Tăng lương tối thiểu: Để có thể đủ sống

Dù trì hoãn hai năm do đại dịch COVID nhưng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động đã làm dấy lên cuộc thảo luận: tăng lương tối thiểu có tác động tích cực nào lên thu nhập và đời sống người lao động? áp lực tăng lương tối thiểu có khiến cho các doanh nghiệp cắt giảm lao động? và cuối cùng, việc tăng lương tối thiểu có giúp bảo vệ người lao động như mục đích ban đầu?

Công nhân tan ca. Ảnh phóng sự “8 tiếng trọn vẹn” do iSEE thực hiện tại khu Công nghiệp Tân Tạo, Q. Bình Tân, khu Chế Xuất Linh Trung, Q. Thủ Đức.

Chị Minh*, 39 tuổi, đang làm việc tại một nhà máy chuyên sản xuất váy và áo khoác cho các thương hiệu thời trang toàn cầu. Sáu ngày mỗi tuần, mỗi ngày ít nhất chín giờ làm việc, chị may tay áo cho khoảng 500 chiếc áo khoác/ngày. Chị là một trong số gần ba triệu công nhân đang góp phần đem lại gần 40 tỉ USD xuất khẩu hằng năm cho ngành dệt may Việt Nam. Những nhà máy dệt may quanh năm sáng ánh đèn đang “ăn nên làm ra” ở Việt Nam nhưng những người như chị Minh chỉ kiếm được khoảng 21 nghìn đồng (gần 1 USD) mỗi giờ. Ngay cả khi mức lương của chị hay các công nhân may khác có chạm ngưỡng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia, ví dụ ở vùng một như Hà Nội và các thành phố lớn thì còn xa mức này mới được coi là đủ sống.

Câu chuyện điển hình của ngành dệt may này, chúng ta gặp ở bất kỳ nhà máy hay khu chế xuất nào. Nó đã được đưa vào báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy: Nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam” do Viện Công nhân và Công đoàn, Oxfam thực hiện năm 2018. Trên cơ sở khảo sát sáu nhà máy ở bốn vùng lương từ trước thời điểm dịch bệnh COVID và lạm phát hậu COVID, họ đã phác thảo được một bức tranh tổng quan về thu nhập của những người công nhân: hầu hết công nhân được phỏng vấn đều có mức lương dưới mức đủ sống nên phải vật lộn làm thêm giờ để có thể nuôi sống bản thân và gia đình.

Tăng lương tối thiểu sẽ làm giảm việc làm?

Khái niệm “nhu cầu sống tối thiểu” lần đầu được đưa vào quy định pháp luật tại Điều 91 Bộ Luật lao động (năm 2012, hiệu lực 1/5/2013) mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Hằng năm, Chính phủ sẽ công bố lương tối thiểu vùng dựa trên sự tư vấn của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm, đến nay mức lương tối thiểu vẫn chưa lần nào đuổi kịp mức sống tối thiểu của người lao động. Lần điều chỉnh gần đây nhất vào đầu năm 2020, mức lương tối thiểu vùng I là 4,42 triệu đồng (cao nhất trong bốn vùng lương hiện nay). Sau hai năm không tăng lương tối thiểu để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp thì Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa có phiên họp thứ nhất bàn về vấn đề lương tối thiểu vùng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang dự kiến các phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 nhưng sẽ phải cân đối với khả năng chi trả của doanh nghiệp sau hai năm chống đỡ COVID và các yếu tố đủ bù trượt giá trong những năm chưa tăng, kèm theo các yếu tố về tăng năng suất lao động.

Theo một đại diện của Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và là Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, lo ngại trong bối cảnh COVID gây ra nhiều khó khăn, việc tăng lương tối thiểu giai đoạn này là “chưa khả thi”, sẽ làm tăng chi phí lao động. Có những quan điểm lo ngại rằng điều này dẫn tới việc doanh nghiệp cắt giảm lao động và sẽ làm giảm số việc làm của nhóm lao động yếu thế – nhóm cần được bảo vệ việc làm và thu nhập nhất. TS. Nguyễn Việt Cường, Trường Quốc tế (ĐHQGHN) cho biết, vào những năm 1980 đã có các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy khi lương tối thiểu tăng 10% thì có tương quan với tỷ lệ thất nghiệp tăng 1-3%. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu gần đây ở cả nước thu nhập thấp cũng như thu nhập cao cho thấy tăng lương tối thiểu không dẫn đến giảm việc làm cũng như gia tăng thất nghiệp.

