Thoái trào của chính trị căn tính
Do áp lực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những bức xúc vì sự bất bình đẳng của các nhóm căn tính khác nhau trong xã hội phải tạm nhường chỗ cho những vấn đề kinh tế tỏ ra còn nghiêm trọng hơn. Giới quan sát đã nói tới giai đoạn thoái trào của chính trị căn tính.
Chính trị căn tính đạt được những thành tựu đáng kể ở phương Tây từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đặc biệt là những thập niên cuối thế kỷ trước. Đó là nền chính trị đặt mục tiêu đấu tranh vì công bằng, tiến bộ xã hội và quyền lợi cho các nhóm có căn tính khác nhau, cũng như vì căn tính chung của cộng đồng, quốc gia.
Bức tranh chính trị toàn cầu được tạo cảm hứng từ những phong trào xã hội rộng khắp như bình đẳng giới; chống phân biệt chủng tộc; chống kỳ thị đối với các nhóm thiểu số, yếm thế. Đầu những năm 1970, phong trào đấu tranh của người đồng tính ở Mỹ còn mượn tên Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam (National Liberation Front) để đặt cho cuộc cách mạng của họ (Gay Liberation Front).
Đến đầu thập niên 1990, những tác động của cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất đối với kinh tế Mỹ đã giúp đưa Bill Clinton lên làm Tổng thống. Tuy nhiên, lúc bấy giờ cử tri Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung vẫn quan tâm hàng đầu đến những vấn đề thuộc về căn tính. Họ mong muốn nhìn thấy lãnh đạo có thể, hay ít nhất là tỏ ra có thể, đại diện và có tầm nhìn tích cực đối với quyền lợi của nhóm căn tính mà họ thuộc về. Những chủ đề về căn tính như sex, sắc tộc, giới… bởi vậy được các chính trị gia phương Tây đưa vào nghị trình tranh cử như một thủ thuật để lấy lòng cử tri.
Đỉnh cao của chính trị căn tính chính là thắng lợi của ông Obama mà bản thân ông cũng là ‘một căn tính’ đặc biệt bởi màu da của mình, gợi cảm hứng và hy vọng thay đổi cho các sắc tộc thiểu số phi Âu-Mỹ, như khẩu hiệu ‘Change’ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông.
Thoái trào
Nhưng giờ đây mọi sự đã khác trước. Những cảm hứng căn tính dường như đi xuống sau khi lên đỉnh với biểu tượng Obama. Không nói tới những thành công và thất bại trong hai nhiệm kỳ vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài là một nhãn tiền. Đòi hỏi cải thiện công bằng xã hội về căn tính phải tạm nhường chỗ cho những bất bình đẳng kinh tế tỏ ra còn nặng nề hơn. Các phong trào xã hội với ngọn cờ kinh tế nổ ra, điển hình là Tea Party (Tiệc trà)1, Occupy Wall Street (Chiếm phố Wall)2.
Trong khi đó, phong trào của các nhóm thiểu số ngày càng trở nên phân tán, khánh kiệt tư tưởng và những thông điệp của họ hoặc là bị nhào nặn, bóp méo, hoặc đã trở nên bão hòa, lạc lõng trên truyền thông thời buổi thóc cao gạo kém.
Thăm dò của Huffington Post hồi tháng trước nhân bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ cho thấy có đến 56% cử tri lựa chọn ‘kinh tế’ là một trong hai vấn đề họ quan tâm nhất. Con số này bỏ xa các vấn đề khác như y tế, nhập cư, chính sách đối ngoại và chống khủng bố. Đứng gần cuối danh sách được quan tâm là các chủ đề bình đẳng giới hay môi trường. Đảng Cộng hòa có vẻ như đã chớp được thời cơ khi thống kê cho thấy những thông điệp về kinh tế trong chiến dịch tuyên truyền của đảng này được cử tri ghi nhận với tỉ lệ cao nhất.
Ngoài áp lực kinh tế, theo nhận định của giới quan sát, cử tri ngày nay cũng không còn đặt niềm tin và trao gửi sứ mệnh đấu tranh vì căn tính của họ cho các vị nguyên thủ.
Đường vòng không lối vào
Một bộ phim tài liệu về giới mở đầu bằng cảnh một đứa trẻ vừa được sinh ra. Người mẹ sau cơn đau ráng gượng dậy hỏi: Con tôi là trai hay gái? Ông bác sỹ nửa đùa nửa thật: Thưa bà, chuyện đó còn quá sớm để nói!
