Tăng học phí- đẩy gánh nặng cho dân ?

Không sa vào tranh cãi lý thuyết, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản thế này: tham nhũng, lãng phí, quan liêu từ hàng chục năm nay chưa giảm chút nào, thậm chí còn nhiều mặt trầm trọng hơn, đời sống người dân đang còn bao chuyện bất an như tai nạn giao thông luôn rình rập, thực phẩm thiếu an toàn, y tế lắm sự cố, vật giá leo thang hàng ngày, dịch bệnh lợn gà phát triển, mà chính lúc này lại tăng học phí, lấy cớ Nhà nước không đủ tiền lo cho giáo dục, thì quả tình không ổn, lòng dân thêm bất an.

Cô Vũ Thị Minh Duyên và các học sinh trong giờ sinh hoạt chung của lớp ghép 1, 2 học sinh xóm Rằng tại chi trường Sơn Phú (Hòa Bình). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Lý do tăng học phí mà ngành giáo dục đưa ra là vì kinh phí nhà nước cấp cho giáo dục quá thấp, lương thầy cô giáo không đủ sống, nếu cứ giữ học phí ở mức hiện nay thì chất lượng giáo dục khó có thể cải thiện. Mới thoạt nghe tưởng có lý nhưng suy xét kỹ hơn, đó là cái lý thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý. Chưa vội đi sâu vào lý luận có nên xem giáo dục là hàng hóa không, và điều đó hàm nghĩa gì, có hệ lụy gì đến trách nhiệm của Nhà nước đối với quốc sách hàng đầu này, tôi chỉ xin nêu lên mấy sự việc sau, mong tất cả chúng ta cùng suy nghĩ để có thái độ thận trọng trước một vấn đề mà ý nghĩa có thể vượt quá tác dụng trực tiếp của nó đến đời sống người dân.

1. Phải chăng vì thiếu tiền nên chất lượng giáo dục sút kém, do đó cần tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục?

Rõ ràng tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích dỏm, làm láo báo cáo hay, học sinh ngồi nhầm lớp, giáo viên đứng nhầm lớp, vi phạm đạo đức nghề thầy, chương trình, sách giáo khoa sai sót nhiều, không ổn định, dạy thêm học thêm tràn lan, chạy trường, chạy lớp, học giả bằng thật… đều không phải do thiếu tiền. Vừa qua bệnh tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích đã được khắc phục một bước, đâu phải nhờ ngành giáo dục đã được cấp thêm kinh phí? Có ý kiến cho rằng Nhà Nước hiện chi cho giáo dục 20% ngân sách, nhưng giả dụ có tăng lên đến 25% thì cũng không chắc giải quyết nổi những vấn đề bức xúc của giáo dục. Đúng vậy, chỉ xin nói thêm: giả dụ có tăng lên 30-40% ngân sách và tăng học phí nhiều, nhiều lần nữa, cũng chẳng có tác dụng gì nhiều nếu không thay đổi phong cách làm giáo dục.

Vì sao? vì chất lượng giáo dục kém hoàn toàn không phải do thiếu tiền. Từ 1998 đến 2007, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục tăng gấp 6 lần (từ 11.754 tỉ lên 67.000 tỉ), chưa kể tiền vay của nước ngoài 1,1 tỉ USD, trong khi đó số lượng học sinh, sinh viên không tăng bao nhiêu. Cho nên không thể viện cớ khung học phí 10 năm nay không thay đổi để biện minh cho đề nghị tăng học phí. Căn bệnh trầm kha của giáo dục không thể chữa trị nếu chỉ lo tăng đầu tư và phần đóng góp của người học.  

 2. Phải chăng cần tăng học phí để tăng lương cho giáo viên đủ sống?

Chỉ cần phân tích số liệu thực tế một cách khách quan cũng đủ rút ra kết luận (xem chẳng hạn [1] và [2]): gộp cả phần ngân sách chi cho lương và các khoản thu nhập khác của giáo chức với tiền đóng góp của dân qua học phí đủ loại, thì lương trung bình thầy cô giáo phổ thông phải gấp 3-4 lần lương chính thức. Điều cực kỳ phi lý đó của cơ chế sử dụng tài chính công chính là thủ phạm số một của tệ nạn tham nhũng đang hoành hành trong bộ máy hành chính của chúng ta, và riêng trong ngành giáo dục, nó cũng là thủ phạm số một của mọi sự tiêu cực, khuất tất ở đây.

Theo nhận định chung, trên cơ sở các kết quả điều tra thực tế, hiện nay thu nhập của phần đông giáo chức đã đủ sống tương đối, đã có không ít giáo viên ở thành phố có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, thậm chí cá biệt vài chục triệu đồng/tháng. Vậy vấn đề cấp bách không phải ở chỗ lương thấp mà ở chỗ: lương chỉ là một phần nhỏ thu nhập, mà thu nhập này thì không phụ thuộc nhiệm vụ chính, lại được phân phối khá tùy tiện, gây ra nhiều bất công, và hơn nữa, khiến quan chức ngày càng quan liêu, còn thầy cô giáo thì luôn đầu tắt mặt tối để làm những việc ngoài trách nhiệm trực tiếp. Sao không tìm cách xóa bỏ cái nghịch lý đó trên cơ sở chấn chỉnh cơ chế tài chính cho minh bạch, công bằng, và giảm thiểu tối đa những chi tiêu lãng phí đang làm thất thoát biết bao tài sản? Đó mới thật là giải pháp căn cơ để tiến đến đồng lương công bằng cho giáo viên, tuy giải pháp này khó thực hiện, song không khó vì bản chất bất khả thi mà chỉ khó vì đụng chạm tới lợi ích của những nhóm người đã quen được ưu đãi bởi cơ chế tài chính thiếu công bằng và thiếu minh bạch đã tồn tại lâu nay.

