Tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế (Kỳ cuối)

Philippines, Malaysia và Brunei đều có luận thuyết riêng trong tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng dưới góc độ luật pháp quốc tế, các lý lẽ của Việt Nam là mạnh mẽ nhất.

III. Luận thuyết của các nước khác

1) Luận thuyết của Philippines

    Philippines có yêu sách đối với khoảng 60 đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.1  Yêu sách đầu tiên được Thomas Cloma, một công dân Philippines, đưa ra vào năm 1947 khi ông tuyên bố phát hiện ra một nhóm đảo, đá nằm cách bờ Tây đảo Palawan 300 hải lý.

    Ngày 17.5.1951, tổng thống Philippines tuyên bố các đảo của quần đảo Trường Sa phải thuộc về lãnh thổ gần nhất là Philippines. Tuyên bố này đã bị các nước có liên quan phản đối.

    Mãi đến tháng 3.1956, Thomas Cloma mới tiếp tục việc “phát hiện” nhóm đảo này. Ông cử một nhóm 40 thủy thủ đổ bộ lên các đảo của quần đảo Trường Sa với mục đích tiến hành chiếm hữu chính thức. Họ cắm cờ Philippines lên một số đảo, trong đó có đảo Ba Bình (Itu Aba)2. Ngày 11.5.1956, họ tuyên bố các đảo họ đã chiếm đóng được đặt tên là Kalayaan (Đất Tự do), còn Thomas Cloma tự phong mình là Chủ tịch Hội đồng Tối cao Nhà nước Kalayaan3. Tuyên bố này đã bị các nước liên quan phản đối.4

    Ngày 15.5.1956, Thomas Cloma gửi thư cho bộ trưởng ngoại giao của Cộng hòa Philippines thông báo về việc chiếm giữ vùng lãnh thổ rộng 64.976 dặm vuông ở phía Tây Palawan, nằm ngoài các vùng nước của Philippines và không thuộc quyền tài phán của bất cứ nước nào và yêu sách chiếm hữu vùng lãnh thổ này dựa trên quyền phát hiện và chiếm đóng, đồng thời gửi kèm theo bản đồ. Tuy tên của các đảo bị thay đổi hoàn toàn, nhưng bản đồ cho thấy Kalayaan bao gồm phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.5

    Trong họp báo ngày 19.5.1956, bộ trưởng ngoại giao Philippines khẳng định rằng nhóm đảo Trường Sa trong đó có đảo Ba Bình và đảo Trường Sa phải thuộc chủ quyền Philippines vì chúng nằm gần Philippines nhất. Sài Gòn, Bắc Kinh và Đài Loan đều phản đối tuyên bố này. Đài Loan có ý định cử thủy quân đến Trường Sa. Manila lập tức thông báo với Đài Loan và Việt Nam rằng Philippines chưa có yêu sách chính thức về chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này.

    Ngày 6.7.1956, Thomas Cloma lại gửi thư cho yêu cầu chính phủ Philippines cho Kalayaan được hưởng chế độ bảo hộ. Trong công văn trả lời T. Cloma, bộ trưởng ngoại giao Philippines cho rằng ngoài nhóm 7 đảo mà quốc tế gọi là Trường Sa (Spratly), các đảo khác đều là lãnh thổ vô chủ (terra nulius), do đó mọi công dân Philippines cũng như công dân các nước khác đều có quyền tự do khai thác kinh tế và định cư.

    Đáp trả “sự kiện T. Cloma”, Việt Nam đã cử tàu tuần tra đến quần đảo Trường Sa vào tháng 8.1956.

    Ngày 1.10.1956 xảy ra cuộc đụng độ đầu tiên giữa hải quân Đài Loan và nhóm người của T. Cloma ở North Danger Shoal. Người của T. Cloma bị tịch thu hết vũ khí. Chính phủ Philippines hoàn toàn không can thiệp.

    Vào thời kỳ 1970-1971, các đơn vị thủy quân Philippines theo lệnh của tổng thống F. Marcos đã chiếm một số đảo của Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ, đảo Vĩnh Viễn và South Rock. Philippines cũng tổ chức tuần tra trên một loạt đảo và đá nhỏ ở phía Đông Bắc quần đảo. Năm 1971, Philippines một lần nữa cố chiếm đảo Ba Bình nhưng thất bại. Chính quyền Philippines phản đối sự chiếm đóng của Đài Loan với các lý do: a) Philippines có danh nghĩa chủ quyền dựa trên sự phát hiện của T.Cloma; b) Trung Quốc chiếm đóng de facto một số đảo nằm dưới sự kiểm soát của các nước đồng minh mà không cho các nước này được biết; c) nhóm đảo Trường Sa nằm trong vùng nước quần đảo của Philippines7. Cùng với sự phản đối, Philippines tăng cường quân số trên các đảo lên 1.000 người. Một sân bay đã được xây dựng trên đảo Thị Tứ.

