Tính chất tiểu nông

Việt Nam gia nhập WTO rồi mà sức cạnh tranh kém là do kinh tế nước mình còn mang tính chất “tiểu nông”; xã hội Việt Nam nhếch nhác vì còn nhiều “dư lượng” của văn hóa tiểu nông; thủ đô lụt lội, bừa bộn hàng rong, hoa kiểng bị bẻ phá, đường xá rác rưởi… là do đầu óc quản lý “tiểu nông”, thói quen làng xã “tiểu nông”; đến văn học thiếu tác phẩm “lớn” cũng vì  nền văn học “tiểu nông”. Đó là những nhận định, phán xét thường thấy trên các phương tiện truyền thông.

Nhớ chuyện Tăng Sâm giết người: một người nói Tăng Sâm giết người, bà mẹ Tăng Sâm vẫn điềm nhiên dệt vải, hai người nói Tăng Sâm giết người, bà mẹ vẫn dệt vải, nhưng ba người nói Tăng Sâm giết người thì bà quăng thoi quăng cửi mà chạy trốn. Cho dù sự thực thế nào thì hơn một chục bài báo và phát biểu của những tác giả kèm theo học vị tiến sĩ, giáo sư, đã khiến cho những độc giả trung bình đinh ninh rằng “vấn đề” của đất nước chúng ta hiện nay chỉ là tình trạng “tiểu nông” ở mọi nơi, mọi ngành. “Tiểu nông” trở thành tính từ để diễn giải bất cứ cái gì mà người ta cảm thấy xấu hổ, không hài lòng, hay muốn lấp liếm đi.
Ở Sài Gòn thập niên sáu mươi của thế kỷ trước có vở kịch nói “Lá sầu riêng” được công chúng ưa thích. Trong kịch có cảnh một chàng trai có học, sắp làm rể nhà giàu, giấu biệt xuất thân nông thôn của mình, xấu hổ về người mẹ nghèo và người cậu nhà quê, rồi tự đưa mình vào tình huống khôi hài. Cảnh đó mua được những trận cười của công chúng vì Sài Gòn lúc đó bắt đầu đón nhận những làn sóng di dân từ nông thôn do chiến tranh phải đổ vào đô thị, và đã có những người choáng ngợp trước sự hào nhoáng của đô thị mà đâm ra mặc cảm tự ti, phủ nhận những giá trị vốn có của mình, sắm cái mặt nạ trưởng giả phù phiếm để hãnh diện với đời. Cho đến bây giờ Sài Gòn vẫn là đất hội tụ của người tứ xứ, không chỉ từ các tỉnh thành khác trong nước, mà còn từ nhiều nước khác. Nó chưa bao giờ là một đô thị hoàn hảo hay lý tưởng. Nó chỉ là đô thị đúng nghĩa, có hay, có dở, phát triển theo qui luật và thực lực của nó. Hàng triệu dân nhập cư từ nông thôn là nguồn đóng góp cho nó những giá trị đặc sắc của từng vùng, từng nhóm văn hóa khác nhau.

Theo tôi hiểu, tiểu nông là người canh tác trên mảnh đất mình làm chủ. Do phương thức tự cung, tự túc, họ phải tự lực, tự lo, tự chủ, tự cường. 

Tôi quen văn minh đô thị, nhưng tôi quí trọng tiểu nông. Theo tôi hiểu, tiểu nông là người canh tác trên mảnh đất mình làm chủ. Do phương thức tự cung, tự túc, họ phải tự lực, tự lo, tự chủ, tự cường. Tiểu nông thực sự là những người độc lập, tự do, có nền tảng văn hóa căn cơ, nhân bản. Khi gặp những hoàn cảnh khắc nghiệt: thiên tai, ngoại xâm, nội chiến, chính sách sai lầm, nông dân có thể bị mất đất, trở thành nô lệ, hay kẻ làm thuê, hay tha phương cầu thực. Họ không còn là tiểu nông nữa, mà vì cuộc sinh tồn họ phải biến chất để thích nghi trong hoàn cảnh khác. Như mọi thứ trên đời, nền tảng văn hóa tiểu nông có những ưu điểm và những khuyết điểm. Và như mọi thứ trên đời, khi nền tảng tan vỡ, suy sụp hay rạn nứt, thì những mảnh vỡ, tản lạc, bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm.

