Thu hút lao động hậu đại dịch

Dịch bệnh được kiểm soát ở trung tâm kinh tế lớn nhất để chúng ta dần quay lại phục hồi kinh tế, nhưng trước mắt chúng ta lại là thách thức: sau dòng người ồ ạt trở về quê lánh dịch thì thành phố sẽ tìm lao động ở đâu?


Theo báo cáo gần đây của ILO, chính sách lao động việc làm là trọng tâm quan trọng nhất để xử lý khủng hoảng và phục hồi đại dịch ở các nước đang phát triển, với hơn nửa các chính sách liên quan đến vấn đề này. Ảnh: Phóng sự “8 tiếng trọn vẹn” về công nhân tại hai khu Công Nghiệp, khu Chế Xuất lớn của thành phố Hồ Chí Minh: khu Công Nghiệp Tân Tạo, Q. Bình Tân, khu Chế Xuất Linh Trung, Q. Thủ Đức của viện iSEE. 

Những điều đã biết và chưa biết 

“Thực trạng khó khăn trước mắt là quá lớn”, cả TS. Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP. HCM và TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong đều cùng chung nhận định khi bắt đầu trả lời phóng viên Tia Sáng. Nhìn chung, đại dịch tạo ra vòng lặp khủng hoảng mà chúng ta có thể tạm hình dung một cách đơn giản nhất như thế này: COVID-19 >> giảm tổng cầu/giảm năng lực sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng>> mất việc làm, thu nhập >> giảm tổng cầu đình trệ sản xuất >> mất việc làm, thu nhập >> giảm tổng cầu… 

Giữa vòng lặp ấy, đứt gãy nguồn lao động là vấn đề sống còn. Đầu tàu kinh tế phía Nam thiếu lao động trầm trọng, vì 1,3 triệu người đã trở về quê, trong bối cảnh 2,5 triệu lao động phải ngừng làm việc.

Bối cảnh nguồn lực của chúng ta đã hạn chế từ trước đại dịch nay còn khó khăn gấp bội phần đòi hỏi các nhà quản lý cần cơ sở để đưa ra các quyết sách đúng và trúng. Ưu tiên trước mắt là trả lời được câu hỏi làm thế nào thành phố hút được lao động trở lại để không làm đứt gãy sản xuất?

“Lúc này thông tin về hành vi cung và cầu lao động là không đầy đủ và biến động, bất thường”, TS. Phạm Khánh Nam cho biết. Cung và cầu lao động do mỗi cá nhân và đơn vị sử dụng lao động quyết định. Trong trạng thái bình thường thì thị trường sẽ tự cân bằng cung cầu lao động. Trong tình trạng đứt gãy luồng di chuyển lao động, nhu cầu lao động từ khối sản xuất không ổn định, và chính sách quản lý kinh tế xã hội không nhất quán do phụ thuộc vào thời gian, địa điểm COVID-19 bùng phát dịch, nhà nước cần can thiệp giúp đạt cân bằng thị trường lao động một cách tương đối.

Nhưng hiểu về nguồn cung lao động lúc này là rất khó khăn, vì “hành vi của người lao động phức tạp và bị chi phối bởi nhiều yếu tố văn hóa xã hội gia đình” TS. Phạm Khánh Nam nhận định. TS. Phùng Đức Tùng còn lo ngại vấn đề căng thẳng, nỗi lo nhiễm bệnh, nhốt mình trong 3 – 4 tháng có thể trở thành cú sốc tâm lý khiến người di cư không còn “tâm trí nào muốn quay trở lại” thành phố nữa, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong bối cảnh đại dịch bất thường, hành vi của con người vốn bình thường đã rất đa dạng thì giờ đây càng tiếp tục khó đoán định. Nhãn tiền là trước 3-4 làn sóng rời thành phố trở về quê của người lao động di cư, chúng ta hầu như không thấy có dự báo, báo cáo nào mang tính hệ thống về các làn sóng này để đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp. 

Tương tự, ở đầu còn lại của thị trường lao động, dự đoán “nhu cầu về lao động, việc làm trong sáu tháng tới, một năm tới như thế nào” cũng không dễ dàng hơn. Nhìn vào phản ánh của báo chí, sơ bộ chúng ta biết được là doanh nghiệp đang rất thiếu lao động, nhưng với các nhà kinh tế thì “rất thiếu” chưa phản ánh gì nhiều. Để dự đoán về nhu cầu này lại phải liên quan đến một loạt các câu hỏi khác, gồm dịch chuyển các ngành nghề bị ảnh hưởng của COVID, ngành nào sẽ giảm nhu cầu, ngành nào sẽ tăng nhiều hơn? Từ đó dự đoán nhu cầu dịch chuyển lao động từ ngành này sang ngành kia, xu hướng lao động có kỹ năng, không có kỹ năng, mức độ đào tạo lại, không cần đào tạo lại ra sao? Đó đều là những dữ liệu thành phố Hồ Chí Minh (và vùng lân cận) đang rất cần mà chưa có. 

