Tôn vinh cái gì? Thói háo danh hay thành tích học thuật?
Suốt hàng chục năm nay, dư luận đã không ngớt truy kích bệnh háo danh, thói sính bằng cấp đang là nguyên cớ bề sâu của nhiều tệ nạn xã hội, không chỉ liên quan đến học hành thi cử mà còn đến cả những chuyện mua bán bằng cấp, chạy chức chạy quyền, liên quan đến công tác cán bộ, công tác nhân sự nói chung. Ấy thế nhưng chừng như căn bệnh này không hề thuyên giảm trước mọi sự công kích; một trong những biểu hiện nổi cộm hiện tại là sự xuất hiện cả một “Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại”, đang chuẩn bị xây dựng một Văn Miếu hiện đại rộng hàng mấy chục hecta, dựng bia đá ghi danh các tiến sĩ thời nay.
Cách đây ít năm, đã có một nỗ lực cùng loại nhưng tầm cỡ nhỏ hơn: một nhóm nào đó đứng ra tổ chức tiếp cận những người có bằng tiến sĩ các loại, tập hợp tư liệu tiểu sử, ảnh chân dung và liệt kê công trình khoa học rồi in thành 2 tập “Tiến sĩ Việt Nam hiện đại” nghe nói bán rất chạy; rất chạy là vì mỗi vị có tên trong đó sẽ mua ít nhất 1 cuốn! Còn tác dụng của 2 tập sách mỗi cuốn trên dưới ngàn trang in đó thì không thấy ai nói là có hay không!
Cách dựng “bia giấy” kể trên dẫu sao cũng “không là cái đinh gì” so với dự án vừa được công bố. Một điều rất đáng chú ý: đứng chủ trương công việc của trung tâm nói trên là những tên tuổi đã từng đứng đầu các cơ quan Nhà nước về khoa học và giáo dục. Căn bệnh sính bằng cấp, thói háo danh, qua dữ kiện về nhân sự này, càng cho thấy mức trầm kha của nó trong xã hội ta.
Thiết nghĩ nên nhìn thẳng để thấy ý nghĩa hai mặt (thậm chí nhiều mặt), ngay của những di tích như Văn Miếu Quốc tử Giám với những tấm bia khắc tên các tiến sĩ thời trước; hoặc các di tích Văn miếu, văn chỉ, còn sót lại nơi một số làng xã. Một mặt, toàn bộ các di tích ấy là bằng chứng về truyền thống hiếu học của dân ta, riêng Văn Miếu Quốc tử Giám còn là bằng chứng về sự xuất hiện khá sớm của các thiết chế giáo dục đào tạo trong chính sách của Nhà nước quân chủ trên đất nước ta mà các tấm bia khắc tên những người đỗ đạt cao đó là minh chứng rõ rệt. Nhưng mặt khác, các di tích ấy, những tấm bia khắc tên ấy cũng gắn với một trong những thói tật của người Việt đời xưa: đi học chỉ cốt đỗ đạt để được làm quan, khi đã quan cao bổng hậu, vinh thân phì gia rồi thì không “học” thêm gì nữa, chẳng có công tích gì đáng kể, đến nỗi ngoài mấy ký tự còn lại trên đá thì người mang họ tên ấy hầu như chẳng có công trình tác phẩm gì để lại cho đời.
Cho nên, với Văn Miếu, của ngày xưa hay của ngày nay, vấn đề là duy trì nó, dựng mới nó để tôn vinh cái gì? Để làm thỏa mãn thói háo danh, thói sính bằng cấp vốn cũng rất có “bề dày truyền thống” của người đời nay, hay tôn vinh thành tích học thuật của các nhà khoa học tiêu biểu, những người có thể có hoặc không có tấm bằng tiến sĩ nhưng có công trình thật sự, được thừa nhận thật sự?
Ở khía cạnh tôn vinh thành tích học thuật của những nhà khoa học tiêu biểu, theo tôi, hoạt động của trung tâm vừa thành lập kể trên có thể nên được tiếp tục, nhưng nội dung công việc, − và cả tên gọi của trung tâm nữa, − cần có ít nhiều thay đổi. Vấn đề chính trong nội dung là: nên tôn vinh những nhà khoa học có thành tích học thuật thật sự, có công trình, có đóng góp thật sự vào các ngành khoa học ở trong hoặc ngoài nước.
