Tố cáo xâm hại tình dục: Áp lực phẩm giá và kẽ hở luật pháp

Để có thể tố cáo đến cùng sự việc, phụ nữ phải đối diện với quá nhiều xiềng xích, gồm các định kiến đổ lỗi, quan niệm về trinh tiết, bổn phận của phụ nữ trong việc giữ gìn phẩm giá cho chính mình, gia đình, dòng họ...

Ảnh minh họa: Newyorker

Vụ việc nhà thơ Dạ Thảo Phương công khai tố cáo một đồng nghiệp nam quấy rối và cưỡng hiếp cô từ cách đây 23 năm đã gây xôn xao dư luận với câu hỏi: Vì sao cô không tố cáo ngay tại thời điểm xảy ra sự việc mà tới bây giờ mới công khai? – ở thời điểm đã hết thời hạn tố tụng hình sự.

Ở Việt Nam, chủ đề xâm phạm tình dục ít được thảo luận, thậm chí còn coi là cấm kỵ với các gia đình nạn nhân và cộng đồng. Cách đây ba năm, Phạm Lịch là một trong những người hiếm hoi tố cáo bị quấy rối tình dục. “Tôi chia sẻ với mẹ câu chuyện này. Mẹ quyết liệt không ủng hộ tôi nói ra và năn nỉ hãy bỏ qua đi”, cô kể lại trên báo chí phản ứng của mẹ khi bà không muốn thấy con gái chịu áp lực bủa vây khi thông tin tố cáo bung ra. Năm 2017, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau tố cáo hàng xóm xâm hại nhưng kết quả điều tra lại kết luận kẻ biến thái vô tội, dẫn đến việc cháu bị mang tiếng với xóm làng đến mức uất ức uống thuốc sâu tự vẫn. Năm 2015, một cháu gái 15 tuổi ở Đồng Nai đã phải uống thuốc sâu tự tử khi bạn trai tung clip nhạy cảm của cháu lên mạng. Điều đáng nói, bạn trai cháu 22 tuổi đã phạm luật, dù quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên lại bị cộng đồng bêu rếu.

Có một điểm chung giữa những câu chuyện tiêu biểu được nêu lên báo chí là dễ bị chìm vào quên lãng và chính nạn nhân tố cáo mới là người cảm thấy bị nhục nhã tới mức phải tự tử, gia đình phải chịu áp lực, không muốn hoặc không thể tố cáo thủ phạm. Những vụ việc nghiêm trọng đó vẫn còn chưa phản ánh được một sự thật khác: phần lớn nạn nhân bị xâm hại tình dục thường giữ kín câu chuyện của mình trong “hộp đen”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên thế giới: có những thống kê cho thấy, hơn 90% những nạn nhân bị hiếp dâm hoặc quấy rối sẽ không tố cáo.

Khả năng nhận thức, áp dụng pháp luật của cán bộ tiếp nhận tố cáo của nạn nhân xâm hại tình dục sẽ chi phối rất lớn đến sự tương tác giữa các cán bộ tiếp nhận và người trình báo vụ việc.

Có lẽ, chúng ta sẽ không bao giờ biết chính xác nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Việt Nam là bao nhiêu nhưng một số khảo sát như một nghiên cứu vào năm 2015 tại Việt Nam của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hợp tác cùng Navigos Search l cho thấy, 17% số người được hỏi trong nhóm ứng viên nhân sự cấp trung cho biết chính họ hoặc người quen đã từng bị cấp trên đưa ra những đề nghị liên quan đến tình dục để đổi lấy các lợi ích công việc. “Phần lớn các nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc là lao động nữ tuổi từ 18 đến 30. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc”, theo một nghiên cứu do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012. Như thế, hàng chục nghìn trường hợp được đưa ra xét xử ở Việt Nam trong vòng năm năm qua có lẽ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Đơn giản là vì tố cáo, công khai thông tin đồng nghĩa với việc nạn nhân phải tự bước vào một đoạn trường…

Không muốn, không thể, không được

Khi nhận được câu hỏi của phóng viên Tia Sáng vì sao người bị hại thường không theo đuổi tố cáo vụ việc đến cùng thì PGS.TS Nguyễn Thu Hương, Khoa Nhân học, Đại học KHXHNV, ĐHQGHN, người đã nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ về xâm hại tình dục đối với phụ nữ tại Đại học Amsterdam, Hà Lan trả lời “các nạn nhân thường 1) không muốn; 2) không thể; và 3) không được”.

