Tham vấn công chúng và thúc đẩy dân chủ

Tham vấn công chúng là phương thức chủ yếu để thực thi nền dân chủ tham gia. Việc tham vấn công chúng được tiến hành thiết thực, hiệu quả sẽ nâng cao không chỉ chất lượng của các chính sách mới, mà còn cả năng lực thực hành dân chủ của người dân đất Việt.

Đợt tham vấn công chúng về Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do các chính sách mới về đất đai sẽ đụng chạm đến lợi ích của tất cả mọi người, nên tất cả mọi người cần phải được dự phần trong việc thông qua chúng. Nguồn ảnh: golftimes.vn

Ngày 13/12/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân lần này sẽ được tiến hành hết sức công phu, bài bản từ ngày 30/1/2023 đến ngày 15/3/2023.

Thực ra, lấy ý kiến nhân dân là văn nói, văn viết thì phải gọi là tham vấn công chúng. Vậy tham vấn công chúng là gì? Tham vấn công chúng chính là một công đoạn bắt buộc trong quy trình lập pháp, khi các cơ quan nhà nước hữu quan chủ động tìm kiếm sự đóng góp ý kiến của công chúng về những chính sách lập pháp dự kiến sẽ được ban hành. Thực ra, đây không phải là điều gì quá mới mẻ. Các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây đều đã quy định về việc phải lấy ý kiến nhân dân. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thậm chí còn quy định phải lấy ý kiến, trong đó có ý kiến của đối tượng bị chính sách lập pháp điều chỉnh, trước khi dự luật được chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng pháp luật (Điều 36, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều khi các dự luật được thông qua, đối tượng bị điều chỉnh mới bắt đầu than phiền hoặc té ngửa ra vì sự bất ngờ của chính sách? Rõ ràng, đối tượng bị điều chỉnh đã không biết gì về chính sách lập pháp dự kiến được ban hành. Mà như vậy, thì chất lượng của hoạt động tham vấn chắc chắn là đang có vấn đề.

Trước hết, việc tham vấn bằng cách đăng toàn bộ dự thảo văn bản lên cổng thông tin điện tử hoặc trên báo chí có vẻ như không phải là cách làm thật hiệu quả. Người dân khó lòng tìm ra chính sách lập pháp đụng chạm đến mình nằm ở đâu trong hàng chục, hàng trăm điều khoản dài dòng của văn bản. Hơn thế nữa, có tìm ra thì người dân cũng khó hiểu hết các hệ lụy của một chính sách lập pháp đối với mình là như thế nào.

Hai là, xu hướng tổ chức tham vấn một cách hình thức cho đủ thủ tục không phải là không có. Luật đã quy định phải tham vấn thì tổ chức tham vấn cho xong, miễn sao có đầy đủ hồ sơ để trình ra Quốc hội là được.

Ba là, năng lực tổ chức tham vấn có thể vẫn còn hạn chế. Ở đây, có thể có cả vấn đề lựa chọn đối tượng tham vấn không phù hợp và cả vấn đề thông tin cho đối tượng tham vấn không đầy đủ…

Đợt tham vấn công chúng về Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do các chính sách mới về đất đai sẽ đụng chạm đến lợi ích của tất cả mọi người, nên tất cả mọi cần phải được dự phần trong việc thông qua chúng.

Trong khi đất nước ta đang hội nhập và đời sống dân chủ đang ngày càng được mở rộng, thì hoạt động tham vấn công chúng ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Trước hết, tham vấn công chúng về chính sách, pháp luật là chuẩn mực chung của thế giới văn minh. Hội nhập với thế giới nghĩa là chúng ta phải chấp nhận chuẩn mực chung này. Hai là, tham vấn công chúng làm cho chính sách pháp luật phản ánh đúng ý nguyện của dân hơn, nhờ vậy sẽ được người dân ủng hộ. Ba là, tham vấn công chúng làm cho chính sách, pháp luật khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống dễ dàng hơn.

Sâu xa hơn nữa, tham vấn công chúng là phương thức chủ yếu để thực thi nền dân chủ tham gia. (Dân chủ tham gia là dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “participative democracy”. Như thuật ngữ sức khỏe sinh sản “repreductive health”, thuật ngữ này nghe còn khá lạ tai. Tuy nhiên, thuật ngữ này lại diễn tả rất chính xác nội hàm của khái niệm. Vì vậy, nếu thuật ngữ sức khỏe sinh sản được chấp nhận trong tiếng Việt, thì tại sao thuật ngữ dân chủ tham gia lại không?). Như vậy, chúng ta có ba hình thức dân chủ: dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham gia. Dân chủ trực tiếp là tốt đẹp nhất, nhưng khó thực thi nhất và tốn kém nhất về mặt kỹ thuật. Dân chủ trực tiếp chỉ khả thi về mặt kỹ thuật trong một cộng đồng dân cư tương đối nhỏ. Khi có hàng trăm ngàn người, hàng triệu người tham gia thì vấn đề hội trường, vấn đề cách thức tổ chức tranh luận sẽ gần như bất khả thi. Cách thức khả thi nhất ở đây là trưng cầu dân ý. Thế nhưng cách thức này rất tốn kém và nó cũng chỉ có ý nghĩa khi trước đó những tranh luận sâu rộng trong xã hội đã thật sự xảy ra. Dân chủ đại diện khả thi hơn nhiều về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, rủi ro của việc các quan chức nhà nước sau khi được bầu sẽ thúc đẩy lợi ích của mình nhiều hơn lợi ích của nhân dân là rất khó loại trừ. Dân chủ tham gia kết hợp được ưu điểm của hai hình thức dân chủ nói trên, đồng thời cũng khắc phục được khuyết điểm của chúng. Chính vì vậy, dân chủ tham gia là hình thức dân chủ thiết thực hơn và được tất cả các quốc gia văn minh, hiện đại trên thế giới coi trọng.

Tổ chức tham vấn công chúng một cách thiết thực và hiệu quả chính là chúng ta đang thúc đẩy nền dân chủ tham gia trên đất nước mình.

Đợt tham vấn công chúng về Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do các chính sách mới về đất đai sẽ đụng chạm đến lợi ích của tất cả mọi người, nên tất cả mọi cần phải được dự phần trong việc thông qua chúng. Ngoài ra, việc tham vấn công chúng được tiến hành thiết thực, hiệu quả sẽ nâng cao không chỉ chất lượng của các chính sách mới, mà còn cả năng lực thực hành dân chủ của người dân đất Việt. □

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)