Tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp CNC: Đôi điều trăn trở

Trong lúc còn đang lúng túng để tìm ra một động lực mới cho phát triển nông nghiệp, người ta tin rằng những mảnh ruộng nhỏ bé với tư duy manh mún kiểu ‘tiểu nông’ của người nông dân cá thể và công nghệ sản xuất hiện tại đang là lực cản cho phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường, và thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao (CNC) để nâng cao giá trị gia tăng nông sản là nhu cầu bức thiết. Vậy có phải tích tụ ruộng đất, nới hạn điền, có phải nông nghiệp CNC thực sự là cứu cánh cho nền nông nghiệp đang bị trì trệ và không bền vững của chúng ta?

Nhiều người cho rằng, cần xóa bỏ hoặc nới rộng hạn điền để gỡ bế tắc trong nông nghiệp.

Phần I: Tích tụ đất đai và hạn điền

Tư duy cần phát triển “đại nông” để gỡ bế tắc cho nông nghiệp

Nhiều người cho rằng, để gỡ bế tắc trong phát triển nông nghiệp hiện nay, cần phải phát triển nền ‘đại nông’ theo kiểu phương Tây, nghĩa là phát triển tư bản nông nghiệp. Để làm được điều này thì cần phải xóa bỏ hay nới rộng hạn điền, cần phải tập trung ruộng đất vào tay những người ‘biết làm ruộng’, những người có vốn, có công nghệ, biết tổ chức sản xuất. Thậm chí ở một số địa phương, chính quyền đứng ra thuê đất của nông dân trên 20 năm, rồi giao cho doanh nghiệp (DN) thuê lại [1]. Việc chính quyền tham gia vào quá trình tích tụ này được coi là bước đi đột phá, là sáng tạo. Cũng có nơi DN trực tiếp thuê đất của nông dân hoặc thông thông qua chính quyền địa phương làm trung gian để thuê đất của nông dân [2].

Những người cổ súy cho trào lưu này tin rằng: (1) Tích tụ ruộng đất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa là xu hướng tất yếu, cần có chính sách khuyến khích để phát triển nông nghiệp theo hướng này; Nông nghiệp công nghiệp áp dụng CNC sẽ thay thế cho nông nghiệp tiểu nông; (2) Các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh sản xuất hàng hóa, khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam (VN) trên thị trường nông sản thế giới.

Ai cũng dễ dàng nhìn ra mặt tích cực cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng này: (1) Ở những nơi nông dân đang muốn bỏ ruộng do hiệu quả sản xuất thấp, thì việc DN thuê lại đất để sản xuất nông sản hoàng hóa sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho nông sản và hình thành nền nông nghiệp CNC, qui mô tập trung, mà nông dân – trên lý thuyết – vẫn không mất đất; (2) Một số nông dân trở thành công nhân làm thuê cho DN, có thu nhập cao hơn trước, đồng thời học hỏi được nhiều công nghệ mới, kĩ thuật mới và cung cách quản lý trang trại mới theo cơ chế thị trường; (3) DN thuê ruộng để sản xuất với qui mô lớn thì sẽ tận dụng được lợi thế kinh tế qui mô cả về sản xuất và tiêu thụ, tạo ra giá trị gia tăng cao trên đơn vị diện tích, trên đơn vị đầu tư và trên đơn vị ngày công, nhờ thế, năng suất lao động nông thôn tăng; (4) Thúc đẩy liên kết chuỗi, trong đó DN (các tập đoàn lớn) là đầu tàu, chi phối toàn bộ hoạt động của chuỗi, có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm nông sản và thực phẩm, kết nối nông sản VN với thị trường tòan cầu; vv…

