Thử nhìn lại vấn đề Vốn xã hội

Những năm gần đây vốn xã hội (VXH) là một đề tài được đem ra bàn cải một cách sôi nổi không chỉ trong giới học thuật, nghiên cứu mà cả trong không gian công cộng qua các bài báo và bài viết trên các trang của các mạng xã hội. Điều này không hề là một điều ngẫu nhiên và có những nguyên nhân khách quan của nó.


Nhận thức đau đáu về cơn khủng hoảng của xã hội Việt Nam, được thể hiện qua quá nhiều hiện tượng tiêu cực, đã thôi thúc các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội, văn hóa và chính trị cố gắng chẩn đoán về những nguyên nhân đã tạo nên cơn khủng hoảng, hầu tìm ra loại giải pháp thích hợp. Mặc dù đã có rất nhiều bài viết nêu lên tính mơ hồ của khái niệm VXH nhằm nhắc nhở ta về những khó khăn trong việc sử dụng nó như là một công cụ nghiên cứu, nhưng có thể nói VXH là một ý tưởng đã được chờ đợi như một ý tưởng thần kì để đáp ứng sự khao khát trên. Rất nhiều bài dẫn đến cùng một kết luận: sự giảm sút, sự thiếu hụt VXH là một trong những nguyên nhân chính của cơn khủng hoảng của xã hội Việt Nam và việc giải quyết những vấn để hiện nay của xã hội Việt Nam phải thông qua một sự tái tạo, củng cố và phát triển VXH[1]. Sự đồng thuận này có thể được xem như là tiêu chí cho tính hiệu lực của ý tưởng, khái niệm VXH.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu, nhà hoạt động cần phải cẩn trọng hơn nữa khi mà một khái niệm như VXH, một khái niệm đa chiều và đa nghĩa, được sử dụng một cách rộng rãi trong xã hội để làm luận cứ cho một quan điểm, một chính sách. Bài này không muốn trở lại vấn đề định nghĩa VXH đã được trình bày một cách đầy đủ trong nhiều bài, đặc biệt trong khuôn khổ của Hội thảo về VXH do Tạp chí Tia Sáng tổ chức năm 2006 mà chỉ muốn điểm lại những cách tiếp cận lý thuyết khác nhau về VXH và những vấn đề đặt ra trong việc ứng dụng khái niệm VXH vào nghiên cứu thực nghiệm. Bài này cũng chỉ muốn giới hạn trong phạm vi của xã hội học mặc dù biết rằng, do tính đa chiều của khái niệm VXH kết hợp hai khái niệm (vốn và xã hội) của hai ngành khoa học khác nhau, nghiên cứu về VXH tất yếu phải là nghiên cứu liên ngành.

Lược sử về VXH

Ngay trước khi được khái niệm hóa trong khoa học xã hội, ý tưởng về VXH đã có từ khi mà con người bắt đầu tư duy về việc «sống chung»: điều gì đã làm cho con người kết hợp lại với nhau để tạo nên những cộng đồng, sự kết hợp này được tổ chức theo những cơ chế nào và được cụ thể hóa thông qua những định chế, những cơ cấu nào. Nội hàm về ý tưởng VXH, gắn liền với nhiều trào lưu tư tưởng và với những vấn đề xã hội đặc thù, được cảm nhận theo nhiều kiểu cách khác nhau, ở những thời điểm và không gian khác nhau.

Những người đầu tiên đã làm việc này thuộc giới triết gia. Ta có thể kể đến các triết gia thời Hy Lạp Cổ đại (Aristote, Platon), đến các lý thuyết gia về Khế ước xã hội của thế kỷ 17, 18 ở Châu Âu (Jean Jacques Rousseau, Locke, Hobbes). Ở đây chúng tôi chỉ muốn đề cập đến hai người đã có những suy nghĩ về VXH rất gần với cách hiểu hiện nay: Alexis de Tocqueville và Émile Durkheim.

Alexis de Tocqueville (1805-1859) là một nhà quý tộc Pháp sống vào thời kỳ mà quyền lực của thành phần này đang sụp đổ. Tuy nhiên ông được xem như là một trong những lý thuyết gia đầu tiên về nền dân chủ. Trong chuyến đi của ông sang Mỹ khi Mỹ mới giành được độc lập, điều đã gây một ấn tượng lớn nơi ông chính là sự hiện hữu của những hiệp hội tự nguyện do những công dân – tức là những người tự do và bình đẳng – thành lập để theo đuổi và thực hiện những mục đích khác nhau, tôn giáo, an ninh, kinh tế, tương trợ. Theo ông thì đây là một cơ sở vững chắc cho nền dân chủ ở Mỹ khi mà người công dân dấn thân để bảo vệ những quyền lợi của mình và của cộng đồng làng xã, thành thị hay quốc gia. Ông viết: “Theo tôi, không có điều gì xứng đáng thu hút cái nhìn của chúng ta bằng các hội đoàn trí thức và đạo đức của Mỹ (…) Trong các nước dân chủ, khoa học về sự kết nối thành hội đoàn là khoa học gốc; sự tiến bộ của tất cả các khoa học khác đều tùy thuộc vào sự tiến bộ của khoa học này. Trong các luật chi phối xã hội loài người, có một luật được xem như là chính xác và rõ ràng hơn tất cả các luật khác. Để làm cho mọi người là văn minh hay trở thành văn minh, họ cần phải phát triển và hoàn thiện nghệ thuật kết nối lại với nhau tương ứng với nhịp độ phát triển về sự bình đẳng của các điều kiện[2]. Tính ưu việt của các hội đoàn tự nguyện giữa những người công dân tự do và bình đẳng mà Tocqueville đã nêu lên trong đoạn trên sẽ được Coleman và Putnam triển khai một cách chi tiết hơn trong lập luận của họ. Đối với Tocqueville đó chính là cơ sở của xã hội dân sự, một thành tố không thể thiếu trong nền dân chủ đang hình thành ở Mỹ, rất khác với các xã hội Châu Âu vào thời điểm đó. Còn đối với Coleman và đặc biệt đối với Putnam, thì «nghệ thuật kết nối thành hội đoàn» là phương cách để tạo nên và củng cố VXH nhằm giải quyết những vấn đề được đặt ra cho các xã hội trên mọi phương diện.

