Thời gian vẫn còn nếu hành động ngay từ bây giờ
Như tất cả chúng ta đều biết, đồng bằng sông Cửu Long đang chịu sức ép rất lớn, mà nguyên nhân chủ yếu chính là phương thức phát triển từ nhiều thập kỉ nay. Mặc dù trong quá khứ nó đã mang lại hiệu quả nhưng lại không đảm bảo được tính bền vững và đến nay đang gây ra những hệ lụy to lớn.
Tình trạng khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng.
Chúng ta đã chạm đến ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái, các phương thức canh tác đã không còn phù hợp với điều kiện đất đai và nguồn nước, cơ sở hạ tầng không đủ để hỗ trợ việc sản xuất nông nghiệp và nếu cứ tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm, vốn đang bị sụt giảm, thì sẽ đe dọa đến sự sống còn của cả vùng đồng bằng. Những hoạt động thương mại thông thường sẽ ngày càng giảm lợi nhuận và gần như không còn khả thi về khía cạnh kinh tế.
Bên cạnh đó là những tác nhân vượt ngoài sự kiểm soát của Việt Nam, như sự phát triển thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu. Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra vào đầu năm nay là một thức tỉnh với chúng ta. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu, tình hình có thể còn tiến triển xấu hơn nữa. Nhưng điều đáng mừng là vẫn còn nhiều việc chúng ta có thể làm để tránh thảm họa diễn ra và thời gian vẫn còn nếu chúng ta hành động ngay bây giờ.
Để vượt qua thách thức, đồng bằng sông Cửu Long sẽ cần sự đầu tư rất lớn trong những năm tới, kể cả khi chúng ta không đầu tư vào các hạ tầng phần cứng như đê điều, đập chứa nước, cửa cống mà chỉ tập trung vào các chuyển đổi bắt buộc như chuyển đổi sử dụng đất, điều chỉnh các mô hình kinh tế, phương thức làm ăn của người dân, và dùng các giải pháp tự nhiên để tăng khả năng thích ứng với những cú sốc và áp lực trong tương lai. Số tiền đầu tư cần thiết sẽ lên đến nhiều tỉ đô la. Rõ ràng nó vượt quá khả năng tài chính của Nhà nước và các nguồn tài trợ quốc tế. Điều này dẫn tới yêu cầu về đòn bẩy tài chính, và sự cần thiết tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân. Với sự nhạy bén và tiềm lực của mình, doanh nghiệp tư nhân là đối tác không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi, bởi họ có thể đầu tư nhiều hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn chính phủ hay các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, động lực của các doanh nghiệp tư nhân thuần túy là lợi nhuận đầu tư. Vì vậy, để vận động sự khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta phải nâng cao nhận thức của họ, giúp họ thấy rằng kinh doanh bền vững cần có tầm nhìn xa, và đầu tư vào sự chuyển đổi sẽ tạo ra lợi nhuận không chỉ cho hôm nay, mà cả cho tương lai. Đó là lý do khối doanh nghiệp tư nhân và chính phủ có thể tìm đến nhau, triển khai các chính sách và các hoạt động vừa lợi cho khối tư nhân, vừa có lợi cho xã hội, đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Vậy chuyển đổi như thế nào?
Xin tập trung vào hai ví dụ. Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (một phần của hợp tác Hà Lan và Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký năm 2010) chia vùng châu thổ thành nhiều vùng dựa vào nguồn nước (regime) và độ mặn. Khu vực giáp biển có đặc điểm là xói mòn trên diện rộng, rừng ngập mặn bị chặt phá, đất bị nhiễm mặn, khô hạn và các hình thức canh tác nông nghiệp kém bền vững. Độ rộng của vùng nhiễm mặn này sẽ tăng theo thời gian và sẽ không có cách gì ngăn cản được điều này. Những vùng nước lợ sẽ thành nhiễm mặn và những vùng nước ngọt sẽ thành nước lợ. Chúng ta có thể cố gắng duy trì tình trạng hiện tại, chống lại những điều kiện bất thường diễn ra ngày càng thường xuyên cùng với chi phí ngày càng tăng, nhưng cuối cùng tất yếu sẽ thất bại. Thật vô lý nếu chúng ta cứ cố gắng duy trì việc trồng lúa trong khi chi phí chống chọi với đất nhiễm mặn sẽ ngày càng tăng lên. Sẽ kinh tế hơn nếu chúng ta tập thích nghi với điều kiện nhiễm mặn ngày càng tăng, chẳng hạn như chuyển sang sản xuất thủy sản bền vững sẽ mang lợi nhuận hơn là trồng lúa nước.