Tuy nhiên một loạt câu hỏi chưa được trả lời, ví dụ: (1) Hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của các dự án mà các ‘đại gia’ đầu tư vào nông nghiệp thực sự là thế nào? Hay chỉ đến khi có sự cố như Formosa thì mới giật mình xem xét các khía cạnh của việc đầu tư và tích tụ đất đai này? (2) Tính bền vững về mặt tài chính của các dự án nông nghiệp đó như thế nào? Nghĩa là hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp đó có tự nó nuôi sống và làm giầu nó được không và như thế nào? Hay các ‘đại gia’ lấy lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh phi nông nghiệp để bù lỗ cho hoạt động nông nghiệp? và họ đã hạch toán ‘ma’ để có các con số chứng minh nông nghiệp CNC là có lãi, mà lãi lớn; và tích tụ đất đai là tất yếu để có các lợi thế ấy. Nếu lãi ‘âm’ thì có phải DN đang thực hiện ‘trách nhiệm xã hội’, hay là họ còn có mục tiêu tài chính dài hạn nào khác[3] (ví dụ chiếm dụng đất để đến một lúc nào đó thay đổi mục đích sử dụng đất chẳng hạn)? (3) Mối quan hệ giữa DN đầu tư, chính quyền địa phương và cộng đồng địa phương hiện tại (ngắn hạn) có vẻ khá ổn thỏa[4] (khi chi phí và lợi ích của các bên có vẻ chấp nhận được), nhưng về dài hạn vẫn chưa có câu trả lời? (4) Khi nông dân cho thuê đất và trở thành công nhân của DN thì tính chất bền vững của mối quan hệ ông chủ-người làm thuê thế nào? Có khác với các loại hình kinh doanh khác không? Như mất việc, vi phạm bảo hiểm xã hội, DN kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng trả công, hay khi người nông dân không muốn làm thuê cho DN nữa, họ có lấy lại được đất không? Sinh kế của họ sẽ ra sao? Nhà nước có ‘nuôi’ họ khi (chẳng may) các DN này thua lỗ hay phá sản không?, v.v…

Thực tiễn ở một số nước: Nới hạn điền không phải là cứu cánh

Cũng có người cho rằng, nới hạn điền không phải là cứu cánh, lịch sử và thực tiễn phát triển nông nghiệp của các nước đông dân và ít đất như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chứng minh điều này. Chính phủ các nước này đã không mở rộng hạn điền mà nền nông nghiệp của họ vẫn tiến bộ, nông dân của họ vẫn giàu có, DN nông nghiệp của họ vẫn có ‘tiếng nói’ trên thị trường toàn cầu. Philippines (và Brasil nữa) hạn điền rất rộng, diện tích đất của các chủ đất rất lớn, lên đến hàng trăm hàng ngàn hecta, nhưng sản xuất nông nghiệp của họ vẫn kém phát triển, đất nước vẫn không đủ gạo ăn, người nông dân vẫn nghèo. Việt Nam ta tuy diện tích canh tác của nông hộ nhỏ bé, manh mún, công nghệ sản xuất là các công nghệ thường quy, chúng ta vẫn luôn đứng đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu; nhưng, buồn là, nông dân ta vẫn chưa giàu, vẫn có người chán ruộng, bỏ ruộng…

Thì ra, hình như nguyên nhân chưa hẳn đã là hạn điền, chưa hẳn là vì chúng ta chưa có nền ‘đại nông’ trong sản xuất nông nghiệp, mà có lẽ còn vì các nguyên nhân khác. Ví dụ như chuỗi giá trị của các ngành hàng nông sản đã không được thiết lập một cách bình đẳng, công bằng, minh bạch; hoặc là, chuỗi giá trị của ngành hàng có đấy, nhưng rất yếu, bị thao túng; người nông dân đã không được tổ chức sản xuất tốt như nông dân Đài Loan, Nhật bản, Hàn Quốc; nền nông nghiệp đã không được thiết kế căn cơ để hội nhập toàn cầu trước khi chúng ta gia nhập WTO nên chúng ta bị cuốn vào nền nông nghiệp hàng hóa giá rẻ, nền nông nghiệp số lượng. Nền nông nghiệp của chúng ta từ chỗ bị phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết sang nền nông nghiệp ngoài phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết còn bị phụ thuộc vào vật tư nông nghiệp, giống và giá cả. Ở trong nước thì các DN nắm quyền chi phối nông dân, DN trong nước thì bị DN nước ngoài chi phối; vì thế, tuy là cường quốc xuất khẩu nông sản nhưng DN VN không có tiếng nói trên thị trường thế giới. Hầu hết nông dân Nhật bản, Đài Loan hay Hàn Quốc vẫn là nông dân sản xuất quy mô nhỏ, vẫn là ‘tiểu nông’, không phải ‘đại nông’ hay tư bản nông nghiệp, nhưng là nông dân có tri thức, được tổ chức tốt, sản xuất theo tín hiệu thị trường, nông dân đồng thời là doanh nhân, và nhà nước luôn đồng hành cùng họ. Ở các nước này, họ không thúc đẩy phát triển đại nông, không cố gắng xóa bỏ tiểu nông, để thị trường điều tiết về quy mô nông trại và công nghệ áp dụng.

