Thị trường dữ liệu: Chống độc quyền?
Big tech + Big data = Big problem. Dữ liệu lớn (Big Data) ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế thì nguy cơ các ông lớn công nghệ và dữ liệu (big tech) độc quyền thao túng cũng lớn lên theo. Liệu Luật Cạnh tranh Việt Nam có đủ khả năng giải quyết vấn đề lớn do hành vi lạm dụng của các gã khổng lồ công nghệ?
Trên không gian số, với số lượng người dùng internet lớn thứ 12 thế giới, Việt Nam đang trở thành thị trường dữ liệu đầy tiềm năng. Trước thị trường màu mỡ béo bở này, các tập đoàn công nghệ lớn từ nước ngoài đã gia nhập và nhanh chóng “bành trướng”, chẳng hạn như đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng dữ liệu, mở rộng hoạt động kinh doanh… Chỉ trong khoảng chục năm, các nền tảng mạng xã hội nước ngoài không chỉ trở thành trung tâm giao tiếp và tương tác chính của người Việt mà còn định hình sâu sắc cách thức xã hội kết nối và kinh doanh.
Tuy nhiên, như hai mặt của một đồng xu, khi nhiều big tech nước ngoài có quyền lực quá lớn về dữ liệu, thậm chí gần như độc diễn trong mảng mạng xã hội thì hệ lụy phát sinh. Việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các big tech là một trong những nút thắt cổ chai trong nền kinh tế dữ liệu, gây tổn hại đến người tiêu dùng, đe dọa môi trường cạnh tranh và khả năng tham gia thị trường của các doanh nghiệp nội. Những nền tảng này thường thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ về hành vi duyệt web, vị trí, và thông tin cá nhân, trong khi việc lưu trữ và xử lý dữ liệu chủ yếu diễn ra ở nước ngoài, nằm ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam.Khi dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng và có giá trị như là phương tiện để thanh toán, mang vai trò giống như một loại tiền tệ, thì càng cần nhiều công cụ pháp lý khác nhau đã nhằm bảo vệ dữ liệu, bảo vệ người dùng và thị trường cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh có đủ sức xử lý các Big Tech ?
Một trong những chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam điều chỉnh hành vi lạm dụng của các đại bàng công nghệ là pháp luật cạnh tranh, với Luật Cạnh tranh 2018 và Nghị định 35/2020/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2018. Bên cạnh đó, các quy định về khắc phục hậu quả, răn đe hành vi lũng đoạn được quy định ở Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
Trong nỗ lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ra đời là sự khẳng định cứng rắn nỗ lực xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và bền vững; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quyền lợi của cá nhân và tổ chức trong không gian mạng. Mới đây nhất là dự thảo Luật Dữ liệu được Bộ Công an xây dựng trong việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Luật Cạnh tranh 2018 đã thiết lập các điều khoản mở rộng nhằm dự trù các trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm. Tuy nhiên, đối với thị trường đặc thù như thị trường dữ liệu, việc xác định chính xác các hành vi của các “ông lớn công nghệ” vẫn gặp nhiều thách thức. Bởi vì thị trường dữ liệu mang đặc điểm riêng biệt đã làm phát sinh ra các hành vi lạm dụng kiểu mới như tự ưu tiên, gói đồng ý, thỏa thuận,… và trong tương lai các hành vi lạm dụng này có thể phát triển dưới nhiều hình thức khác.
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường dữ liệu. Đối với thị trường truyền thống, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành tương đối hoàn chỉnh để kiểm soát các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh khi đã bổ sung nhiều điểm tiến bộ, nhưng đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường dữ liệu thì chưa. Dù Luật Cạnh tranh 2018 và Điều 6 Nghị định 35/2020/NĐ-CP đã bổ sung cách xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt, đồng thời, Luật Cạnh tranh cũng có bổ sung quy định về xác định sản phẩm bổ trợ khi xác định thị trường sản phẩm liên quan. Liệu thị trường dữ liệu có thể được xem xét như một trường hợp đặc biệt trong các quy định trên không? Liệu các quy định hiện hành đã bao quát được bản chất thị trường dữ liệu có đặc tính phi giá cả hay nói cách khác là người dùng không phải trả bằng tiền mà phải trả bằng chính dữ liệu cá nhân của mình chưa?
