Thao túng dư luận xã hội

Trước đây, trong một bài viết cho Tia Sáng của tôi về trách nhiệm của tri thức trong xã hội, cũng được truyền cảm hứng từ một trong những tiểu luận nổi tiếng nhất của Noam Chomsky về "tạo sự đồng thuận"3. Đến bài này, lí do tôi viết là vì nỗi lo về sự tiến hóa của truyền thông do internet và mạng xã hội đang đưa đến một chiều kích mới cho sự định hình dư luận.

Tạo dựng sự đồng thuận là tiêu đề tiểu luận của Noam Chomsky và Edward Herman được xuất bản ở Mỹ vào năm 19881. Các tác giả mô tả mô hình tuyên truyền để tạo dựng sự đồng thuận của công chúng bằng cách sử dụng các “bộ lọc” được biên tập bóp méo, là cách truyền thông đại chúng ứng dụng trong việc đưa tin. Cuốn sách đã có tác động mạnh tới các học giả Mỹ và khởi xướng một loạt các bình luận cả đồng tình lẫn tranh cãi, vẫn như với mỗi tiểu luận và sách ngắn của Noam Chomsky. Noam Chomsky là một trong số những trí thức có ảnh hưởng lớn nhất trong nửa cuối thế kỉ vừa qua, nhiều người biết đến ông với những hành động phản đối Chiến tranh Việt Nam2.

Tạo dựng sự đồng thuận là điều cần thiết cho bất kì ai lãnh đạo một quốc gia. Cách đây 25 thế kỉ, Plato trong cuốn Cộng hòa đã chỉ ra nhu cầu của một nền quản trị tốt là cần chuẩn bị sẵn những huyền thoại thích hợp để thống nhất quốc gia dân tộc, mà các dịch giả thường gọi là những “lời nói dối cao thượng”. Tạo dựng sự đồng thuận có thể hiện diện dưới vô vàn hình thức ở đủ loại mức độ khác nhau. Một cực là hình thái lí tưởng của xã hội dân chủ nơi mà những người điều hành đất nước nỗ lực giải thích lí lẽ với người dân về các chính sách của mình và từ đó đạt được sự đồng thuận. Tình huống lý tưởng đó đòi hỏi những người dân được giáo dục tốt, có khả năng hiểu và đánh giá lập luận của những người lãnh đạo. Nó cũng đòi hỏi những người lãnh đạo hết mực quan tâm tới giáo dục người dân, như Bác Hồ từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ở cực khác là trường hợp chính quyền độc tài mà dư luận xã hội được nhào nặn bởi các thông tin tuyên truyền sai lệch và những đe dọa cưỡng ép. Người dân ở các quốc gia đó càng ít được học hành, thì họ càng dễ bị sai khiến. Những người đứng đầu chính quyền độc tài đó mong muốn giữ cho người dân ở trạng thái vô minh, ngăn cản người dân đọc những gì ngoài sự rao giảng sự vĩ đại của những học thuyết mà họ tự khẳng định là luôn noi theo.

Lịch sử ghi lại nhiều ví dụ về việc tạo dựng sự đồng thuận một cách hiệu quả và cho ta nhiều bài học. Sự tuyên truyền của Đức Quốc xã là một trường hợp điển hình. Hitler, trong tác phẩm Mein Kampf đã chỉ rõ một yêu cầu cơ bản để đạt được sự tuyên truyền hiệu quả4: “Tuyên truyền phải luôn hướng đến đại đa số người dân. […] Tất cả các nội dung tuyên truyền phải được trình bày dưới hình thức phổ biến và hạn chế mức tri thức của nó sao cho không vượt quá tầm nhận thức của những người ít trí tuệ nhất trong số các độc giả mà nó hướng đến. […] Nghệ thuật tuyên truyền nằm chính xác ở khả năng kích thích trí tưởng tượng của công chúng thông qua việc lay động cảm xúc của họ, nằm ở việc tìm ra hình thức tác động tâm lý sẽ tóm gọn sự chú ý và nắm bắt trái tim của dân chúng cả nước. Đại đa số người dân không phải là nhà ngoại giao hay các giáo sư luật công hay đơn giản là những người có khả năng phản biện trước mỗi tình huống, mà là đám đông những người lớn trẻ dại dễ lung lạc, liên tục bị xao động từ ý tưởng này đến ý tưởng khác. […] Đại đa số người dân của một quốc gia có tính cách và quan điểm dễ dãi tới mức suy nghĩ và hành động của họ tuân theo cảm xúc chứ không phải lí trí tỉnh táo. Cảm xúc này, tuy nhiên, lại không phức tạp mà đơn giản và nhất quán. Nó cũng không quá đa dạng mà chỉ có hai sắc độ tiêu cực hoặc tích cực như giữa yêu và thù ghét, đúng và sai, sự thật và lừa dối.” Josheph Gobbel, Bộ trưởng Bộ Khai sáng công chúng và Tuyên truyền lúc đó đã tuân thủ những chỉ dẫn này ở mức cực đoan cao nhất, đóng vai trò chính cho những tội ác khiến cho đế chế này trở nên tàn bạo. Việc các sinh viên đại học đốt những sách vở5 không ủng hộ học thuyết phát xít đã chứng minh cho bình luận của tôi vừa rồi về tầm quan trọng của việc duy trì người dân trong vòng tròn vô minh.