Nghiên cứu gần đây của TS. Nguyễn Việt Cường đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu trong giai đoạn 2012-2020 lên việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam, sử dụng số liệu từ Điều tra Lao động việc làm hằng năm từ năm 2012 đến năm 2020 cho thấy tăng lương tối thiểu không làm giảm việc làm và thất nghiệp. Tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến mức lương trung bình của người lao động nói chung. Điều này hàm ý, tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến chi phí của chủ sử dụng lao động tuy nhiên điểm tích cực của lương tối thiểu là giúp tăng tiền lương cho người lao động có mức lương thấp. Mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng tiền lương tháng của người lao động có mức lương dưới mức lương tối thiểu lên 0,83%.

Trong những năm gần đây trước khi xảy ra đại dịch COVID thì tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn tốc độ tăng của lương trung bình. Tuy nhiên năm 2020 do tác động của đại dịch thì lương trung bình thực tế không tăng, còn lương tối thiểu thực tế đã giảm do lạm phát. Do đó, theo TS. Nguyễn Việt Cường, việc tăng lương tối thiểu là cần thiết để đảm bảo mức sống cho người lao động có thu nhập thấp. Để giảm áp lực cho doanh nghiệp, chính phủ có thể tiếp tục sử dụng các công cụ hỗ trợ khác như hỗ trợ lãi suất và giảm thuế chứ không nên nghĩ tới việc tiếp tục “gia hạn”, lùi thời gian tăng lương tối thiểu.


Dòng slogan trên áo sếp: “Đừng xin anh về sớm. Đủ SAH em về” (SAH: định mức sản lượng mà công nhân phải hoàn thành, 1 SAH = 12 áo, có thể ít hay nhiều hơn tùy đơn hàng). Nguồn ảnh: Báo cáo Tiền lương không đủ sống và hệ lụy.

Lương tối thiểu có đủ sống tối thiểu?

Trên thực tế, tính toán mức tăng lương tối thiểu làm sao để người lao động có mức lương đủ sống là bài toán phức tạp. Mức lương tối thiểu theo quy định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức lương một người cần để trang trải các chi phí cần thiết như thực phẩm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Tính toán của Oxfam vào năm 2018 cho thấy mức lương tối thiểu trung bình của cả bốn vùng tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 37% mức lương của Sàn lương châu Á và 64% mức lương đủ sống mà Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu tính toán cho Việt Nam. Với ngành may, 74% công nhân may có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu. Nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có hơn 52% công nhân may đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu, 99% công nhân có mức lương thấp hơn mức Sàn lương châu Á.

Mức lương cơ bản không thể đủ sống ở tất cả các tỉnh, thậm chí mức lương tối thiểu cao nhất – của vùng 1 – cũng khó đảm bảo cuộc sống của một người lao động và một người phụ thuộc ở vùng 3 hoặc vùng 4 như Lào Cai, Yên Bái. Nên công nhân chỉ có thể tăng lương bằng cách sản xuất nhiều sản phẩm hơn – để sản xuất nhiều hơn, họ phải làm thêm giờ. Tất cả các công ty may mặc được khảo sát trong nghiên cứu của Oxfam đều có giờ làm việc từ 7:30 sáng đến 4:30 chiều, nhưng nếu công nhân không hoàn thành định mức lao động thì phải ở lại đến 5:30 hoặc 6:30 chiều. Báo cáo Việc làm tốt hơn (Better Work) vào năm 2017 cho thấy 82% trong tổng số 257 nhà máy sử dụng lao động làm thêm giờ vượt quá thời gian làm thêm giờ theo quy định.

Trên thực tế, các doanh nghiệp gần như chưa bao giờ nghĩ tới lương đủ sống khi xây dựng chính sách tiền lương của mình. Chính sách tiền lương của doanh nghiệp chỉ dựa trên mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự tính toán và quyết định đơn giá tiền lương và định mức lao động. Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh khi có sự phản ứng mạnh mẽ của người lao động, ví dụ như đình công tự phát.

Về phía các doanh nghiệp, lựa chọn tăng lương tối thiểu theo giờ cho công nhân chưa phải là chi phí làm doanh nghiệp nặng gánh nhất so với những chi phí khác. Trên thực tế, mức lương trả cho người lao động chiếm tỉ lệ nhỏ trong chi phí đầu vào cho sản xuất. Oxfam ước tính, trung bình chỉ 4% giá một sản phẩm quần áo được bán ở Úc là dành cho chi phí lương công nhân trong các nhà máy may ở châu Á. Tổ chức Deloitte Access Economics ước tính: ngay cả khi các nhà máy tăng lương cho người lao động đủ sống và chuyển toàn bộ chi phí này vào giá hàng thì cũng chỉ làm tăng giá áo lên 1%. Có nghĩa là chỉ mất thêm 10 xu cho một chiếc áo phông trị giá 10 USD.
Ngược lại, chi phí mà các doanh nghiệp đang phải tốn kém nhiều chính là để giải quyết các vấn đề xung đột về quan hệ lao động.Chị Đặng Thị Hải Hà đã nghiên cứu về các xung đột quan hệ lao động của khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam, đếm số lượng xung đột hằng ngày, tính thời gian xung đột, chi phí tổn thất của thời gian giải quyết xung đột cho thấy việc tranh chấp xung đột trong mối quan hệ lao động có thể làm ảnh hưởng tới ít nhất 25% trị giá hiệu quả sản xuất. “Chúng ta chỉ cãi nhau về tăng lương hay bỏ lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội trả kiểu gì… mà chưa bàn tới những vấn đề cốt lõi là xử trí các mối quan hệ lao động, giảm chi phí xung đột quan hệ lao động”.