Thứ nhất là thách thức trong việc xác định thị trường liên quan. Trên tinh thần Luật Cạnh tranh 2018, để một doanh nghiệp/ nhóm doanh nghiệp được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Hai điều kiện để một doanh nghiệp/ nhóm doanh nghiệp được xem là có vị trí thống lĩnh đều mắc một khuyết điểm lớn ở việc xác định “thị trường liên quan”. Luật Cạnh tranh 2018 định nghĩa thị trường liên quan dựa trên sự kết hợp giữa hai yếu tố chính đó là thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Nghị định 35/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về Luật Cạnh tranh có bổ sung điều khoản mở quy định về xác định thị trường sản phẩm trong các trường hợp đặc biệt, do đó, có thể xem xét thị trường dữ liệu trong trường hợp này. Thêm vào đó, thị trường dữ liệu được Bộ Công an định nghĩa trong dự thảo Luật Dữ liệu là “Thị trường để các tổ chức, cá nhân thực hiện trao đổi, giao dịch các sản phẩm dịch vụ dữ liệu khác nhau cho các thị trường khác nhau từ các nguồn khác nhau”.
Tuy nhiên, các xác định thị trường liên quan nêu trên chỉ được “thiết kế” phù hợp với thị trường truyền thống; không thể giải quyết triệt để trên thị trường dữ liệu. Bởi, thị trường dữ liệu mang đặc trưng bởi hai yếu tố quan trọng:“tính đa diện” và “tính phi giá cả” (giá bằng 0). Cụ thể, các công ty công nghệ lớn (Google, Facebook, TikTok…) cho phép người dùng sử dụng dịch vụ miễn phí, nhưng thực tế toàn bộ nội dung, dữ liệu mà họ tạo ra và lịch sử hành vi trên các nền tảng mạng xã hội lại được các công ty sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo và từ đó tạo ra doanh thu.
Do đó, Luật Cạnh tranh Việt Nam chưa thể trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Cần xác định bao nhiêu thị trường liên quan và trong trường hợp có nhiều hơn một thị trường thì sẽ xác định vi phạm trên thị trường nào? Kể cả khi đã xác định được đúng thị trường liên quan thì việc sử dụng thị phần để đánh giá vị trí thống lĩnh của một công ty là một thất bại thị trường khác. Bởi, việc xác định thị phần phải dựa trên doanh số bán hàng, cả về giá trị và khối lượng; nhưng như đã nêu thị trường dữ liệu mang tính phi giá cả, như vậy làm thế nào để xác định?
Cách xác định thị phần đã xác định thất bại và xác định sức mạnh thị trường cũng rơi vào khó khăn. Khi Luật Cạnh tranh Việt Nam vẫn đang bỏ ngỏ trong định nghĩa khái niệm “đáng kể” của sức mạnh thị trường. Đồng thời, thị trường dữ liệu có tính chất thay đổi liên tục, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và cách dữ liệu được thu thập, xử lý. Các công ty công nghệ lớn thường sử dụng lợi thế này thông qua hiệu ứng mạng và khả năng thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ, từ đó tạo ra rào cản gia nhập cho các doanh nghiệp non trẻ.
Thứ hai, chưa bao quát được các hành vi lạm dụng kiểu mới. Luật Cạnh tranh đã liệt kê các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm bao gồm: hành vi mang tính áp đặt giá bất hợp lý, áp đặt điều kiện lên doanh nghiệp khác hoặc khách hàng,… Hầu hết, các hành vi này được áp dụng cho hàng hóa truyền thống, mang tính hữu hình, liên quan trực tiếp đến yếu tố giá cả. Đáng chú ý, theo quy định tại Nghị định 116/2005/NĐ-CP, giá cả được hiểu bằng tiền hoặc bằng một con số cụ thể có thể biến động tăng lên hay giảm xuống, nhưng trên thị trường dữ liệu người sử dụng dịch vụ không phải trả giá bằng tiền mà là bằng dữ liệu. Do đó, nếu xảy ra trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường dữ liệu không liên quan đến giá thì sẽ không được áp dụng.
