«Thủ Tướng Sáu Dân»: Tài khoản tình nghĩa, trương mục lòng tin và tư duy cùng thắng

Hồi mười mấy năm trước, lúc Việt Nam mới «mở cửa», mấy người bạn Âu Mỹ cho tôi xem một tạp chí xuất bản trong nước với hình bìa Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang đánh quần vợt. Họ cười: «Chịu đất nước mày! Không phải dông dài thuyết minh về «đổi mới», chỉ cần nhìn lãnh đạo quốc gia với tư thế ấy là chúng tao ấn tượng ngay và sẳn sàng trải nghiệm chính sách mới của Việt Nam!».

Sau này, có nhiều dịp trao đổi với doanh nhân và trí thức trong nước, nhất là những người có chí hướng và tầm nhìn lâu dài, tôi «tổng kết» – theo thói quen của nghề nghiên cứu và đào tạo – những từ vẫn được thường được dùng như một mẫu hình chung để nói về «Chú Sáu Dân» là «tình nghĩa, ngay thẳng, lòng tin, hiệp lực, cùng thắng».

Những chuyện trên vẫn làm tôi nghĩ đến mấy khái niệm phổ biến trong khoa học quản trị về nghệ thuật lãnh đạo, ấy là «tài khoản tình nghĩa», «trương mục lòng tin» và «tư duy cùng thắng» thường được nhìn nhận như những tiền đề cần thiết để phát triển năng lực của mỗi một tác nhân cấu thành tổ chức, cộng đồng.

Nhân giỗ đầu của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xin được đôi dòng về đề tài trên, như nén nhang nghiêng mình kính viếng.

*

*   *

Không quan hệ nào có thể được kết nối dài lâu trên cơ sở của sự vô cảm và vô tâm! Mọi quan hệ chỉ được củng cố và phát triển từ sự quan tâm và tin tưởng dành cho nhau. Nhìn từ khía cạnh tâm lý trong ngành động lực học tổ chức, thiết lập mối quan hệ với đối tác là khởi nguyên mở ra một «tài khoản tình nghĩa» với độ tích lũy cần thiết ngày càng cao để chuyển hóa thành «trương mục lòng tin», tạo điều kiện cho mối quan hệ ấy trở thành bền vững.

Nói một cách hình tượng và chính xác hơn, trong mọi quan hệ đều có ba mức độ của «tài khoản tình nghĩa»: âm, bằng không và dương. Ở mức âm, các đối tác bị chi phối bởi sự nghi kị, dè chừng. Mỗi bên luôn luôn phải thận trọng, cảnh giác, dò xét lẫn nhau. Do vậy, đối tác thường hóa thành đối thủ và quan hệ giữa hai bên dễ biến ra sự đối đầu. Mức bằng không là dạng trao đổi «tiền trao cháo múc», lấy ích lợi «ngang giá» giữa hai bên làm thước đo, hoàn toàn mang tính thực dụng và thực tiễn, còn lợi thì có qua có lại, hết lợi thì đường ai nấy đi. Đấy là loại quan hệ thông thường của những tập hợp và giao dịch thời vụ, thoạt nhìn thì thù tạc náo nhiệt nhưng thực chất chỉ là cấu kết «đồng sàng dị mộng». Mức dương của «tài khoản tình nghĩa», ngược lại, có tác dụng hết sức tích cực trong việc phát triển quan hệ, nhưng lại rất «khó quản lý»!

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi về Alexandre de Rhodes với nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng

Lý do là mức dương của «tài khoản tình nghĩa» cần phải được thường xuyên bổ sung bởi sáu «khoản ký gửi» tương tác mật thiết với nhau. Đầu tiên là khả năng thấu hiểu hoàn cảnh cũng như tình cảnh của đối tác, nghĩa là biết thật sự lắng nghe trước khi nhận định và phán xét về cách hành xử, các đòi hỏi và mục đích của họ (cần thấy rõ sự khác biệt ở đây giữa «thật sự lắng nghe để thấu hiểu» và «thông cảm»: lắng nghe để thấu hiểu không nhất thiết là cuối cùng phải đồng ý với đối tác mà chính là để mỗi bên hiểu sâu hơn về động lực thúc đẩy hành động của nhau. Thông cảm trái lại là một thái độ chấp nhận những thỉnh cầu của phía bên kia, và thái độ ấy lại có phần «trịch thượng, bề trên», kể cả « lạm dụng quyền thế ». Vì vậy mà trong ngôn ngữ giao tiếp mới có câu cửa miệng là « xin ông/bà/cô/cậu/anh/chị thông cảm cho…» !).  Tiếp liền là nhận chân ý nghĩa và bản chất của những sự kiện vượt lên trên cách thể hiện của nó: có nhiều việc «rôm rả, đao to búa lớn» nhưng chỉ là điều phô trương, trình diễn; trái lại, có lắm sự vụ nhỏ, nhưng lại thâm trầm vì đó là tiếng nói của nhân sinh đời thường. Biết phân biệt thực chất và tầm quan trọng của những tác động khác nhau của các vụ việc và nhất là quan tâm đến diễn ngôn của đời sống thật (chứ không chỉ phải là văn từ của báo cáo) là minh chứng và đồng thời đào sâu về khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Kế đến là sự cần thiết về việc đảm bảo các cam kết: đã hứa hẹn thì phải cố giữ lời, đừng đưa đẩy cho vui lòng đối tác vì hậu quả của việc không thực hiện lời hứa trầm trọng hơn rất nhiều so với việc không hứa hẹn. Từ đấy, nội dung của «khoản ký gửi» thứ tư hình thành: cần thiết phải làm rõ các kỳ vọng của nhau, nghĩa là không để cho mỗi bên sống với những ảo tưởng mà không có bên nào có khả năng hiện thực hóa. Tiếp đấy là phải biết quý trọng sự chính trực, nghĩa là không chỉ không cải biên sự thật cho phù hợp với những điều đã nói mà còn phải luôn cố gắng trung thành với những nguyên tắc cơ bản mà chính bản thân đã tôn vinh. Cuối cùng, nhất quán với năm «khoản ký gửi» trên là biết nhận trách nhiệm của mình khi một sai phạm diễn ra, dù đấy không phải là lỗi của chính mình mà là của hệ thống và tổ chức nhưng hệ thống và tổ chức ấy lại do mình góp phần tạo dựng và nhất là cáng đáng một vai trò trong phần lãnh đạo!

Cũng cần lưu ý về một hệ luận tiêu cực có thể đến từ việc «tích lũy dương» của sáu «khoản ký gửi» trên: đó là khuynh hướng «thấu chi tài khoản tình nghĩa» mà mình đinh ninh là đã có đối với đối tác. Nói cách khác, nếu «tài khoản tình nghĩa» không được bổ sung thường xuyên mà trái lại còn có hiện tượng «thâm lạm vào vốn» – nghĩa là lợi dụng tình nghĩa tốt đẹp của đối tác đã dành cho mình – thì không những «tài khoản tình nghĩa» trở thành âm một cách nhanh chóng mà «trương mục lòng tin» dứt khoát sẽ bị triệt tiêu toàn bộ, khó có cơ may được vãn hồi.

Vài tháng trước khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất, trong một buổi chuyện trò thân mật và hạn hẹp với vài người trong nhóm nghiên cứu nhỏ vừa được thành lập ở TP. Hồ Chí Minh (và tự giải tán sau đó không lâu), tôi đề cập mô hình «tài khoản tình nghĩa». Một doanh nhân trẻ, rất thành đạt, đã có nhiều lần trao đổi với Thủ tướng, nhận xét: «Hình như tên hiệu của chú Sáu Dân rất phù hợp: không nhiều thì ít, chú ấy có cả «sáu khoản ký gửi » trên, chí ít là trong quan hệ với các thành phần như tôi». Một Việt kiều, giảng dạy đại học, lại nói: «Cũng bởi vì thế mà giới trí thức vừa trọng vừa tin Thủ tướng Sáu Dân». Trầm ngâm và nhỏ nhẹ, một trí thức khác tiếp lời: «Và dường như cũng vì vậy mà lòng tin vào khả năng đổi mới của thể chế không chỉ được củng cố mà còn tăng cường»!