Émile Durkheim (1858-1917) là người đã sáng lập ra xã hội học ở Pháp. Sống vào một thời kỳ có nhiều biến đổi với trào lưu công nghệ hóa, thành thị hóa kèm theo những hệ quả tiêu cực, câu hỏi mà ông đặt ra là: làm sao mà cá nhân lại vừa trở thành tự chủ hơn mà lại vừa gắn bó mật thiết hơn với xã hội? Câu trả lời của ông là do mối liên kết xã hội (lien social), một khái niệm trung tâm trong tác phẩm «Bàn về sự phân công lao động xã hội» (1893). Đối với Durkheim, sự phân công lao động xã hội không chỉ mang lại những lợi ích vật chất, kinh tế (tăng năng suất, hiệu quả cao hơn của sức lao động) mà quan trọng hơn nó tạo nên mối liên kết xã hội và, qua đó, tạo nên một tinh thần đoàn kết giữa các các nhân. Durkheim cho rằng chức năng/vai trò tinh thần của phân công lao động xã hội quan trọng hơn cả chức năng kinh tế của nó. Dưới góc độ của mối liên kết xã hội, Durkheim phân biệt hai loại hình xã hội dựa trên hai hình thái của sự đoàn kết xã hội: đoàn kết xã hội máy móc trong những xã hội có một sự phân công lao động thấp, bao gồm những người giống nhau và bị chi phối bởi những luật lệ chế tài khắt khe; đoàn kết xã hội hữu cơ trong những xã hội có sự phân công lao động cao và bao gồm những cá nhân ngày càng khác nhau về nghề nghiệp, chức năng và vị thế với những luật lệ mang tính chất bồi hoàn (restitutif). Sự tiến hóa của xã hội có thể được giải thích bởi sự phát triển của sự phân công lao động xã hội và được quan niệm như sự chuyển hóa từ sự đoàn kết xã hội máy móc sang sự đoàn kết xã hội hữu cơ. Quan trọng hơn sự phân biệt này, trùng hợp với sự phân biệt mà một số nhà xã hội học khác đã đưa ra – Tonnies với sự phân biệt giữa cộng đồng (gemeinschaft) và xã hội (gesellschaft) – là việc Durkheim cho rằng sự biến đổi của các hình thái của mối liên kết xã hội tùy thuộc vào mật độ vật chất hay khối lượng xã hội (mật độ dân số và trình độ phát triển của các phương tiện truyền thông) và mật độ tinh thần hay năng động (cường độ của những sự trao đổi và tương tác giữa các cá nhân tạo nên những giá trị chung và sự cố kết xã hội). Khái niệm về mối liên kết xã hội, về sự cố kết xã hội chính là cơ sở của công trình nghiên cứu của Durkheim về «Tự tử» trong đó ông chứng minh mối tương quan nhân quả giữa cố kết xã hội và bốn loại hình tự tử.

Vào những năm 1980, VXH được khái niệm hóa ở hai bên bờ Đại Tây Dương: ở Pháp do Pierre Bourdieu và ở Mỹ do James Coleman và Robert Putnam. Ngay từ lúc đầu khái niệm VXH đã gây nên một sự quan tâm lớn trong giới học thuật – ở Mỹ nhờ sự năng động của Putnam – và đã là nguồn cảm hứng cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học và đặc biệt hơn nữa cho nhiều chính sách kinh tế xã hội của một số tổ chức kinh tế, xã hội và chính trị như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE). Sự thu hút của VXH không phải là ngẫu nhiên. Vào thời điểm đó, có nhiều yếu tố đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng VXH vào những công trình nghiên cứu thực dụng ngay cả khi mà nội hàm của VXH vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của giới học thuật và nghiên cứu. Mỹ vào những năm 1990 phải đối phó với một số vấn đề như tỷ lệ nghèo cao trong một nước phát triển nhất thế giới, một sự phân cực xã hội ngày càng gay gắt, sự phê phán đối với sự can thiệp của Nhà nước, nhất là đối với chính sách bảo đảm phúc lợi xã hội được xem như là đi ngược lại với chủ trương của trường phái kinh tế tân cổ điển.Trong tình huống này VXH được xem như là liều thuốc mầu, một phương thức ít tốn kém và không huy động tài nguyên công, ngân sách nhà nước để giải quyết những vấn đề xã hội nêu trên. Sức thu hút của VXH không chỉ dừng lại ở những vấn đề kinh tế xã hội nhất thời mà còn thể hiện một quan điểm mới trong của cuộc tranh cãi dai dẳng xung quanh vấn đề quản trị chính trị và kinh tế giữa cánh tả và cánh hữu, giữa cấp tiến và bảo thủ, giữa Nhà nước và thị trường. Trong cuộc tranh cải này thì VXH được xem như là cơ sở cho một con đường thứ ba nhấn mạnh đến tiến trình trách nhiệm hóa để «xây dựng một trật tự xã hội hậu hiện đại bằng những chính sách tích cực để cỗ vũ cho sự dấn thân của xã hội dân sự»[3]. Đó chính là chủ nghĩa Blair (Blairisme) mà ông Blair đã áp dụng ở Anh trong những năm cầm quyền (1997-2007). Tư duy này đã mở rộng một không gian học thuật để tìm kiếm những mô hình thay thế cho sự đối đầu giữa hai quan điểm truyền thống, trong đó VXH là một chủ đề trung tâm đặc biệt khi những yêu cầu, áp lực mới xuất hiện trong nhận thức về bản chất của sự phát triền như sự bình đẳng giữa các thành phần và giữa các giới, việc bảo vệ môi trường, sự cạn kiệt của các tài nguyên thiên nhiên chẳng hạn. Để thực thi một chính sách nhắm đến những mục tiêu đa dạng của sự phát triển, VXH, vừa là một khái niệm đa chiều kích, vừa là một phương thức tổ chức dựa trên sự dấn thân công dân đúng là một cơ sở lý thuyết và thực tiễn cho chính sách trên. Trạng thái hòa hợp xã hội mà VXH vươn tới chính là mục tiêu tối hậu của chính sách này.

