Tính trung thực của người nghiên cứu

Những ví dụ nêu ra trong bài viết này chúng tôi cố ý chọn những sự kiện xuất hiện đã rất xa trong quá khứ, hầu như chỉ liên hệ với những người đã từ nhiệm, để tránh những điều tế nhị liên quan đến những người đang có địa vị đương thời. (Nói là những sự kiện đã xảy ra rất xa trong quá khứ, nhưng không phải không còn tồn tại trên đất nước ta). Dù vậy, chúng tôi vẫn gửi lời xin lỗi các bạn có liên quan đến các sự kiện được nêu. Chúng tôi không có ý thức chỉ trích cá nhân, mà chỉ mong sao cộng đồng nghiên cứu, và nhất là các cơ quan hoạch định chính sách khoa học, rút ra được bài học từ những sự kiện này, để nền khoa học của chúng ta đi vào quỹ đạo lành mạnh của khoa học.

Những biểu hiện thiếu trung thực trong khoa học ở nước ta có ở hầu hết mọi lĩnh vực và khá đa dạng, thậm chí đa dạng hơn những gì chúng ta có thể đọc được về sự vi phạm các chuẩn mực đạo đức khoa học trên thế giới. 

 

Chị cho tôi xem cái đèn

Câu chuyện cách đây đã vài ba chục năm. Ông A và ông B là hai chuyên gia về một lĩnh vực kỹ thuật có quan hệ rất gần gũi, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn bè, cùng quan tâm nghiên cứu một loại đèn. Ông A nghiên cứu thành công, ông B loay hoay chưa biết xử lý thế nào. Rồi đến những ngày chuẩn bị triển lãm các thành tích sáng tạo kỹ thuật trong toàn quốc, ông A đi công tác nước ngoài, không có điều kiện chuẩn bị cho triển lãm. Ông B, với tình thân giữa hai gia đình, đến thăm gia đình ông A, đương nhiên, ông được bà vợ ông A đón tiếp rất cởi mở. Bỗng dưng ông B nói theo kiểu như “sực nhớ” ra điều gì đó rất ngẫu nhiên: “À chị này, hình như Anh A đã làm thành công cái đèn phải không?” Với tính tình chân thật rất phụ nữ, bà A khoe đủ chuyện, nào là ông lọ mọ không ăn không ngủ đến chuyện dũa-khoan-cắt-gọt suốt ngày… Ông B lại có một đề nghị … cũng rất đột xuất: “Hay nhỉ! Chị có thể cho tôi chiêm ngưỡng công trình của anh không?”. Bà A được dịp: “Gớm, mọi thứ đang còn để ngổn ngang trong cái phòng thí nghiệm của ông ấy đây này”. Thế là bà đưa ông bạn vào … khảo sát toàn bộ cái góc thí nghiệm của ông A. Ông B đã xem xét rất kỹ, từ các thiết bị, dụng cụ mà ông A sử dụng, cho đến những bán thành phẩm và phế phẩm mà ông chưa kịp thu dọn. Với con mắt của nhà chuyên môn, ông đã khám phá toàn bộ bí mật của ông A. Kết quả, ông B đã kịp mang giới thiệu toàn bộ công trình “của mình” tại triển lãm sáng tạo toàn quốc, và đương nhiên, được lĩnh một giải thưởng nào đó, trong khi ông A còn chu du ở nước ngoài.

Bạt ngàn cây ấy

Cũng khoảng gần ba mươi năm trước đây, sau khi bảo vệ thành công luận án ở nước ngoài, Tiến sỹ P. có sáng kiến phát triển tại quê hương mình một giống cây do ông lai tạo dựa trên một nguyên lý khoa học mới.