3. Phải chăng chỉ cần có chính sách học bổng thích hợp thì tăng học phí vẫn bảo đảm cho người nghèo đi học được?

Trước hết cấp học phổ cập phải hoàn toàn miễn phí, còn các cấp học khác, nếu bắt buộc phải tăng học phí thì tối thiểu cũng cần có chính sách học bổng cho người nghèo, đồng thời học phí không thể đồng loạt, mà cần có phân biệt theo vùng, miền. Lý thuyết thì vậy, song khi nhìn vào thực trạng bộ máy hành chính quan liêu, tham nhũng trầm trọng mà từ nhiều năm rồi vẫn chưa thay đổi, ai dám chắc sẽ không xảy ra điều trái ngược: người giàu hay có quyền chức lại chạy được học bổng, hoặc trả học phí thấp, còn người nghèo không trả nổi học phí, có khi đành bỏ học. Có thể những trường hợp oái ăm như thế không đến nỗi là đa số, nhưng ai dám bảo đảm không nhiều, không phổ biến, và dù cho chỉ là số ít thì Nhà Nước có thể dửng dưng được chăng?

Thật ra kinh nghiệm thực tế không cho phép hy vọng quá nhiều ở chính sách học bổng. Mặc dù chính sách ấy đã có từ lâu, song mấy năm gần đây số học sinh tiểu học giảm (từ 9,7 triệu năm 2000 còn 7,8 triệu năm 2004) trong khi dân số vẫn tăng có thể là do có nhiều học sinh bỏ học. Học phí chưa tăng mà còn như thế thì tới đây nếu học phí tăng lên tình hình sẽ ra sao? Theo tính toán của TS Vũ Quang Việt [3] có thể dự đoán bức tranh rất ảm đạm nếu học phí đổ đồng tăng từ 66 nghìn lên 200 nghìn/tháng. Đến mức đó người dân sẽ tự hỏi mục tiêu của chính sách giáo dục là vì ai? Nếu chúng ta nhớ rằng ngoài học phí, còn có bao nhiêu khoản phí khác về sách vở, về học thêm, nếu không chi thì cơ hội học được trường tốt, và lọt được vào cấp học cao hơn rất mong manh, thì mới thấy hết sự bất công còn tồn tại trong nền giáo dục của chúng ta.

4.  Phải chăng do Nhà nước không thể bao cấp hết cho giáo dục, nên phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường  huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục trong đó có việc tăng học phí?

Ngay ở các nước giàu OECD, phần đóng góp của dân cho giáo dục cũng chỉ quanh quẩn 20%, trong khi ở nước ta tỉ lệ ấy đã vượt 40%, thế vẫn chưa đủ sao? Có người còn cho rằng quan niệm giáo dục là hàng hóa đã chiếm ưu thế trên thế giới, ta không nên né tránh thị trường giáo dục, mà phải trả giáo dục về cho xã hội. Trong thực tiễn quản lý giáo dục điều đó thường dẫn đến giảm thiểu trách nhiệm của Nhà Nước và trút hết gánh nặng tài chính về giáo dục cho dân. Thật là trớ trêu, trong lúc hàng trăm doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ gây nên những món nợ khổng lồ không biết bao giờ mới thanh toán nổi, mà các tổng giám đốc vẫn điềm nhiên hưởng lương mấy chục triệu đồng/tháng, thì ngành giáo dục lại đang bàn tính chuyện tăng học phí, cổ phần hóa đại học công, khuyến khích tư nhân góp vốn kinh doanh giáo dục lấy lãi, lấy cớ hội nhập xu thế quốc tế. Trong khi đó, ở các nước văn minh, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải đóng cửa, và tuyệt đại đa số đại học tư đều vô vị lợi, thảng hoặc có vài cái vị lợi thì chẳng có chút uy tín gì.     

Nói cho cùng, một chính quyền vì dân nhiều hay ít chủ yếu phải thể hiện ở mấy mặt: 1) trong sạch, ít tham nhũng; 2) thân thiện với dân, không hành dân; 3) bảo đảm cho dân các quyền dân chủ trong đó có quyền được học hành. Xin kiến nghị Chính phủ mới và Quốc hội mới cho tạm dừng đề án tăng học phí, để giảm bớt lo lắng cho các gia đình lao động.

Hoàng Tụy

Tài liệu dẫn:
1. Vũ Quang Việt: Chi tiêu cho giáo duc: những con số giật mình,
www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/718033.
2. Vũ Quang Việt: Tăng học phí: bao nhiêu học sinh bỏ học ?
www.vietnamnet.vn/ giaoduc/vande/2007/07/718033.

Tác giả

(Visited 40 times, 1 visits today)