Thiết kế rồi mới thi công

Soạn thảo văn bản pháp luật trước khi quyết định chính sách thì cũng giống như xây nhà trước khi thiết kế ngôi nhà. Mặc dù, chuyện vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng cơ bản rất ít khi được chấp nhận, thế nhưng chuyện vừa soạn luật, vừa xử lý chính sách lại đang là thực tế phổ biến ở nước ta. Điều này làm cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật nhiều khi thật giống với việc “đẽo cày giữa đường”. Qua mỗi lần trình bẩm, mỗi lần xin ý kiến, các chính sách lại được sửa đổi, được rút ra, rồi lại được đưa vào liên tục và không có điểm dừng. Và, có lẽ, đây là lý do giải thích tại sao việc soạn thảo văn bản pháp luật ở nước ta thường kéo dài lê thê, mà các văn bản pháp luật lại có chất lượng không cao.

Thiết kế một quy trình hoạch định chính sách mạch lạc vì vậy là nhiệm vụ quan trọng nhất của việc hoàn thiện quy trình lập pháp. Điều này, đồng thời, cũng sẽ giúp cho chúng ta tổ chức công việc của Chính phủ, cũng như của Quốc hội hợp lý hơn.
Quy trình chính sách có thể bao gồm hai công đoạn: công đoạn kỹ thuật của chính sách và công đoạn chính trị của chính sách. Hai công đoạn này gắn bó với nhau, nhưng vẫn hai công đoạn khác nhau và do những cơ quan khác nhau thực hiện.
Công đoạn kỹ thuật của chính sách do các cơ quan chuyên môn thực hiện. Đây chủ yếu là các cơ quan chuyên môn của các Bộ. Công đoạn này có thể bao gồm ba bước là: 1. Nhận biết vấn đề; 2. Nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của vấn đề và đề ra giải pháp (giải pháp chính là chính sách) để giải quyết vấn đề; 3. Phân tích chính sách về giải pháp đã được đề ra. Trong công đoạn này, các cơ quan chuyên môn sẽ phải làm rõ các vấn đề sau đây: Vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống là vấn đề gì? Đâu là nguyên nhân chính của vấn đề? Để xử lý nguyên nhân đó, thì giải pháp đề ra là giải pháp gì? Giải pháp được đề ra có chấp nhận được về mặt kỹ thuật, cũng như về mặt chi phí hay không?… Để dễ cảm nhận hơn, xin so sách việc hoạch định chính sách với việc khám chữa bệnh. Không nhận biết vấn đề sẽ rất giống với việc không nhận biết con bệnh. Không nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của vấn đề sẽ rất giống với việc không khám, không xét nghiệm (để chẩn đoán bệnh) mà lại đề ra phương án điều trị. Không phân tích chính sách sẽ rất giống với việc không nhận biết phương án chữa trị có khả thi không và người bệnh có điều kiện để chi trả không.
 Công đoạn chính trị của chính sách là công đoạn tiếp theo sau khi công đoạn kỹ thuật của chính sách đã kết thúc và kiến nghị chính sách lập pháp được trình lên cho Chính phủ. Công đoạn này do các chính khách đảm nhiệm (chứ không phải là các nhà chuyên môn). Các nhân vật chính của công đoạn này là vị Bộ trưởng có liên quan và tất cả các thành viên khác của Chính phủ. Công đoạn này chính là việc Chính phủ xem xét kiến nghị lập pháp của các Bộ và quyết định chính sách lập pháp được đề ra. Các câu hỏi được đặt ra cho công đoạn này là: Chính sách được đề ra sẽ ảnh hưởng đến các ưu tiên khác của đất nước như thế nào? Công chúng sẽ phản ứng như thế nào đối với chính sách đã đề ra? Chuyện được mất giữa các giai tầng trong xã hội liên quan đến chính sách có thể chấp nhận được không? Quốc hội có ủng hộ một chính sách như vậy không?…
Một câu hỏi đặt ra ở đây là: Thế Chính phủ có cần quan tâm đến các vấn đề kỹ thuật của chính sách không? Tất nhiên là có. Tuy nhiên, Chính phủ không thể làm thay các cơ quan chuyên môn. Chính phủ không có kiến thức chuyên sâu và không có thời gian để làm việc này. Việc Chính phủ có thể làm ở đây là áp đặt các chuẩn mực cao nhất cho các chuyên gia đảm nhận các công việc của công đoạn kỹ thuật của chính sách.
Nếu Chính phủ phê chuẩn chính sách thì việc soạn thảo văn bản pháp luật có liên quan mới chính thức bắt đầu. Soạn thảo văn bản pháp luật về bản chất chỉ là việc dịch chính sách thành mệnh lệnh hành động (cho đối tượng bị điều chỉnh, cho các quan chức áp đặt việc tuân thủ, cho cơ quan xử lý tranh chấp…). Công việc này phải do các nhà chuyên môn được đào tạo về nghề soạn thảo văn bản pháp luật đảm nhiệm. Nếu chúng ta chưa có được những chuyên gia như vậy, thì các luật gia khó có thể làm thay công việc của họ. Mà như vậy thì đào tạo các chuyên gia soạn thảo văn bản pháp luật phải là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Trường hợp ngược lại, nếu Chính phủ không phê chuẩn chính sách, thì mọi chuyện có thể chấm dứt tại đó hoặc một chính sách mới phù hợp hơn phải được đề ra. Và như vậy, việc soạn thảo văn bản pháp luật vẫn chưa được đặt ra, nhờ đó chúng ta sẽ không bị lãng phí thời giờ, công sức cho công việc này.
Nhân đây, nếu chính sách lập pháp do Chính phủ hoạch định, thì Quốc hội chính là cơ quan thẩm định chính sách đó. Quy trình lập pháp ở Quốc hội cũng cần phải thiết kế thành hai công đoạn: công đoạn thẩm định chính trị của chính sách và công đoạn thẩm định kỹ thuật của chính sách. Các phiên họp toàn thể của Quốc hội chính là công cụ để thẩm định chính trị của chính sách. Các Ủy ban của Quốc hội chính là công cụ để thẩm định kỹ thuật của chính sách.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)