Sự can dự của những tổ chức quốc tế đã chuyển cuộc tranh cãi về VXH sang lãnh vực đo lường VXH vì những bộ phận phụ trách về việc hoạch định các chính sách cần có những dữ liệu khách quan để tạo cơ sở cho chính sách, biện pháp.Trong lãnh vực này cũng đã có những cố gắng rất lớn, đặc biệt của các tổ chức quốc tế để đưa ra những tiêu chí được lượng hóa của VXH [4]. Năm 2001, OCDE đã cho xuất bản báo cáo «Về sự sung túc của các nước – vai trò của vốn con người và vốn xã hội» và năm 2002 đã có sáng kiến tổ chức một nhóm làm việc mà nhiệm vụ là đạt đến một sự đồng thuận trên một tổ hợp những tiêu chí và trên toàn bộ những câu hỏi dẫn đến việc xác định các tiêu chí này. Trào lưu lượng hóa này gắn liền với điều đã nêu ở trên: tìm kiếm một con đường thứ ba dựa trên sự dấn thân của công dân thông qua các hội đoàn tự nguyện vừa có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội một cách có hiệu quả và bền vững, vừa ít tốn kém, vừa tạo điều kiện để đưa vào tiến trình phát triển những mối quan tâm mới về việc bảo vệ môi trường, bình đẳng, tính bền vững.

Tuy nhiên những vấn đề được đặt ra vì tính chất mơ hồ, tính đa nghĩa và đa chiều kích của khái niệm VXH, phương thức tiếp cận (định lượng hay định tính), đặc tính của khái niệm VXH (tích cực theo định nghĩa của Coleman và Putnam hay trung tính) lại tái xuất hiện trong việc thao tác hóa khái niệm VXH và xác định các tiêu chí của VXH – đo lường cái gì – mặc dù đã có những cố gắng để tách việc xác định các tiêu chí này ra khỏi những tranh cãi về mặt lý luận và xác định tính cơ sở của khái niệm VXH dựa trên thực tiễn và trên kết quả của các công trình nghiên cứu thực nghiệm.

Tuy rằng khái niệm VXH là «ý niệm rất linh động, thậm chí mập mờ, chưa đủ chính xác để đưa vào mọi phân tích kinh tế… nhưng đây là một ý niệm hữu ích (vì) ý niệm VXH là một cầu nối giữa tiếp cận kinh tế và tiếp cận xã hội, và do đó cung cấp những lý giải phong phú và thuyết phục hơn về hiện tượng phát triển kinh tế. Nó cho thấy bản chất và chừng mực tương tác giữa các cộng đồng và thể chế có ảnh hưởng quan trọng đến thành tựu kinh tế»[5]. Tính hữu ích của VXH không xóa bỏ tính mập mờ của khái niệm này mà buộc nhà kinh tế học phải hội nhập những yếu tố phi kinh tế vào lý luận kinh tế để phân tích hoạt động kinh tế. VXH được xem như một một «nguồn lực» có những lợi ích kinh tế như sau: “giúp giải quyết những bài toán tập thể… tiết kiệm phí giao dịch… ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng và tốc độ tích lũy của những loại vốn khác…(khuyến khích cá nhân) trau giồi khả năng hay kiến thức của mình thay vì tìm cách móc nối…(tạo nên) một xã hội ít tội phạm…(có) một tư pháp vững chắc….nâng cao mức đầu tư và những hoạt động kinh tế khác… (giúp xã hội) dễ hồi phục sau những cú sốc kinh tế»[6].

Vị trí của VXH trong những quan điểm lý thuyết

VXH chỉ là một khái niệm và nó chỉ có thể bộc lộ ý nghĩa và chức năng của nó khi được đặt trong bối cảnh lý thuyết của nhà nghiên cứu sử dụng nó. Có thể nói VXH là một công cụ đã được Coleman và Bourdieu sáng tạo để bổ sung, điều chỉnh lý thuyết của mình nhằm đáp ứng những sự phê phán mà các lý thuyết này đã gặp phải trong cộng đồng khoa học.

