Tính nhân văn của Chiến lược KH&CN
Chiến lược là việc xác định những mục tiêu mang tính toàn cục, lâu dài cho một tổ chức, Đảng phái chính trị, và thường là của một quốc gia, dân tộc. Vì những mục tiêu lâu dài, toàn cục như thế, nhiều khi trong thực tế, các chiến lược thường chạy theo những mục tiêu chung chung, vô cảm, không thể hiện được nhu cầu cụ thể, bức xúc, thiết yếu trong sản xuất và đời sống của đông đảo các tầng lớp dân cư. Thí dụ cách đặt mục tiêu cho một quốc gia đứng vị trí thứ mấy trong khu vực, ở vào trình độ nào trên thế giới về tiềm lực KH&CN v.v.
Chắc chắn, hàng triệu người dân đang phải hằng ngày hằng giờ sử dụng nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh, hàng triệu người dân đủ các loại bệnh tật hiểm nghèo chưa chăm sóc y tế kịp thời, hàng triệu đồng bào bị nhiễm chất đọc da cam với những hậu quả đau thương lâu dài, hàng triệu bà con nông dân nay chặt cây này mai trồng cây khác, phó mặc cho giá cả lên xuống trên thị trường, các thế hệ người Việt đau xót trước hiện tượng văn hóa Việt đang bị xói mòn, sẽ không cảm nhận được hoặc có thì cũng không hề thấy các chiến lược với cách xác định mục tiêu như thế là hữu ích, thiết thân. Cần nói thêm là cũng với cách xác định mục tiêu chiến lược như vậy, các nhà làm chiến lược KH&CN vô hình trung dễ sa vào thứ chính trị mị dân. Thứ đến, do hậu quả của quá khứ để lại, tư duy của các nhà hoạch định chiến lược phát triển KH&CN chỉ thiên về các lĩnh vực khoa học công nghệ mà không quan tâm đúng mức đến các vấn đề của khoa học xã hội và nhân văn, (có thể là do người ta không dễ và không ở đâu xếp hạng một nền văn hóa đứng thứ mấy trong khu vực và trên thế giới ?!). Công nghệ có thể là then chốt, là chìa khóa cho phát triển nhưng suy cho cùng chỉ là phương tiện. Rất nhiều nhu cầu thiết thực về đời sống nội tâm, tâm tư, tình cảm của con người sẽ không được giải quyết nếu như chúng ta chỉ chạy theo những thứ hạng hoặc mỹ từ mạnh yếu về mặt này mặt khác, nhất là các lĩnh vực công nghệ. Và sau cùng, không thể có tính nhân văn nếu một chiến lược KH&CN được xây dựng không có sự tham gia của người dân, và do đó các nhu cầu thiết thực của người dân không được thể hiện trong chiến lược, không chỉ ra được có những liên hệ nhân quả nào đó giữa các mục tiêu chiến lược chung chung với những nhu cầu thiết thực của họ. Việc bộ bộ, ngành ngành làm chiến lược mà chiến lược của ngành nào chỉ biết đến chiến lược của ngành ấy chắc chắn cũng sẽ sản sinh ra những thứ chiến lược không có tính nhân văn, bởi vì mỗi con người phải là “tổng hòa của các mối quan hệ trong xã hội” mà sự thiếu phối kết hợp giữa các chiến lược không thể bảo đảm được.
Thành thử, bên cạnh một số yêu cầu khác, bảo đảm tính nhân văn nên và phải là một yêu cầu thiết yếu của chiến lược phát triển KH&CN nước ta đang chuẩn bị xây dựng. Bảo đảm tính nhân văn của chiến lược đòi hỏi trước hết quá trình xây dựng phải có sự tham gia của người dân, chí ít thông qua các tổ chức đại diện của họ, phải tạo ra khuôn khổ làm chiến lược mang tính tổng thể, đủ rộng rãi để các chiến lược của các Bộ, các ngành, các lĩnh vực KH&CN phối hợp chặt chẽ với nhau, hướng vào giải quyết những nhu cầu thiết yếu của người dân. Chạy theo các thứ hạng cũng được, nhưng không nên nếu chỉ chạy theo thứ hạng. Hãy xem Nhật Bản, một cường quốc công nghệ trên thế giới nhưng mục tiêu chiến lược KH&CN của họ đến năm 2025 được xác định là “bảo đảm cho mọi người dân Nhật Bản có thể sống mạnh khỏe suốt đời”.