Tội “giết người“ không có người chết?
Nếu coi thực tế là thước đo của chân lý, thì sự kiện Tiên Lãng chấn động cả nước, đã được Thủ tướng kết luận, cần được dùng làm thước đo để kiểm tra lại rất nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan.
Từ mối quan hệ chiều ngang giữa cấp ủy Đảng, Hội đồng Nhân dân, UBND, tư pháp, hội đoàn, tới quan hệ chiều dọc xã, huyện, thành phố, trung ương…, bởi quyết định cưỡng chế trái pháp luật được thông qua cấp ủy, chỉ thị cho cấp dưới thực hiện, báo cáo với cấp trên xin ý kiến, trước khi thực hiện. Từ chỉ thị của người đứng đầu, tới văn bản lập quy, văn bản lập pháp, hiến pháp, do quyết định cưỡng chế trái luật đã viện dẫn rất nhiều văn bản luật, chỉ thị.
Từ mối quan hệ giữa hành chính, hình sự, tới quốc phòng, bởi tham gia cưỡng chế trái pháp luật bao gồm đầy đủ các cơ quan trên. Thủ tướng không thể đi giải quyết hết 64 tỉnh thành và 27 bộ, ngang bộ, hàng mấy trăm huyện, hàng mấy chục nghìn xã, nếu sự kiện Tiên Lãng, Vinh Quang ở đâu cũng lặp lại, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, mức độ này hoặc mức độ khác. Chưa nói Thủ tướng đứng đầu bộ máy hành pháp chứ không phải quan toà phán quyết các vụ việc cụ thể.
Mọi cấp hành chính, ban ngành, phải tự nó tự động giải quyết được vấn đề của nó. Muốn vậy vấn đề Tiên Lãng, giải quyết không thể chỉ nhằm vào cá nhân hay vụ việc, mà cao hơn phải từ đó hướng tới cải cách toàn diện thể chế – cái người ta thường được gọi là cơ chế, vốn không thể dễ dàng quy trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức cụ thể.
Hãy bắt đầu từ những vấn đề nhỏ lẻ cấu thành cơ chế đó, trước hết có thể đơn cử vấn đề tư pháp, định tội danh, thể hiện qua sự kiện Tiên Lãng.
Xin được dẫn về cáo buộc bị can Đoàn Văn Vươn tội danh “giết người”, được nhắc đến cả trước và sau kết luận của Thủ tướng, trong mọi văn bản liên quan, trên thông tin, báo chí, trong phát ngôn từ lãnh đạo cao cấp nhất, đến nhà chức trách tư pháp, thậm chí cả luật sư bào chữa. Rốt cuộc công luận cứ thế cáo buộc theo, trong khi không có… người chết!
Không luật pháp quốc gia tiên tiến nào cáo buộc phi thực tế, khép tội giết người lại không có người chết như vậy cả. Trong trường hợp này, pháp luật ở ta đã không hội nhập cộng đồng thế giới. Ở họ dấu hiệu đầu tiên cấu thành tội danh giết người phải có bằng chứng là nạn nhân đã chết.
Điều trớ trêu là tội danh giết người trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định trong Chương XII đều không khác mấy các nước hiện đại. Như ở Đức tội danh này được quy định tại điều 215 Giết người, điều 216 Bức tử, điều 212 Làm chết người không chủ đích, điều 222 Ngộ sát, và điều 32 Làm chết người do tự vệ khẩn cấp.
Nhưng oái ăm, cả hai nước đều không định nghĩa người chết, bởi ở Đức chết được coi là khái niệm hiển nhiên chấm dứt sự sống, không cần định nghĩa, và ngộ nhỡ bị hiểu sai đã có Toà Bảo Hiến phán quyết.
Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều tài liệu kể cả từ điển mở tiếng Việt, lại định nghĩa: “Hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người”, “Có khả năng gây ra”, chứ không phải đã gây ra, mang thì tương lai, tức hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành.
Hệ quả, bất cứ bị cáo nào dùng súng, dùng dao, và suy cho cùng bất cứ thứ gì có khả năng giết người, từ chuốc uống rượu quá ngưỡng, ăn bội thực trở đi, đều thuộc hành vi giết người, có thể bị khép tội đó tùy thuộc nhận thức chủ quan.
Lý giải tại sao hầu như chẳng ai phản đối, khi bị can Đoàn Văn Vươn bị cáo buộc oan, phạm tội danh giết người, chỉ bởi những người thực thi pháp luật đã suy diễn từ khái niệm “khả năng“ mà ra, do bị can dùng súng hoa cải, mìn tự tạo.
Chưa nói, đó không phải vũ khí giết người công dụng, nên không thể kết luận mang động cơ giết người. Trên thực tế nó chỉ nhằm ngăn chặn cưỡng chế (chưa nói nếu cưỡng chế sai luật, dù gây chết người thật, thì hành động chống cự đó chỉ được coi phạm tội ở dạng tự vệ khẩn cấp, như Đức quy định tại điều 32 Bộ Luật Hình sự của họ).
Không thể giết nhầm hơn bỏ sót
Chính tội danh giết người bắt buộc phải có dấu hiệu người chết đã làm cho nhiều vụ án ở Đức phải đình hoãn hoặc án quyết bị toà bảo hiến bác bỏ, cho dù công tố đoán mười mươi thủ phạm.