Trong ý đồ nới rộng và củng cố cơ sở và phạm vi của lý thuyết về sự lựa chọn duy lý mà Coleman đã theo đuổi và thực hiện qua quyển Foundations of Social Theory và tạp chí Rationality and Society để đề xuất những công thức toán học chứng minh cho tính duy lý của hành động xã hội, VXH chiếm một vị trí quan trọng. Điều này thể hiện rõ trong đoạn sau: «Việc sử dụng khái niệm VXH là một phần của chiến lược tổng quát mang tính lý thuyết được bàn trong bài này: lấy hành động duy lý như là điểm khởi đầu nhưng loại bỏ những tiền đề của chủ nghĩa cá nhân cực đoan thường đi kèm theo khái niệm này (hành động duy lý). Quan niệm về VXH như là một tài nguyên cho hành động là một phương cách để đưa cơ cấu xã hội vào hệ chuẩn (paradigme) về hành động xã hội»[7] Ý đồ này lại càng rõ hơn nữa khi Coleman định nghĩa VXH: «VXH được định nghĩa bởi chức năng của nó. VXH không phải là một thực thể đơn nhất mà là một bộ những thực thể khác nhau có hai đặc tính chung: tất cả đều là những khía cạnh nào đó của cơ cấu xã hội và làm cho một số hành động của những tác nhân – cá nhân hay tổ chức – trong cơ cấu này được dễ dàng hơn»[8] Như vậy chúng ta có thể thấy trong sơ đổ mà Coleman đã đưa ra,VXH là khái niệm được dùng để kết hợp hai cấp độ, vi mô/cá nhân và vĩ mô/tổng thể vì VXH là thuộc tính của cơ cấu xã hội được tác nhân sử dụng nhằm tăng hiệu quả hành động của mình. VXH là phi vật thể, không thể chia cắt, không thể chuyển nhượng và do đó VXH không phải là sở hữu của cá nhân mà là một tài nguyên công được các cá nhân sử dụng như là một tài nguyên để thực thi những quyền lợi của bản thân.

Thường thì ta hay hiểu quan điểm của Bourdieu về vốn bao gồm bốn thành tố (vốn xã hội, vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn biểu tượng) như là những điều gắn liền với một cá nhân và điều này được giải thích bởi cố gắng của Bourdieu để đưa cá nhân vào lý thuyết cấu trúc kiến tạo mà ông đã xây dựng. Sơ đồ sau cho thấy được điều này:

Cách hành xử = (Vốn x tập tính) + trường
Pratique = (Capital x habitus) + Champ

Ta hãy lấy một thí dụ để minh họa cho sơ đồ này. Một sinh viên mới tốt nghiệp có thể lựa chọn nhiều chiến lược khác nhau để tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động, được phân tích như một «trường» trong đó những người tham gia vào trường canh tranh với nhau để hướng tới cùng một mục tiêu là có được việc làm:1/ Sử dụng vốn văn hóa của bản thân, tức là bằng cấp mình có và được xã hội, những người tuyển dụng công nhận ở những mức độ khác nhau tùy vào loại trường mà mình đã tốt nghiệp; 2/ Sử dụng những mối quan hệ của mình (gia đình, thân thuộc, bạn bè – vốn xã hội) để được giới thiệu và chấp nhận vào một việc làm; 3/ Sử dụng tiền (vốn kinh tế) để «mua chức». Việc lựa chọn một trong những chiến lược trên hay khả năng kết hợp những chiến lược này còn tùy thuộc vào «tập tính» của cá nhân, tức là những định hướng để suy nghĩ và hành động mà cá nhân đó đã tiếp thu từ những mối quan hệ mà mình đã xây dựng trong quá trình hình thành của bản thân. Một người lớn lên trong một môi trường kinh doanh thì có thể có khuynh hướng lựa chọn phương án 3; một người trong một gia đình “mô phạm” thì có thể hướng đến phương án 1. Tuy nhiên nếu quan niệm rằng đối với Bourdieu VXH chỉ gắn liền với cá nhân mà thôi thì đây là một sự hiểu lầm lớn đối với lập luận của Bourdieu. Đối với Bourdieu, VXH cũng như các loại vốn khác (vốn văn hóa, vốn kinh tế, vốn biểu tượng) mà cá nhân sử dụng để hành động trong những «trường» khác nhau dựa trên những “tập tính” khác biệt – những khái niệm thể hiện ý đồ của Bourdieu để đưa cá nhân vào lý luận mà ông xây dựng – đều là kết quả của một hành trình trong không gian xã hội, nơi cá nhân chịu sự tác động của môi trường sống, của thành phần giai cấp [9] để tự định vị một cách có và vô ý thức và xây dựng những tài nguyên cần cho hành động.

Nhưng sự khác biệt giữa Bourdieu và một số lý thuyết gia khác (Coleman, Putnam, Fukuyama) về VXH không chỉ nằm ở cách định nghĩa khác nhau về VXH mà cơ bản xuất phát từ quan điểm lý thuyết khác biệt nếu không phải là đối lập với nhau. Có thể nói rằng trong khi Coleman, Putnam, Fukuyama đặt VXH trong khuôn khổ của lý thuyết về sự hội nhập (integration) và gắn liền VXH – thông qua những chiều kích, thành tố của VXH ( mạng lưới, chuẩn mực và những chế tài kèm theo, sự tin cậy lẫn nhau, khả năng làm việc chung với nhau, các tổ chức xã hội tự nguyện) – với những ý niệm như liên kết xã hội, đoàn kết hay cố kết xã hội thì Bourdieu nhắn mạnh trên sự xung đột và VXH (cũng như các loại vốn khác) được phân tích như là những công cụ để duy trì, củng cố một cơ cấu xã hội bất bình đẳng, một sự thống trị của một giai cấp trên các giai cấp khác. So sánh hai quan điểm này, chúng ta có thể thấy rằng: «Bourdieu và Putnam đã tiếp nối và phát triển những ý tưởng của hai truyền thống xã hội học đối lập với nhau và áp dụng những ý tưởng này vào những vấn đề hiện nay của xã hội dân sự. Công trình của Putnam đã duy trì nhiều ý tưởng của xã hội học về sự hội nhập. Khái niệm VXH và sự tin cậy lẫn nhau đều hướng tới những câu hỏi về những cơ chế củng cố sự kết hợp các giá trị của xã hội, và sự đoàn kết và sống chung; điều này tạo nên sự đồng thuận và hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của xã hội (sự cân bằng năng động). (Cũng như đã nêu trên) nếu sử dụng cách tiếp cận của Putnam thì khó mà xử lý được những xung đột hay những lợi ích đối lập với nhau. Về mặt lý thuyết, Bourdieu quan tâm chủ yếu đến sự phân tích các cuộc xung đột, đấu tranh xã hội chung quanh các món cược trong những trường khác nhau; những hình thức của quyền lực/bạo lực; và những hình thức của sự thống trị và sự tước đoạt. Sự tin cậy – theo nghĩa mà Putnam gắn cho nó – không có chỗ đứng trong lý thuyết của Bourdieu. Trong những lãnh vực mà hai cách tiếp cận gối lên nhau (thí dụ như sự trao đổi xã hội, sự công nhận/lòng tin cậy), những góc độ để nhận thức gần như đối lập với nhau».[10]