Bước đầu tiên, nạn nhân sẽ chỉ được pháp luật coi là ‘người bị hại’ nếu được cơ quan tiến hành tố tụng thừa nhận là người tham gia tố tụng – nghĩa là nạn nhân sẽ phải chứng minh được ‘bị thiệt hại’ với cơ quan tiến hành tố tụng. Cùng lúc, nạn nhân sẽ phải chứng minh được ‘bị thiệt hại’ về sức khỏe thể chất, tinh thần, tình dục với tỷ lệ thương tật cơ thể, sang chấn tâm lý… , nghĩa là cần có giám định pháp y tại cơ sở có thẩm quyền. Và thêm một loạt các thủ tục giấy tờ giới thiệu, chuyển gửi giữa các bên liên quan (công an, y tế, pháp y…) nhưng phải hết sức nhanh chóng vì càng để lâu càng khó chứng minh tổn thương, thậm chí mất hết bằng chứng vật chất trên cơ thể nạn nhân.

Trong khi đó bước tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm lại thường diễn ra tại trụ sở công an xã/phường hoặc có thể là các trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp khác. “Thế nên sẽ rất hên xui”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết “tùy thuộc trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm và nhận thức của cán bộ tiếp nhận sẽ tác động đến mức độ thông tin về vụ việc có được ghi nhận chính xác, kịp thời và đầy đủ đến đâu, cũng như thái độ, ứng xử của cán bộ phụ trách tiếp nhận với người trình báo (nạn nhân, người nhà, bạn bè… của nạn nhân) hoặc qua các kênh thông tin khác”. Ở bước này, cũng là lúc các vấn đề về quy định, khái niệm luật (các yếu tố định tội, định khung xử án…) và khả năng nhận thức, áp dụng pháp luật của cán bộ tiếp nhận tố cáo sẽ chi phối rất lớn đến sự tương tác giữa các cán bộ tiếp nhận và người trình báo vụ việc.

Phong trào #Metoo đã giúp nhiều phụ nữ vững tâm khi tố cáo thủ phạm.

Đây cũng là lúc mà các quan niệm, định kiến, những cách hiểu sai lệch kiểu ‘dán mác’ về hiếp dâm, nạn nhân hiếp dâm, thái độ đổ lỗi.. thường thấy trong xã hội sẽ chi phối hành vi, phản ứng của cán bộ phụ trách tiếp nhận. Với những vụ việc mà thông tin đã đăng tải/phổ biến trong dư luận xã hội, thì cả nạn nhân, người thân của họ, cán bộ tiếp nhận đều chịu tác động từ kênh dư luận trong suốt quá trình/từng bước thủ tục.
Sơ sơ như vậy, mới chỉ xem xét các giai đoạn ban đầu (chưa nói đến đi vào quy trình tố tụng hình sự) để đưa vụ việc ra ánh sáng pháp luật, qua một phép cộng nho nhỏ thôi đã thấy xu hướng giải quyết các vụ án xâm hại tình dục hiện vẫn đang thiên về đặt trách nhiệm lên nạn nhân: sẽ phải chứng minh ‘bị thiệt hại’; chứng minh ‘là trái ý muốn’ và buộc phải có đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Cũng kể từ đây người tố cáo bước vào một quá trình dài giằng xé giữa công khai theo đuổi chứng minh thiệt hại trước pháp luật và áp lực từ cộng đồng xã hội, văn hóa truyền thống, sẽ tác động đến tâm lý, lựa chọn của nạn nhân: có muốn tiếp tục đeo đuổi nữa hay không?

Việc có muốn tiếp tục theo đuổi là yếu tố quan trọng có tính bước ngoặt trong toàn bộ quá trình còn lại, vì đây là tội “buộc phải có đơn tố cáo của người bị hại thì mới khởi tố vụ án và điều tra”, TS. Trần Kiên, Khoa Luật, ĐHQGHN, cho biết. Đây chính là kẽ hở của luật pháp, có thể bị thủ phạm lợi dụng và tạo ra một vùng xám: Nếu nạn nhân vì bất kỳ một lý do, áp lực nào phải rút đơn thì thủ phạm sẽ hoàn toàn vô tội trước pháp luật, vụ án bị hủy, không thể khởi tố.

Giả sử, cá nhân đó ‘qua’ được bước kiểm tra, xác minh ban đầu, đi tiếp vào giai đoạn sau thì sẽ tiếp tục đối mặt các vấn đề bất cập khác về quy định pháp luật tại từng giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự. “Theo quan sát nghiên cứu của mình, thì việc cá nhân đưa ra lựa chọn sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự cân nhắc, nâng lên đặt xuống rất nhiều của cá nhân đó. Về mặt chủ quan, họ có đủ hiểu biết về luật pháp, có khả năng về mặt chủ quan như tính cách, thói quen kiểm soát cảm xúc như thế nào bởi nạn nhân sẽ phải đối diện với các dấu hiệu rối loạn stress/sang chấn tâm lý hậu chấn thương, điều kiện tài chính hay không. Và hoàn cảnh khách quan là yếu tố vô cùng quan trọng, như quan ngại về các nguy cơ, rủi ro cho bản thân, cho gia đình, người thân, đồng nghiệp nếu họ trình báo và tiếp tục theo đuổi – những yếu tố này đóng vai trò rất lớn trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.

