Thay đổi môi trường biển đe doạ châu Âu

Một báo cáo mới đây cho thấy, người dân châu Âu đang phải đối mặt với với nguy cơ bệnh tật, thiên tai và thất nghiệp do tác động của việc thay đổi khí hậu trên các vùng biển của lục địa này.

Đứng trước những lo lắng của việc mực nước biển dâng lên và tình trạng xói mòn bờ biển, người dân châu Âu đã bắt đầu có những hành động cụ thể nhằm giảm thiểu lượng khí thải Carbon. Tuy nhiên, họ vẫn quy đẩy trách nhiệm chủ yếu cho các tổ chức, đoàn thể, cho quốc gia và Chính phủ, thậm chí là trách nhiệm của các ngành công nghiệp nhằm giải quyết vấn đề trên, mặc dù họ nhận thức được việc trông chờ vào Chính phủ và các ngành công nghiệp là không hiệu quả.

Những vấn đề trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và tổng hợp các tài liệu khoa học xuất bản từ năm 1998 về sự thay đổi khí hậu và môi trường biển tại châu Âu, cùng với đó là cuộc thăm dò ý kiến trên diện rộng về các vấn đề kể trên. Đó chính là kết quả của Dự án Biến đổi Khí hậu và Nghiên cứu Hệ sinh thái Biển châu Âu (CLAMER) – một dự án hợp tác nghiên cứu giữa 17 viện hải dương học trên toàn châu Âu.

Một bản tổng kết dài 200 trang, một cuộc điều tra công khai, một cuốn sách mới dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học và một bộ phim tài liệu được giới thiệu tại cuộc họp tổng kết CLAMER, kéo dài hai ngày từ 14 đến 15/9, tại Russels.

“Chúng tôi đã thu thập được những bằng chứng khoa học thuyết phục và đáng lo ngại”, ông Carlo Heip – giám đốc viện hải dương học hoàng gia Hà Lan nói, “Chúng ta cần phải tiếp cận, nghiên cứu và nhận thức được những hiểm họa khôn lường từ đại dương”.

Và kết quả của sự hợp tác giữa các hiệp hội nghiên cứu môi trường biển cũng như sự đóng góp của hơn 20 nhà khoa học châu Âu chính là sự ra đời của báo cáo tổng hợp CLAMER và cuốn sách liên quan. Cả hai được công bố tại website www.clamer.eu từ ngày 13/9, bao gồm Biển Bắc,Biển Baltic, Bắc Băng Dương, Đông Bắc Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Biển Đen.

Một điều đáng lưu ý trong bản báo cáo tổng hợp trên là những khó khăn trong việc dự đoán chính xác tác động của việc thay đổi khí hậu cũng như những chi phí phát sinh kèm theo. Không những thế, một số ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu có tác động chung đến cả châu Âu, trong khi một số khác lại thay đổi theo từng vùng miền khác nhau.

Từ những kết quả của bản báo cáo tổng hợp CLAMER, chúng ta có thể thấy được những tác động xã hội của việc thay đổi khí hậu bao gồm:

    Tăng nguy cơ bệnh tật

Theo CLAMER, hàng triệu Euro chi phí y tế có thể là hậu quả của việc con người tiêu thụ thủy sản bị ô nhiễm hay nước uống không đảm bảo vệ sinh. Cụ thể hơn, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Anh, Đức, Mỹ và Italya mới đây đã phát hiện ra rằng: nước biển ấm hơn đang gây ra sự gia tăng của một loại vi khuẩn mà họ gọi là Vibrio – một trong những tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất liên quan đến đường ruột và dạ dày (viêm ruột, nhiễm trùng huyết, dịch tả…).

Một bản báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí của Hiệp hội quốc tế về sinh thái học vi sinh vật cho thấy sự gia tăng chưa từng có của các loại bệnh nhiễm trùng liên quan đến loài vi khuẩn Vibrio ở Tây Bắc châu Âu, và kèm theo đó là xu hướng lây lan ngày càng nhanh của các căn bệnh liên quan trên phạm vi toàn cầu.

Bài báo nói rằng: “Chúng tôi phát hiện bằng chứng cho thấy rằng các loài vi khuẩn Vibrio gia tăng không ngừng trong suốt 44 năm qua, và điều này có sự tương đồng đáng kể với hiện tượng ấm lên của nước biển trong thời gian qua…”.

    Thiệt hại tài sản

Mực nước biển dâng lên kết hợp với sóng lớn chính là nguyên nhân khiến các cơn bão ở Bắc Đại Tây Dương xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản vật chất trị giá khoảng  một nghìn tỷ Euro trong bán kính 500m kể từ mép biển, và khoảng 35% GDP của toàn châu Âu trong phạm vi 50km, theo CLAMER.
Đồng thời, các cơn bão ở Bắc Âu cũng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn, đặc biệt khi chúng chạy từ phía Nam nước Anh, qua miền Bắc Pháp, Đan Mạch, Đức và Đông Âu. Thiệt hại hàng năm dự kiến sẽ tăng 21% ở Anh, 37% ở Đức và 44% trên khắp châu Âu.

•    Ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thủy sản

Số liệu ghi nhận bởi CLAMER cho thấy ngành công nghiệp thủy sản châu Âu chịu không ít tác động do nước biển nóng lên, axit hóa đại dương và độ mặn nước biển ngày càng tăng, ở nhiều nơi, sản lượng đánh bắt thủy hải sản giảm xuống rõ rệt.