Noam Chomsky tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam năm 1967. Nguồn ảnh: UMass Amherst Libraries.

Dưới thời Stalin, tuyên truyền trở thành một chương tối trong lịch sử của Liên bang Xô viết6. Bài viết này sẽ không đi sâu vào những nội dung dễ gây tranh cãi, tuy nhiên rõ ràng việc xử lý, cải tạo lao động và tra tấn tâm lý những người bất đồng với những tuyên truyền chính thống không giúp gì cho hình ảnh và ý nghĩa của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Ở đây, tôi không định tổng kết lại nhiều hình thức tuyên truyền diễn ra trong lịch sử gần đây: mặc dù thú vị, nhưng nhiệm vụ đó vượt quá phạm vi của bài viết. Tuy nhiên hãy cho phép tôi đề cập đến một công trình, mà tôi nghĩ người Việt Nam sẽ quan tâm. Đó là luận án tiến sĩ gần đây7 (2016) trong ngành lịch sử của Justin Simundson viết cho Đại học Công nghệ Texas, tiêu đề là “Tranh cổ động và Tạo dựng sự đồng thuận trong ‘Giải phóng’ Việt Nam, 1950-1963”. Nó chỉ ra việc tuyên truyền Chiến tranh lạnh diễn ra như thế nào ở Đông Dương và Việt Nam, cách thức đường lối tuyên truyền đó đã tạo ra không khí chính trị đã dẫn đến Chiến tranh Việt Nam ra sao. Công trình này lập luận rằng cả Mỹ và những người Việt chống cộng đã tạo ra thông tin tuyên truyền chủ yếu hướng tới việc tạo dựng sự đồng thuận ở Mỹ có tiền lệ. Chúng ta đã chứng kiến cả một tầng lớp chính trị học theo ông ta, xúc phạm lẫn nhau bằng lời lẽ thiếu tính lịch sự ở mức tối thiểu. Chúng ta cũng nhìn thấy sự độc hại của các thuyết âm mưu và sự lây nhiễm của Q-anon trong công chúng và khiến họ tin rằng có một “băng đảng quỷ Satan ăn thịt người và ấu dâm đang vận hành một đường dây toàn cầu bán dâm trẻ em” đang thêu dệt các tin chống lại Trump. Chúng ta đã chứng kiến những thông tin được đưa một cách khách quan trên truyền thông liên tục bị phủ nhận một cách hệ thống là “tin giả” bởi những người cho rằng những thông tin đó là đi ngược lại lợi ích của họ. Chúng ta đã chứng kiến một đảng phái chính trị lớn ủng hộ cho “Lời nói dối trắng trợn” rằng bầu cử tổng thống 2020 là gian lận. Đến giờ này, vẫn có 30% người dân Mỹ tin vào điều đó. Tất cả những thứ rác rưởi này là bằng chứng cho thấy rằng sự vô minh khủng khiếp của người dân vẫn tổn tại ở một quốc gia lớn và đáng lẽ là một quốc gia phát triển nhất. Nó vẫn là bằng chứng ủng hộ quan điểm của Hitler cho rằng đám đông không có khả năng đưa ra những nhận định và đánh giá có lí lẽ. Điều đáng lo là cách thức để nó nhiễm độc cả quốc gia, với dân số gấp ba lần Việt Nam, trong thời gian quá ngắn.

