Trái đất đang bị đô thị hóa
Hiện hơn một nửa dân số thế giới đang sinh sống tại các khu vực thành thị, và tỉ lệ này còn tiếp tục gia tăng và theo dự đoán, tới năm 2050, gần 2/3 dân số thế giới sinh sống tại đô thị. Trái đất ngày nay đã trở thành một hành tinh đô thị.
Cư dân đô thị đang ngày một gia tăng.
Cách đây vài thập kỷ, phần lớn cư dân đô thị trên thế giới sinh sống ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng dự kiến tới năm 2030, đa phần cư dân đô thị lại sống ở châu Á và châu Phi, và sự phát triển này phần nhiều diễn ra ở các thành phố có dưới một triệu dân – chỉ riêng ba quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria theo dự đoán sẽ có thêm một tỉ cư dân đô thị trong các thập kỷ tới đây.
Các thành phố có sức tiêu thụ lớn về thực phẩm, năng lượng, nước, và nguyên vật liệu. Do đó, diện tích đất đai cần thiết để cung cấp những nhu cầu thiết yếu này là rất lớn, bởi “dấu chân sinh thái”1 của một thành phố thường lớn gấp 200 lần (hoặc hơn) so với diện tích của chính thành phố đó. Ngoài ra nhiều khu đô thị hiện đang vươn rộng ra với tốc độ nhanh chóng và “nuốt chửng” cả đất nông nghiệp lẫn đất tự nhiên. Và do con người thường thích sống ở những khu vực mà cây cối và động vật hoang dã cũng ưa thích – chẳng hạn như thung lũng các dòng sông hay các vùng đất trũng ven biển – nên sự phát triển này đồng nghĩa với việc các thành phố đang “tấn công” vào nhiều “điểm nóng” đa dạng sinh học của thế giới.
Các thành phố cũng làm biến đổi môi trường theo nhiều cách khác nhau, từ tạo ra chất gây ô nhiễm không khí và nguồn nước cho đến tạo ra tiếng ồn và ánh sáng nhân tạo. Một sự thay đổi quan trọng nữa là các thành phố có thể sẽ trở thành những “hòn đảo nhiệt” có nhiệt độ ấm hơn so với các khu vực ngoại ô nông thôn xung quanh. Hàng tấn xi măng và nhựa đường ở thành phố hấp thụ và rồi lại phát xạ nhiệt, khiến các trung tâm thành phố ngày càng nóng hơn..
Sự gia tăng về diện tích các bề mặt không thấm nước trong đô thị (chẳng hạn như đường rải nhựa, mái nhà,…) còn gây ra một thay đổi lớn khác về sinh thái: bề mặt cứng ngăn nước thấm vào lòng đất, gây ra lũ quét, làm ô nhiễm dòng chảy, gây hại cho các hệ sinh thái thủy sinh, chẳng hạn như làm giảm sự đa dạng trong các loài côn trùng.
Tuy nhiên, sự phát triển của các thành phố không phải là tin xấu hoàn toàn. Việc “dồn” nhiều người vào sinh sống trong một diện tích tương đối nhỏ ở khu vực thành thị là cơ hội giúp cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu. Chẳng hạn, nếu các chính phủ hoạch định được chính sách đúng đắn và xây dựng cơ sở hạ tầng hợp lý, các cư dân đô thị có thể có tỉ lệ tiêu thụ năng lượng trên đầu người ít hơn so với cư dân nông thôn. Dẫu vậy, hiện nay nhiều thành phố vẫn đang phải đối mặt với một thách thức chung: cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà cao tầng.
Dù sự phát triển của các thành phố là điều đáng mừng hay đáng lo, nhưng có một sự thật rõ ràng: trái đất đô thị hóa là điều chắc chắn, và những quyết định mà chúng ta đưa ra ngày nay về việc xây dựng và sinh sống tại thành phố như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều thế hệ sau này.
Đăng Quang lược dịch theo Science
——-
1 Dấu chân sinh thái: là thước đo tác động của con người đến các hệ sinh thái của trái đất, thường được tính theo diện tích đất tự nhiên hoặc lượng tài nguyên thiên nhiên bị tiêu thụ mỗi năm.