Một vụ án như vậy với tên gọi: “Giết người không có xác” được coi là điển hình trong lịch sử hình sự nước Đức cách đây 10 năm với bị cáo Hans Hansen, 57 tuổi, chủ Công ty xây dựng ở Düsseldorf Đức, bị cáo buộc giết chết triệu phú chủ bất động sản Otto-Erich Simon, 70 tuổi, buộc phải đình chỉ không thể xét xử tiếp, do bị cáo rốt cuộc mắc tâm thần, sau 135 phiên xét xử, thẩm vấn hơn 200 nhân chứng, tốn kém tới 2 triệu DM, nhưng không có bằng chứng xác chết hay hành vi trực tiếp làm nạn nhân chết để phán quyết.
Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều tài liệu kể cả từ điển mở tiếng Việt, lại định nghĩa: “Hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người”, “Có khả năng gây ra”, chứ không phải đã gây ra, mang thì tương lai, tức hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành. |
Theo cáo trạng, năm 1991, nạn nhân sống một mình bỗng mất tích. Sau đó, một hợp đồng nạn nhân bán hai ngôi nhà ở vị trí vàng giữa trung tâm thành phố trị giá 60 triệu DM cho bị cáo với giá hời 30 triệu DM chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân, được trình nhà chức trách để sang tên, bị phát hiện giả mạo.
Lập tức công tố cho rằng, ngoài bị cáo mạo giấy tờ để chiếm đoạt tài sản ra không ai có động cơ gì khác để giết nạn nhân. Trong di chúc cho người cháu, nạn nhân còn ghi rõ hai ngôi nhà thừa kế không được bán, nên chỉ giết mới có thể chiếm đoạt được. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tìm thấy hoá đơn bị cáo mua xẻng, cuốc dây dợ, cưa bê tông, túi chứa, được cho dùng để giết người, để bổ sung cho cáo buộc của mình.
Nhưng động cơ không thể thay thế bằng chứng người chết, hay hành vi trực tiếp gây ra cái chết, một dấu hiệu bắt buộc phải có trong tội danh giết người.
Hậu qủa trớ trêu là toà không thể phán quyết tội giết người, nên nạn nhân cũng coi như chưa chết, vì vậy người cháu không thể thừa kế tài sản ngay. Theo luật định phải chờ năm năm nữa toà mới có thể xét quyền thừa kế đối với trường hợp mất tích.
Một bản án sơ thẩm về “tội giết người không có xác” gần đây nhất bị Toà án Hiến pháp Đức bác bỏ cách đây hai tháng trước. Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Lotis K 33 tuổi, một phụ nữ Philippinen lấy chồng Đức, bị mất tích, không tìm thấy bất kỳ tung tích nào cả ở Đức lẫn Philippines.
Cơ quan điều tra phát hiện Lotis K trước đó quyết định bỏ chồng mang theo con. Máy nghe lén đặt bí mật tại xe của người chồng ghi được cuộc nói chuyện của người chồng với vợ chồng người em ngồi cùng xe, trong đó có câu: “Vậy là tuyệt vời, chúng ta đã giết được nó”.
Toà cho rằng, điều đó chứng tỏ người vợ đã chết, chứ không phải mất tích, thủ phạm là người chồng, giết vợ để đoạt quyền nuôi con. Toà án Hiến pháp Đức xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm yêu cầu xử lại, với lập luận, bằng chứng tự nói chuyện trong ô tô thuộc bí mật cá nhân được hiến pháp bảo vệ trước nhà nước.
Nghĩa là nhà nước không được dùng nó làm bằng chứng cho bất cứ mục đích nào của nhà nước. Toà sơ thẩm rơi vào tiến thoái lưỡng nan, đến nay vẫn chưa thể mở lại phiên toà, bởi khó có thể xử tiếp, một khi không có bằng chứng xác nạn nhân, hay hành vi của nghi can dẫn tới cái chết nạn nhân đâu đó.
Cả Đức và Việt Nam đều có Luật Hình sự về tội giết người tương đồng nhau, trong khi hai vụ án hình sự Đức viện dẫn cho thấy đến nạn nhân mất tích, họ vẫn không thể kết luận bị cáo tội giết người, thì ở ta bị can Đoàn Văn Vươn bị „vô tư“ cáo buộc tội… giết người trong khi không có bất cứ dấu hiệu người chết nào.
Phán quyết của toà quyết định vận mệnh một con người, một khi có hiệu lực khó có thể làm lại, nên không thể bàng quan trước các văn bản luật có thể dẫn tới những phán quyết oan sai.
Chưa nói, án quyết toà không phải của cá nhân quan toà, khi tuyên án bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: “Nhân danh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (ở ta), hoặc “nhân danh nhân dân” (ở các nước hiện đại), không thể để nó làm “mất thể diện” quốc gia, hay thách thức lương tri con người, bất chấp nhân dân.
Không một quốc gia nào ổn định nổi với một nền tảng, hệ thống pháp lý bất ổn cả, đặt ra cho nước ta hiện nay một nhu cầu bức bách, ưu tiên hàng đầu: Khẩn trương cải cách pháp lý, không phải từ những gì cao siêu ngoài khả năng cả, trước hết và cần nhất, xem xét lại từng văn bản luật, một khi áp dụng nó có vấn đề, khiến người dân bất yên, chính quỵền mất uy tín, vốn thuộc trách nhiệm cao cả của cơ quan lập pháp, của Đại biểu Quốc hội đã được cử tri đặt niềm tin nơi lá phiếu. Họ đang mong mỏi cần kíp hơn bao giờ hết!