Làm sao điều đó xảy ra? Dĩ nhiên, chúng ta đều hiểu là đám đông không thể hiểu được những vấn đề phức tạp có ý nghĩa quan trọng toàn cầu, vốn đòi hỏi tri thức sâu sắc về những yếu tố liên quan để phân tích một cách đúng đắn, chẳng hạn như năng lượng hạt nhân và nóng lên toàn cầu. Chúng ta đã chứng kiến sự vô minh như vậy đưa đến những hệ lụy thế nào, những quyết định sai lầm được thực hiện lúng túng trên quy mô toàn cầu, cảm xúc thay thế lí trí và gây ra sự chia rẽ người dân trên toàn cầu thành hai chiến tuyến. Với một chút phóng đại, chúng ta có thể nói rằng ở Mỹ, nếu bạn là người theo Đảng Dân chủ, bạn tin vào nóng lên toàn cầu, nếu là người theo Đảng Cộng hòa, thì bạn không. Đại dịch chỉ ra rằng sự phi lí này vẫn tiếp tục dâng cao với sự chia rẽ giữa hai phe ủng hộ đeo khẩu trang và không đeo khẩu trang và giữa phe ủng hộ và phe không tin vaccine. Có lẽ đã có một cảnh báo nào đó, nhưng chúng ta không hề nghĩ rằng tác hại của sự ngu dốt có thể có ảnh hưởng lớn như vậy trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nó gây bất ngờ và vẫn là một chủ đề trao đổi chính giữa các học giả trên khắp thế giới.

Tôi muốn lấy ví dụ về một bài báo gần đây được đăng trên tờ The Conversation bởi Jennifer Mercieca8, giáo sư truyền thông ở Đại học Texas A&M. Quan điểm của bà đại diện tương đối cho số đông học giả. Bà cho rằng chúng ta đều là những kẻ đi tuyên truyền “Mô hình tuyên truyền dọc được kiểm soát bởi giới tinh hoa không thể nào địch lại sự thay đổi trong cách giao tiếp mà truyền thông tham dự mới mang đến – đầu tiên là đài phát thanh, rồi cáp quang, email, blog, chat, tin nhắn, video và mạng xã hội. Theo nghiên cứu của trung tâm Pew, 93% người Mỹ đang nối mạng internet và 82% đang dùng mạng xã hội. Rất nhiều người sử dụng các kết nối và nền tảng mạng xã hội của họ để chủ ý hoặc vô tình truyền bá các thông tin sai lệch, bịa đặt, các thuyết âm mưu và những thảo luận gây chia rẽ – mọi hình thức của tuyên truyền. Chúng ta giờ đây tất cả đều là những kẻ tuyên truyền”.


Những người ủng hộ Donald Trump xông lên đồi Capitol. Cuộc nổi loạn này xảy ra do Trump kích động bằng cách đăng trên mạng xã hội kêu gọi những người ủng hộ của mình tuần hành đến Điện Capitol để gây áp lực nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử sau chiến thắng của Biden. Các mạng xã hội Facebook, Twitter đều khóa và sau đó đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Trump. Nguồn: NPR.

Kết cục, bà nói, nền dân chủ đang trong giai đoạn khủng hoảng, tạo dựng sự chia rẽ thay thế cho việc tạo dựng sự đồng thuận “Thông tin tuyên truyền mới có thể sinh ra từ bất kì ai, bất kì đâu – và điều này được thiết kế để tạo ra sự hỗn loạn khiến không ai biết rằng mình nên tin ai và điều gì mới là sự thật. Người dân bị lợi dụng và được huấn luyện bởi các đảng phái chính trị, truyền thông, các tổ chức vận động xã hội, các nền tảng, các tập đoàn – và còn nhiều nơi khác nữa – để trở thành những người tuyên truyền, kể cả khi họ không nhận ra điều đó”.

