Tài trợ nghiên cứu cơ bản theo mô hình ba mức

Tài trợ cho nghiên cứu theo cách thức hiện nay của Quỹ Nafosted có thể đem lại hiệu quả tức thời cho khoa học Việt Nam nhưng về lâu dài, việc duy trì tài trợ mang tính dàn trải, ngắn hạn và chạy theo số lượng công bố sẽ không thể tạo ra sự phát triển đột phá cho nền khoa học. Vì vậy, Quỹ Nafosted cần có cách đầu tư mới, quyết liệt hơn để khoa học Việt Nam có được những cá nhân và nhóm nghiên cứu xuất sắc.


TS. Trần Đình Phong. Nguồn: USTH

Nhìn vào thực trạng tài trợ hiện nay của Quỹ Nafosted, chúng ta thấy nổi lên hai vấn đề: Thứ nhất, các đề tài được xét tài trợ có phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu ở tầm nhỏ và hẹp nên khó có thể mở rộng hay đào sâu tiếp tục để hình thành một “thương hiệu” cho nhóm nghiên cứu; Thứ hai, kinh phí tài trợ chủ yếu để chi trả tiền lương nghiên cứu, rất ít cho vật tư tiêu hao và không có kinh phí dành cho việc mua thiết bị. Nếu không khắc phục hai vấn đề này thì chúng ta chỉ có thể triển khai những ý tưởng khoa học rời rạc, những đề tài có thí nghiệm quan trọng chủ yếu được thực hiện ở nước ngoài, và hơn cả là chỉ tạo ra các nhóm nghiên cứu “đồng hàng thẳng tiến”, có thể liên tục “trúng” tài trợ của Nafosted và có bài báo ISI nhưng khó xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh có vị trí đáng kể trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Quy chế sàng lọc người tài

Để có những giải pháp mang tính dài hạn, chúng ta cần đổi mới cách thức đầu tư cho khoa học trên cơ sở tham khảo cách làm mà các quỹ tài trợ quốc tế đã áp dụng thành công, một trong số đó là Quỹ của Hội đồng Khoa học châu Âu (European Research Council ERC), vốn thực hiện tài trợ cho các nhóm nghiên cứu theo những mức khác nhau: mức thứ nhất dành cho các tiến sĩ trẻ tài năng đã hoàn thành chương trình đào tạo nghiên cứu sinh từ bảy năm trở lại với khoản đầu tư tối đa là 1,5 triệu Euro cho năm năm (ERC starting grant); mức thứ hai – các tiến sĩ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc (từ bảy đến 12 năm sau tiến sĩ), đã chứng minh được tài năng với khoản đầu tư lên đến hai triệu Euro cho năm năm (ERC consolidator grant); mức thứ ba – các nhà nghiên cứu đã khẳng định được tài năng và dẫn đầu các phòng thí nghiệm lớn với kinh phí khoảng 2,5 triệu Euro cho năm năm (ERC advanced grant).
Nếu Quỹ Nafosted mạnh dạn áp dụng cách tài trợ theo mô hình nhiều mức này thì sau 10 đến 15 năm, khoa học Việt Nam sẽ có được những cá nhân xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh.

Cách đầu tư như hiện nay của Quỹ nên được coi là mức đầu tiên nhằm hình thành một cộng đồng khoa học đủ về số lượng và đặc biệt là giúp đỡ các nhà nghiên cứu trẻ gây dựng nhóm nghiên cứu của mình. Còn việc đầu tư tài trợ từ mức đầu lên mức hai và ba cần phải đảm bảo tính khoa học và chính xác. Ví dụ, các nhà khoa học sau năm, sáu năm nhận được tài trợ theo mức thứ nhất sẽ được đánh giá bởi hội đồng khoa học ngành. Trên cơ sở đánh giá đó, hội đồng khoa học chọn và giới thiệu lên Quỹ một số nhà nghiên cứu có thành tích vượt trội so với các đồng nghiệp về chất lượng, số lượng công bố và bắt đầu có một hướng đi rõ ràng trong nghiên cứu. Theo đó Quỹ có thể mời các nhà nghiên cứu được giới thiệu viết đề cương cho một chương trình nghiên cứu mà nhóm họ muốn thực hiện trong vòng từ năm đến 10 năm tới. Các chương trình nghiên cứu này nên có tính hệ thống, trình bày một hướng tiếp cận mà nếu thành công có thể đem lại những đóng góp quan trọng cho cộng đồng và cho xã hội. Để đánh giá khách quan và toàn diện, hội đồng khoa học ngành nên mời thêm những chuyên gia quốc tế có uy tín học thuật trong chuyên ngành hẹp mà chương trình nghiên cứu đề xuất. Ý kiến phản biện nên gồm cả nhận xét về nội dung khoa học của chương trình nghiên cứu và năng lực khoa học của người trưởng nhóm. Với khoảng ba ý kiến phản biện quốc tế độc lập, hội đồng ngành hoàn toàn có thể có một cái nhìn xác đáng về khả năng thành công khi chương trình và nhóm nghiên cứu được đầu tư. Bước cuối cùng của quá trình tuyển chọn, hội đồng khoa học cùng quỹ phỏng vấn trực tiếp các nhà khoa học. Thông qua các bước kiểm định chặt chẽ như vậy, chúng ta có thể tìm được đúng địa chỉ để đầu tư trong vòng năm năm. Quỹ có thể tham khảo cách lựa chọn chương trình nghiên cứu và nhà khoa học của Quỹ Nghiên cứu khoa học Singapore (National Research Foundation), nơi những năm qua đã thu hút được rất nhiều các tài năng khoa học trẻ quốc tế.