Nhóm bạn chúng tôi đi nghỉ mát ở Mũi Né, gặp những nhóm khách từ nhiều nơi khác cùng nghỉ chung khách sạn. Họ hỏi chúng tôi có phải ở Sài Gòn ra. Bọn tôi nói có người là dân Sài Gòn, còn lại là dân miền Tây và dân miền Trung. Rồi hỏi lại họ có đoán được ai trong chúng tôi là người xứ nào không. Họ chỉ tôi: chắc bà này dân miền Tây. Còn hai dân miền Tây chính hiệu là Tiên và Liên thì bị nhầm là dân đô thị: Tiên ăn mặc giao tiếp rất có phong cách, Liên nói năng đàng hoàng văn vẻ. Cả bọn ôm bụng cười bò ra. Chuyện này vui, chứ không đến nỗi ngạc nhiên. Tiên là giám đốc doanh nghiệp, Liên là giáo sư Đại học Cần Thơ, còn tôi là một người viết tự do,  ăn mặc giản dị, ăn uống tự nhiên, nói năng thoải mái. Nhưng định kiến miền Tây là nhà quê, và nhà quê thì mộc mạc, nghèo nàn, xấu xí, dốt nát, lạc hậu, lôi thôi, linh tinh … nói theo ngôn ngữ thời thượng là mang tính chất “tiểu nông”.

Kinh tế tiểu nông có thể không thỏa mãn tham vọng làm giàu chớp nhoáng, không thích hợp với kinh tế tiêu thụ chi phối bởi tư bản toàn cầu. Nhưng nếu có một mô hình nông nghiệp đáng mơ ước thì mô hình đó sẽ dựa trên nền tảng tiểu nông: nông dân canh tác trên mảnh đất mình làm chủ, tự cung và cung cấp cho xã hội tương xứng với hưởng thụ từ xã hội. Với những thành tựu khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác ngày nay, không nhất thiết phải có một giàn máy gặt đập liên hợp như một nhà máy di động trên cánh đồng hàng ngàn mẫu mới đạt được sản lượng cao nhất. Công nghiệp hóa nông nghiệp hiện nay là vấn đề gây tranh luận, nó không hẳn là một lựa chọn tối ưu, nhất là về mặt môi trường, văn hóa, xã hội. Lợi nhuận thương mại liệu có tương xứng với cái giá phải trả cho biến đổi sinh thái và cơ cấu xã hội? Khoa học hóa và kỹ thuật hóa nông nghiệp trên nền tảng tiểu nông là một giải pháp khả thi ở nhiều nơi trên thế giới. Phần lớn chính sách bảo hộ nông nghiệp ở các nước tiên tiến đều nhằm duy trì nền tiểu nông, mà một trong những mục đích là bảo tồn văn hóa nông nghiệp vốn là gốc văn hóa dân tộc của họ. 
Đâu đến nỗi khó khăn lắm mới thấy rằng để có sức cạnh tranh trên trường quốc tế hiện nay (trên thương trường và trong mọi lĩnh vực khác) chúng ta cần sáng suốt chí công lựa chọn những đầu óc xuất sắc được đào tạo với chất lượng ít nhất phải ngang ngửa đối thủ quốc tế để đưa ra những chính sách và biện pháp vì lợi ích cả cộng đồng dân tộc chứ không chỉ lợi cho tài khoản một số cá nhân hay phe nhóm. Để hiểu vì sao xã hội ngổn ngang vấn đề, dân chúng có những hành vi xã hội kém văn hóa, có lẽ khó khăn hơn, vì nền giáo dục hiện nay chỉ chịu chừng một nửa trách nhiệm, một nửa còn lại cần can đảm và cởi mở để thẳng thắn nhìn nhận và thay đổi. Còn việc đổ thừa nền “văn học tiểu nông” nên ta chưa có tác phẩm lớn, thì do cách đặt vấn đề như vậy, câu trả lời thế nào cũng chướng. Singapore là nước không hề có nông nghiệp, đương nhiên nền văn học không thể là văn học tiểu nông, mà bất chấp tính công nghiệp hóa cực cao của xã hội nước đó, họ vẫn không có tác phẩm văn học “lớn”, có thể họ cũng chẳng băn khoăn quyển sách họ chia sẻ với đồng bào mình có “lớn” hay không, theo tầm, theo chuẩn nào. Còn sử thi Mahabharata của Ấn Độ thì chắc chắn ra đời trong bối cảnh đất nước này còn chế độ tiểu nông. Nếu muốn phê phán hay thay đổi điều gì, thì trước tiên phải gọi đúng tên sự việc, chứ không thể chỉ việc đổ thừa cho tính chất “tiểu nông”.
Ông bà ngoại tôi là tiểu nông thứ thiệt. Tôi thừa hưởng những điều tốt đẹp nhất làm nên con người tôi hiện nay từ ngôi nhà, khu vườn, cánh đồng và thôn làng quê ngoại tôi. Hai người bạn dân miền Tây của tôi cũng có cha mẹ và ông bà là tiểu nông. Chúng tôi đều tự hào là dù được đào tạo ở Mỹ, ở châu Âu, dù làm việc trong môi trường đô thị, chúng tôi vẫn còn trong mình những phẩm chất tiểu nông của ông bà mình. Những phẩm chất đó giúp chúng tôi biết mình là ai, và đâu là nền tảng văn hóa của mình. 

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)