Thế nên đa số nạn nhân đã không trình báo với cơ quan chức năng. Vào những năm 2000, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương đã tiến hành một nghiên cứu công phu để đi tìm những nạn nhân không lên tiếng. Để tìm ra những nạn nhân, chị đã phát khoảng 50 nghìn tờ rơi ở Hà Nội nhằm tìm kiếm nạn nhân và nghiên cứu sâu về 23 trường hợp để tìm hiểu những khó khăn mà họ vấp phải trong quá trình dài đi tìm công lý cho mình.

Có lẽ không có nạn nhân của một loại tội phạm nào lại phải mang ám ảnh tội lỗi thuộc về mình như nạn nhân quấy rối tình dục, hiếp dâm. Mặc cảm ấy xuất phát từ chính họ và từ cái nhìn của cộng đồng trong một truyền thống văn hóa coi trọng trinh tiết, phẩm giá gia đình dòng tộc.

Giằng xé giữa mặc cảm “tội lỗi” và “bổn phận”

Nghiên cứu của chị Thu Hương cho thấy, trải nghiệm khi bước vào đoạn trường tố cáo không chỉ thuộc về những nạn nhân, mà liên quan đến “danh dự gia đình”, vì trong văn hóa Việt Nam, việc người phụ nữ bị “vấy bẩn” sẽ ảnh hưởng tới bộ mặt gia đình, dòng họ. Truyền thống Nho giáo, áp lực danh dự gia đình dòng họ thường khiến gia đình nạn nhân phải rơi vào trạng thái “cân nhắc” tính toán thiệt hơn, thậm chí trải qua quá trình thương lượng với gia đình thủ phạm để vụ việc không loang rộng, để bảo toàn danh dự cho con gái và gia đình. Nếu nạn nhân và gia đình không bước qua được vòng trong danh dự để tố cáo thì khi đó, những sự việc và cả nạn nhân sẽ mãi mãi ở lại trong vùng tối.

Với trường hợp của Dạ Thảo Phương hay Phạm Lịch, dù dũng cảm đã tố cáo, nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở biên bản làm việc giữa các bên liên quan, sau đó chìm dần vào quên lãng và không còn đủ bằng chứng để kết tội nữa. Thật trớ trêu, nạn nhân phải hứng đủ làn sóng chỉ trích, bêu riếu từ cộng đồng về tư cách đạo đức, phẩm hạnh của mình. Có lẽ không có nạn nhân của một loại tội phạm nào lại phải mang ám ảnh tội lỗi thuộc về mình như nạn nhân quấy rối tình dục, hiếp dâm. Mặc cảm ấy xuất phát từ chính họ và từ cái nhìn của cộng đồng trong một truyền thống văn hóa coi trọng trinh tiết, phẩm giá gia đình dòng tộc. Nghiên cứu “Tình dục, chuyện dễ đùa khó nói” của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho thấy “sự ám ảnh của trinh tiết”, trinh tiết như là một chỉ dấu về chất lượng của phụ nữ. Ngay cả khi đã làm vợ, làm mẹ thì phụ nữ vẫn có bổn phận phải hành xử đúng mực, phải có trách nhiệm giữ gìn phẩm giá gia đình cho cả chính mình và con cái.

Áp lực này khiến cho chính nạn nhân luôn cảm thấy mang nặng tội lỗi với gia đình. Những người bà, người mẹ của nạn nhân cũng thường phải trải qua quá trình “thương thảo”, rất cân nhắc đến phẩm giá của con mình và của cả dòng họ. Trong công bố của mình, chị Thu Hương đã ghi chép lại có những gia đình thủ phạm đã thương lượng – vừa van vỉ vừa dọa nạt gia đình người bị hại “chị ơi, làm ơn nhắm mắt cho qua để chúng tôi còn sống với. Nếu chị kiện con trai tôi ra tòa thì cháu sẽ bị kết án không quá ba năm, còn con chị sẽ khó mà lấy được chồng”.