Ông đã được các nhà lãnh đạo địa phương giúp đỡ, và đặc biệt là được cấp kinh phí để phát triển giống cây quý này cho quê nhà. Sau mấy tháng thì trên những triền đồi quê hương của ông đã bạt ngàn loại cây ấy. Ông tuyên truyền khắp nơi về “thành tựu” của ông. Ông cũng “lọt” được vào “mắt xanh” của các nhà lãnh đạo, và các nhà lãnh đạo này cũng đã tạo nhiều điều kiện ưu đãi cho ông lập một viện nghiên cứu và ông được cử làm viện trưởng. Nhưng rồi, … cái cây mọc bạt ngàn trên đồi, với chi phí hàng nhiều chục tỷ đồng quy đổi theo thời giá hiện nay, đã không tạo ra bất cứ thứ hạt nào như trong thuyết minh của ông với các nhà lãnh đạo ở địa phương. Một số người nói ông chưa có kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn; số người khác nói ông chỉ mới thành công trong labô, chưa đủ điều kiện triển khai đại trà trên một vùng đất rộng lớn; số khác thì nói ông lừa đảo… Mỗi người đều cố đưa ra những bằng chứng để bảo vệ ý kiến của mình.

Đề nghị tiến sỹ làm thêm thí nghiệm

Cũng khoảng trên 20 năm trước đây, tôi được tham gia như một người trong cuộc liên quan một sự kiện rất đáng ghi nhận.

Có lần, một vị tiến sỹ trình với Thủ tướng đề án xin cấp vốn đầu tư xây dựng một xí nghiệp chế biến bột sắn với mục đích là nâng cao hàm lượng đạm trong bột sắn, một số anh em gọi nôm na cho dễ hiểu (cũng có chút châm biếm) … là biến sắn thành đậu nành.

Đề án xin được cấp ba trăm triệu, có lẽ tương đương khoảng tiền tỷ hiện nay. Đó thực sự là một đề án không nhỏ. Thủ tướng hẹn ngày để vị tiến sỹ đến gặp ở Văn phòng Chính phủ. Đúng hẹn, vị tiến sỹ đến, thì … giật thót người, là không chỉ có Thủ tướng, mà còn có cả các nhà nghiên cứu thuộc cùng lĩnh vực này, mà lại … “ngang phân” với tác giả, đã ngồi sẵn ở đó (Thì ra Thủ tướng sử dụng phương pháp Peer Review!). Ngoài ra còn có cả đại diện của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (Thủ tướng lại sử dụng cả bộ máy quản lý!).

Sau phần tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, tác giả được trình bày đề án, rồi đến phần hỏi và trả lời. Phần này rất dài và có nhiều ý kiến phong phú được nêu ra. Xin được tóm tắt vài ý kiến quan trọng như sau:

Hỏi: Yêu cầu mô tả quy trình.

Xác nhận sau thảo luận: Quy trình hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về khoa học.

Hỏi: Hàm lượng đạm của bột sắn sau chế biến?

Xác nhận: Hoàn toàn đạt yêu cầu như dự kiến, tương đương đậu nành.

Hỏi: Giá thành?

Đáp: 120 Đồng/kg

Hỏi: Giá đậu nành ở chợ?

Đáp: 12 Đồng/kg

Hỏi: Ai ăn được thứ bột sắn chế biến này?

Đáp: Nuôi heo.

Thủ tướng  đưa ý kiến nhận xét hơi có chút hóm hỉnh về hiệu quả: Đậu nành thật giá … có 12 Đồng, mà mua về cho người ăn; Còn đậu nành “dổm” giá… những 120 Đồng, mà lại mua về cho heo ăn… Heo xài sang gấp … mười lần người (!)

Thủ tướng kết luận: “Như thế chưa thể đầu tư sản xuất. Chính phủ đề nghị Ủy ban KH&KT Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) xem xét cấp kinh phí (có lẽ nên khoảng 50 triệu) để tác giả tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công trình này”.