Những vấn đề xung quanh định nghĩa VXH

Hiện nay có một sự lạm phát các định nghĩa về VXH, với xu hướng áp đảo của các định nghĩa theo kiểu của Coleman, Putnam, Fukuyama. Sự lạm phát này đã không giúp làm rõ nội hàm của khái niệm VXH và thật sự không giải quyết một số vấn đề lý thuyết còn tồn đọng về VXH. Điều này là tất yếu vì tính đa nghĩa, đa chiều kích của khái niệm VXH. Tuy nhiên trong khoa học xã hội, không thiếu những khái niệm được định nghĩa theo nhiều kiểu cách khác nhau và được đặt trong những viễn tượng, những khung lý thuyết khác nhau, thí dụ như văn hóa, giai cấp, nhưng vẫn được sử dụng trong những nghiên cứu thực nghiệm và vẫn là nguồn cảm hứng, những nguyên lý lý giải cho nhiều công trình nghiên cứu. VXH là một trong những loại này.

Chúng ta có thể nhận diện về những vấn đề liên quan đến định nghĩa VXH qua những điểm sau đây:

  Sự trung tính của khái niệm VXH.

Coleman và Putnam, dưới ảnh hưởng của lý thuyết chức năng, đặt trọng tâm vào sự hội nhập và do đó không hay ít quan tâm đến những xung đột, những điều có thể làm cho sự hội nhập bị rối loạn hay cản trở. «Cho đến nay, phần lớn những tác giả như Coleman, Putnam, Fukuyama đều thiên về cách đinh nghĩa VXH theo hướng tích cực, và nhấn mạnh tới tính hiệu quả của nó trong việc thúc đẩy khả năng hợp tác và tham gia vào các hoạt động xã hội, cũng như trong quá trình phát triển kinh tế. Chính vì thế mà nhiều công trình điều tra dựa trên những định nghĩa này đã đi đến những nhận định theo khuynh hướng định lượng hóa (chẳng hạn như nhiều hay ít, mạnh hay yếu), và mặc nhiên giả định rằng VXH phải mang nội hàm tích cực. Nhưng theo chúng tôi, VXH có thể có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Nói cách khác, đây là một khái niệm trung tính»[11].

Hơn nữa, VXH gắn liền với cơ cấu xã hội. Do đó khi mà cơ cấu xã hội biến đổi thì điều này cũng tạo nên sự biến đổi của VXH. Như vậy chúng ta có thể nghĩ rằng VXH của một xã hội ở một thời điểm lịch sử có thể trở thành những trở ngại, lực cản ở một thời điểm lịch sử khác khi mà xã hội đã thay đổi và khi mà VXH cũ không còn thích ứng với những yêu cầu mới, với sự xuất hiện của những xung đột giũa cái cũ và cái mới, giữa cái «của nợ» và cái «vốn quý» theo cách diễn tả của Fukuyama. Đó chính là nội dung của cuộc tranh cãi về truyền thống và hiện đại trong các biểu văn về sự phát triển tại các nước kém phát triển và ở Việt Nam. Chỉ khi nào VXH được xem như là một khái niệm trung tính thì nó mới có thể trở thành một công cụ để phân tích một thực tại phức tạp. Những hình thái kết hợp và những định chế trong đó VXH (sự tin cậy, sự liên kết hay cố kết xã hội…) được xây dựng phải được phân tích trong bối cảnh xã hội văn hóa của một xã hội cụ thể vì chính điều này mới giúp cho nhà khoa học phân tích được sự tương ứng (hay không) của các thành tố của VXH với những yêu cầu của cơ cấu xã hội, phân tích những xung đột tất yếu xảy ra giữa những cách hành xử, những giá trị làm nền tảng cho (các loại) VXH [12].

