Tính chính danh trong bình chọn sự kiện và xét chọn giải thưởng

Sự không chính danh đang thể hiện rõ nét nhất trong các hoạt động bình chọn sự kiện vào dịp năm hết Tết đến, trao giải thưởng mang tính xã hội, trong lĩnh vực kinh tế và hoạt động khoa học công nghệ.

Chính danh trong mọi hoạt động của xã hội con người là rất cần thiết. Khổng Tử- một nhân tài theo chủ nghĩa “Đức trị” được Hồ Chí Minh coi trọng ngang Mác và Lênin, đã đề cao học thuyết “Chính danh” trong việc thiết lập trật tự tốt đẹp cho xã hội. Theo Khổng Tử, để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” trước hết con người phải nghiêm chỉnh theo thuyết Chính danh. Khi soạn Kinh Xuân Thu (một công trình khoa học về lịch sử giai đoạn từ năm 722 tới năm 481 tr.CN), Khổng Tử đã dựa vào thuyết “chính danh, định mệnh”. Về sau, Hàn Phi Tử- một nhân tài khác theo chủ nghĩa “Pháp trị” cũng đã triệt để ứng dụng thuyết Chính danh. Danh gia (một trong 6 “gia” triết học sau Khổng Tử) cũng rất đề cao thuyết Chính danh: danh không chính thì lời không thuận; lời không thuận thì việc không thành. Học thuyết Chính danh của Khổng Tử (bao gồm việc am hiểu đúng đắn các khái niệm để có thể áp dụng trong thực tiễn) rất phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá các hoạt động khoa học trong xã hội ngày nay.

Sự không chính danh đang thể hiện rõ nét nhất trong các hoạt động bình chọn sự kiện vào dịp năm hết tết đến, trao giải thưởng mang tính xã hội (không phải là những giải thưởng Nhà nước), trong lĩnh vực kinh tế và hoạt động khoa học công nghệ.

GDP của VN còn rất thấp, nhưng có nhiều “giải thưởng” rất kêu (“Nhân tài Đất Việt”, “Sao vàng Đất Việt”, “Ngôi sao kinh doanh”, “Nhà quản lý giỏi”, “Doanh nhân tiêu biểu”, “Hoa Trạng Nguyên”, “Trí tuệ Việt Nam” v.v.) và người “thay mặt Ban tổ chức lên trao giải” cũng rất xịn. Khi nền kinh tế còn đang phải “vật lộn” với chậm phát triển, các giải thưởng cứ mọc lên như nấm sau mưa sẽ không tránh được những điều bất cập.

Chính danh: có nội dung, chất lượng đúng với tên gọi (Từ điển tiếng Việt)

Trước hết là sự “lạm phát” về các giải thưởng. Số lượng các giải thưởng quá nhiều, nhiều đến mức cái “lượng” này không thể chuyển thành “chất”. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính các giải thưởng ở cấp “quốc gia”, “hiệp hội”, “trung ương” ở VN có gần 70 loại khác nhau. Trong đó, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế (là những lĩnh vực hoạt động đòi hỏi sự chính danh phải cao nhất) có tới 48 “giải” các loại! Và cái đáng lo ngại nhất (cũng là hậu quả của “lượng”) là chất (giá trị đích thực) của nhiều giải thưởng có giá trị thấp, mà nguyên nhân chính là do được bình chọn và đánh giá không chính danh.

Một ví dụ điển hình (về hoạt động kinh tế): Công ty Tài chính TKV năm 2009, có vốn tự có 1092 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng và nộp ngân sách có 8 tỷ đồng (tức cần tới 10,92 đồng để làm ra được 1 đồng lợi nhuận, và cần tới 136,5 đồng để nộp được 1 đồng vào ngân sách). Trong khi mức bình quân của các doanh nghiệp trong TKV (năm 2009) chỉ cần 3,8 đồng để làm ra 1 đồng lợi nhuận, và chỉ cần 2,95 đồng để nộp được vào ngân sách 1 đồng. Như vậy, Công ty Tài chính của TKV xét về hiệu quả kinh tế, còn thấp hơn mức bình quân tới 2,8 lần và đóng góp cho xã hội còn thấp hơn 46 lần. Mặc dù vậy, Công ty Tài chính là doanh nghiệp duy nhất của TKV đã được trao giải thưởng “Top 200 thương hiệu VN”.

Một ví dụ khác (về hoạt động khoa học-công nghệ): Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) được đánh giá là tương đối “oai” nhờ được thành lập chính danh (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp tổ chức với các cơ quan sáng lập Quỹ VIFOTEC như Tổng Liên đoàn Lao động VN, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, các nhà khoa học). Nhưng rất tiếc, giải thưởng này được trao cho “công trình” khoa học VINAALTA (của TKV) là một ví dụ điển hình của sự không chính danh trong hoạt động. Thực tế triển khai cho thấy: công trình này không có tính sáng tạo, không đạt hiệu quả kinh tế cao, vi phạm bản quyền (là 3 tiêu chuẩn quan trọng của Giải). “Công trình” này có thiết bị khai thác than VINAALTA (tên gọi này vi phạm bản quyền) đã được áp dụng rộng rãi từ lâu trên thế giới, do nước ngoài thiết kế (Việt Nam chỉ chế tạo được những chi tiết không quan trọng của thiết bị này), có chi phí đầu tư rất cao, nhưng hiệu quả kinh tế lại rất thấp so với các công nghệ khác. “Công trình” này  vẫn được “nghiệm thu” bởi một Hội đồng Khoa học không chính danh (theo qui định của Giải) của TKV.

Nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn, những sự kiện được bình chọn, các giải thưởng được trao sẽ mất hết giá trị và trở thành phản tác dụng.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)