Khi chưa có dữ liệu, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý chỉ có thể dự đoán dựa trên các quy luật về cung cầu kinh tế và có thể là dữ liệu từ một vài khảo sát nhỏ mà chưa có tính toàn diện. Các nhận định vì thế có thể sẽ có độ chênh, chẳng hạn, các nhà kinh tế đều thống nhất ở điểm nguồn nhân lực cho thị trường lao động chính thức, cho các doanh nghiệp có ký kết hợp đồng lao động, các nhà máy, khu công nghiệp rất thiếu. Nhưng nguồn nhân lực cho các hoạt động kinh tế phi chính thức như kinh doanh hộ gia đình, café nhà hàng nhỏ lẻ, dọn dẹp, bán hàng rong… thì các dự báo lại không hoàn toàn thống nhất. Mặc dù TS. Phùng Đức Tùng cho rằng thiếu nhân lực là điều chắc chắn nhưng theo quan điểm của TS. Phạm Khánh Nam thì khu vực lao động phi chính thức còn hoạt động cầm chừng chứ không lập tức “bật lò xo” hoạt động trở lại như mong đợi của các nhà quản lý. Có thể với “khu vực chính thức, các nhà máy vẫn có tiềm lực sản xuất, kho hàng, khách hàng còn đó, họ có thể thiếu lao động thật. Nhưng khu vực phi chính thức không đến nỗi thiếu vì nhu cầu quay lại chưa cao, bản thân nội lực của họ cũng yếu, như là một người bệnh mới ốm dậy thôi, họ đâu có hoạt động nhanh mạnh được mà cần nhiều lao động. Nên tôi dự đoán là không đến nỗi thiếu lao động trầm trọng quá. Có tình trạng đình trệ kinh tế: sản xuất cầm chừng và người lao động không có việc làm”, TS. Phạm Khánh Nam nói. Chính vì thế các nhà kinh tế và nhà quản lý tiếp tục cần thêm dữ liệu nền chi tiết, ví dụ như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau hiện giờ sống chết ra sao, khả năng phục hồi thế nào, vì sức khỏe của doanh nghiệp liên quan tới người lao động. 


Người lao động từ miền Tây quay trở lại TP.HCM.

Các giải pháp tức thời

Dù chưa có dữ liệu đầy đủ trong tay thì các nhà kinh tế và nhà quản lý vẫn phải đưa ra những nhận định, khuyến nghị chính sách dựa trên các nguyên tắc chung của thị trường. Theo hai chuyên gia, trong giai đoạn trước mắt đến hai năm, cần ưu tiên giải quyết cú sốc đứt gãy thị trường lao động và việc làm bằng cách đảm bảo an sinh, tạo việc làm, chặn đứng vòng lặp khủng hoảng; còn trong trong trung hạn và dài hạn (hai năm tính từ thời điểm hiện tại) phục hồi nền kinh tế theo hướng ưu tiên mục tiêu việc làm, có tính bao trùm (tạo việc làm cho các nhóm yếu thế, lao động nhập cư, lao động phi chính thức) và có khả năng đàn hồi (không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế lên cao nhất mà cần đầu tư gia tăng sức chống chịu của hệ thống trước các cú sốc trong tương lai), ưu tiên các chính sách, chương trình dự án kinh tế tạo ra nhiều việc làm.

Cụ thể, trong chính sách ngắn và trung hạn, hai nhóm công cụ chính sách thu hút người lao động quay trở lại làm việc là: dùng khuyến khích kinh tế, tác động vào động lực kinh tế của cá nhân và dùng công cụ kinh tế hành vi, tác động tâm lý. Đối tượng chính sách chủ yếu trong nhóm này là lao động nhập cư đã quay trở về quê và lựa chọn làm việc trong khu vực kinh tế chính thức. Chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc thuộc nhóm chính sách trong ngắn và trung hạn. 
Gói hỗ trợ doanh nghiệp 

Đối với phía cầu lao động của doanh nghiệp, nhà nước cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ, vì tổng kết của Ngân hàng Thế giới ở 55 quốc gia cho thấy chính sách thị trường lao động tập trung phía doanh nghiệp chiếm vai trò chủ đạo trong các chính sách lao động việc làm trong đại dịch COVID-19. Các chính sách thị trường lao động chủ yếu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khả năng thanh khoản và tăng tính linh hoạt trong quy định lao động. Các chính sách tăng tính thanh khoản/dòng tiền cho doanh nghiệp và tính linh hoạt trong điều tiết lao động là những chính sách thị trường lao động được sử dụng rộng rãi nhất.

