Tính minh bạch và chuẩn mực đạo đức mới

Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 4.7.2007 đã đăng lược thuật bản ghi cuộc phỏng vấn Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết do kênh truyền hình CNN tiến hành hôm 24.6.2007 nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết*.


Đây có thể coi là một trong những mốc son của chuyến viếng thăm. Trong bài phỏng vấn, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã thẳng thắn đề cập đến hàng loạt vấn đề được xem là “nhạy cảm” trong quan hệ Mỹ – Việt, từ những vấn đề ở tầm vĩ mô như tự do tôn giáo, nhân quyền, quan hệ Việt Nam– Trung Quốc – Hoa Kỳ, mối quan hệ của Nhà nước Việt Nam với Việt kiều ở Mỹ, người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam… cho đến cả những “vụ việc” cụ thể như hành xử không đúng mực của một nhân viên bảo vệ pháp luật Việt Nam trong phiên tòa xử linh mục Nguyễn Văn Lý. Sau báo Nhân Dân, nhiều tờ báo và website lớn ở Việt Nam cũng đã đưa tin và tổng thuật lại cuộc phỏng vấn này.

 
Chủ tích nước Nguyễn Minh Triết
chụp ảnh lưu niệm với các kiều bào.

Có thể khẳng định việc không lảng tránh bất cứ vấn đề nào dư luận quốc tế quan tâm, những câu trả lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước hết thể hiện bản lĩnh của vị nguyên thủ quốc gia, cho thấy một chuẩn mực có tính đạo lý đã được đề cao và tuân thủ: tính công khai, minh bạch và lập trường đúng đắn, trước sau như một của chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trước những vấn đề đó.
Từ sự việc này có thể suy ra hai điều. Trước hết, tính minh bạch, công khai, đặc biệt, minh bạch hóa, công khai hóa những khía cạnh còn hạn chế của chính mình là một biểu hiện cụ thể và thuyết phục nhất của nội lực Việt Nam, của sự ổn định chính trị và sức mạnh thể chế của chúng ta. Chỉ có người mạnh, người đủ tự tin vào chính mình mới dám công khai, nhìn thẳng vào những hạn chế của chính mình. Thứ hai, hành xử của vị nguyên thủ quốc gia và cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản cần phải trở thành một chuẩn mực hành xử chung của toàn bộ hệ thống chính quyền và hệ thống Đảng.
Trong thực tế, trước bất cứ một hiện tượng nào của cuộc sống cũng có thể có nhiều cách diễn dịch khác nhau. Đó là một quy luật tất yếu của đời sống. Lảng tránh hay bưng bít thông tin (điều khó có thể thực hiện được ngày nay) chắc chắn không phải là những giải pháp tốt vì với sự lảng tránh hay bưng bít, những cách diễn dịch tiêu cực vẫn tồn tại. Không những thế, còn là một cơ hội để những cách diễn dịch sai lạc có cơ hội phát triển và nhân lên đa bội. Vậy, đã đến lúc, cần có một sự nhận thức cơ bản rằng, giải pháp duy nhất để đối phó với những hiện tượng phức tạp của đời sống là có một cơ chế công khai hóa, minh bạch hóa tạo tiền đề cho một diễn dịch đúng đắn. Thực tế lịch sử đã cho thấy, công khai hóa, dám nhận trách nhiệm kể cả trong những sai lầm là con đường duy nhất tăng cường sức mạnh của Đảng và thể chế nhà nước. Vụ Cải cách ruộng đất là một trong những ví dụ cụ thể nhất. Trong Cải cách ruộng đất, chính nhờ thái độ kịp thời sửa sai, nghiêm túc nhận trách nhiệm mà chẳng những xã hội miền Bắc không diễn ra những bất ổn như nhiều người đã dự đoán mà Đảng và Nhà nước còn tổ chức được sức mạnh của toàn dân để tiến hành công cuộc thống nhất đất nước trường kì và gian khổ với rất nhiều tổn thất.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt lợi ích của dân tộc của Tổ quốc lên trên hết. Tuy vậy trong thực tế, không phải lúc nào những chủ trương đúng đắn cũng được hiện thực hóa thành công. Điều đó không chỉ gây ra những hậu quả cụ thể trong thực tế mà còn làm ảnh hưởng đến một tài sản vô hình nhưng mang tính nền tảng: niềm tin của Nhân Dân vào Đảng và các cơ quan công quyền. Công khai và minh bạch hóa là con đường duy nhất đúng đắn để tạo nên một cơ chế tự điều chỉnh hữu hiệu hoạt động của Đảng và Nhà nước đồng thời bảo vệ tài sản vô giá nói trên. Hiện nay, một trong những chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước là chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Có thể khẳng định, công khai và minh bạch chính là yếu tố mấu chốt, quan trọng nhất để chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nói trên có thể trở thành hiện thực.
Từ vụ việc liên quan đến phiên tòa xử linh mục Nguyễn Văn Lý cũng có thể rút ra một điều: đã đến lúc, cần phải coi việc trau dồi để đạt đến một trình độ tinh thông về chuyên môn là một trong những chuẩn mực của đạo đức và đạo đức cách mạng. Không ai nghi ngờ về mục đích đúng đắn của nhân viên bảo vệ pháp luật kia muốn giữ gìn trật tự cho một phiên tòa quan trọng. Tuy nhiên, cách hành xử của anh ta rõ ràng là non yếu về nghiệp vụ và thiếu trầm trọng nhạy cảm chính trị. Và nó đã gây ra những tác động tiêu cực đến hình ảnh của cơ quan công quyền, hệ thống hành pháp và uy tín của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất nhiên, không phải là Đảng và Nhà nước không có ý thức về mối quan hệ hài hòa, biện chứng giữa Đức và Tài, nhưng hình như không phải lúc nào, ở đâu, những chủ trương đó cũng được nhận thức đúng đắn. Nhiều khi ở chổ này, chỗ kia, nhận thức sai lệch về vấn đề này vẫn xuất hiện dưới những vỏ bọc tưởng chừng có lí nhưng nguy hiểm kiểu như: người lãnh đạo không cần giỏi chuyên môn, chỉ cần giỏi quản lí hay người cán bộ chỉ cần trung thành với chế độ là có thể vượt qua được mọi thử thách… Thực tế đã cho thấy sự yếu kém về chuyên môn đã gây ra những tác hại khôn lường đối với sự phát triển nói chung của đất nước. Vậy, phải chăng đã đến lúc cần xác lập một chuẩn mực đạo đức mới dựa trên sự tinh thông nghiệp vụ và khát vọng hướng đến những đỉnh cao của năng lực chuyên môn?
Rõ ràng, hoàn cảnh mới đang bắt buộc chúng ta phải xác lập những giá trị mới.
———
  

 

Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)