Phần tôi, cũng đã «ngộ» ra một điều: tình nghĩa và lòng tin không phải là những khái niệm trừu tượng hay những «giá trị vô hình siêu vật chất» mà trái lại là cần phải được xây dựng trên nền tảng của những sự việc hết sức cụ thể: nói về tình nghĩa và lòng tin bằng những thuật ngữ chuyên ngành quản trị là «tài khoản, trương mục, ký gửi, tích lũy, thấu chi…» thoạt nghe có vẻ «chối tai» nhưng đã lột tả được thực chất của những mối quan hệ khác nhau (ngay trong quan hệ hôn nhân, nếu cả vợ lẫn chồng đều không có những «đầu tư» vào việc xây dựng sự nghiệp của nhau lẫn cơ nghiệp chung của gia đình thì mối quan hệ ấy khó mà bền vững vì thiếu «chia xẻ» với nhau các «giá trị cơ bản» về cuộc sống!).

Nói cho gọn, nếu ba «khoản ký gửi » đầu tiên vào «tài khoản tình nghĩa » có khả năng phát triển mối quan hệ cá nhân giữa các bên đối tác thì những «khoản ký gửi» từ thứ tư đến thứ sáu lại còn có thêm khả năng mở ra «trương mục lòng tin» không chỉ giữa các đối tác với nhau mà còn giữa các hệ thống, tổ chức, thành phần mà các đối tác ấy là một tác nhân cấu thành: mỗi cá nhân, dù muốn dù không, đều ít hay nhiều mang tính chất tiêu biểu cho thành phần, tổ chức và hệ thống mà cá nhân ấy xuất thân, do vậy, phong cách sống và ứng xử của một cá nhân vô hình trung tác động đến lòng tin của đối tác đối với toàn bộ tập hợp bao quanh cá nhân ấy!

Và «trương mục lòng tin» lại còn được khuếch trương nếu sự tin cậy của mỗi bên đối với bên kia được phát triển trên «tư duy cùng thắng», nghĩa là vượt lên trên tính cách thỏa hiệp của sự hợp tác – mà ở đấy mỗi bên đều nhượng bộ bên kia, nghĩa là cả hai bên đều phải chấp nhận một sự thiệt thòi nhất định – để tiến đến một sự đồng tâm hiệp lực mà ở đấy mỗi bên đều phải mở ra những khả năng mới cho chính mình để mang đến cho tổng thể một hiệu năng vượt trội mà riêng lẻ không có bên nào có khả năng đạt đươc!

Tóm lại, «tư duy cùng thắng» là triển khai «tài khoản tình nghĩa » và «trương mục lòng tin» theo định hướng tích hợp, nghĩa là hướng về một giải pháp không phải được đưa ra từ ý chí và mong muốn của riêng bên nào, mà là từ một chí hướng và khát vọng chung đến từ mỗi bên và cuối cùng là có lợi cho tất cả.

Nói cách khác, tình nghĩa, lòng tin và tư duy cùng thắng, hiển lộ trong «phong cách Sáu Dân », đã góp phần rất lớn cho chiều hướng đồng tâm hiệp lực giữa những thành phần tinh túy của dân tộc. Và đồng tâm hiệp lực theo «kiểu Sáu Dân» là một hợp tác sáng tạo mà ở đấy tính đặc thù và sự khác biệt của mỗi một thành phần được đề cao và trân trọng nhìn nhận, nhằm phát huy thế mạnh và bổ sung các điểm yếu và thiếu sót của nhau! Trong chiều hướng ấy, «Thủ tướng Sáu Dân» đã giúp cho mỗi một thành phần của Con Người Việt Nam nhận thức rõ thêm về Cội nguồn và Đôi cánh của chính bản thân mình!   

 Tháng 5 năm 2009.

————

* Giáo Sư Đại Học, United Business Institutes (Bỉ); Nyenrode Business University (Hà Lan), Giám đốc Think & Teach Ltd (Anh), Giám đốc Điều hành dự án Management Consulting Institute-Vietnam.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)