TS. Phạm Khánh Nam đề xuất, các chính sách cải thiện tính thanh khoản của doanh nghiệp, nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước ưu tiên xem xét chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, như hoãn nộp thuế doanh nghiệp, gia hạn khấu trừ thuế giá trị gia tăng, khấu trừ bổ sung thuế, gia hạn thời hạn giải quyết nghĩa vụ thuế. Có thể xem xét hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, thanh toán khoản vay (giảm lãi suất cho vay, tái cấu trúc nợ), hoãn/giảm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn cho người lao động, hỗ trợ điện nước và tiền thuê đất. Cùng quan điểm này, TS. Phùng Đức Tùng nhấn mạnh các chính sách hoãn, giảm đóng các loại bảo hiểm, phí là đặc biệt quan trọng với “các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là thâm dụng lao động, ví dụ như với các doanh nghiệp dệt may giày da thì lương là chi phí lớn nhất, chiếm tới 70%”. Vì tổng giá trị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, bảo hiểm y tế chiếm đến 34,5% chi cho mỗi người lao động là gánh nặng cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Nếu nhà nước miễn hai năm thì doanh nghiệp có thể dùng tiền đó tăng lương cho người lao động, để thu hút được lao động quay lại. 

* Chỉ tính riêng nguồn lao động nhập cư giá rẻ cho TP. HCM và khu vực lân cận đã sụt giảm 1.3 triệu do họ trở về quê hương.
* Tới tháng 8/2021, đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc ở các tỉnh phía Nam, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước.
* Khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy trong thời gian giãn cách vừa rồi chỉ có 16% doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, 69% tạm ngừng hoạt động và 15% doanh nghiệp giải thể. Trong đó chủ yếu doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ.

“Gói phúc lợi” thu hút người lao động quay trở lại 

Khảo sát sơ bộ gần đây của nhóm TS. Phạm Khánh Nam cho thấy quyết định quay trở lại thành phố làm việc phụ thuộc nhiều vào các yếu tố do nhóm chính sách khuyến khích tăng cường phúc lợi. Nhóm nghiên cứu cho rằng nhận thức về tiền lương và thu nhập cũng như tiền lương và thu nhập thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh luôn cao hơn tiền lương tại quê nhà của người lao động. Do đó, anh đề xuất cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các “gói phúc lợi” thu hút người lao động quay trở lại làm việc gồm ba thành phần chính: Giới thiệu việc làm + hỗ trợ nhà trọ + vaccine COVID-19. 

Nhà nước nên có những chương trình tạo việc làm trực tiếp tạo thêm việc làm trong những dự án có đặc tính đem lại lợi ích cộng đồng hoặc lợi ích xã hội, có thể là những dự án cơ sở hạ tầng lớn cần nhiều lao động. Lao động tham gia các chương trình này thường là những người thất nghiệp dài hạn hoặc những người trong nhóm lao động phi chính thức bị mất việc do đại dịch COVID-19. Chương trình tạo việc làm trực tiếp hay tạo việc làm công có ba lợi ích: tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là nhóm yếu thế; đóng vai trò bảo trợ xã hội, tạo thu nhập tức thời; và tạo lợi ích công/công trình hạ tầng cơ sở. Khi thị trường lao động phục hồi, chương trình tạo việc làm trực tiếp sẽ thu hẹp. 

Các giải pháp này vẫn đi cùng với các các chính sách trợ giúp xã hội khác đã được tiến hành từ đợt dịch thứ tư, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tiền trực tiếp và các khoản trợ cấp khác cho người lao động, gồm hỗ trợ chi phí điện, nước.

Nhưng quyết định quay trở lại của người lao động còn phụ thuộc vào thông tin về bệnh dịch, thông tin chính sách và quá trình thực thi có nhất quán hay không. Nên hai chuyên gia khuyến nghị, các thông tin về dịch bệnh, môi trường làm việc, chính sách việc làm phải được truyền thông rộng rãi qua nhiều kênh truyền thông chính thức, mạng xã hội, và cả người nổi tiếng. Để xây dựng và củng cố lòng tin cho người lao động, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các chính sách và thông tin liên quan một cách nhất quán và rõ ràng. Tuy nhiên, sẽ vẫn có những vấn đề liên quan tới văn hóa xã hội, ví dụ làm thế nào để thúc đẩy người lao động quay lại làm việc sớm hơn, vượt qua tâm lý quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên Đán là việc khó và cần thời gian. Vì khảo sát sơ bộ của TS. Phạm Khánh Nam trên 400 người lao động cho thấy, 42% cho biết chỉ quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên Đán. 

