Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tiếp cận dần với chuẩn mực quốc tế trong hoạt động KH&CN

Trong giờ nghỉ trưa của Hội nghị Trung ương VI, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về nhiệm vụ của Bộ KH&CN trong năm 2008.

PV: Thưa Bộ trưởng, để góp phần bảo đảm cho nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng cao, trong  năm 2008, trọng tâm nhiệm vụ  của Bộ là gì?

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Trong năm 2008, cơ quan Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính. Đó là:

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những cơ sở, hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học trên tất cả các lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển theo các định hướng: tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực phụ thuộc chủ yếu vào trí tuệ, không cần đến nhiều trang thiết bị như: toán học, cơ học, vật lý lý thuyết, tin học; các sáng chế, giải pháp hữu ích xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ. Đó chính là tiêu chí chủ yếu đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học. Để các định hướng này thành hiện thực, cần có sự đánh giá công tâm và đầu tư thỏa đáng. Chẳng hạn với các nhà  khoa học có công bố quốc tế, có sáng chế… cần có chính sách khen thưởng, ưu tiên giao cho chủ trì các đề tài nghiên cứu. Còn với các nhà khoa học trẻ thì có chính sách tạo cơ hội để họ thích ứng dần với nhiệm vụ, phát triển tài năng.

Đẩy mạnh hoạt động, hình thành và phát triển thị trường công nghệ. Thực chất là tạo môi trường tìm kiếm, kích thích đổi mới và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, một yếu tố có tính sống còn trong việc nâng cao năng suất lao động và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế.

Và nhiệm vụ thứ ba là phải có chiến lược, chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Nếu không thì không thể nâng cao hiệu quả nghiên cứu và đổi mới công nghệ được.

Vậy theo Bộ trưởng để  hội nhập quốc tế thành công, đâu là yếu tố chính?

Có nhiều yếu tố để chiến lược này thành công. Trong đó, theo tôi có hai yếu tố chính: Hoạt động khoa học công nghệ của ta phải nhanh chóng tiến tới các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tính chuyên nghiệp của các nhà khoa học. Vừa qua, giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đề ra một số chương trình hợp tác KH&CN. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có những nhà khoa học đủ trình độ, năng lực để có thể làm đối tác với họ.

Hẳn là trong việc xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý, chính sách, Bộ sẽ quan tâm nhiều đến một chính sách mà các nhà khoa học than phiền từ nhiều năm nay, đó là chính sách tài chính trong hoạt động KHCN?

Chính sách tài chính hoạt động KHCN hiện nay, thực chất là một chính sách mang nặng dấu ấn hành chính. Bó hoạt động KHCN theo niên chế tài chính hằng năm. Kéo theo nội dung, định mức, thủ tục chi, thời hạn thanh quyết toán… cũng phải giải quyết trong năm. Từ đó, gây không ít khó khăn cho công tác nghiên cứu mang nhiều đặc thù rủi ro, ngoài ra các thủ tục hành chính đó cũng gây phiền hà cho các nhà khoa học. Vì vậy, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để có thể sớm ban hành một chính sách tài chính thực sự từng bước đáp ứng được tính đặc thù và yêu cầu của hoạt động KHCN.

Bộ trưởng mong ước điều gì trong năm 2008?

Điều tôi mong ước với sự hỗ trợ, hợp tác của các nhà khoa học, cơ quan Bộ KH&CN sẽ thực  thực hiện tốt được ba nhiệm vụ kể trên.

PV 

   

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)