Nếu tiếp tục thực hiện theo cách này, sau khoảng 10 năm nữa, chúng ta có thể tiếp tục chọn ra được những nhà nghiên cứu xuất sắc và nhóm nghiên cứu xuất sắc để đầu tư trọng điểm ở mức thứ ba. Đây thực sự là những người đủ khả năng đứng đầu các lĩnh vực và đạt tầm quốc tế như quan điểm của GS Hoàng Tụy.

Sử dụng kinh phí đầu tư hiệu quả

Sẽ có nhiều người thắc mắc, việc đầu tư vào những nhà khoa học giỏi và nhóm nghiên cứu mạnh có đòi hỏi mất nhiều kinh phí không. Tôi nghĩ rằng, muốn đạt mục tiêu cao trong khoa học thì số tiền đầu tư cũng phải tương ứng. Nhưng thử nhìn lại, thay vì đầu tư dàn trải, Quỹ đầu tư vào những mũi nhọn một cách chọn lọc thì kinh phí sẽ không quá tốn kém như nhiều người e ngại. Hơn nữa, việc Quỹ nâng cao nguồn kinh phí đầu tư theo cách này không nhằm tăng thêm thu nhập cho nhà khoa học (hiện tại tiền công cho nhà khoa học đã ở mức tương đối hợp lý) mà để tạo điều kiện cho họ đầu tư vào trang thiết bị máy móc, vật tư phục vụ công tác nghiên cứu. Ví dụ, đầu tư cho các nhà khoa học ở mức hai sẽ là 10 tỷ nhưng điểm khác biệt so với việc đầu tư ở mức một chính là chín tỷ dành cho trang thiết bị máy móc và đội ngũ giúp việc triển khai các nghiên cứu (postdoc, nghiên cứu sinh, sinh viên cao học v.v). Nếu còn e ngại về việc số tiền này không được sử dụng đúng mục đích thì Quỹ có thể đề nghị nhà khoa học viết đề xuất để Quỹ có thể tự mua và giao trang thiết bị cho nhà khoa học. Những trang thiết bị như thế sẽ được dán nhãn Quỹ. Quỹ cũng hoàn toàn có thể xem xét đầu tư tập trung trang thiết bị khoa học cho một/một số chuyên ngành theo hướng tạo các trung tâm kĩ thuật (technical platform) hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của Quỹ, nơi các nhà khoa học có thể đến sử dụng một cách thuận lợi (Đây là một ý kiến mà tôi xin được trình bày cụ thể hơn trong một dịp khác). Không chỉ có vậy, Quỹ có thể quản lý được cả những khoản kinh phí khác như chi trả lương cho nhà nghiên cứu và đội ngũ giúp việc triển khai nghiên cứu bằng cách trực tiếp trả qua tài khoản. Để làm được việc này, nhà khoa học cần phải tự ước tính sẽ cần bao nhiêu người (tiến sĩ, postdoc, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên), trong vòng bao nhiêu lâu trong quá trình thực hiện chương trình nghiên cứu. Thực tế, những người làm nghiên cứu khoa học thường rất ngại cầm tiền hay phải lo các thủ tục hành chính nên nếu Quỹ đóng vai trò là cơ quan chủ quản tích cực đối với chương trình nghiên cứu của họ thì rất tốt.

Trong một buổi làm việc tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đại diện Quỹ Nafosted cũng chia sẻ rất thật về lý do vì sao các nhà quản lý vẫn cứ phải tiến hành nghiệm thu đề tài, dù biết rằng nó có nhiều bất cập bởi đây là cách để họ tránh xảy ra tình trạng thất thoát kinh phí tài trợ mà đâu đó vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân sâu xa của nó là các nhà quản lý sợ đầu tư sai nên phải tiến hành nghiệm thu đề tài để quản lý kinh phí. Có thể vì vậy mà Nafosted muốn duy trì cách thức đầu tư như hiện nay là đầu tư để có bài báo ISI.