Ngoài các hành vi áp đặt về giá cả, các ông lớn công nghệ còn nhắm đến việc áp đặt những điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch tương tự để triệt hạ đối thủ hay hành vi áp đặt các điều kiện thương mại khác nhau, áp đặt điều kiện lên doanh nghiệp khác và khách hàng là nhữngthủ đoạn mà các ông lớn công nghệ thường hay sử dụng để thể hiện sự bành trướng của mình. Càng nhiều rào cản bị dựng lên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới thành lập của Việt Nam càng khó tiếp cận thị trường.
Để đối phó hiệu quả với các thách thức mới của thị trường dữ liệu, việc ban hành các quy định điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trên nền tảng số là cần thiết. Điều này sẽ giúp Việt Nam tạo ra sự cân bằng giữa việc thúc đẩy đổi mới và tạo sân chơi cạnh tranh công bằng, nơi các big tech có mặt vì lợi ích của người dùng doanh nghiệp và người dùng cuối.
Đối với người dùng, các công ty công nghệ thường hay nhắm đến việc yêu cầu chấp nhận các điều khoản kèm theo để sở hữu dịch vụ mà nó cung cấp hay chính sách thu phí bất hợp lý buộc đối thủ chấp nhận trong các giao dịch mua bán hàng hóa. Người dùng phải chấp thuận các điều khoản dài dằng dặc mới được phép sử dụng dịch vụ. Thực tế, việc ấn nút “đồng ý” để có thể sử dụng nền tảng và đồng thời cho phép các công ty thu thập dữ liệu người dùng là hành vi lạm dụng phổ biến nhất, vì đây là nguồn giá trị khổng lồ đối với các công ty công nghệ. Các công ty nắm giữ vị trí thống lĩnh thường thu thập và lưu trữ khối lượng lớn thông tin cá nhân, sau đó sử dụng dữ liệu này vào những mục đích mà người dùng không hề hay biết vì vận hành của các công ty công nghệ vẫn là “hộp đen” (chẳng hạn, 61% các nhà nghiên cứu phát triển AI và triển khai AI không công khai minh bạch hệ thống xử lý dữ liệu, theo Báo cáo của IBM về Chỉ số áp dụng AI toàn cầu năm 2022). Điều này không chỉ tước đi quyền kiểm soát dữ liệu của cá nhân mà còn mở ra nguy cơ dữ liệu bị rò rỉ hoặc bán cho bên thứ ba.
Nhìn chung, Luật Cạnh tranh 2018 quy định khá chi tiết các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm, với nhiều hành vi cách thức khác nhau mà doanh nghiệp thực hiện để kìm hãm cũng như hạ gục đối thủ của mình. Tại Điều 27 của Luật Cạnh tranh 2018 đã thiết lập các điều khoản mở rộng nhằm dự trù các trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm. Tuy nhiên, đối với thị trường đặc thù như thị trường dữ liệu, việc xác định chính xác các hành vi của các “ông lớn công nghệ” vẫn gặp nhiều thách thức. Bởi vì thị trường dữ liệu mang đặc điểm riêng biệt đã làm phát sinh ra các hành vi lạm dụng kiểu mới như tự ưu tiên, gói đồng ý, thỏa thuận,… và trong tương lai các hành vi lạm dụng này có thể phát triển dưới nhiều hình thức khác. Chính vì vậy, việc liệt kê hàng hoạt các hành vi như trên có thể bỏ sót những hành vi lạm dụng kiểu mới và tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lách luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và đối thủ của mình trên thị trường.