Các DN tích tụ đất đai: còn nhiều rủi ro

Sau một thời gian dài, kể cả khi đã có Nghị định 61/2010/NĐ-CP[5] ngày 04/06/2010 khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, thì theo báo cáo của VCCI, tính đến năm 2014, số doanh nghiệp trong nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt 1% trong tổng số DN của cả nước và hầu hết các DN trong lĩnh vực này là DN có quy mô vốn nhỏ hơn 5 tỷ đồng. Người ta lý giải sự không mặn mà của DN trong việc đầu tư vào nông nghiệp là do có nhiều trở ngại như rủi ro cao, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu, thời gian thuê đất ngắn, ruộng đất của nông hộ có quy mô nhỏ và phân tán, rất khó đầu tư sản xuất tập trung[6].

Rất may là sau đó, trong thời gian gần đây, đã có nhiều DN có tiềm lực tài chính lớn đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp không những chỉ thu hút các DN trong nước mà ở một số địa phương đã có những DN nước ngoài đầu tư[7].

Tại sao các ‘đại gia’ VN bây giờ lại đầu tư vào nông nghiệp? có thể là do:  (1) DN đã tận dụng lợi thế hiện nay về chính sách đất đai là chính quyền cấp tỉnh có thể thu hồi đất để mời doanh nghiệp vào, trước mắt có thể làm nông nghiệp, sau đó có thể chuyển sang mục đích khác. Thực tế, đã có những DN sau khi có được dự án nông nghiệp đã bán và chuyển nhượng toàn bộ hay một phần dự án cho DN khác để kiếm lời. (2) Mặc dù, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt và không thể thay thế, nhưng chúng ta chưa có cơ chế thị trường thực sự về đất đai. Nhờ thế, ‘đầu vào’ của các dự án của các đại gia làm nông nghiệp hay bất động sản là “thu hồi” theo giá quy định của Chủ tịch tỉnh, được cố định trong 5 năm, và một số ‘đại gia’ đã có được quỹ đất lớn vốn là đất của các nông lâm trường quốc doanh làm ăn thua lỗ với giá đất gần như cho không để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Nhưng ‘đầu ra’ của đất vào một ngày đẹp trời nào đó, có thể được bán với giá thị trường cao gấp nhiều lần so với giá thu hồi.

Một số nơi không có quỹ đất để mời DN lớn vào thì chính quyền đứng ra thuê đất của dân rồi cho DN thuê lại trên 20 năm. Cách làm này sai luật và có nhiều rủi ro vì những lý do sau: (1) Theo Luật Dân sự, khi ký kết hợp đồng thuê đất chỉ diễn ra giữa các bên có các tổ chức đăng ký theo luật như là thể nhân (phải là thể nhân) có tư cách pháp nhân, nghĩa là một tổ chức có tài sản riêng hoặc quyền định đoạt tài sản đó theo pháp luật. Chỉ có pháp nhân và thể nhân mới được quyền ký hợp đồng với nhau, UBND các cấp không phải là pháp nhân hay thể nhân trong ký kết hợp đồng thuê đất; (2) Luật pháp nghiêm cấm dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh nên chính quyền các cấp đứng ra thuê đất của dân là sai Luật Dân sự chứ không phải là sáng tạo; (3) Giả dụ cho chính quyền địa phương ký hợp đồng thì khó tránh được việc dùng quyền ép dân để lấy đất cho DN. Dân sau khi được đền bù, thì trắng tay và sinh kế lâu dài của nhiều thế hệ sẽ ra sao? (4) đền bù không theo cơ chế thị trường, ví dụ: ký hợp đồng dài hạn trên 20 năm liên quan đến vấn đề giá, mà giá thì khó tiên đoán cho một thời gian dài, nên phải có tỷ lệ trượt giá, ít nhất hai năm cần tính lại giá một lần, theo giá đất thị trường để nông dân không bị thiệt thòi; (5) Nếu doanh nghiệp phá sản, chính quyền có lấy ngân sách đền bù cho dân không?