  Quan hệ nhân quả vòng tròn

Sự khái niệm hóa VXH đã không xóa được tính cách mơ hồ của định nghĩa về VXH: theo Coleman thì đặc tính chung của các thành tố VXH là: «tất cả đều là những khía cạnh nào đó của cơ cấu xã hội và làm cho một số hành động của những tác nhân – cá nhân hay tổ chức – trong cơ cấu này được dễ dàng hơn». Các cách khác nhau để xây dựng hình thức lý thuyết thống trị cho khái niệm VXH đều dựa trên một số luận điểm như sau: VXH xuất phát từ cơ cấu xã hội và chỉ có thể được ghi nhận thông qua những kết quả mà các tác nhân tạo nên khi sử dụng nó, và chính những kết quả này chứng minh chức năng của nó. Quan niệm VXH như vậy cũng không giúp chúng ta biết được nội hàm của VXH. Trong lý luận hiện thường được vận dụng, VXH và những thành tố của nó khác nhau tùy nơi nhà khoa học, có một khả năng lý giải gần như vô tận để giải thích vô số hiện tượng. Và lý luận này chủ yếu dựa trên một quan hệ nhân quả vòng tròn: phạm pháp có tăng, tham nhũng có lan tràn, thành tựu kinh tế có thấp, dân chủ không được phát huy, thì nguyên nhân chính đều là sự suy giảm hay thiếu hụt của VXH, và ngược lại. Nhưng sự suy giảm hay thiếu hụt VXH cũng có thể được xem như là kết quả của các hiện tượng nêu trên: sự tăng trưởng của phạm pháp, sự lan tràn của tham nhũng, thành tựu kinh tế yếu kém, sự yếu kém của những cơ chế dân chủ cũng có thể được quan niệm như là những nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút của VXH. Quan hệ nhân quả vòng tròn khiến cho chúng tôi nhớ đến một định lý cơ bản trong lý luận xã hội học đã được Durkheim nêu lên thật rỏ ràng: cần phải phân biệt rành mạch nguyên nhân với chức năng, và không thể lấy chức năng để lý giải, biện minh cho sự thành hình của một cơ cấu, một định chế, rồi xem nó như là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của hiện tượng đó hay định chế đó. Khi Coleman xác định rằng VXH được định nghĩa bởi chức năng của nó thì điều mà Durkheim đã cảnh báo không thể tránh được và dẫn đến quan hệ nhân quả vòng tròn. Quan hệ nhân quả vòng tròn còn được ghi nhận một cách rõ ràng hơn nữa trong các nghiên cứu thực nghiệm. Trong bản báo cáo của OCDE về «Sự sung túc của các quốc gia – vai trò của vốn con người và vốn xã hội» (2001), có đoạn viết: «Ta có thể xem sự tin cậy vừa là một nguồn gốc của VXH và vừa là kết quả của loại vốn này, và như một giá trị thay thế rất gần với các chuẩn mực, niềm tin và giá trị làm nền tảng cho sự hợp tác xã hội» Nói một cách khác, sự tin cậy tạo nên, là và xuất phát từ VXH.

Tương quan giữa lý thuyết và thực tiễn: đánh giá các nghiên cứu thực nghiệm

Sức thu hút của VXH là rất lớn và VXH được sử dụng như là một nguyên lý lý giải cho rất nhiều tình huống khác nhau ở khắp mọi nơi trong nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm. Đa số các công trình này đều dựa trên quan niệm của Putnam, nghĩa là trên lý thuyết về sự hội nhập. Đã có rất nhiều công trình nghiện cứu thực nghiệm được thực hiện dưới chiêu bài của VXH, đặc biệt bởi các tổ chức quốc tế (OCDE, World Bank). Điều này đã chuyển mối quan tâm về VXH từ lãnh vực lý thuyết sang lãnh vực thao tác hóa các chiều kích, các thành tố, các cơ chế của VXH với một ý hướng rõ ràng là lượng hóa các yếu tố này để tạo cơ sở cho những so sánh giữa các nước, các cộng đồng khác nhau. Những công trình này được thực hiện theo ba hướng chủ yếu: quan hệ giữa VXH và phát triển, giữa VXH và đạo đức xã hội, giữa VXH và dân chủ, hay một sự tổng hợp của cả ba xu hướng này.

Phải chăng những kết quả của các nghiên cứu thực nghiệm giúp cho chúng ta có được một nhận thức rõ ràng về VXH và những hệ quả của nó. Sự phân tích một số nghiên cứu thực nghiệm[13] cho thấy những kết quả không nhất thiết thuận chiều với lý luận theo đó có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa VXH và dân chủ hay thành tựu kinh tế chẳng hạn, tức là không phải xã hội nào có một khối lượng VXH cao thì sẽ có những thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa cao. Sự so sánh và phê phán các nghiên cứu thực nghiệm giúp chúng ta nhận thức những vấn đề sau đây:

  Khi chưa có một định nghĩa rỏ ràng về VXH, thì nhà nghiên cứu buộc phải lựa chọn một định nghĩa và từ đó thiết kế những tiêu chí sẽ được đưa vào nghiên cứu và lựa chọn các phương pháp, các kỹ thuật, thậm chí các câu hỏi cụ thể sẽ được sử dụng trong nghiên cứu. Như vậy nếu, mỗi khi mà nhà nghiên cứu sử dụng khái niệm VXH và luôn phải (tái) định nghĩa nó dựa trên câu hỏi nghiên cứu và cách tiếp cận, thì VXH không thể được xem như là một khái niệm đa chiều mà chỉ là một hỗn hợp các khái niệm khác nhau.

  Một tiêu chí được các nhà nghiên cứu diễn giải theo những cách khác nhau: thí dụ như tôn giáo có thể chỉ những chuẩn mực chung (theo cách tiếp cận văn hóa) hay một cơ cấu đặc thù của các mối quan hệ (theo cách tiếp cận cơ cấu chức năng).

  Một thành tố của VXH có thể gắn liền với những kết quả khác nhau tùy vào cấp độ mà nó được áp dụng: thí dụ tôn giáo hay các mối liên hệ gia đình/gia tộc chặt chẽ có thể là nền tảng vững chắc cho sự cố kết xã hội ở cấp vi mô hay trung mô (cộng đồng gia tộc, dân cư như làng xã hay khu phố) nhưng cũng có thể là một cản trở cho sự cố kết xã hội ở cấp độ vĩ mô của toàn thể xã hội; những chuẩn mực mạnh có thể giúp tiết kiệm phi giao dịch trong một nhóm (trường hợp của các nhà kinh doanh về kim cương ở New York đã được Coleman dẫn chứng cho tính tích cực cua VXH) nhưng lợi ích này cũng bị giới hạn hay bị xóa bỏ ở cấp độ của tổng thể xã hội vì chính những chuẩn mực mạnh nay tạo nên một rào cản để gia nhập nhóm.