Từ đấy đến nay đã trên hai mươi năm. Vậy mà chưa nghe ở đâu kết quả nghiên cứu này được áp dụng để phát triển thành một xí nghiệp chế biến sắn thành một thứ bột có hàm lượng đạm ngang với đậu nành.

 

Viện được sử dụng mật phí1

 Nhận dạng chân dung xã hội của những đạo văn trong khoa học, chúng ta có thể thấy đủ mặt các ngành khoa học, có cả giáo sư, viện sỹ, tiến sỹ, nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên “chân đất”, có cả một số vị lãnh đạo bộ, lãnh đạo các cục, vụ, viện, lãnh đạo các trường đại học và các chuyên viên “chân đất”. Đây có lẽ là điều rất đáng buồn về mặt đạo đức trong nền khoa học nước nhà

Đây là câu chuyện ở giữa thủ đô Hà Nội. Một vài nhà khoa học lân la đến được mấy vị lãnh đạo rất cao trong Đảng và trong Chính phủ, thuyết phục thế nào đó, lập được một viện trực thuộc Chính phủ. Viện có công an đứng gác và được sử dụng mật phí và được cung cấp ngoại tệ (một chế độ đặc đãi chưa có tiền lệ ở đâu) để nghiên cứu những vấn đề trọng đại của quốc gia. Sau một vài năm, chúng tôi hỏi nhau về những thành tựu mà Viện đã cống hiến cho quốc gia, thì được một vị vụ trưởng ở Ủy ban KH&KT Nhà nước cho biết: “Đơn vị nghiên cứu vật lý màng mỏng của Viện này đã sản xuất được … bộ thiết bị làm bánh đa nem; Đơn vị về điện tử gì đó thì có thêm chức năng buôn xe máy… second hand từ nước ngoài, chất đầy một nhà kho cũng được công an canh gác cẩn mật; Một đơn vị gì đó nữa thì mở cơ sở sản xuất nước tương… xì dầu… Còn những khoản ngoại tệ được giao sử dụng thì không quyết toán được; Một kho máy tính mua bằng ngoại tệ mạnh thì bỗng nhiên bốc cháy”. Sau ít năm sau, Thủ tướng quyết định nhập viện này vào một bộ, không được “trực thuộc Chính phủ” nữa.

Cho đến ngày nay đã trên hai mươi năm, không ai nghe nói Viện đã có thành tựu nào đóng góp cho quốc gia, cũng không thấy có bài báo nào công bố gây tiếng vang quốc tế. Còn các nhân vật chủ chốt – tác giả của sự phù phép đó – thì được đưa lên những chức vụ rất cao và ngồi đó bàn thảo chính sách khoa học và phán xét lập trường, tư tưởng, đạo đức của những người làm khoa học chân chính.

 

Đạo văn và bao che đạo văn

 Vài ba chục năm trước đây. Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT của một tỉnh (nay gọi là Sở Khoa học và Công nghệ) được mời đến làm việc với Bí thư Tỉnh ủy. Bí thư tỏ thái độ rất quan tâm đến khoa học của tỉnh nhà. Bí thư nói: “Này tôi nghe nói khoa học mới phát minh ra … rễ đậu nành tốt lắm. Nó có tác dụng cải tạo đất, hơn cả phân hóa học. Tôi dự định đề nghị Ủy ban Nhân dân Tỉnh cấp cho các cậu vài chục tấn đậu nành và dăm chục hecta đất để gieo đậu nành. Khi cây đậu nành lớn chừng ngần này (ông vừa nói vừa lấy bàn tay lia lia ngang để giữ một khoảng cách với mặt đất) thì … dập cây đậu nành xuống ruộng để cải tạo đất”. Tuy Bí thư nói kiểu gia đình như thế, nhưng là lệnh không ai dám cãi dù biết rằng làm như vậy là “vứt tiền qua cửa sổ”. Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT nghĩ xót tiền dân, tự thấy không nỡ làm cái việc hại dân đó. Nghĩ mãi, cuối cùng, ông quyết định lấy hai dải đất cách hai mép quốc lộ dăm bảy mét và trồng đậu nành trên đó, chờ khi đậu nành lớn lút tầm nhìn của người ngồi trong xe Volga[2]thì đưa Bí thư đi xem. Chúng tôi hỏi tại sao lại trồng trên hai dải đất rộng dăm bảy mét từ hai mép quốc lộ, thì ông giải thích, … sau này mời Bí thư phóng vèo xe Volga để thị sát thôi. Khi ấy ông sẽ thấy xanh rờn cây đậu nành trải dài kín hai bên đường là hài lòng và khen rồi!