Chìa khóa cho việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã khẳng định: “Trái tim của chính sách kinh tế quốc gia từ lâu đã là niềm tin vào giá trị cạnh tranh”.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” không chỉ mang đến sự thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực mà thực chất đang định hình thế giới khi bước vào thời đại kỷ nguyên số. Trong bối cảnh đó, hệ thống lập pháp toàn cầu đã không ngừng chạy đua để theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội bằng cách ban hành các quy định nhằm kiểm soát những hành vi lạm dụng của “đại gia công nghệ”. Một ví dụ điển hình là thiết chế mạnh mẽ của Khối liên minh châu Âu (EU) trong việc tiên phong tạo ra một lượng lớn các quy định ở đa dạng các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế dữ liệu, chẳng hạn như quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân và phi cá nhân, an ninh mạng, quyền sở hữu trí tuệ, quy định về các nền tảng trực tuyến, việc sử dụng dữ liệu do IoT, AI,…
Với Việt Nam, cần thừa nhận một thực tế rằng, nếu so với thế giới trong việc ngăn chặn hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường dữ liệu, thì pháp luật cạnh tranh Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế. Các vấn đề liên quan đến cạnh tranh, mua bán dữ liệu đang đòi hỏi sớm ban hành các quy định rõ ràng hơn về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường dữ liệu tại Việt Nam.
Bộ Công an mới đây đã ban hành dự thảo Luật Dữ liệu nhằm thiết lập thị trường dữ liệu; xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số. Việc xây dựng Luật Dữ liệu được Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nhận định là “hết sức quan trọng”. Luật Dữ liệu tạo điều kiện cho việc vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, để hướng đến việc tái cấu trúc các ngành, các lĩnh vực; cần bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng. Điều này kéo theo sự cần thiết trong việc xây dựng quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh dữ liệu.
EU đã tiên phong ra mắt Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) để thiết lập nên bộ quy tắc dành cho những “Người gác cổng” (Gatekeeper). Theo đó, để ngăn chặn hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh của các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi, các công ty này sẽ phải tuân theo các quyền và nghĩa vụ được chỉ định trong DMA. DMA đưa ra khung pháp lý tiền kiến, tức đưa ra các dự đoán về hành vi lạm dụng có thể xảy ra để ngăn chặn từ trước. DMA xác định các “người gác cổng” là các công ty cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi và đáp ứng các tiêu chí: 1) Doanh thu hằng năm ít nhất 7,5 tỷ Euro (7,95 tỷ USD) trong ba năm liên tiếp, hoặc vốn hóa thị trường ít nhất 75 tỷ Euro (79,5 tỷ USD); và 2) ít nhất 45 triệu người dùng cuối hoặc 10.000 người dùng doanh nghiệp tại EU trong ba năm liền kề. Kể cả không đạt các tiêu chí này, Hội đồng châu Âu (EC) vẫn có thể điều tra để xác định liệu dịch vụ có phải là dịch vụ nền tảng cốt lõi hay không. Các công ty “người gác cổng” phải tuân thủ bộ nghĩa vụ bắt buộc, bao gồm các hành vi nên và không nên làm, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng. Nếu không tuân thủ và có các hành động để phù hợp, các công ty sẽ phải đối mặt với mức phạt khổng lồ lên đến 10% tổng doanh thu toàn cầu và có thể lên đến 20% trong trường hợp vi phạm nhiều lần.
Trong tương lai gần, để đối phó hiệu quả với các thách thức mới của thị trường dữ liệu, cần thiết ban hành các quy định điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trên nền tảng số. Điều này sẽ giúp Việt Nam tạo ra sự cân bằng giữa việc thúc đẩy đổi mới và tạo sân chơi cạnh tranh công bằng, nơi các big tech có mặt vì lợi ích của người dùng doanh nghiệp và người dùng cuối.
Thực chất, bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng có thể dẫn đến lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường dữ liệu, vì bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có khả năng mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty thống trị. Trong quá trình đánh giá một công ty có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường dữ liệu, các Cơ quan cạnh tranh có thể kiểm tra xem liệu công ty thống trị đó có lợi dụng sức mạnh thị trường của mình để vi phạm các quy tắc dữ liệu hay không.