Giới (gender) nói riêng, và căn tính (identity) nói chung, không phải là cái ‘tự nhiên’, nó là kiến tạo về mặt xã hội. Quá trình kiến tạo này quy định các cá nhân vào những nhóm căn tính khác nhau, với những đặc trưng gắn liền với nhóm, và bản thân cá nhân cũng tự nhận diện mình theo đó. Ví dụ, đi liền với các phạm trù người da đen, phụ nữ, đồng tính, chuyển giới, người nhập cư, người khuyết tật, người nghèo luôn là những đặc trưng căn tính mà xã hội và truyền thông gán ghép.
Vấn đề chính nằm ở chỗ này. Bản thân chính trị căn tính cũng bộc lộ mặt trái như là một thuộc tính của nó. Trước hết, phong trào của các nhóm luôn có tính đơn diện (one-sided), khiến cho nó có nguy cơ dẫn đến sự cực đoan căn tính và thu hẹp tầm nhìn trong phạm vi nhóm.
Một ví dụ gần nhất là việc nữ diễn viên Rose McGowan lên tiếng phê phán rằng phong trào đòi bình đẳng cho phụ nữ không thể trông cậy vào đồng tính nam như một đồng minh vì họ ‘chỉ lo cho bản thân và thù ghét phụ nữ’.
Mặt khác, các phong trào chỉ nhằm đòi quyền cho căn tính của nhóm chứ không phải là giải phóng cá nhân khỏi đặc trưng căn tính mà họ bị quy vào.
Như một lối đi vòng, cá nhân sinh ra, lớn lên, được hoặc tự nhận diện mình trong một nhóm căn tính nhất định và phó thác tính đại diện (agency) của bản thân cho nhóm. Điều này cản trở cá nhân tham gia trực tiếp vào tổng thể xã hội bằng việc thoát ly khỏi địa vị căn tính của họ.
Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến cuộc đấu tranh của các nhóm thiểu số như đồng tính, song tính, chuyển giới chẳng hạn, để đưa được chủ đề của họ vào truyền thông dòng chính. Song, việc giành được sự diễn dịch này, nếu có, lại tiếp tục phơi bày tình trạng bên lề của họ trong mối quan hệ với cái đa số.
Xu hướng tất yếu của các nhóm thiểu số, do đó, là ‘di cư lên mạng’ – phương tiện truyền thông cá nhân hóa tối đa người dùng – như là một sự quay lưng lại với chính trị căn tính và các trào lưu xã hội kiểu cũ. Đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Thuật ngữ ‘chính trị căn tính’ (politics of identity) xuất hiện chính thức vào năm 1977, trong bản tuyên ngôn của nhóm Combahee River Collective, một tổ chức nữ quyền da màu ở Boston, Mỹ. Họ nhấn mạnh: “Tuyên ngôn chính trị quan trọng nhất của chúng ta thời kỳ này là cam kết mạnh mẽ đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc, giới, giới tính và bóc lột giai cấp và coi đó như sứ mệnh đặc thù của chúng ta…”. Năm 1979, thuật ngữ lần đầu được sử dụng trong giới học thuật, với nghiên cứu của Renee R. Anspach (Đại học Michigan, Mỹ) về phong trào chính trị của người khuyết tật và những cựu bệnh nhân tâm lý.
Phong trào chính trị nở rộ trong xã hội phương Tây, đặc biệt là Mỹ, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa kiến tạo (constructivism) của những người cánh tả. Chịu ảnh hưởng của học thuyết Marxism về đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản, chính trị căn tính đặt trọng tâm là cuộc đấu tranh của các nhóm thiểu số, yếm thế, bị áp bức trong xã hội, chống lại sự bất bình đẳng và sự thống trị về mặt căn tính, tư tưởng của các nhóm đa số, được ưu tiên. Chính trị căn tính sau này được mở rộng ra cùng với những phong trào có quy mô toàn cầu như nữ quyền, đồng tính, sắc tộc…, và kể cả những phong trào đấu tranh vì căn tính quốc gia/dân tộc trước sức ép của toàn cầu hóa. |
———-
1 Phong trào chính trị ở Mỹ kêu gọi cắt giảm nợ công quốc gia và ngân sách liên bang thông qua giảm chi phí công và thuế, đến nay đã kéo dài được hơn năm năm.
2 Phong trào biểu tình phản đối giới tài chính ngân hàng được cho là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nạn thất nghiệp trầm trọng. Cuộc biểu tình bắt đầu ở New York sau đó lan ra các thành phố lớn trên toàn nước Mỹ, và nhiều nước trên thế giới.