Như vậy chúng ta cũng không ngạc nhiên lắm khi các nghiên cứu thực nghiệm dẫn đến những kết quả khác nhau, đôi khi mâu thuẫn với nhau. Sự tham gia các hội đoàn tự nguyện mà Putnam coi như là một thành tố quan trọng của VXH không phải là lúc nào cũng có những hệ quả tích cực trên những thành tựu về mọi mặt trong mọi xã hội. Chúng ta cũng có thể quy những sự khác biệt giữa các nghiên cứu thực nghiệm cho những khó khăn kỹ thuật: kích thước giới hạn của các mẫu, dữ liệu sai lầm hay thiếu sót, cách sử dụng một cách gò ép các dữ liệu sẳn có để bù vào thiếu sót. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể suy luận rằng: «Rất phức tạp và khó đo lường VXH. Không phải là vì các dữ liệu quá nghèo nàn mà vì chúng ta cũng không biết rõ chúng ta đo lường cái gì.»[14]

Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết là trong những công trình thực nghiệm, VXH được nghiên cứu một cách biệt lập như là một khái niệm độc lập được tách khỏi cơ cấu xã hội mà nó là một thành tố như Coleman có nêu lên trong định nghĩa VXH: “VXH bao gồm một vài khía cạnh của cơ cấu xã hội…”. Và khi so sánh VXH và các loại vốn khác, Coleman viết: «Khác với các loại vốn khác, VXH gắn chặt với cơ cấu các mối quan hệ giữa những con người với nhau». Tuy nhiên sự tác động của các yếu tố khác của cơ cấu xã hội trên VXH không được quan niệm và ghi nhận trong các nghiên cứu thực nghiệm: sự bất bình đẳng, quan hệ quyền lực đều bị gạt bỏ trong các nghiên cứu thực nghiệm. Và lý do chính có thể được tìm thấy trong chức năng mà VXH đã được giao phó trong lý thuyết thống trị về VXH. VXH là tất cả những gì làm cho mối quan hệ giữa những con người được dễ dãi hơn và mang tính hiệu quả hơn. Chức năng tích cực này của VXH làm cho VXH trở thành đáp án cho đủ thứ vấn đề rất khác nhau trong xã hội và mọi lãnh vực hoạt động của con người.

Điều này có thể nhận thấy được trong cuộc tranh luận về VXH ở Việt Nam tuy rằng ở Việt Nam chưa thật sự có một nghiên cứu thực nghiệm nào về VXH. Điểm lại các bài viết về VXH ở Việt Nam, chúng ta ghi nhận được hai điểm chính: một là sự cảnh giác về tính mơ hồ, tính đa nghĩa và đa chiều kích của khái niệm VXH và hệ quả của nó là những giới hạn của quan niệm thống trị hiện nay về VXH. Hai nữa là, bất chấp sự cảnh báo nêu trên, xu hướng chính đương thời là xem VXH như là yếu tố chính để lý giải, chẩn đoán và bốc thuốc cho những căn bệnh hiện nay của xã hội Việt Nam, và của nhiều xã hội khác. Thêm nữa chúng ta có thể tự đặt một câu hỏi: phải chăng huy động khái niệm VXH để giải thích những vấn đề của Việt Nam có nguy cơ dẫn đến khả năng che lấp những nguyên nhân chính của các vấn đề này nằm trong văn hóa, lịch sử, cơ cấu, định chế của Việt Nam được đặt trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài, trong sự hội nhập và tiến trình toàn cầu hóa. Một cách khác để đặt vấn đề chính là trả lời cho câu hỏi sau đây. Ta có thể nghĩ rằng một trong những nguyên nhân chính của thắng lợi của nhân dân Việt Nam chính là sức mạnh của VXH ở con người và ở dân tộc Việt Nam. Nhưng ngay sau đó ta cũng có thể nghĩ thêm rằng những vấn đề hiện nay của xã hội Việt Nam bắt nguồn từ sự giảm sút của VXH ở Việt Nam. Vậy thì VXH là gì và những điều gì đã gây nên sự giảm sút này chỉ trong một thời gian rất ngắn? Qua câu hỏi này thì rỏ ràng là VXH gắn liền với ý tưởng xã hội dân sự, một ý tưởng không kém phần mơ hồ so với VXH.

Những nhận định trên giúp cho chúng ta nhận thức được về tính phức tạp của ý tưởng VXH. Bài này chỉ muốn nêu lên những vấn đề mà các cách tiếp cận khác nhau để xây dựng ý niệm VXH (vì hiện nay VXH chưa có thể được xem như là một lý thuyết hay một khái niệm), các ý hướng ứng dụng nó trong nghiên cứu thực nghiệm, một lãnh vực còn rất phôi thai ở Việt Nam, đặt ra. Suy cho cùng vấn đề được đặt ra là tính hữu ích, tính hiệu lực của ý niệm VXH trong học thuật và thực tiễn. Đây còn là một vấn đề mở. Chúng tôi chỉ hy vọng là những suy nghĩ đã được trình bày ở trên sẽ đóng góp vào cuộc tranh luận về VXH chắc chắn sẽ tiếp diễn vì VXH gắn liền với cuộc sống hàng ngày của ngưới dân, và sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ dấn thân một cách nghiêm túc vào nghiên cứu thực nghiệm về VXH.