Khoảng 10 năm trước, tôi viết cho Tia Sáng một bài báo tên là “Internet, cái lưỡi của Aesop”, trong đó tôi có tranh luận rằng Internet cũng như cái lưỡi của Aesop là thứ tốt nhất và cũng là thứ tệ nhất của mọi thứ. Lúc đó tôi chỉ tập trung vào việc sử dụng và sử dụng sai nó trong giảng dạy và nghiên cứu học thuật, bình luận sâu về vấn đề đạo văn. Nhưng tôi chỉ đề cập một chút về việc sử dụng sai internet bởi những kẻ tấn công tình dục hoặc chính quyền độc tài dùng web để áp đặt quyền lực của mình lên người khác. Nhưng nếu tôi viết lại bài báo đấy ngày nay, tôi sẽ phải sử dụng giọng văn mạnh mẽ hơn và không thể đánh giá thấp mối đe dọa đối với nền dân chủ bởi cách nó được sử dụng ngày nay cho việc tạo dựng sự chia rẽ. Tôi không thể phớt lờ tác hại gây ra bởi sự lây lan của những thông tin sai sự thật trên các nền tảng như WhatsApp, khiến cho 20 người vô tội ở Ấn Độ phải chịu hành hình kiểu lynso vào khoảng giữa tháng năm và tháng bảy năm 2018 vì bị cáo buộc sai là hành hạ trẻ em9.

Khi tôi là giám đốc nghiên của của CERN, tôi thường tổ chức các cuộc họp hằng tuần với những người đứng đầu của bốn phòng ban mình phụ trách. Khoảng 30 năm trước, trong một cuộc họp như vậy, David Williams, người đứng đầu phòng ban Xử lý Dữ liệu và Máy tính mời chúng tôi tới gặp một kĩ sư trẻ tuổi là nhân viên của ông, Tim Berners-Lee*. Tim đang làm việc một mình trong một văn phòng nhỏ gần đấy và trình bày với chúng tôi về công trình của anh và những gì anh thành công trong việc liên kết các máy tính với nhau. Tôi nhớ rằng anh cho chúng tôi thấy cách anh có thể gần như ngay lập tức đưa ra một danh sách các khách sạn ở Tokyo. Tôi phải xấu hổ khi thú nhận rằng, lúc đó thôi không thấy ấn tượng lắm: Ai mà quan tâm đến những khách sạn ở Tokyo cơ chứ? Nhưng Tim trông có vẻ là một nhà nghiên cứu thông minh, tốt bụng và tôi hoàn toàn tin tưởng vào David: chúng tôi cho anh ấy toàn quyền quyết định trong việc ủng hộ và hỗ trợ công trình của Tim. Tuy nhiên, theo chính sách của CERN là cho phép truy cập mở tới mọi sản phẩm của nó, bởi vậy mọi dòng lệnh liên quan đến công trình này phải luôn mở và miễn phí bản quyền cho tất cả và mãi mãi.

Nhớ lại những điều trên có lẽ chỉ đơn giản cho thấy tôi có một tầm nhìn thật tệ. Nhưng cũng có thể dạy chúng ta một bài học sâu sắc hơn: những con robot chúng ta tạo ra có thể đưa thế giới đi rất xa so với dự định ban đầu, tới những nơi mà sự tồn tại của chúng là điều chúng ta không thể ngờ tới. □   

 

Hảo Linh dịch

——

*Người phát minh ra World Wide Web

1Herman, Edward and Noam Chomsky. Manufacturing Consent: The Political Economy of the Mass Media. NY: Pantheon, 2002.

See also Chomsky, Noam. Necessary Illusions: Thought Control in Democratic Societies. Boston, MA: South End Press, 1989.

2 Chomsky, Noam. Rethinking Camelot: JFK, the Vietnam War, and US Political Culture. Boston, MA: South End Press, 1993.

Chomsky, Noam. At War with Asia: Essays on Indochina. Oakland, CA: AK Press, 1969.

3 https://chomsky.info/19670223/

4 https://www.jstor.org/stable/20081463

https://en.wikipedia.org/wiki/Propaganda_in_Nazi_Germany

5 https://en.wikipedia.org/wiki/Nazi_book_burnings

6 https://en.wikipedia.org/wiki/Propaganda_in_the_Soviet_Union

https://www.history.com/news/josef-stalin-great-purge-photo-retouching

7 https://ttu-ir.tdl.org/bitstream/handle/2346/73202/SIMUNDSON-DISSERTATION-2017.pdf?sequence=1

8 https://theconversation.com/we-are-all-propagandists-now-164519

9https://fr.wikipedia.org/wiki/WhatsApp#Diffusion_de_fausses_informations_et_mod%C3%A9rations_des_contenus

Tác giả

(Visited 48 times, 1 visits today)