Tuy nhiên, các mô hình nuôi trồng thủy sản hiện nay ở Việt Nam phần lớn không hề bền vững. Hệ thống thủy lợi ở nhiều địa phương được xây dựng nhằm phục vụ cho việc trồng lúa nước. Những người nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng nước ở hệ thống này để cung cấp cho đầm, hồ của họ, bởi vì điều này có nghĩa là nước từ kênh đào mà họ lấy để nuôi trồng cũng chính là nước họ thải ra. Vì vậy, nếu xảy ra dịch bệnh thì sẽ ngay lập tức sẽ lây lan ra toàn bộ khu vực. Để giải quyết, người ta thường tránh dùng nước từ dòng kênh này. Ngoài ra, để duy trì ổn định độ mặn của hồ nuôi trồng thủy sản, khi nước hồ quá mặn, họ sẽ hòa thêm nước lấy từ nguồn nước ngầm. Như vậy, trong trường hợp họ sử dụng nước từ kênh, thì rủi ro nhiễm bệnh rất cao, còn nếu dùng nước ngầm thì sẽ gây ra sụt lún đất trên diện rộng và có nguy cơ nhấn chìm vùng đồng bằng. Cả hai giải pháp này đều không có tính bền vững.
Giải pháp cho vấn đề trên là hãy ưu tiên sản xuất thủy sản, xây dựng hệ thống nguồn nước tách biệt kênh dẫn nước vào và kênh dẫn nước ra. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện với sự cải tạo đồng bộ của cả vùng, xây dựng lại hệ thống đê và kênh rạch. Khoản đầu tư này là quá tầm đối với cá thể hộ nông dân cả về khả năng tài chính cũng như khả năng vận động sự đồng thuận trong cộng đồng. Vì vậy sẽ cần sự tập trung nguồn lực thông qua các hợp tác xã, hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất cho khối doanh nghiệp tư nhân và người nông dân trở thành người làm thuê. Nó đòi hỏi sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, và các nguồn tài trợ.
Một cách khác giải quyết với vấn đề nguồn nước ngọt bị hạn chế và đất nhiễm mặn là tăng cường sử dụng nhà kính. Phần bề mặt mái nhà có thể dùng để thu và trữ nước mưa, và khi kiểm soát được môi trường nuôi trồng thì sẽ thích ứng với điều kiện nguồn nước hạn chế dễ dàng và tránh được những vấn đề với tầng đất ở dưới. Điều này đòi hỏi việc chọn lựa các sản phẩm nông nghiệp thích hợp, cải thiện hệ thống sau thu hoạch để có thể tận dụng triệt để.
Vấn đề thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là phương thức làm lúa ba mùa được áp dụng ở nhiều nơi trên đồng bằng sông Cửu Long đã khiến một số tỉnh bị ngập lụt nặng nề ở thượng vùng châu thổ, chưa kể hiện nay lợi nhuận canh tác theo phương thức này đang nhanh chóng suy giảm. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và phương thức canh tác sẽ giúp phục hồi năng lực chứa nước ở những tỉnh thành này, qua đó cung cấp nguồn nước để ứng phó với xâm nhập mặn và khô hạn; góp phần bồi lắng, cải thiện độ màu mỡ của đất, tăng năng suất, và tích lũy vùng châu thổ như một quá trình tự nhiên ứng phó với nước biển dâng. Nó cũng giúp giảm nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ bất thường thấy ở các tỉnh này và ở hạ nguồn. Cuối cùng nhưng cũng không kém quan trọng, sẽ giúp chúng ta tăng cường vùng đệm để ứng phó tốt hơn với sự bất ổn ngày càng tăng trong việc thoát nước của sông Mekong trong tương lai.
Tuy nhiên, điều chỉnh xu hướng lúa ba vụ cần có sự đầu tư đa dạng vào những phương thức canh tác, loại nông sản khác nhau, mà trong đó không thể thiếu vai trò của khu vực tư nhân trong việc sản xuất, cung ứng và xử lý, và tạo lợi ích kinh tế dựa trên qui mô sản xuất lớn.
Các nhà làm chính sách nên trao đổi chặt chẽ với các doanh nghiệp để hiện thực hóa những điều kiện cần thiết cho phép triển khai những dự án đầu tư vừa có tiềm năng lợi nhuận, vừa có thể thay đổi vùng châu thổ theo xu hướng chuẩn bị ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, tạo ra sự phát triển bền vững hơn cho khu vực doanh nghiệp cũng như cho toàn thể cộng đồng trong tương lai.
Hà Minh – Hảo Linh dịch
Bài viết được trích đăng từ phát biểu của Tom Kompier tại Hội thảo “Giải pháp bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân – Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp” do Tạp chí Tia Sáng tổ chức cùng BSA và Sở KH&CN tỉnh Bến Tre. Tít bài là do Tia Sáng đặt.
—————
Tác giả là Thư ký thứ nhất phụ trách về nước và biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan.