Thuyết Sức mạnh biển
Cuốn Sức mạnh biển của Alfred Thayer Mahan xuất bản năm 1890 đến nay vẫn được xếp vào số 10 binh thư có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.
Mahan cho rằng các quốc gia sống bằng xuất khẩu hàng hoá thì phải kiểm soát biển, phải giành lấy và giữ được quyền kiểm soát biển, nhất là kiểm soát các tuyến giao thông biển huyết mạch liên quan tới lợi ích và ngoại thương của quốc gia mình – sức mạnh biển là nhân tố chính làm cho đất nước giàu mạnh. Muốn thế, phải có lực lượng hải quân và đội thương thuyền mạnh cùng một mạng lưới các căn cứ địa trên biển.
Theo Mahan, các yếu tố sức mạnh biển mà một quốc gia cần phải có gồm: 1- Vị trí địa lý thuận lợi qua biển đi ra thế giới; 2- Địa hình thuận lợi như có nhiều cảng và con sông chảy qua vùng đất màu mỡ thông ra biển; 3- Lãnh thổ có dân sống thì phân bố dọc theo bờ biển; 3- Phải có số dân tương đối đông để có thể cung cấp đủ thuỷ thủ và lao động đóng tàu; 4- Toàn dân phải có khát vọng và nhu cầu về thương mại trên biển; 5- Chính phủ phải có quyết tâm phát triển sức mạnh biển của nước mình.
Mahan đưa ra các điều kiện cơ bản để trở thành thành quốc gia kiểm soát biển: 1- Phải có hải quân, căn cứ hải quân và các tuyến giao thông trên biển không bị nước khác kiểm soát; 2- Phải có đội tàu buôn mạnh cùng các hải cảng và tuyến hàng hải, phải có buôn bán với nước ngoài. Sức mạnh biển phải thể hiện ở chỗ kiểm soát được và lợi dụng được biển; công cụ chính để khai thác biển là đội tàu buôn và hải quân, phải có lực lượng vũ trang để bảo vệ đội tàu buôn và tuyến hàng hải. Trong thời chiến, đội tàu buôn có thể chi viện hải quân tác chiến, chở vật tư, vũ khí, chở thương binh.
Sau khi phân tích từ góc độ chiến lược ảnh hưởng của các nhân tố sức mạnh biển, Mahan đề xuất chiến lược hải quân là xây dựng và tăng cường sức mạnh trên biển trong thời bình và thời chiến nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của quốc gia. Ông cho rằng phương pháp giành quyền kiểm soát biển là tác chiến trên biển và phong toả trên biển. Ông nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản tác chiến trên biển là tập trung binh lực và chủ trương nước Mỹ nên thành lập hạm đội biển xa, trước tiên để kiểm soát biển Ca-ri-bê và eo biển Trung Mỹ, sau đó tiến ra các đại dương, và chủ trương hợp tác với các cường quốc khác.
Mahan nêu công thức: Sức mạnh hải quân = Lực lượng + Vị trí.
Hiển nhiên, lực lượng tàu chiến và vũ khí dù mạnh mà không có vị trí thuận lợi thì khó phát huy được tác dụng trong tác chiến trên biển. Để có các vị trí thuận lợi, nước Mỹ đã chiếm một số đảo dù rất nhỏ và rất xa trên đại dương để làm căn cứ địa hải quân, trong khi nhiều nước thực dân khác như Anh, Tây Ban Nha chỉ lo chiếm đất thật rộng. Thực tế sau này chứng tỏ suy tính của người Mỹ rất sáng suốt; nếu không có chuỗi các đảo nhỏ dùng làm căn cứ hải quân ấy, chẳng hạn đảo Guam, Midway, thì sao Mỹ có thể thắng được phát xít Nhật trong chiến tranh Thái Bình Dương. Giờ đây, khi tuyên bố “trở về châu Á”, Mỹ cũng chỉ yêu câu tôn trọng quyền tự do đi lại trên các vùng biển thuộc Thái Binh Dương mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh.
Có thể thấy học thuyết Mahan là một trường phái của địa chính trị học, nhưng Mahan nhấn mạnh vai trò của biển chứ không nhấn mạnh vai trò đất liền như thuyết của Mackinder.
Tư tưởng sức mạnh biển của Mahan nhanh chóng được Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt chấp nhận dùng làm căn cứ xây dựng chính sách ngoại giao. Từ năm 1890, chính phủ Mỹ từ bỏ tư duy đất liền, chuyển hẳn sang tư duy biển. Ngoài việc ra sức xây dựng hải quân, Mỹ còn nắm lấy việc đào và kiểm soát kênh Panama, lập căn cứ hải quân ở vùng biển Ca-ri-bê, đảo Hawaii. Năm 1890, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Hải quân. Cuối thế kỷ XIX, sức mạnh hải quân Mỹ từ thứ 12 nhảy lên thứ 3 thế giới; sau Thế chiến I thì mạnh nhất thế giới; sau Thế chiến II Mỹ hoàn toàn kiểm soát Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ từ năm 1798 lập riêng một Bộ Hải quân bên cạnh Bộ Lục quân (lập 1789); sau Thế chiến II kết thúc mới lập Bộ Quốc phòng (1947) thay cho hai bộ kia. Nhờ có lực lượng hải quân mạnh nên nước Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu.
