Thế nào là “mất”, thế nào là “được”

Nếu ngày xưa cái “quạt tai voi” thể hiện sự kết tinh của một niềm tin, của một sự chắc chắn vĩnh cửu, của một kỉ luật gang thép, của một “liên minh giai cấp”… gì đó, thì cái quạt hôm nay chỉ thể hiện đúng cái cặp khái niệm “tiền nào-của nấy” của toàn cầu đang cạnh tranh.

Đang nhâm nhi ly rượu vang, một chú muỗi vo ve đâu đây… Tôi quờ tay đuổi, ly rượu lăn quay ra bàn. Mất toi ly rượu!

Nhìn những giọt rượu đỏ sậm thơm tho tràn ra, tôi chợt nghĩ “ly rượu” thực ra vẫn đó, nào có mất đi đâu ?

Vậy thì “mất” liên quan tới sự chuyển hóa trạng thái của một vật thể. Sự chuyển hóa từ một trạng thái đáng được quí trọng sang một trạng thái mà sự quí trọng ấy không tồn tại được nữa đối với một chủ thể nhận thức, như là ly rượu đã đổ và tôi đây, được coi như là “mất”. Mất là một thực tế, nhưng “chủ quan”. “Thực tế” không bắt buộc luôn luôn phải “khách quan”. “Mất” là sự đánh giá chủ quan về một thay đổi trạng thái của “vật-trong-nó”.

Cô bạn nhìn những giọt rượu lan ra, giục giã “anh không lo mà thấm rượu, đổ muối vào khăn bàn để cứu khăn, còn tự lự gì nữa!”. Miệng nói tay làm, cô đã giải cứu được vụ việc. Lại bảo “thôi bọn mình ra lấy xe đi dạo vùng này đi, ly rượu đổ, thế chính là ‘được’, chả mất gì cả!”.

Chúng tôi lên xe. Đúng thế nhỉ, làm nốt ly rượu thì hóa buồn ngủ mất, chả xem được gì nhiều, bao nhiêu là công đi mãi hàng trăm cây số đến tận nơi đây! Vậy thì cái ly rượu bị đổ là những “vật-cho-ta” khác nhau tùy theo các góc nhìn khác nhau của một chủ thể nhận thức, hay của nhiều chủ thể nhận thức khác nhau.

—-

Đời sống cộng đồng là thế đấy! Nhốn nháo, không kịp ra đầu ra đũa gì cả, nhưng mà cũng vui. Một mình ta, ta cũng chả biết mình tồn tại để làm gì, và trở thành người không đâu.

Người không đâu, vội mà gì,
Một thì thong thả, hai thì thong dong…
Vũ trụ? Vẫn thế, nhong nhong,
Đám người hăng hái xung phong đầy đường.

(Phỏng ý thơ của John Lennon)

Ngày hôm nay, các xã hội và con người đã cởi mở dứt khoát, khi họ được thông tin, được cọ sát, được trao đổi, được đi lại ở qui mô toàn cầu.

Nếu ngày xưa cái “quạt tai voi” ở ngoài bắc là sự thể hiện kết tinh của một niềm tin, của một sự chắc chắn vĩnh cửu, của một kỉ luật gang thép, của một “liên minh giai cấp”… gì đó, thì cái quạt hôm nay chỉ thể hiện đúng cái cặp khái niệm “tiền nào-của nấy” của toàn cầu đang cạnh tranh. Cái quạt khách quan đã thay đổi, đấy là chuyện nhỏ. Những người hóng mát đã thay đổi, ấy mới là chuyện lớn.

Chuyện “mất”, “được” hôm nay đã được cộng đồng xem duyệt giản dị như việc tự do mặc cả chọn đồ ngoài chợ, việc lên lớp không thay được các quảng cáo. Con người hôm nay họ làm việc quần quật, cho chủ nhà nước, cho chủ tư nhân, cho chủ thế giới, hoặc cho chủ tự mình. Xong công viêc trĩu nặng, họ có chút thời gian riêng, chút đồng tiền riêng. Họ mua cái đáng giá cho công lao cực nhọc của chính mình, mua cái “được”, theo ý của họ, chứ không quan tâm nhất nhất đến mua cái “tai voi” phi lựa chọn của ngày nào nữa. Những nhà sản xuất “tai voi” xưa cũng chả có gì mà phải tự phật ý, tự dày vò rằng mình rằng đã bị thất sủng vì người ta thôi yêu cái “tai voi” của mình. Mà ngược lại, họ cần nhanh nhanh sản xuất ra những cái quạt “tiền nào-của nấy” khác sao cho bán chạy được.

Điều này thực ra chỉ đơn giản là đời sống con người đã rời bỏ bến bờ bên này của kỉ nguyên thần thánh cổ truyền, và cập sang bờ bến bên kia của kỉ nguyên trần tục hôm nay.
Hôm nay các chương trình xã hội cũng như vậy, chúng phải được cân đong, phân tích, và giải quyết trên nguyên lý “tiền nào-của nấy” trần tục, mộc mạc, giản kiệm, thiết thực, minh bạch, tự do của đời sống của cộng đồng và của mỗi người, chứ không thể cố chấp loay hoay mãi với những “tai voi” thần thánh cổ truyền được nữa.

 

Tác giả

(Visited 40 times, 1 visits today)