Tìm đến với sử
Người ta viết sử, tìm đọc sử khi nào? Chắc là khi muốn tìm một hướng xuất xử trong thực tại nan giải. Khi muốn soi vào quá khứ để thông đạt hiện tại hay lặn tìm một mảnh gương quý soi tâm, cho dù biết, đó là những mảnh gương vỡ.
Hang Những bàn tay, Patagonia, Santa Cruz, Argentina. Dấu những bàn tay theo kiểu âm bản được xác định có niên đại cách nay từ 13 nghìn đến 9 nghìn năm, do người cổ đại tạo ra bằng cách dùng các ống làm từ xương thổi màu lên vách hang.
Nhưng trước hết, đọc sử, là đi tìm một cái nhìn thấu đáo, khoa học, khách quan nhất có thể về quá khứ. Trong cuốn sách Lịch sử học là gì?, Odanaka Naoki1 suy niệm về sử ở hai khía cạnh: “liệu chúng ta có thể hiểu được sự thật lịch sử hay không?” và “việc biết được quá khứ thì có giúp ích gì hay không?”. Mối tương quan tuy hai mà một này đã từng gây ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt của phái hàn lâm và phái phổ thông. Dẫn khái niệm paradigm (tạm dịch là hệ hình) của Thomas Kuhn (trong cuốn Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, đã được dịch, ấn hành tại Việt Nam2 – NV), nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng sử học, cũng như các khoa học khác, “không có khoa học đúng 100% và không có khoa học sai 100%”, tuy nhiên, thảo luận để đi đến một hướng tiếp cận “đúng hơn” không phải là điều bất khả. Odanaka Naoki đề nghị cần có sự vận dụng Kuhn trong cơ cấu nhìn nhận lịch sử. Ông viết: “Việc cung cấp các tri thức ở hiện tại có thể có được sự đồng ý từ rất nhiều người và ổn định, nhưng tương lai sẽ được đánh giá thế nào là điều chưa biết, sử học cũng chỉ là một trong số các ‘khoa học thông thường’.”
Nhu cầu muốn biết, tiếp cận càng gần càng tốt những sự thật lịch sử là điều thú vị, làm nên sự sống động của sinh hoạt nghiên cứu và trao đổi. Điều này càng trở nên cần thiết, hào hứng hơn trong bối cảnh học thuật hậu hiện đại, khi những diễn ngôn áp đặt của thứ sử học chính thống đang lung lay trước cuộc lật đổ ngoạn mục của những nguồn dữ liệu khổng lồ được cung cấp miễn phí trôi nổi trên các trang mạng và hệ thống thư viện liên thông toàn cầu. Những cuộc giải mật lớn đang phơi bày trước mắt chúng ta vô số hướng tiếp cận mới, phơi bày những khuất tất trong lao động khoa học và thậm chí, đặt lại câu hỏi thẳng thừng về phẩm giá trí thức của những ngự sử nghiêm trang một thời. Nhưng, đồng thời nó cũng đặt ra những thử thách khác, đòi hỏi sự gạn lọc, tổng hợp và xử lý, xác minh nghiêm cẩn của những người làm nghiên cứu ngày nay.
Trong chiều hướng thực tế đó, có thể thấy rằng, đây là thời lý tưởng cho việc phủi bụi tìm lại tác phẩm của các sử gia độc lập đã từng đóng góp trước đây và có thể làm mới chúng bằng những cuộc giới thiệu xứng đáng, gắn kết với thời sự xã hội. Dĩ nhiên, cũng là lúc cần đến những nhà biên khảo, nghiên cứu mới trong hành trình về quá khứ với niềm đam mê, có sự tiếp sức lợi hại của phương tiện công nghệ và nhất là không bị chi phối bởi những định kiến.
Những năm qua, đã có sự trở lại của những sử gia, nhà biên khảo sáng giá mà trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó, từng bị bạc đãi trên diễn đàn nghiên cứu, biên khảo lịch sử chính thống. Có thể kể đến: Lê Thành Khôi, Hoàng Xuân Hãn, Phan Khoang, Tạ Chí Đại Trường,… Những công trình nghiên cứu chuẩn mực, có tính học thuật cao cần được đặt lại đúng vị trí của nó trong tiến trình lịch sử nghiên cứu đã đành, mà cả những công trình mang tính giả thiết, gợi những ý hướng tiếp cận mới mẻ các vấn đề xã hội của ngày hôm qua cũng cần được phục dựng, góp phần soi tỏ hơn về những chi tiết trong bức tranh quá khứ. Cùng với các công trình của những nhà nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam, thì sự trở lại của những tên tuổi nói trên giúp cho người đọc ngày nay nhận diện rõ hơn về tính tiến hóa trong nghiên cứu khoa học lịch sử và hiểu rằng, tri thức lịch sử không phải, không nên là thứ đặc quyền của một ý chí quyền lực nào đó, mà là một lịch sử tri thức, có tính tương tác, thảo luận để sự thật về ngày hôm qua được tỏ tường hơn.
Và tuy là trong một điều kiện tra cứu tài liệu tại chỗ về một số giai đoạn còn nhiều hạn chế, nhưng cũng đã xuất hiện những khuynh hướng biên khảo, nghiên cứu sử học độc lập trong thời gian gần đây. Không tạo ra những công trình tầm vóc có độ bao quát lớn, nhưng những tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu vào các giai đoạn ngắn, những khảo sát vi lịch sử đã bắt đầu xuất hiện. Có thể kể những tác giả tiêu biểu: Phạm Hoàng Quân, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Duy Chính,… Có những sự xuất hiện đầy ấn tượng (như hiện tượng Nguyễn Duy Chính với chín đầu sách biên khảo dày về thời Lê mạt và Tây Sơn gây chú ý đặc biệt trong năm qua) đang hứa hẹn một sinh khí khảo sử, làm sử mới không đi vào số đông, đội ngũ, tổ chức hay chủ trương của hội nọ, viện kia, mà từ chính sự hoài nghi và một “tinh thần muốn biết” từ chính người viết.
Odanaka Naoki đưa ra khái niệm common sense, tức thường thức (hay tri thức thực tiễn có ích cho cuộc sống thường ngày của cá nhân), để nói về “sự giúp ích cho hiện tại” của những hiểu biết về lịch sử. Thật quá ảo tưởng khi nghĩ rằng đọc xong một cuốn sách biên khảo, nghiên cứu lịch sử hay có thể giúp người ta cải biến hiện thực, tìm ra ngay hướng đi cho xã hội, nhưng, sự thường thức nằm ở chỗ, khi có dịp đứng trên những hệ hình khác nhau để bóc tách sự thật trong quá khứ, ta có sự chọn lựa phương pháp thích đáng để tiếp cận hiện tại và quan trọng hơn, có thể suy niệm một cách tự giác về thực tại trong một bối cảnh mà kẻ trí biết mình phải làm gì, xuất xử ra sao không phải là chuyện đơn giản và dễ giải đáp.
Ta tìm đến với sử, nhưng thực chất, là sử đang vận vào ta!
—-
1 Nguyễn Quốc Vương dịch, ĐH Hoa Sen và NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, 2016.
2 Chu Lan Đình dịch, NXB Tri thức, 2009.