Còn đối với những người đã đỗ tiến sĩ, có nên ghi nhận không? Thiết nghĩ nên hay không là tùy thuộc sự suy nghĩ của chúng ta, − tức là suy nghĩ của dân chúng và nhất là của giới trí thức.
Nên nghĩ thế nào về “tiến sĩ”? Tạm bỏ qua mọi thứ lộn sòng, gian dối liên quan đến việc mưu cầu tấm bằng “tiến sĩ”, ở trong hay ở ngoài nước, ta hãy chỉ cần nhớ đó là quy chế được đánh dấu cho bậc (= học vị) cao nhất về học vấn của người đi học. Nghĩa là “tiến sĩ” dù sao cũng là dấu hiệu thuộc tư cách học trò. Đối với cuộc đời, đối với nhân quần, điều đáng quan tâm trước hết không phải là con người kia có bằng cấp gì, mà là con người có học vấn nào đó đã làm được những gì có ích, ví dụ, mở mang gì thêm cho tri thức, tạo ra cái gì mới về kỹ năng làm việc, đóng góp gì mới vào sự tiện nghi của đời sống con người? Nói cách khác, việc người ta đi học để có được những tấm bằng “cử nhân”, “thạc sĩ”, “tiến sĩ”, − chủ yếu vẫn là việc của mình và cho mình; việc người ta phát minh, sáng chế, làm ra công trình, tác phẩm, − mới là việc vì người khác, vì cộng đồng. Người ta chỉ nên tôn vinh những hành động vì cộng đồng, vì nhân loại.
Theo tôi, hoạt động của trung tâm nói trên nên hướng vào phạm trù “nhà khoa học” thay vì phạm trù “tiến sĩ”. Hoạt động chính ở đây là lập bảo tàng danh nhân khoa học người Việt. |
Nếu hiểu vấn đề theo cách như vậy thì, theo tôi, hoạt động của trung tâm nói trên nên hướng vào phạm trù “nhà khoa học” thay vì phạm trù “tiến sĩ”. Hoạt động chính ở đây là lập bảo tàng danh nhân khoa học người Việt. Hoạt động này cũng tương tự hoạt động làm bảo tàng văn học mà Hội nhà văn đang chủ trì, khác chăng là những người làm nghề bảo tàng khác nhau sẽ có sáng kiến khác nhau.
Nhân nói đến di sản của các nhà khoa học, tôi lại nghĩ đến một tình trạng hầu như trái ngược nhau khá phổ biến ở ta, ấy là sau khi một học giả tầm cỡ nằm xuống, sau tang lễ trọng thể ít lâu sẽ có việc truy tặng huân chương, giải thưởng, những hội thảo, kỷ niệm rầm rộ, v.v… nhưng chỉ có một việc rất ít khi được tiến hành: ấy là lập những nhóm chuyên gia và nhân viên để kiểm kê tủ sách, giấy tờ, bản thảo của người quá cố, để xem có những tác phẩm nào còn bỏ dở, những thư từ ghi chép ra sao, tóm lại là kiểm định phần thật sự là di cảo, bên cạnh phần công trình tác phẩm đã công bố. Từ vài chục năm trước trong dư luận đã có những lời ta thán về chuyện tủ sách cũ của học giả này hay học giả kia không được bảo quản tốt, đến nỗi để các cháu nhỏ đem xé sách quý chữ nho ra phất diều thả chơi.
Nói rộng ra, nên thấy tình trạng yếu kém cả ở việc nghiên cứu về nhân vật trong sử học lẫn việc nghiên cứu tác gia trong văn học, − yếu kém từ sưu tầm tập hợp tư liệu hiện vật đến khái quát chung về cuộc đời những con người tiêu biểu về những phương diện nào đó; biểu hiện rõ nhất là các tác gia người Việt chúng ta chưa viết ra được cuốn tiểu sử nào đạt chuẩn khiến giới biên khảo nước ngoài buộc phải dịch ra tiếng nước họ thay vì đầu tư cho chuyên gia của họ đi tìm hiểu để viết ra. Nên nhận ra điều này, ngay về những nhân vật lớn người Việt mà thế giới cần biết nhất.
Phải chăng hoạt động của những cơ sở như trung tâm nói trên sẽ hướng tới những chuẩn mực cao về bảo tồn di sản các nhân vật lịch sử, cụ thể là của những học giả Việt Nam tiêu biểu ở thời hiện đại?