Hiện nay, theo Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự án Luật Dữ liệu, Bộ Công an đã tiến hành rà soát xác định được có 157 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Dữ liệu gồm 69 Luật, 42 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 41 Thông tư có thể kể đến như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng,…Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh và Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân lại không được nhắc đến. Thiếu sót này được xem là đã bỏ qua các tác động của những ông lớn công nghệ trong bối cảnh dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng như dầu mỏ trong thế giới hiện đại.
Ngoài ra, mức phạt tiền hiện tại đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh có thể không đủ để gây áp lực tài chính đối với các “Đại gia công nghệ”. Luật Cạnh tranh 2018 dẫn chiếu đến Bộ luật Hình sự 2015 quy định về mức phạt tiền đối hành vi phản cạnh tranh trên là không quá 1 tỷ đồng. Với tiềm lực kinh tế vững vàng như các big tech, thì chắc chắn mức phạt này là không đáng kể so với những giá trị khác mà họ nhận được. Chính vì vậy, Việt Nam cần quy định mức phạt mang tính răn đe hơn để tạo ra sức ép thực sự, buộc các công ty phải tuân thủ quy định và không tái phạm. Việt Nam có thể tham khảo biện pháp mạnh mẽ của EU.
Chính mức phạt khổng lồ của DMA đã buộc các big tech phải hành động, cụ thể:
1. Apple Inc. đã bắt đầu cho phép người dùng hệ điều hành iOS tải ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng thay thế, không còn bị ràng buộc duy nhất vào App Store và Apple Pay.
2. Meta Platforms cho phép người dùng tại EU hủy liên kết thông tin giữa Instagram, Facebook và Messenger. Người dùng có thể lựa chọn sử dụng Instagram và Facebook miễn phí với quảng cáo hoặc đăng ký trả phí để ngừng xem quảng cáo, được gọi là mô hình “trả phí hoặc đồng ý”.
3. Amazon cho phép các nhà quảng cáo và nhà xuất bản ở EU có quyền truy cập vào các báo cáo mới cung cấp thông tin chi tiết về phí quảng cáo. Ngoài ra, công ty này cũng yêu cầu khách hàng cung cấp sự đồng ý để sử dụng thông tin cá nhân cho quảng cáo cá nhân hóa.
DMA được xem là một trong những đạo luật cứng rắn nhất thế giới nhắm vào tình trạng lũng đoạn thị trường của các công ty công nghệ nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người dùng.
Việt Nam đang đi từng bước trên chặng đường chuyển đổi số nền kinh tế. Do đó, việc tạo cơ hội để mở khóa tiềm năng sử dụng dữ liệu nhưng đồng thời loại bỏ các rào cản của các ông lớn công nghệ là vấn đề hết sức quan trọng. Không chỉ bảo vệ quyền lợi người dùng trên các nền tảng số, luật còn đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, khuyến khích đổi mới và tạo lập môi trường kinh doanh bền vững cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế dữ liệu đang bùng nổ.□
——
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Huỳnh Minh Thi, đang công tác tại Khoa Luật, CELG, Đại học UEH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015.
Digital Market Act (DMA).
Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12/6/2018.
Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.
Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.
Hollywood Reporter Staff. (2023). Europe targets tech giants Apple, Google, TikTok with new digital rules. The Hollywood Reporter. https://www.hollywoodreporter.com/business/business-news/europe-targets-tech-giants-apple-google-tiktok-digital-markets-act-1235845218/
Báo Chính phủ. (2024). Dự án Luật Dữ liệu: Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, tài sản cá nhân. Báo Chính phủ. https://baochinhphu.vn/du-an-luat-du-lieu-du-lieu-la-tai-nguyen-quoc-gia-tai-san-ca-nhan-102241008091110018.htm
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. (2024). Những con số về Digital tại Việt Nam 2024 mà bạn phải biết. VECOM. https://vecom.vn/nhung-con-so-ve-digital-tai-viet-nam-2024-ma-ban-phai-bie
Bài đăng Tia Sáng số 24/2024