Thiên thần đã về trời
“Hãy cố lên, mươi phút nữa chị sẽ có một thiên thần”(*) - một bài viết trên Tuổi Trẻ gần đây cứ làm tôi bần thần mãi. Chia vui với “bà ngoại” vừa có được một thiên thần bé nhỏ ở Cộng hòa Czech. Còn tôi, “bà nội” vừa mất đi một thiên thần bé nhỏ ở Paris. Nhưng tôi lại có sự đồng cảm rất lớn với “bà ngoại” - tác giả bài viết, về những nền y tế đầy tính nhân văn.
Bệnh viện còn cử người đến gặp gia đình thông báo: “Theo luật, bào thai trên ba tháng tuổi được xem như một con người, do đó chúng tôi sẽ chờ gia đình đặt tên cho bé để làm giấy tờ. Với giấy chứng nhận này, gia đình nếu muốn có thể nhập hộ khẩu danh dự cho bé tại địa phương nơi cha mẹ cư trú. Là một con người, dù đã về trời, bé cũng cần có một địa chỉ nhà cùng gia đình để ấm lòng, dù chỉ mang ý nghĩa tinh thần”.
Chiều Paris xao xác lá, nhìn cái im ắng của nghĩa trang Père Lachaise nơi thiên thần bé nhỏ của tôi yên nghỉ trong hầm mộ gia đình, lòng mênh mang buồn, tôi chợt ngẫm: “Mỗi việc làm của họ sao đầy tính nhân văn đến thế! Chỉ một chút cố gắng nghĩ và làm vì con người thôi, vậy mà các bệnh viện của chúng ta chưa làm nổi. Sao vậy?”. Và tôi chợt nhớ về bệnh viện nhi ở trong nước, nơi mà ngày xưa con gái bé bỏng của tôi đã chữa trị, lòng tôi chùng xuống, giá như…
“Yên tâm, mai này bé sẽ giỏi giang!”
15 năm trước đây, khi mới được ba tháng tuổi, con gái tôi bị sốc thuốc chích ngừa dẫn đến tai biến, và hôn mê. Một tai nạn giáng xuống đầy bất ngờ. Ôm con chạy vào bệnh viện cấp cứu từ 8 giờ sáng. Do tôi có quen biết, con tôi sớm được ban lãnh đạo bệnh viện thăm hỏi, nhưng lại không có câu trả lời rõ ràng về bệnh trạng cũng như phương án chữa trị.
Thấy vợ chồng tôi khóc, cô y tá âm thầm điện thoại cho bác sĩ N. đang nghỉ phép ở Vũng Tàu. Ông tất tả đi tàu cánh ngầm về đến lúc 7 giờ tốí. Vào thẳng phòng cấp cứu, bằng con mắt nghề nghiệp, ông rút một chút dịch tủy của cháu, 15 phút sau bé tỉnh lại và đòi bú mẹ. Sau này, một bác sĩ bạn bè “bỏ nhỏ”: “Tại ông bà quen biết nhiều, họ sợ trách nhiệm, không ai dám chẩn đoán một mình mà chờ họp hội đồng!!!”. Nếu thật vậy, nếu không có bác sĩ N., con bé sẽ ra sao?
Hậu quả của việc cấp cứu chậm là sau đó con tôi bị biến chứng. Chúng tôi lại phải cậy nhờ người giúp đưa con đi Paris chữa trị.
Tại Bệnh viện Necker – Paris, chuẩn bị cho ca mổ, cần chụp CT cắt lớp, đứa con 10 tháng tuổi của tôi vừa ngủ dậy nên không chịu ngủ tiếp. Cả kíp chụp đã kiên nhẫn chờ hơn một tiếng đồng hồ cho đến khi cháu ngủ dù họ đã hết giờ làm việc, mà nhất định không gây mê, vì “gây mê nhiều sẽ có hại về sau”- họ nói. Trong khi trước đó, tại một bệnh viện ở nhà, để chụp CT, y tá đã chích một mũi gây mê nhẹ, không xong, cô chích tiếp mũi thứ hai, con bé đứng luôn tròng mắt và tôi đã khuỵu xuống. Trước phòng mổ Necker, cô y tá ra dặn dò: “Ông bà đừng căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý bé, hãy cùng tôi chơi giỡn với cháu”. Thế là cả bốn chúng tôi cùng chơi với nhau, để con bé quen với y tá. Cả kíp mổ vẫn chờ đợi. Đúng lúc con bé cười tít mắt, nhanh như chớp cô y tá bế xốc cháu vào phòng mổ, tôi còn nghe tiếng cô ríu rít và tiếng bé cười khanh khách vọng ra.
5 giờ chiều, băng ca đưa cháu trở lại phòng bệnh, bác sĩ mổ nói “xin lỗi” vì ca mổ hơi lâu. Không thấy đưa thuốc, tôi hỏi trụ sinh cho cháu. Vị bác sĩ cười: “Không, phòng mổ vô trùng tuyệt đối, mọi chuyện đã được xử lý trong lúc mổ, từ bây giờ cháu không cần một viên trụ sinh nào cả. Hại lắm!”.
Ngày ra viện, vị bác sĩ trưởng khoa tiếp chúng tôi, ông nói: “Ông bà yên tâm đi, mai này cháu sẽ giỏi giang thôi”.
Giờ con gái tôi đã là cô nữ sinh lớp 9, xinh xắn, điệu đàng và học khá giỏi với nhiều hoài bão tương lai. Nhưng, tôi vẫn luôn khắc khoải. Tôi không so sánh giữa cái giàu – nghèo về kỹ thuật, phòng ốc, về tay nghề các bác sĩ Paris và Sài Gòn, nhưng tôi băn khoăn về tình người trong cách đối xử với bệnh nhân giữa hai bệnh viện. Rất khác nhau! Giá như con tôi không rơi vào tình huống chờ… “chịu trách nhiệm tập thể”, có thể cháu còn tốt, và tôi đã không phải rời bỏ sự nghiệp để dõi theo từng bước chân con vào đời.
Trở về TPHCM khi trời còn mù sương, những cổng chào hoành tráng, những ngôi nhà chọc trời xuất hiện ở khắp nơi, nhưng, xót xa thay khi đi ngang qua những bệnh viện chật chội, đầy ắp bệnh nhân. Sao vậy? Đất nước nghèo nhưng có đến nỗi không tăng được số bệnh viện cũng như đội ngũ bác sĩ, y tá để họ phải chịu áp lực quá tải khi chăm sóc bệnh nhân? Và tôi muốn nói tới một cơ chế quản lý và điều hành bệnh viện mang đầy tính nhân văn với “đạo đức nghề nghiệp” và “trách nhiệm công vụ” mà người dân đang mong muốn. Lời thề Hippocrates – tôi tin rằng vẫn còn trong trái tim của từng bác sĩ, vẫn hiện diện đâu đó trong cuộc sống, vấn đề là cơ chế nào để tấm lòng đó không bị mờ khuất trong những hỗn độn của cuộc sống.
(*) Tuổi Trẻ ngày 29-7-2011