Một cảnh báo được đưa rằng cá tuyết ở biển Baltic có nguy cơ bị tuyệt chủng, và hàng loạt những lời kêu gọi về “Kế hoạch đảm bảo sự tồn tại của cá tuyết biển Baltic vào thế kỷ 22” đã được đưa ra, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Tại vùng biển Địa Trung Hải, ngành đánh bắt Aristeus, một loài tôm rất có giá trị, có thể gặp phải nguy cơ tụt giảm thực sự do tác động của thay đổi nhiệt độ nước biển, thậm chí là dừng hẳn quá trình lưu chuyển chất dinh dưỡng xuống các vùng nước sâu.

Đáng lo ngại hơn nữa, rất nhiều quần thể cá tại các vùng vĩ độ thấp được cảnh báo là sẽ suy giảm lớn nhất từ trước đến nay. Rất nhiều nông dân ở đây vốn đã nghèo khổ nay lại phải đối mặt với tình trạng mất mát nông nghiệp do hạn hán và bão lũ. Các nhà nghiên cứu nói rằng hiện tượng di cư lên phương Bắc của một số loài cá đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh lương thực cho các nước nghèo miền nhiệt đới, nơi mà thủy sản là nguồn cung cấp protein lớn bậc nhất tại đây.

•    Thái độ của người dân châu Âu đối với sự biến đổi khí hậu và môi trường biển

Một cuộc khảo sát trực tuyến với 10.000 cư dân của 10 quốc gia châu Âu (gồm Tây Ban Nha, Ý, Đức, Pháp, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Ireland, Vương quốc Anh, Na-Uy và Estonia) cho thấy sự quan tâm rộng rãi của người dân đến biến đổi khí hậu, và những lo ngại của họ về việc mực nước biển dâng cũng như xói mòn bờ biển.

Cuộc khảo sát được bắt đầu thực hiện từ ngày 13/9 trên trang web www.clamer.eu. Đây là lần đầu tiên có một cuộc khảo sát tập trung vào nhận thức của quần chúng đối với tác động của biến đổi khí hậu trên biển. Kết quả cuộc thăm dò rút ra từ các nghiên cứu chuyên sâu với sự tham gia của Vương quốc Anh do UEA thực hiện.

•    Những điểm nổi bật rút ra từ cuộc khảo sát

Khi được hỏi để lựa chọn từ một danh sách các vấn đề nghiêm trọng nhất đối với thế giới, 18% số người được hỏi đã chọn biến đổi khí hậu; nghèo đói và thiếu lương thực, nước uống chiếm 31%, khủng bố quốc tế chiếm 16%, và suy thoái kinh tế toàn cầu là 12%.

Khoảng 86% số người được hỏi cho biết rằng: biến đổi khí hậu xảy ra hoàn toàn hoặc một phần bởi các hoạt động của con người. Chỉ có 8% nghĩ rằng nó hoàn toàn hoặc chủ yếu gây ra bởi quá trình tự nhiên, ở Hoa Kỳ, số người giữ quan điểm này rơi vào khoảng 32 – 36%.

Khi được yêu cầu nhận xét về danh sách 15 vấn đề môi trường liên quan đến biển và các vùng ven biển, hầu hết người dân từ cả 10 quốc gia đều bày tỏ sự quan tâm lớn nhất đến ô nhiễm vùng ven biển, đánh bắt quá mức hay băng tan. Ở vị trí cuối cùng, chỉ có 14% nói rằng họ được thông tin về axit hóa đại dương. Tuy nhiên, gần 60% bày tỏ sự lo ngại về vấn đề đó.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân sống vùng ven biển bày tỏ sự quan tâm và hiểu biết về cả 15 vấn đề trên hơn so với những người sống trong nội địa. Nhưng có một nghịch lý rõ ràng là Italia – đất nước nằm ở tận cùng phía Nam trong số 10 quốc gia lại bày tỏ sự quan tâm lớn nhất đến hiện tượng băng tan tại Bắc cực, trong khi Na-Uy – đất nước tận cùng phía Bắc lại ít quan tâm đến vấn đề này hơn cả.

Đáng ngạc nhiên hơn là những công dân của Hà Lan – quốc gia thấp nhất thế giới lại ít lo lắng về ngập lụt hơn mức trung bình của 10 quốc gia (61% số người tham gia khảo sát tại Hà Lan bày tỏ sự quan tâm về mực nước biển dân và lũ lụt ven biển so với 70% trung bình trên 10 quốc gia).

Cuộc thăm dò cũng cho thấy một mối tương quan cao giữa những người trả lời rằng họ “lo ngại” về tác động của biến đổi khí hậu và những người nói rằng họ nghĩ tác động của nó đến khá sớm. Những người tuyên bố “rất quan tâm” có xu hướng nghĩ rằng họ có thể nhìn thấy những tác động đang xảy ra. Phụ nữ có xu hướng cao hơn đàn ông trong việc khẳng định rằng những tác động đã trở nên rõ ràng. Trong khi những người dưới 24 hoặc trên 65 tuổi ít có khả năng nói rằng những tác động của biến đổi khí hậu đã trở nên rõ ràng nhất.

Những nhà khoa học làm việc cho các trường đại học hoặc các tổ chức phi chính phủ về môi trường được cho là nguồn thông tin đáng tin cậy về tác động của biến đổi khí hậu trên các vùng biển và đại dương hơn rất nhiều so với các nhà khoa học của Chính phủ hay những người làm việc cho ngành công nghiệp. Đàn ông không tin tưởng vào các tổ chức, cá nhân được liệt kê nhiều hơn phụ nữ, và ở hầu hết các trường hợp, những người trên 35 tuổi bày tỏ sự mất lòng tin hơn những người ở độ tuổi từ 18 đến 34.

Cuộc thăm dò được tiến hành như một phần của dự án CLAMER, thực hiện bởi Trung tâm thay đổi khí hậu biển (MC3) tại Cefas, Đại học Đông Anglia và Consejo Superior de Investigaciones Ciontificas (CSIC).

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)