Tài liệu tham khảo
TRẦN Hữu Quang
, Tìm hiểu về khái niệm vốn xã hội, Tạp Chí Khoa Học Xã Hội, số 7 (95), 2006, trang 74-81
LÊ Minh Tiến
, Vốn xã hội và đo lường xã hội, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 3-2007, pp. 72-77
Sophie PONTIEUX
, Le concept de capital social, analyse critique, Contribution au 10ème Colloque de l’ACN, Paris 21-23 janvier 2004
Martti SIISIAINEN
, Two Concepts of Social Capital: Bourdieu vs. Putnam , ISTR Fourth International Conference “The Third Sector: for what and for whom?” Trinity College, Dublin, Ireland, July 5-8,2000
TRẦN Hữu Dũng
, Vốn xã hội và phát triển kinh tế, Tạp chí Tia Sáng, số 13, tháng 7 – 2006 , trang 32-33
James COLEMAN
, Social capital in the creation of human capital, American Journal of Sociology, Vol. 94, 1988
Francis FUKUYAMA
, Social capital and civil society, IMF Working paper WP/2000/74
Pierre BOURDIEU
, Question de sociologie, Paris, Ed. de Minuit, 1984
Pierre BOURDIEU
, Le capital social. Actes de la Recherche en Sciences Sociales 31 (1980),
Dasgupta
P. (2001) Social capital and economic performance, in E. Ostrom &T-K Ahn (Eds) Social capital: a reader
Robert PUTNAM
, Bowling alone: America’s declining social capital. Journal of Democracy Vol. 6 (1995), 64-78
Émile DURKHEIM
, De la division du travail social (1893), Paris, PUF, 1973


[1] Trần Kiêm Đoàn viết: « Sẽ không bao giờ muộn màng, cũng như chẳng bao giờ quá sớm để gây VXH, vì VXH là xương sống của đời sống kinh tế và nhân văn cho đất nước hôm nay và cho thế hệ đàn em mai sau ». www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/vonxahoi.html

[2] Tocqueville Alexis de, De la démocratie en Amérique (1835) 2 tập, Paris, Gallimard, 1961, trg 159-160. «Il n’y a rien, suivant moi, qui mérite plus d’attirer nos regards que les associations intellectuelles et morales de l’Amérique (…) Dans les pays démocratiques, la science de l’association est la science mère ; le progrès de toutes les autres dépend des progrès de celle-là. Parmi les lois qui régissent les sociétés humaines, il y en a une plus précise et plus claire que toutes les autres. Pour que les hommes restent civilisés ou le deviennent, il faut que parmi eux l’art de s’associer se développe et se perfectionne dans le même rapport que l’égalité des conditions s’accroit»

[3] Jobert B. (2002), Une troisième voie très britannique, Revue Française de Sociologie 43(2), trg 407-422

[4] Lê Minh Tiến, Vốn xã hội và đo lường xã hội, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 3-2007, pp. 72-77

[5] Trần Hữu Dũng, Vốn xã hội và phát triển kinh tế, Tạp chí Tia Sáng, số 13, tháng 7 – 2006 , trang 32-33

[6] Trần Hữu Dũng, Bài đã dẫn

[7] Coleman James, Social capital in the creation of human capital, American Journal of Sociology, Vol. 94, 1988, trg S 95: “Use of the concept of social capital is a part of a general theoretical strategy discussed in the paper: taking rational action as a starting point but rejecting the extreme individualism premises that often accompany it. The conception of social capital as a resource for action is one way of introducing social structure into the rational action paradigm

[8] Coleman James, bài đã dẫn, trg S 98: “Social capital is defined by its function. It is not a single entity, but a variety of differents entities having two characteristics in common: They all consist of some aspect of social structure, and they facilitate certains actions of individuals who are in the structure

[9] Bourdieu sử dụng từ «agent» (mà chúng tôi tạm dịch là cá nhân hay tác nhân) để chỉ rằng con người không phải là một thực thể hoàn toàn tự chủ nhưng vẫn có quyền chủ động tương đối trong không gian, cơ cấu xã hội thông qua cách hành xử của mình

[10] Martti SiiSiainen, Two Concepts of Social Capital: Bourdieu vs. Putnam , ISTR Fourth International Conference «The Third Sector: for what and for whom?” Trinity College, Dublin, Ireland, July 5-8,2000, trang 22: “Thus Bourdieu and Putnam can be seen to carry on, and developed further, the ideas of two opposing sociological traditions and apply these ideas to current problems of civil society. Putnam’works preserves many of the ideas of the sociology of integration. His concepts of social capital and trust are directed to questions about mechanisms that strengthen the integration of the values of society, and solidarity and togetherness; and that create consensus and sustain the stable development of society (moving equilibrium). As already noted, it is difficult to deal with conflicts or opposing onterests using Putnam’ approach. Bourdieu’main theoretical interests are in the examination of social conflicts or struggles about the stakes in different fields; forms of power/vilence; and forms of domination. Trust – in the Putnamian sense of the word – has no place in Bourdieu’theorization. In those areas where the two approaches overlap (e.g. social exchange, recognition/trust), the visual angles adopted are almost oppositional

[11] Trần Hữu Quang , Tìm hiểu khái niệm vốn xã hội, Tạp chí Khoa Học Xã Hội, số 07 (96), 2006, trang 74 -81

[12] Trần Hữu Quang, bài đã dẫn, viết rõ: “nói đến VXH hay nói đến sự tin cậy mà không đặt chúng vào trong bối cảnh văn hóa xã hội và bối cảnh các định chế xã hội trong đó hình thành nên VXH và sự tin cậy, thì không thể hiểu được thực sự nội hàm của những khái niệm này, vì đã không hình dung đầy đủ những kích thước văn hóa và kích thước định chế của chúng

[13] Sophie Pontieux, Le concept de capital social, analyse critique, Contribution au 10ème Colloque de l’ACN, Paris 21-23 janvier 2004

[14] Dasgupta P. (2001) Social capital and economic performance, in E. Ostrom &T-K Ahn (Eds) Social capital: a reader.“It (social capital) is fiendishly diificult to measure. This is not because of a recognised paucity of data, but because we don’t quite know what we should be measuring

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)