Việc đầu tư cho nghiên cứu không nên là trách nhiệm của riêng Quỹ Nafosted. Với các nhà nghiên cứu và nhóm nghiên cứu đã được đánh giá để nhận đầu tư ở mức hai, Quỹ nên tài trợ theo hình thức vốn đối ứng giữa Quỹ và cơ quan chủ quản của nhà khoa học (tuy nhiên vấn đề này cũng còn phụ thuộc vào cơ quan chủ quản nữa). Ví dụ ở CEA (Cơ quan Năng lượng nguyên tử Pháp), một nhà nghiên cứu nhận được một triệu euro tài trợ từ Hội đồng Khoa học châu Âu, họ sẽ được CEA tài trợ thêm một triệu euro cho chương trình nghiên cứu của mình. Nếu Quỹ chỉ dừng lại ở việc tài trợ như hiện nay thì sẽ khó đòi hỏi cơ quan chủ quản đối ứng vốn đầu tư. Nhưng nếu đã đánh giá, sàng lọc để chọn ra các nhà nghiên cứu xứng đáng nhận đầu tư ở mức hai, thì các nhà quản lý sẽ có thêm trách nhiệm đầu tư bởi ở khía cạnh nào đó, các nhà khoa học được lựa chọn cũng là niềm vinh dự và thành tích của trường/viện. Nếu tiến hành một cách minh bạch và chính đáng, chọn được người tài thì tôi rất tin các cơ quan chủ quản có thế mạnh như hai ĐHQG, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam… sẽ ủng hộ và chấp thuận cùng đầu tư. Như vậy, đây sẽ là sự hợp tác ba bên cùng có lợi: Quỹ sử dụng đồng tiền đúng mục đích, hiệu quả; cơ quan chủ quản khẳng định được vị thế của mình so với những tổ chức khác thông qua việc thu hút và nuôi dưỡng cá nhân xuất sắc; nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu và có những đóng góp quan trọng đối với cộng đồng khoa học quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Hệ quả

Rõ ràng ai cũng nhìn thấy hệ quả tốt đẹp của một nền khoa học khi đầu tư thành công vào những cá nhân và nhóm nghiên cứu xuất sắc. Ở đây tôi muốn nhắc đến một vài khía cạnh khác, góp phần làm lành mạnh nền khoa học.
Thứ nhất, chất lượng nghiên cứu sẽ tăng lên, đi kèm với cạnh tranh lành mạnh. Nếu nhà nghiên cứu nào cũng thấy cơ hội được đánh giá đúng khả năng, được hỗ trợ hết sức cho đề xuất nghiên cứu khi được “thăng hạng” thì họ sẽ chỉ tập trung vào công việc nghiên cứu, chuẩn bị để đến một ngày nào đó được mời đề xuất ý tưởng, chương trình nghiên cứu và có hy vọng được tuyển chọn. Bởi ít ra họ biết rằng nếu cứ làm việc một cách bình bình, không tạo ra được sản phẩm có giá trị cao thì không thể lọt vào danh sách thăng hạng.

Thứ hai, nhà khoa học chỉ việc tập trung vào nghiên cứu sau khi được cấp kinh phí nghiên cứu, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất dành cho dự án, và có người hỗ trợ triển khai nghiên cứu (postdoc, nghiên cứu sinh, v.v do quỹ trả lương). Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi mà ít ra đến thời điểm này, nhiều thông tư hướng dẫn và những thủ tục hành chính chưa thể phát huy tác dụng như mong muốn của các nhà quản lý.

Thứ ba, việc áp dụng thành công cách đầu tư mới sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ ở nước ngoài về nước, đặc biệt với trường hợp những người đang còn băn khoăn giữa ở và về. Họ sẽ nhìn thấy cơ hội, con đường phát triển sự nghiệp ở trong nước và tự nguyện về mà các nhà quản lý không cần phải hô hào. Bởi với những người giỏi, tại sao lại không về nước nếu như có cơ hội được đầu tư ở mức hai, mức ba và như vậy không chắc là quá thua thiệt so với khi làm ở nước ngoài. Gần đây, Trung Quốc đang thu hút được rất nhiều các tài năng trẻ từ Mỹ, châu Âu về nước xây dựng và lãnh đạo các nhóm nghiên cứu thông qua các chương trình tài trợ lớn, chọn lọc như chương trình 1.000 tài năng (ngoài ra, các trường đại học lớn, các vùng cũng có riêng các chương trình thu hút tài năng của mình).

GS Hoàng Tụy đã nhận định, một trong những vấn đề quan trọng của khoa học Việt Nam là “đào tạo cả những nhà khoa học trẻ phát triển và thành danh quốc tế ngay từ quá trình làm việc trong nước – một điều không dễ nhưng không đến nỗi không làm được”1. Vì vậy nếu áp dụng cách thức đầu tư chọn lọc thì Quỹ Nafosted có thể thúc đẩy quá trình đào tạo nhà khoa học trẻ một cách minh bạch và hiệu quả.
——–
*Khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano Trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH)
1 Hoàng Tụy: “Thiếu cơ hội tham gia sinh hoạt quốc tế, nền khoa học sẽ bị cô lập”
http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Thieu-co-hoi-tham-gia-sinh-hoat-quoc-te-nen-khoa-hoc-se-bi-co-lap-10247

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)