Tiền lương thấp vẫn là nguyên nhân của phần lớn các tranh chấp, xung đột trong quan hệ lao động, làm cho quan hệ lao động trở nên phức tạp, dẫn tới đình công ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Một báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thống kê các cuộc đình công từ năm 1995 đến 2007 cho thấy, các nguyên nhân dẫn đến đình công đều liên quan đến tiền lương (33% người lao động cho biết mức lương thấp hoặc chủ sử dụng lao động không tăng lương như cam kết; 25% do làm thêm giờ quá nhiều, 20% do không được trả lương cho những giờ làm thêm…). Cho đến thời điểm 2018 Oxfam tiến hành khảo sát, thì tình trạng đó vẫn không có nhiều thay đổi, trong số 39,5% các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam kể từ năm 1995 đến nay diễn ra trong lĩnh vực may mặc thì một trong những lý do chính là tiền lương. Tất cả những tính toán trên đều dừng ở trước năm 2020, chưa cập nhật những khó khăn của đại dịch, theo sau đó là xu hướng lạm phát tăng giá trong hai năm qua.

Đánh giá tác động của lương tối thiểu

Việc tính toán tăng lương tối thiểu mới chỉ là điểm khởi đầu, vấn đề còn lại là giám sát sự tuân thủ của các doanh nghiệp thực thi quy định này. Bởi theo tính toán của TS. Nguyễn Việt Cường, vẫn có một tỉ lệ người lao động được nhận lương còn thấp hơn cả lương tối thiểu, vào năm 2020 là 7,8%, từ 2019 trở về mốc 2012 thì tỉ lệ này cũng dao động trong khoảng 5-10%.

Chuyên gia kinh tế lao động Đặng Thị Hải Hà, sáng lập tổ chức nghiên cứu lao động Respect lưu ý về tính khả thi của những quy định về lương tối thiểu, nó có “tác động thực tế đến người lao động hay không, doanh nghiệp có lợi dụng điều đó không”. Doanh nghiệp tuân thủ việc tăng lương tối thiểu rồi có đẩy định mức lao động lên cao hơn, giảm các khoản khác như thưởng, phụ cấp không? Để nắm được điều đó phải thanh tra quỹ lương thì mới biết được, giả sử nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, đóng thuế bình thường, số lượng lao động tăng lên thì quỹ lương phải tăng lên. Còn hiện nay chúng ta mới chỉ thuần túy liệt kê ra được lương tối thiểu tăng lên hay giảm xuống thôi, không tính được tác động của nó đến người lao động.

Theo chị Hải Hà, giám sát thực thi luật nằm ở thanh tra lao động. Nhưng thanh tra thì lúc nào cũng mỏng, yếu và phải “ôm” quá nhiều việc. Chính thanh tra lao động đã tính toán, một doanh nghiệp được các thanh tra lao động tới thì khoảng vài chục, thậm chí trăm năm sau mới có thể quay lại thanh tra được. Báo cáo của Oxfam cũng cho thấy, tại một tỉnh được khảo sát, lực lượng thanh tra lao động tỉnh chỉ có 15 người, trong đó chỉ có 10 thanh tra viên có tư cách vào thanh tra tại doanh nghiệp. Dù có cố gắng hết sức, trong một năm, thanh tra lao động chỉ có thể thực hiện thanh tra được ở khoảng 200 doanh nghiệp trong số 29.100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại một doanh nghiệp được khảo sát trên địa bàn tỉnh này, lần thanh tra gần nhất là từ năm 2009 và từ đó đến nay chưa được thanh tra lại lần nào. Hơn nữa, thanh tra lao động, hòa giải và trọng tài lao động chủ yếu chỉ xử lý các vụ việc liên quan tới vi phạm pháp luật chứ ít có vai trò trong việc hỗ trợ các bên thương lượng nhằm cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc của người lao động phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do vậy, “tôi nghĩ rằng cần phải tăng cường năng lực của thanh tra công, cung cấp cho họ các phương tiện công nghệ, có dữ liệu lớn về các công ty, có công cụ đánh giá toàn diện và có cơ chế đảm bảo minh bạch thông tin, cập nhật thông tin thường xuyên”, chị Hải Hà nói.□

* Tên nhân vật trong báo cáo đã được thay đổi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)