Mặc dù nạn nhân của quấy rối, cưỡng bức thường bị sang chấn tâm lý, có nhu cầu được chia sẻ, được hỗ trợ về tâm lý bởi đã có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy các hệ lụy và nguy cơ về sức khỏe thể chất, tinh thần, tình dục trước mắt và lâu dài mà nạn nhân phải chịu nhưng hiện nay Việt Nam chưa có quy trình hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục, chưa có nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Thay vì họ được tiếp cận với cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm (victim-centered approach) để hỗ trợ thì ngược lại, nhiều người tìm đến các cơ sở cung cấp dịch vụ lại bị nghi ngờ, đổ lỗi. “Trong cuộc nghiên cứu về quấy rối tình dục mà tôi thực hiện năm 1999, các nạn nhân của quấy rối tình dục ở mọi độ tuổi, bất kể hình thức của họ ra sao nhưng phản ứng của người thân và cộng đồng có thể khiến nạn nhân giấu kín”, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết. Nữ sinh có thể bị quấy rối bởi bạn bè, thầy giáo hoặc những kẻ xa lạ nhưng phản ứng của cha mẹ khi nghe con gái kể lại thường là mắng mỏ, chất vấn hoặc cấm đoán. Phụ nữ trưởng thành có thể bị quấy rối bởi đồng nghiệp, sếp, đối tác và cả những người không quen biết, ở văn phòng, công sở, nhà máy, bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng… nhưng hầu như nạn nhân không được thông cảm, giúp đỡ bởi bất kỳ ai. “Nhiều người đã tự nhủ ‘sống để bụng, chết mang theo’, vì họ sợ hãi, vì xấu hổ, vì sợ hậu quả, … và nhiều khi họ sợ những người không quấy rối nhiều hơn là kẻ quấy rối. Sự nghi ngờ, đổ lỗi, lên án, cô lập là điều mà các nạn nhân sợ nhất”, TS. Khuất Thu Hồng nói. “Nghi ngờ, đổ lỗi cho nạn nhân đã quy giản mọi trách nhiệm về cho nạn nhân, lờ đi trách nhiệm, tội lỗi của thủ phạm, dung túng cho nạn bạo lực tình dục với phụ nữ, bạo hành tập thể về mặt tinh thần với nạn nhân và ngăn chặn nạn nhân đi tìm công lý”.

Như thế, việc phụ nữ đấu tranh, tố cáo nạn quấy rối tình dục hay hiếp dâm vô hình trung đòi hỏi họ phải thực sự dũng cảm, dám chấp nhận hệ thống các quan niệm về phẩm giá, chấp nhận bị nghi ngờ, chỉ trích và cô lập, và họ phải tự bơi vượt qua các rào cản sang chấn. Chúng ta thực sự còn chưa biết đã có bao nhiêu nạn nhân của quấy rối, hiếp dâm trong cộng đồng. Một vài khảo sát gần đay, đơn cử như nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cùng ActionAid cho thấy 60% thanh thiếu niên từng bị quấy rối ít nhất một lần trong đời nhưng có tới 25% các em chưa kể với bất kỳ ai. Điều này cảnh báo cho chúng ta thấy có lẽ nạn nhân thực sự còn nhiều hơn chúng ta tưởng.

Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, việc cố cáo tội phạm tình dục vẫn là điều rất khó khăn, phải tới một mốc lớn vào năm 2017, khi phong trào #Metoo ra đời, đồng loạt phụ nữ nổi tiếng cùng lên tiếng tố cáo nạn quấy rối thì nhiều phụ nữ mới cảm thấy an toàn khi bước ra kể lại sự việc. Một số lượng lớn phụ nữ công khai, thuộc đủ mọi tầng lớp, địa vị, ngành nghề xã hội cùng chia sẻ những trải nghiệm của mình về việc đã bị xâm hại hay quấy rối tình dục, đã tạo nên một không khí đầy cảm thông khiến những người phụ nữ khác dám cất lên tiếng nói chia sẻ về những chuyện họ đã phải trải qua khi rơi vào những tình thế tương tự. Phải có một phong trào như vậy, phụ nữ mới có thể cảm thấy an toàn khi nói về những gì mình đã trải qua, không những thế, còn nhận được sự khuyến khích ủng hộ hãy làm việc ấy.

Phong trào #MeToo thúc đẩy chính phủ các nước chỉnh sửa và ban hành những bộ luật mới hướng đến bảo vệ phụ nữ. Không chỉ thế, phong trào #MeToo đã mở đường cho những cuộc tranh luận và đối thoại về việc dựa vào những yếu tố nào để xác định đâu là hành vi xâm hại, quấy rối hay đồng thuận, từ đó đặt lại những câu hỏi về các vấn đề tưởng chừng đã bị chôn vùi. Ở Việt Nam, cũng đã tới lúc đặt lại các câu hỏi về kẽ hở của luật pháp khiến nạn nhân có thể bị kẹt ở lại trong vùng xám. Quan trọng hơn, đã tới lúc cộng đồng nhìn nhận lại những đòi hỏi về bổn phận của phụ nữ, thảo luận nghiêm túc về văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân. □

Tác giả

(Visited 54 times, 1 visits today)