Trách nhiệm hợp đồng, trách nhiệm đối với người tiêu dùng

Việc anh Minh mua chai Number One từ Tân Hiệp Phát là hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát đã vi phạm hợp đồng, không thực hiện đúng trách nhiệm là giao hàng đảm bảo chất lượng. Do vậy, Tân Hiệp Phát phải bồi thường thiệt hại cho anh Minh. Trong dân sự, quyền quyết định cốt ở đôi bên, vì thế, các bên có thể thương lượng để giải quyết bồi thường do vi phạm hợp đồng. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, không bị hạn chế. Do vậy, việc khởi tố anh Minh về tội cưỡng đoạt tài sản là không đúng.

Như báo chí đã đưa tin, ngày 03 tháng 12 năm 2014, anh Võ Văn Minh (Tiền Giang) phát hiện có một con ruồi trong chai nước giải khát Number One của Công ty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương. Sau đó anh Minh đã gọi điện thoại cho Công ty này yêu cầu người đến để thương lượng. Lúc đầu, anh Minh đòi 1 tỉ đồng, nếu không sẽ cung cấp thông tin cho báo chí và in 5.000 tờ rơi phát tán, nhưng sau 3 lần thương lượng thì anh Minh và Công ty Tân Hiệp Phát đồng ý mức bồi thường là 500 triệu đồng. Chiều 27/01, anh Minh bị công an bắt giữ và khởi tố vì tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, xét trên góc độ pháp lý thì đây đơn thuần là trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng, trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Mặc dù hành vi của anh Minh, trên góc độ đạo đức, việc viện dẫn “nếu không bồi thường thì sẽ cung cấp thông tin cho báo chí” là trái đạo đức đối với người tiêu dùng, cộng đồng nói chung mà thôi. Và đương nhiên công ty Tân Hiệp Phát cũng phạm phải chuẩn mực đạo đức khi ngồi vào bàn đàm phán với lý do này. Có chăng, việc thỏa thuận bồi thường này sẽ không được pháp luật bảo vệ. Điều này có nghĩa là, sau khi bồi thường 500 triệu, giả sử anh Minh cung cấp thông tin cho báo chí thì Tân Hiệp Phát không được Tòa án bảo vệ để kiện anh Minh vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật.

1. Trách nhiệm hợp đồng, trách nhiệm với người tiêu dùng

Vụ án bà Liebeck kiện McDonald

Ngày 27/02/1992, bà Liebeck (bang New Mexico, Mỹ) mua một ly cà phê giá 49 cent từ một cửa hàng take-away của McDonald. Ngồi trên xe Ford Probe 1989 của cháu trai, vì không có chỗ giữ ly cà phê nên bà Liebeck đã kẹp ly cà phê vào giữa hai đùi. Trong khi mở ly cà phê để cho thêm ít đường thì ly cà phê bị đổ và vì ly cà phê quá nóng (trên 80 độ C), bà Liebeck bị bỏng.

Ban đầu bà Liebeck đòi McDonald phải bồi thường $20.000 để bù đắp cho các chi phí, thiệt hại bao gồm: Chi phí 8 ngày nằm viện $10.500; chi phí thuốc men trong tương lai $2.500, thiệt hại nhu nhập $5.000 (xấp xỉ $18,000). McDonald không đồng ý, mà chỉ đề nghị bồi thường $800.

Sau đó, bà Liebeck nhờ luật sư để kiện ra tòa với lý do sự bất cẩn trong sản xuất của McDonald, để cà phê quá nóng, nguy hiểm cho người tiêu dùng, không có cảnh báo hợp lý. Sau đó, Bồi thẩm đoàn yêu cầu McDonald bồi thường $160,000 cho thiệt hại của bà Lieback. Đồng thời Mc Donald phải chịu khoản phạt $2,7 triệu (tương đương 2 ngày lợi nhuận). Tổng số tiền Bồi thẩm đoàn yêu cầu McDonald phải đưa cho bà Leibeck là $2,860 triệu. Mặc dù sau đó, thẩm phán đã giảm số tiền phạt còn $480.000. Và tổng số tiền bồi thường là $640,000. Tuy nhiên, cả McDonald và Liebeck đã không đồng ý và quyết định thương lượng với số tiền khoảng $600.000.

Rõ ràng, việc áp dụng một khoản phạt đối với nhà sản xuất đủ sức răn đe là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng. Không thể vì ly cà phê chỉ $49 cent mà cẩu thả đối với sản phẩm do mình tạo ra được.

Máy cắt cỏ của Yellowstone

Công ty Yellowstone, Mỹ đã phát triển một loạt các máy cắt cỏ. Tuy nhiên, các máy cắt cỏ của công ty này phát nổ ngày càng nhiều, ngay cả khi không sử dụng. Sau khoảng 10 năm đưa ra thị trường, hàng trăm người đã bị thương bởi vì máy cắt cỏ của công ty này. Công ty Yellowstone đã giải quyết tranh chấp bằng cách thương lượng với các nạn nhân. Có trường hợp, Yellowstone đã bồi thường lên đến $3 triệu. Trong các thương lượng của Yellowstone, có điều khoản cấm nạn nhân công khai vụ việc.

