp xã hội loài người, nhưng các rủi ro tiềm ẩn thì rất khó lường.
Vẫn là phong cách của Harari, cho rằng đã có quá nhiều lời khen dành cho công nghệ, vì thế ông chọn làm một việc buồn tẻ hơn là cảnh báo cho con người về các khả năng mà công nghệ vượt quá tầm tay và làm thay đổi xã hội loài người. Nexus, đương nhiên, không lập luận rằng các mô hình quá khứ quyết định những gì sẽ diễn ra ở tương lai. Lịch sử là không có bất cứ sự tiền định nào mà do chính các quyết định của con người tạo ra. Vì thế, vẫn còn thời gian cho con người hành động và tương lai của lịch sử loài người phụ thuộc vào các quyết định của Homo Sapiens trong những năm tới. Vì thế, “toàn bộ ý tưởng viết nên cuốn sách này là: bằng cách đưa ra các quyết định được nhận thức một cách rõ ràng, chúng ta có thể ngăn ngừa những hệ quả tồi tệ nhất. Nếu chúng ta không thể thay đổi tương lai, vậy thì mấy thời gian để bàn về nó làm gì?” (Harari, Nexus).
Harari cũng gợi ý rằng Nexus được viết nhằm thúc đẩy nhận thức của nhân loại về AI và giúp ra các quyết định đúng đắn hơn trong tương lai. Một trong số đó là các xã hội cần phân biệt “thông tin” và “sự thật”; cần ngăn chặn việc AI “giả vờ” làm con người và lũng đoạn nền thông tin của loài người. Thứ hai là các tập đoàn công nghệ phải chịu trách nhiệm cho các thuật toán và sản phẩm AI mà họ tạo ra, đặc biệt các sản phẩm công nghệ thúc đẩy, dẫn dắt con người cho các nhu cầu tiêu dùng, quảng cáo, và thao túng tâm lý khách hàng. Harrari nhắc nhở rằng trong tất cả các nền văn minh, đều có một câu chuyện cảnh giác: đừng bao giờ triệu hồi các thế lực mà bạn không thể kiểm soát bởi không sớm thì muộn, đến lượt bạn sẽ trở thành nạn nhân. Và thế lực đó đang ngày càng hiện diện dày đặc trong cuộc sống của con người: AI.
Bên cạnh việc chào đón như là một trong những công trình được chờ đợi nhất, Nexus bị phê bình ở ba điểm cơ bản. Thứ nhất, như hai công trình trước, Nexus chắc chắn bị đưa vào danh mục sách “dân túy”, thuộc dạng khoa học “dân túy”. “Harari được coi là nhà trí thức được săn đón nhất trên thế giới, không phải vì độ xác thực trong những kiến thức mà ông đưa ra, mà vì tài năng kể chuyện một cách hấp dẫn, khéo léo che giấu những thiếu sót về khoa học… Ông đã quyến rũ chúng ta bằng lối kể chuyện hấp dẫn, nhưng một khi chú tâm quan sát hơn, ta có thể thấy rằng ông đã hy sinh khoa học vì chủ nghĩa giật gân, mắc những lỗi thông tin nghiêm trọng và miêu tả những suy đoán cá nhân như thể chúng là hiển nhiên” (Darshana Narayanan).
Chúng ta ngày càng đẩy con người vào trạng thái “hưng phấn” thông tin hơn nữa. Và đó là khởi đầu cho một bi kịch thông tin mới của con người.
Thứ hai, các câu chuyện Harari kể là quá lớn, và nhiều khi thiếu các chi tiết chứng minh thuyết phục. Điều này là đương nhiên vì ý đồ tóm lược toàn bộ lịch sử loài người trong một công trình hơn 500 trang. Nexus kể câu chuyện lớn đến mức nó làm cho những người kể đại sử trước đó như Niall Ferguson (Quảng Trường Và Tòa Tháp), Francis Fukuyama (Nguồn Gốc Trật Tự Chính Trị và Trật Tự Chính Trị và Suy Tàn Chính Trị),… cho đến các nghiên cứu về Kinh thánh, Hitler, Stalin hay thông tin liên lạc của đế chế Mongol chỉ còn là những footnotes trong câu chuyện của ông. Đại sử mang đến sự hấp dẫn vì nó lôi cuốn trí tò mò của nhân loại trong các diễn trình lớn xuyên qua các thời đại, xã hội, nền văn hóa, văn minh. Tuy nhiên để tạo ra các câu chuyện lớn, người kể chuyện buộc phải lược bỏ đi các chi tiết. Và cuối cùng, thương hiệu “Harari” giờ đây cũng đã trở thành một món hàng để tạo ra sự sôi động của thị trường. Cũng như cách ông phê phán thông tin đang trở thành “hàng hóa”, và phải làm sao để câu chuyện sau hấp dẫn, thu hút được nhiều tương tác hơn câu chuyện trước, Harari cũng đã bị cuốn vào cuộc chơi thị trường và thị hiếu đó. Nexus vì thế phải trở nên “hot”, và hấp dẫn để đủ sức cạnh tranh với các câu chuyện khác đang có trên thị trường. Vì thế, nhiều khách hàng rõ ràng là kỳ vọng nhiều hơn vào Harari, kỳ vọng hơn cả về tri thức, học thuật, lẫn độ “kịch tính” của câu chuyện mới.
Cổ nhân từng nói nếu mà tin hết ở sách thì thà rằng đừng đọc sách còn hơn. Độc giả dù đồng tình hay không, Nexus vẫn là một công trình hấp dẫn, mang lại cho chúng ta những nhận thức mới về thế giới. Harari không phải là một chuyên gia AI, và với các nhà nghiên cứu chuyên ngành thì đôi khi điều ông viết ra không hoàn toàn mới lạ hay khám phá cao siêu. Tuy nhiên nhân loại cần những người kể chuyện như thế, để chúng ta có thêm một hình dung về sự vận hành của thế giới, sự tiến hóa của xã hội loài người, và về những lựa chọn quyết định tương lai mà ngay lúc này đang nằm trong bàn tay của con người.□
——-
Tham khảo
Darshana Narayanan, Yuval Noal Harari – Nhà khoa học dân túy, https://tiasang.com.vn/dien-dan/yuval-noah-harari-nha-khoa-hoc-dan-tuy/
John Thornhill, AI: too much information? https://www.ft.com/content/5aa9b1e6-b69c-41b2-96e6-aec866eee0ab.
Niall Ferguson. The Square and the Tower: Networks, Hierarchies and the Struggle for Global Power, London, Penguin Books, 2017.
Yuval Noah Harari. NEXUS: A Brief History of Information Networks from the Stone Age to AI, N.Y.: Random House, 2024.
Yuval Noah Harari, Beware the AI bureaucrats, https://www.ft.com/content/21ddf963-e47a-4028-8e29-0ecf8f302bd5.
Parmy Olson. Supremacy: AI, ChatGPT, and the Race That Will Change the World, St. Martin’s Publishing Group, 2024.
Vũ Đức Liêm, Sách thay đổi lịch sử loài người, https://tiasang.com.vn/van-hoa/sach-thay-doi-lich-su-loai-nguoi-28260/.
Bài đăng Tia Sáng số 21/2024