Tại sao Syria vẫn là siêu cường về vũ khí hóa học?
Mỹ đã tạm hoãn tấn công quân sự vào Syria. Nhưng ví thử Hạ viện bật đèn xanh cho cuộc tấn công thì theo các chuyên gia, kho vũ khí hóa học của Assad vẫn tiếp tục tồn tại. Kho vũ khí này quá lớn nên việc hủy diệt hoàn toàn là vô cùng phức tạp.  
• Ngày 21/8, địa phương Ghuta gần Damascus là nơi diễn ra thảm họa khí độc hóa học. Phe nổi dậy thì đổ tội cho chính quyền Bashar al-Assad về vụ việc này. Chính quyền Assad bác bỏ mọi lời cáo buộc.
• Thanh tra Liên hiệp quốc điều tra vụ việc khí độc. Phải chờ khoảng ba tuần nữa mới có kết quả thanh tra.
• Một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria chí ít đã bị đình hoãn. Tổng thống Obama muốn tham khảo ý kiến Quốc hội. Phải chờ đến ngày 9/9 tới mới có quyết định cuối cùng.
Trong cuộc nội chiến ở Syria [bắt đầu từ tháng 3/2011 đến nay] đã có khoảng hơn một trăm nghìn người bị thiệt mạng, một phần tư dân số phải sơ tán. Nhưng mãi đến khi khí độc hóa học được đưa vào sử dụng, mà khả năng lớn là do lực lượng quân đội của Tổng thống Assad tiến hành, thì phương Tây mới quyết định về việc can thiệp bằng quân sự. Chính vì sự tồn tại của những kho vũ khí hóa học khổng lồ ở Syria nên chủ trương tấn công quân sự của phương Tây vào nước này sẽ không thay đổi. Theo tình báo Pháp, “Syria có nhiều nghìn tấn khí mù tạt (Senfgas), nhiều chục nghìn tấn khí VX và hàng trăm nghìn tấn khí độc Sarin”.
Cơ quan Tình báo đối ngoại (DGSE) và Tình báo quân sự của Pháp (DRM) đã điều tra, nghiên cứu hơn 30 năm để có danh sách các loại khí độc này. Với tổng trọng lượng khí độc hơn 1.000 tấn thì có thể nói kho vũ khí hóa học của Syria thuộc hàng những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Loại chất độc này có thể bắn xa tới 500 km bằng các loại tên lửa SS-21, Scud-B và Scud-D.
Chỉ có thể triệt tiêu kho vũ khí khổng lồ của Syria bằng một cuộc tấn công ồ ạt trên bộ. Theo ước tính của Lầu Năm góc, phải huy động khoảng 75.000 binh sỹ và chuyên gia mới có thể thực hiện nhiệm vụ này, điều mà các chính phủ phương Tây quyết không thể chấp nhận.
Việc thủ tiêu một phần kho vũ khí hóa học của Syria trên thực tế là bất khả. Vấn đề ở chỗ, không ai biết các kho vũ khí hiện được cất giấu ở đâu. Trong những tháng vừa qua, quân đội của Assad đã chuyển vũ khí hóa học từ các trung tâm sơ tán đi nhiều nơi trong nước.
Ngay cả khi biết rõ địa điểm cất giữ, vấn đề tiêu diệt cũng không dễ. Hãng thông tấn AP trích dẫn ý kiến của năm chuyên gia và cả năm chuyên gia này đều thống nhất ở một điểm, nếu đánh bom các kho vũ khí hóa học, khí độc hại sẽ phát tán với khối lượng lớn và dân thường và môi trường sẽ phải gánh chịu các hậu quả nghiêm trọng.
Để hủy diệt vũ khí hóa học cần có nhiệt độ lên tới 650 độ C. Một số yếu tố khác cũng có vai trò nhất định như thời tiết, hướng gió, nhiệt độ; ngoài ra còn phụ thuộc vào chủng loại chất độc, và cấu trúc nhà kho v.v…
Hơn nữa loại tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ dự kiến sẽ sử dụng chủ yếu vào cuộc tấn công quân sự sắp tới lại không phải là lựa chọn tối ưu để thủ tiêu vũ khí hóa học, nhất là khi vũ khí nằm trong hầm sâu. Với Tomahawk sẽ hình thành các đám mây độc hại gây nguy hiểm cho người dân ở gần kề các khu vực đó.
Một nỗi lo ngại nữa của phương Tây là trong hàng ngũ lực lượng nổi dậy có cả lực lượng Hồi giáo cực đoan, khi kho vũ khí hóa học bị tấn công rất có thể diễn ra hiện tượng “hôi của”. Các chuyên gia cũng cho rằng, khi một kho vũ khí hóa học bị tấn công thì khoảng 20 đến 30% vũ khí vẫn tồn tại và có thể phát huy tác dụng.
Để hủy hoại chương trình vũ khí hóa học của Syria, người ta có thể tấn công các nhà máy sản xuất các tiền chất. Tuy nhiên điều này không thay đổi được gì nhiều vì dù sao hiện tại Syria đã có một lượng lớn khí độc hại thần kinh, cho dù các nhà máy có bị phá hủy thì Syria vẫn là “siêu cường về vũ khí hóa học”.
Nguyễn Xuân Hoài dịch