Giả sử, có một nạn nhân công khai thông tin này thì Yellowstone sẽ không được Tòa án bảo vệ để đòi lại tiền từ nạn nhân bởi thỏa thuận này trái với đạo đức xã hội. Cả Yellowstone và các nạn nhân đều hành xử không đúng mực với người tiêu dùng khác, với cộng đồng nói chung.

2. Trách nhiệm hình sự?

Rõ ràng, cả anh Minh và công ty Tân Hiệp Phát đều tự nguyện tham gia thỏa thuận bồi thường trách nhiệm do Tân Hiệp Phát vi phạm trách nhiệm hợp đồng, trách nhiệm sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Viện dẫn lý do “công khai thông tin với báo chí, phát tờ rơi” đối với hành vi vi phạm trách nhiệm hợp đồng, trách nhiệm đối với sản phẩm để vào bàn đàm phán chỉ đơn thuần là vi phạm đạo đức với người tiêu dùng khác mà thôi, chứ không thể quy kết là “thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần người khác”.

Với sự muôn hình vạn dạng của cuộc sống, mà đối với mỗi trường hợp, chúng ta cần phải có cách giải thích và áp dụng pháp luật một cách linh hoạt, bởi suy cho cùng là bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng, bảo vệ thế yếu.

Xét trên tương quan của anh Minh so với Công ty Tân Hiệp Phát thì anh Minh là thế yếu, là vị thế của người phân phố hàng nhỏ lẻ cho “gã nhà giàu, đầy quyền lực” Tân Hiệp Phát. Do vậy, khả năng để anh Minh uy hiếp tinh thần là rất khó xảy ra. Để xác định được việc uy hiếp tinh thần của người khác hay không cần xác định rõ là người bị uy hiếp có sự lựa chọn khác hay không, nếu không thì “tinh thần” hợp pháp của mình bị người khác đe dọa.

Trong trường hợp này, Tân Hiệp Phát có thể không thương lượng với anh Minh, và nếu anh Minh gửi thông tin cho báo chí hay rải truyền đơn sai sự thật thì có thể yêu cầu Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại và đề nghị xử lý vì lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm hại lợi ích người khác.

Một khi, công ty Tân Hiệp Phát đồng ý bồi thường cho anh Minh thì đây đơn thuần là thỏa thuận về dân sự. 500 triệu là nghĩa vụ mới mà Tân Hiệp Phát phải thực hiện.

Giả sử anh Minh bắt giữ hoặc đe dọa sẽ giết giám đốc hay nhân viên của Tân Hiệp Phát thì mới phát sinh trách nhiệm hình sự là “uy hiếp tinh thần người khác”. Trong vụ việc này, không thể giải thích công ty Tân Hiệp Phát là “người” khác được.

Khi lập biên bản, cơ quan công an thu hồi luôn chai Number One từ anh Minh. Câu hỏi đặt ra là, anh Minh còn chứng cứ gì trong tay để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, khi mà chai Number One là chứng cứ quan trọng nhất trong vụ án này?

***

Ồn ào rồi cũng qua đi, chỉ có anh Minh là người đáng lẽ ra pháp luật phải bảo vệ thì rồi đây cánh cửa trại giam đang đón chào vì cách hiểu, sự áp dụng cứng nhắc các quy định pháp luật mà nó dường như đã có tiền lệ. Do vậy, với sự đa dạng của các tình huống trong cuộc sống, cần phải có sự giải thích, áp dụng linh hoạt của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo công bằng, công lý, ít nhất là cho thế yếu, người tiêu dùng. Bởi “thế mạnh”, tự họ có cách bảo vệ cho quyền lợi của họ.

Đặt lên bàn cân cả pháp lý lẫn đạo đức, đáng lẽ ra pháp luật nên trừng trị nhà sản xuất Tân Hiệp Phát vì đưa ra sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng hơn là người bị vi phạm như anh Minh (mặc dù anh Minh vẫn vi phạm đạo đức với người tiêu dùng khác). Có vẻ như trách nhiệm với các chế tài hành chính như hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với các công ty (pháp nhân), mà cần phải hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân mới đáp ứng được những mong “mọi cá nhân, tổ chức bình đẳng trước pháp luật”. Cũng như, việc áp dụng một khoản phạt dân sự (punitive damage) để bồi thường cho nạn nhân như trong ví dụ mua cà phê của bà Liebeck là hợp lý. Ngoài ra, với “ý đồ” mong người khác (anh Minh) bị xử lý hình sự theo sự dàn dựng của mình, bổ sung tội “bẫy người khác phạm tội” cũng rất cần thiết để bảo vệ giá trị đạo đức cộng đồng.

Điều 135 của Bộ luật Hình sự quy định như sau:

1. Người nào  đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)