Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KHCN
Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, gần đây Bộ KH&CN đề nghị xem xét nâng tỷ lệ trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp lên mức 30-40%, thậm chí đề nghị cân nhắc xây dựng chế tài để bắt buộc các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp Nhà nước) phải thực hiện việc lập quỹ.
Bên cạnh đó, khi được cung cấp thông tin về chính sách ưu đãi này, bản thân các doanh nghiệp cũng tỏ ra không thật mặn mà, cho rằng việc giải trình và thuyết phục các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thuế, về các nguồn chi đầu tư cho KHCN, sẽ đòi hỏi một quy trình thủ tục khó khăn, không đơn giản.
Những thực tế trên đây cho thấy rằng với năng lực thẩm định, giám sát của Nhà nước còn hạn chế như hiện nay, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới cho công nghệ nên căn cứ trên sản phẩm đầu ra, thay vì giám sát đầu vào. Cụ thể là nên chú trọng ưu đãi cho các doanh nghiệp mua các kết quả nghiên cứu đã được cấp bằng phát minh và sáng chế, hoặc các kết quả nghiên cứu đã đem lại cải tiến về năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp được chứng minh rõ ràng qua thực tế sản xuất, kinh doanh. Với những trường hợp như vậy, quy trình thủ tục ưu đãi cho các doanh nghiệp cần thật giản lược để không trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần thấy rằng những đối tượng trong phạm vi áp dụng của chính sách trên đây đều là những doanh nghiệp đang có lợi nhuận. Ở một nền kinh tế đang phát triển với văn hóa kinh doanh chưa cao, nền KHCN còn lạc hậu, thì việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh đang hiện hữu và đang giúp họ ‘ăn nên làm ra’ là điều không dễ dàng. Vì vậy, để các doanh nghiệp không thờ ơ đối với việc lập quỹ phát triển KHCN thì điều quan trọng nhất là thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ mang tính tự thân của họ. Muốn vậy, thì các nhà quản lý phải làm tốt hai việc: một là thúc đẩy sự cạnh tranh dựa trên chất lượng; hai là có sự giám sát chặt chẽ đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh, thân thiện môi trường. Khi Nhà nước làm tốt hai việc này thì việc tăng chi cho đổi mới công nghệ cũng như lập quỹ KHCN trở thành chiến lược tất yếu của doanh nghiệp để tồn tại.
TIA SÁNG