Cách thức thu gom đất của dân của DN thường theo trình tự: (1) DN trình các dự án/đề án lên chính quyền, thường là cấp tỉnh, (2) chính quyền địa phương cùng DN tiến hành các thủ tục thu hồi đất của dân, (3) DN đên bù đất cho dân (theo mức đất nông nghiệp), giống như thu hồi cho các khu công nghiệp. Cũng có khi DN khảo sát, lựa chọn hộ và ký hợp đồng thuê đất, các hộ sản xuất theo yêu cầu quy trình công nghệ của DN, được DN bao tiêu sản phẩm theo giá của DN, thực ra, đây là dạng liên kết sản xuất giữa DN và nông dân.

Từ một quan sát trực tiếp tại một tỉnh đồng bằng sông Hồng, người ta thấy chính quyền ở địa phương này thuê đất của dân giúp DN như sau:

1) Lựa chọn vùng bờ xôi ruộng mật, gần đường và đất tốt để quy hoạch khu nông nghiệp CNC để mời DN vào; vùng xa, đi lại khó khăn và đất xấu không quy hoạch khu nông nghiệp CNC và DN cũng không thuê;

2) Đất được thuê với giá 140 kg thóc/sào/năm nhưng chi trả bằng giá thóc nhà nước tính thuế (450.000 – 470.000/tạ) trong khi giá thị trường là 800.000/tạ và DN trả 5 năm một lần;

3) Trên 95% nông dân không đồng tình với giá thuê vì: (a) giá thấp gần như bằng 50% giá thị trường, nên nông dân cho rằng sẽ không đủ tiền để mua thóc đảm bảo an ninh lương thực của gia đình; (b) đưa đất cho DN thì mình lấy gì làm kế sinh nhai (tiền sẽ tiêu hết, đất vẫn có thể tạo ra thu nhập),  (c) 140 kg lúc này có vẻ hợp lý, nhưng 5-10 năm nữa, với sự thay đổi về công nghệ và giá cả thì mức đó sẽ không còn hợp lý nữa, lúc đó ai đứng ra bảo vệ người nông dân, (d) diện tích thuê chỉ tính ruộng mà không tính bờ, nhưng diện tích bờ DN vẫn trả cho chính quyền; (đ) DN chỉ thuê lao động trẻ từ 18 đến 35 tuổi, nhưng phần lớn (trên 70%) lao động ở nông thôn hiện nay là người cao tuổi và trẻ em (nên trên thực tế không có DN nào thuê), họ thuê lực lượng lao động 16-35 tuổi là những người bị các DN công nghiệp và dịch vụ từ đô thị và các khu công nghiệp thải về và tình nguyện trở thành công nhân nông nghiệp.

4) Chỉ có khoảng 2-3% hộ hoàn toàn đồng ý vì tuy là nông dân nhưng họ không làm ruộng mà làm các ngành nghề khác ở nông thôn hoặc bỏ quê lên thành phố và các khu công nghiệp làm thuê, họ cho người khác ‘mượn’ ruộng miễn phí để canh tác, không có ai mượn hoặc thuê thì họ bỏ hoang ruộng, giữ đất chờ ‘nhà nước’ mở khu công nghiệp hay khu nông nghiệp CNC, để lấy tiền đền bù[8].

Nhưng đa số các nông hộ vẫn cho chính quyền thuê đất vì họ được một món tiền lớn, đủ để trang trải nợ nần, xây dựng nhà cửa, mua sắm phương tiện gia đình, hay đầu tư học hành cho con cái. ‘Nước đến đâu bắc cầu đến đấy’, khác với thời trước ‘khoán 10’, nông dân ngày nay không còn quá lo lắng về miếng ăn hàng ngày khi thóc gạo rẻ và chỉ cần đi làm thợ xây một ngày họ cũng đã có thể mua được ít nhất là 10kg gạo.

(Đón đọc Phần II: Nông nghiệp CNC là con đường tất yếu để tăng khả năng cạnh tranh?)

——–

Chú thích:

[1] Giá thuê đất rất khác nhau, dao động từ 120kg thóc/sào đến 150kg ngô hạt/sào, cũng có DN nước ngoài trả 25.000 USD/hecta/20 năm, cách thức thanh toán cũng rất đa dạng. Còn nếu như DN mua thì giá đất do UBND cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và loại đất.