Nhiều người đã viết bài lên án nạn đạo văn trong khoa học ở nước ta. Tôi đã thử làm tổng kết. Thì ra có rất nhiều kiểu đạo văn, từ trắng trợn thô thiển đến tinh vi … “tế nhị”

–         Có vị dịch sách, nhưng đã ghi tên mình là tác giả; Cùng loại này, có vị viết sách, ghi tên mình là tác giả, nhưng thực ra là dịch cóp nhặt từ vài ba nguồn tài liệu.

–         Có vị lấy toàn bộ một chương sách của đồng nghiệp để viết báo và ký tên mình là tác giả

–         Có vị “cắt tỉa” sách của đồng nghiệp để “viết” thành sách của mình

–         Có vị cóp toàn bộ một cuốn sách, chỉ thay các đề mục. Ví dụ, tên của mục là “Khái niệm về luật dân sự”, thì sửa lại là “Luật dân sự là gì?”

–         Có vị, chức tước cao thấp khác nhau, đã tập hợp nhân viên viết sách để ký tên mình là tác giả, còn các tác giả đích thực thì được nhận mấy lời “Cảm ơn” đã cộng tác (!)

–         Có vị cóp sách của đồng nghiệp rồi ghi mấy lời cảm ơn trong  “Lời nói đầu”, còn bên trong thì không có bất cứ một trích dẫn xuất xứ nào.

Nhận dạng chân dung xã hội của những đạo văn trong khoa học, chúng ta có thể thấy đủ mặt các ngành khoa học, có cả giáo sư, viện sỹ, tiến sỹ, nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên “chân đất”, có cả một số vị lãnh đạo bộ, lãnh đạo các cục, vụ, viện, lãnh đạo các trường đại học và các chuyên viên “chân đất”. Đây có lẽ là điều rất đáng buồn về mặt đạo đức trong nền khoa học nước nhà.

Rồi đương nhiên, đến lượt chính các vị này lại bao che những kẻ đạo văn. Họ hợp thành những liên minh ma quái để kìm hãm những người tử tế. Trong cộng đồng khoa học Việt Nam, điều đáng buồn hơn, chính những người tố giác đạo văn lại bị khinh rẻ và lên án. Còn những kẻ đạo văn và bao che đạo văn lại luồn lọt lên những chức vụ rất cao, để ngồi đó phán xét đạo đức khoa học của người khác. Trách gì nền khoa học nước ta suy kém!

Ngụy tạo dữ liệu

Báo chí ở nước ta có dạo bàn luận sôi nổi về sự kiện ngụy tạo dữ liệu để dựng chuyện về thành công nghiên cứu tế bào gốc của Giáo sư Hwang Woo Suk (Hàn Quốc), rồi giáo sư Eric Poehlman, (Đại học Vermont, Mỹ), tiến sỹ Jon Sudbo (Đại học Oslo, Na Uy), v.v… Nhưng các báo chí cũng quên rằng, Việt Nam chúng ta đâu có ngoại lệ, mà chẳng thấy ai lên án?