Tổng thống F. Roosevelt ca ngợi Mahan là một trong những nhân vật vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất trong đời sống nước Mỹ. Sử gia Kennan đánh giá Mahan là nhà chiến lược quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ XIX.
Sách của Mahan được nhiều nước dịch và xuất bản, có ảnh hưởng lớn tới chính sách ngoại giao giao của các nước. Tuy là cường quốc biển số 1 hồi ấy nhưng Anh cũng rất sùng bái thuyết Sức mạnh biển của Mahan, chính phủ Anh đã áp dụng thuyết này khi lập kế hoạch mở rộng hải quân.
Hoàng đế Đức William II (kẻ gây ra Thế chiến I) và Bộ trưởng Hải quân Đức Von Tripitz đã nghiên cứu kỹ thuyết sức mạnh biển của Mahan và dốc sức phát triển hải quân đế quốc Đức.
Sau khi bị hạm đội Mỹ do đô đốc Matthew Perry chỉ huy ép phải mở cửa giao thương với phương Tây (1854), chính quyền Nhật nhanh chóng hiểu rằng hải quân, chứ không phải lục quân, là lực lượng quân sự quan trọng nhất. Nhật Hoàng khôn ngoan áp dụng ngay thuyết Sức mạnh biển của Mahan, chuyển chiến lược quân sự Nhật sang xây dựng hải quân và giành quyền kiểm soát trên biển. Các học viên trường hải quân Nhật đều phải đọc sách của Mahan. Tổng trọng tải đội tàu chiến Nhật từ 15.000 T năm 1880 tăng lên 700.000 T năm 1914, mạnh thứ 7 thế giới, làm tăng rõ rệt sức mạnh của Nhật. Năm 1894 Nhật dùng hải quân đánh bại Trung Quốc, chiếm đảo Đài Loan; năm 1904 lại tấn công tiêu diệt hạm đội Đông Bắc Á của Nga. Từ thập niên 30 Nhật đã đóng được tàu sân bay hiện đại và có nhiều tàu sân bay nhất thế giới. Các đội tàu chiến Nhật phát huy tác dụng cực lớn trong việc triển khai sức mạnh quân sự chiếm châu Á-Thái Bình Dương, mở đầu bằng cuộc đánh úp thành công Trân Châu Cảng (7/12/1941).
Năm 2000 Trung Quốc xuất bản bản dịch cuốn Ảnh hưởng của Sức mạnh biển đối với lịch sử thời kỳ 1660-1783 của Mahan và đẩy mạnh tuyên truyền về thuyết Sức mạnh biển. Nhiều năm qua Trung Quốc bắt đầu giảm lục quân, tăng cường hải quân, đóng nhiều loại tàu chiến và tàu ngầm hiện đại, mới đây đóng cả tàu sân bay. Bắc Kinh còn ra sức lôi kéo Myanmar để nước này cho họ mở đường ra Ấn Độ Dương. Năm 2009, lần đầu tiên Trung Quốc đưa cả một hạm đội mạnh tới vùng Vịnh Aden ngoài khơi Somalia dưới danh nghĩa tham gia chống cướp biển. Thực chất việc này nằm trong chiến lược đưa hải quân Trung Quốc ra hoạt động tại đại dương. Năm 2010 họ cho tàu chiến lớn nhất là tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn 18.500 tấn tham gia hạm đội kể trên. Các cuộc tập trận lớn vừa qua của quân đội Trung Quốc đều là tập trận trên biển, có phối hợp không quân và vệ tinh. Gần đây họ lại có ý định lập căn cứ hải quân tại quần đảo Seychells ở Ấn Độ Dương. Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh đang đề cao thuyết sức mạnh biển và kiểu “ngoại giao tàu chiến”.
Do vướng vòng cung Hàn Quốc-Nhật-Đài Loan-Philippines nên Trung Quốc hiện nay không thể vươn ra biển lớn về phía Đông. Vì thế họ nóng lòng muốn vươn xuống phía Nam và vội vã nêu ra yêu sách chủ quyền theo “đường lưỡi bò” hòng chiếm 80% vùng biển này. Tham vọng quá đáng ấy đang gây ra các rắc rối trên biển Đông của Việt Nam. Tình hình đó càng cho thấy hơn bao giờ hết nước ta cần đẩy mạnh áp dụng tư duy biển để tăng cường phát triển sức mạnh biển của mình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống phức tạp.