[2] Có người cho rằng, động cơ hấp dẫn chính quyền địa phương hăng hái giúp DN thuê đất của nông dân hay chính quyền đứng ra thuê đất của nông dân và cho DN thuê lại là diện tích bờ vùng bờ thửa bờ ruộng dôi ra (khoảng 5-8% tùy theo mỗi nơi). Khi trả tiền cho nông dân, họ tính diện tích canh tác thật (trừ bờ), nhưng khi thu tiền của DN thì họ tính diện tích cả vùng.

[3] Một Chuyên gia quản lý cấp cao của một tập đoàn đầu tư lớn vào NNCNC quy mô lớn (hàng trăm, hàng ngàn hecta) trên cả nước khẳng định: sản xuất nông sản hàng hóa theo kiểu nhập khẩu nguyên xi công nghệ của nước ngoài vào VN đang bị thua lỗ nặng, họ phải lấy kinh phí từ các hoạt động kinh doanh khác để bù sang (đối thoại cá nhân).

[4] Tuy nhiên vẫn còn lẻ tẻ đâu đó, trong các dự án chăn nuôi, người dân địa phương bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường.

[5] Nhằm bổ sung và thay thế cho Nghị định 61/2010/NĐ-CP, ngày 19/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP khuyến khích hơn nữa các DN đầu tư vào nông nghiệp.

[6] Năm 2014, có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp thì đến năm 2015 số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ chưa tới 1% so với tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ, các vùng khó khăn hơn như Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa nhiều nhà đầu tư quan tâm.

[7] Đối tác đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn chưa đa dạng, chủ yếu đến từ châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…) các nhà đầu tư của các quốc gia lớn có thế mạnh về nông nghiệp như Hoa Kỳ, Canada, Australia và các nước Châu Âu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều.

[8] Chính sách hỗ trợ đối với các hộ không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp để họ chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp chưa đủ mạnh (như chính sách hướng nghiệp cho người nông dân, chính sách hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp….) nên họ vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”, mặc dù đã ngừng canh tác hoặc cho các hộ khác thuê ruộng ngắn hạn phi chính thức.

——-

Tài liệu tham khảo chính:

1. Trần Quốc Toản (2013), Đổi mới quan hệ sở hữu đất đai – Lý luận và thực tiễn. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2013.

2. Trần Quốc Toản (2013), Đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Hà Nội 2013.

3. Nông nghiệp Việt Nam đứng trước ngã ba đường, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-nghiep-viet-nam-dang-dung-truoc-nga-ba-duong-20161030064014869.htm.

4. Luật đất đai 2013, NXB Chính trị Quốc gia, 2013

5. Nguyễn Ðình Bồng (2013). Chính sách tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Cộng sản. 847 (5-2013). tr. 54-58

6. Nguyễn Cúc và Hoàng Văn Hoan (2010). Chính sách của Nhà nước đối với nông dân trong điều kiện thực hiện các cam kết của WTO. NXB Khoa học kỹ thuật. tr 98-209

7. Nguyễn Đình Bồng, Tạ Hữu Nghĩa (2010), “Phân tích, đánh giá vai trò quản lý Nhà nước tác động đến tích tụ ruộng đất”, Cục chính sách  hợp tác và phát triển nông thôn Bộ Nông nghiệp.

8. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

9. Tích tụ ruộng đất: Giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, http://baoninhbinh.org.vn/tich-tu-ruong-dat-giai-phap-thyc-hien-tai-co-cau-nong-nghiep-2016121308363601p2c21.htm

10. Báo cáo số 13-BC/NN-NT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Vụ Nông nghiệp-Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, 2016.

11. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016, Báo cáo về tình hình tích tụ, tập trung đất đai của một số địa phương thuộc khu vực phía Bắc, 2016

12. Dương Đình Tường, 2009. Nông nghiệp công nghệ cao: Nặng trình diễn, nhẹ hiệu quả, http://nongnghiep.vn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-nang-trinh-dien-nhe-hieu-qua-post36762.html

13. Đỗ Kim Chung, Nguyễn Văn Song, Trần Đình Thao, Trần Hữu Cường, Nguyễn Việt Long, Trần Thanh Phương, Nguyễn Xuân Trạch, 2017. Tích tụ đất đai và hạn điền; Trao đổi cá nhân.

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)