Cái nhìn dài hạn cho một bối cảnh bất định 

Nhìn chung, một trong những vấn đề khó nhất của thị trường lao động vẫn là kết nối cung cầu lao động, khi thông tin cung cầu lao động là không rõ ràng và bất định. Vấn đề kết nối sẽ càng khó khăn trầm trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nên nhóm của TS. Phạm Khánh Nam đề xuất trong dài hạn, cơ quan quản lý nhà nước đầu tư xây dựng nền tảng kết nối việc làm. Ví dụ thành công điển hình là trang kết nối việc làm trực tuyến của Chính phủ Úc https://jobactive.gov.au/. Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ xây dựng nền tảng kết nối việc làm tập trung vào nhóm đối tượng lao động ít kỹ năng, nhóm yếu thế. Nền tảng (platform) này dựa trên mô hình kinh tế nền tảng, sử dụng công nghệ số giúp kết nối nhu cầu chia sẻ nguồn nhân lực nhàn rỗi và nhu cầu sử dụng nguồn lực đó một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng và chi phí thấp. Nền tảng kết nối việc làm này cũng giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách có thông tin chính xác hơn về cung cầu lao động tại từng địa phương.

Các thành phố vẫn phải phụ thuộc vào nguồn lao động di cư nhưng đại dịch đã làm lộ rõ tình trạng bấp bênh của họ – lao động di cư thường là nhóm đầu tiên bị cho nghỉ việc, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận để được chữa trị và thường không được đưa vào diện điều chỉnh của các chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19. Khủng hoảng COVID-19 làm gia tăng những nguy cơ này, đặc biệt là đối với nữ lao động di cư vì họ chủ yếu làm các công việc đòi hỏi tay nghề thấp, được trả lương thấp, và ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội cũng như ít có lựa chọn đối với các dịch vụ hỗ trợ. “Trong dịch bệnh các chính sách đều cho người di cư cảm thấy mình là công dân hạng hai là không ổn. Các thành phố cần thu hút người lao động và để họ thấy đây là quê hương thứ hai và người ta có thể sinh sống lâu dài thì mới bền vững được”, TS. Phùng Đức Tùng khuyến nghị. Nghĩa là các “chính sách y tế, giáo dục, nhà ở giá rẻ đều phải bình đẳng như người sở tại”.

TS. Phùng Đức Tùng cũng lưu ý thêm, trong chiến lược dài hạn thì việc tập trung phát triển kinh tế ở hai trung tâm lớn là hai siêu đô thị Hà Nội, TP. HCM là không phù hợp. Dịch bệnh lần này mang lại bài học lớn là không thể tập trung phát triển kinh tế và không thể thu hút dân số vào tập trung ở một vài nơi vì rủi ro rất lớn, nên chúng ta phải nghiên cứu tới việc phi tập trung sản xuất, phải khuyến khích các doanh nghiệp đem nhà máy, xí nghiệp đến các nơi có lao động dư thừa chứ không phải là thu hút lao động dư thừa đến các trung tâm.   

Dữ liệu lao động 

Các nhà kinh tế và tổ chức lao động quốc tế luôn nhấn mạnh, các chính sách về lao động di cư sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi được xây dựng dựa trên bằng chứng thống kê vững chắc. Dù năm ngoái và năm nay, cả hai nhóm nghiên cứu của TS. Phùng Đức Tùng và TS. Phạm Khánh Nam tiến hành các cuộc nghiên cứu quy mô nhỏ trên dưới 1000 mẫu nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là các nghiên cứu bước đầu, không có tính đại diện. Để có dữ liệu quy mô lớn ở cả nhóm người lao động và doanh nghiệp thì chỉ có nhà nước mới đủ khả năng thực hiện khảo sát, còn “nhà khoa học đi năn nỉ [doanh nghiệp, người lao động] trả lời không được bao nhiêu”, TS. Phạm Khánh Nam cho biết.  

Mặc dù vậy, ngay lúc này cả hai nhóm vẫn đang khẩn trương tiến hành khảo sát để cung cấp thêm thông tin về lao động việc làm trong đại dịch cho nhà quản lý. □

“Đại dịch Covid-19 tạo ra sự chuyển dịch các ngành nghề sản xuất và kinh doanh, một số ngành nghề mất đi, giảm quy mô, và các ngành nghề mới xuất hiện hoặc mở rộng quy mô. Nên trong nghiên cứu tới đây, chúng tôi dự định thiết lập danh mục các ngành nghề sẽ hoạt động trong giai đoạn sắp tới, xếp hạng sự thay đổi, tính toán nhu cầu lao động cho từng ngành nghề và đưa ra đề xuất chính sách thúc đẩy, hỗ trợ sử chuyển đổi của thị trường lao động”, TS Phạm Khánh Nam.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)