Khai báo thành công trong việc nghiên cứu nâng cao hàm lượng đạm trong bột sắn để xin hàng trăm triệu đầu tư xây dựng một xí nghiệp sản xuất có thể xem là một ví dụ; Khai báo thành công trong việc tạo một giống cây rồi xin đầu tư gieo trồng trên những vùng đồi rộng lớn là một ví dụ. Rất nhiều những ví dụ tương tự, có vụ còn “tày đình” hơn nhiều, nhưng không thấy được nêu tên tuổi trên báo chí. Hỏi ra thì được biết, nêu những sự kiện đó lên thì lại đụng chạm đến ông X, bà Y, … “xấu chàng hổ ai”.

Đôi điều ghi nhận

Tất cả các sự kiện được trình bầy trong bài báo này có thể quy về hai tội trong khoa học:gian lận và ăn cắp.

Đã đến lúc Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) phải chú ý đầy đủ hơn đến các chế tài để duy trì chuẩn mực đạo đức khoa học. Chế tài này không chỉ đặt trên trách nhiệm của nhà nghiên cứu, mà quan trọng hơn, là những kẻ bao che những vi phạm đạo đức trong khoa học./.

Gian lận liên quan đến thái độ trung thực của nhà khoa học. Nó liên quan đến việc ngụy tạo số liệu, bóp méo dữ kiện, không nghiêm túc trong phương pháp nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu; còn ăn cắp liên quan đến thái độ trung thực trong quyền sở hữu trí tuệ. Gian lận thì không ăn cắp của ai, nhưng làm biến dạng thực thể tri thức khoa học; Còn ăn cắp thì không làm biến dạng thực thể tri thức khoa học, mà chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cả hai hiện tượng này đều luôn là chủ đề được cộng đồng nghiên cứu quan tâm.

Trên quan điểm của xã hội học khoa học, Zuckerman cho rằng, “gian lận và ăn cắp đã huỷ hoại niềm tin vào cộng đồng khoa học. Đó là niềm tin vốn rất chính đáng rằng, những gì mà các nhà khoa học nói, là chân lý tin cậy nhất”. Zuckerman cũng cho rằng, cả hai tội này đều “cần phải trừng phạt nghiêm khắc đến mức dẫn đến phá hoại toàn bộ sự nghiệp của đương sự”.

***

Gần đây tôi được đọc một số bài trên báo chí và trên mạng phê phán nhà văn Vương Trí Nhàn về tội … ông đã dám nêu những … thói hư tật xấu của người Việt… thậm chí có bài còn hỏi Vương Trí Nhàn, đại loại là ông có xấu như thế không. Nhà văn đã bẽn lẽn trả lời… Tôi đâu có là ngoại lệ! Liệu đến một ngày nào đó, có người sẽ học tập Vương Trí Nhàn viết về thói hư tật xấu trong cộng đồng khoa học Việt Nam?

Còn tôi, trong bài viết này, như các bạn đồng nghiệp thấy đấy, tôi cũng không tiện gọi sự vật bằng tên thật của nó. Có lẽ vì không muốn bị mang tiếng là bôi nhọ ông A, bà B,… những ông bà đang ngồi ở những vị trí cao trong cộng đồng khoa học… Như tôi đã ghi nhận ở trên: Ở nước ta, phanh phui những tật xấu thì bị lên án hơn chính những tên tội đồ.

Đã đến lúc Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) phải chú ý đầy đủ hơn đến các chế tài để duy trì chuẩn mực đạo đức khoa học. Chế tài này không chỉ đặt trên trách nhiệm của nhà nghiên cứu, mà quan trọng hơn, là những kẻ bao che những vi phạm đạo đức trong khoa học./.

Ý kiến của bạn?

———–

[1]  Mật phí là cách gọi một loại ngân khoản dùng riêng trong quốc phòng và an ninh, không chịu bất kỳ sự giám sát nào của hệ thống tài chính nhà nước.

[2]  Volga là loại xe do Liên Xô sản xuất, dành cho các vị lãnh đạo cấp bộ trưởng trở lên.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)