    Năm 1974 Thomas Cloma chuyển giao “chủ quyền” Kalayaan cho chính phủ Philippines. Đến thời điểm này, Philippines kiểm soát 4 đảo.8

    Năm 1978, Philippines đặt quân đội trên 7 đảo của Trường Sa. Ngày 11.6.1978, tổng thống Philippines sát nhập 7 đảo này vào lãnh thổ Philippines bằng sắc lệnh số 15969, sắc lệnh này đồng thời khẳng định các đảo này “về mặt pháp lý không thuộc bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, giờ đây phải thuộc về Philippines và nằm dưới quyền tài phán của Philippines nhờ sự chiếm cứ và quản lý hiệu quả theo đúng luật quốc tế”. Sắc lệnh cũng quy định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo này.10

    Ngày 14.9.1979, tổng thống Philippines tuyên bố rõ Philippines sẽ tiếp tục yêu sách chủ quyền đối với 7 đảo họ đang chiếm đóng chứ không phải toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trong cuộc họp báo này, tổng thống Philippines nhắc lại nhóm 7 đảo này là vùng lãnh thổ chưa có người chiếm đóng, chưa được biết đến và chưa có người ở, thậm chí chưa được đánh dấu trên các bản đồ trước Thế chiến II, và Philippines chiếm cứ chúng như lãnh thổ vô chủ (terra nullius).

    Ngày 10.3.2009, Tổng thống Philippines ký ban hành Luật Cộng hoà 9.522 về đường cơ sở, đưa phần lớn các đảo Trường Sa vào quy chế đảo của Philippines. Hành động này của Philippines lập tức bị Việt Nam và Trung Quốc phản đối.

    Luận thuyết của Philippines không vững vàng ở chỗ nước này cho rằng các đảo mà mình chiếm giữ là lãnh thổ vô chủ và chưa được biết đến, nhưng trên thực tế, chúng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay cả khi bỏ qua các giai đoạn lịch sử xa xưa, quần đảo này đã được Pháp chiếm cứ hữu hiệu từ những năm 1930 (quân đội Pháp có mặt trên đảo Thị Tứ từ tháng 4.1933) và sau đó trao lại cho Việt Nam khi Pháp rời khỏi Đông Dương mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ phía các nước, trong đó có Philippines. Luật quốc tế cũng không quy định một lãnh thổ phải thuộc về một quốc gia chỉ vì nằm gần quốc gia đó nhất. Ngoài ra, việc chiếm đóng và các yêu sách của Philippines đối với nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngay từ ban đầu luôn gặp sự phản đối từ phía các nước khác có liên quan, do đó khó lòng có thể nói đến một sự chiếm cứ hiệu quả và không có tranh chấp theo đúng các nguyên tắc của luật quốc tế.

2) Luận thuyết của Malaysia

    Năm 1978, Malaysia đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các đảo An Bang, Đá Kỳ Vân và đá Công Đo dựa trên cơ sở các quy định của luật quốc tế về thềm lục địa.

     Năm 1979, Malaysia công bố bản đồ trong đó một số đảo của Trường Sa được đánh dấu là lãnh thổ Malaysia.

    Tháng 6.1983, Malaysia chiếm đóng quân sự đảo đầu tiên – Đá Hoa Lau – trong khu vực yêu sách. Tháng 9.1983, Malaysia chính thức tuyên bố nước này quyết định chiếm cứ bãi san hô ngầm James Schoal, Đá Hoa Lau, bãi Kiêu Ngựa, Đá Kỳ Vân và khẳng định các đảo này nằm trong vùng được gọi là “vùng kinh tế biển” của Malaysia.  Tháng 12.1986, quân đội Malaysia11 chiếm đảo Đá Kỳ Vân và Kiêu Ngựa.

    Tháng 6.1999, Malaysia mở rộng chiếm đóng ra Đá Én Ca và bãi Thám Hiểm, nâng tổng số các đảo bãi chiếm đóng của mình ở quần đảo Trường Sa lên bảy đảo, bãi.

    Luận thuyết của Malaysia dựa trên cơ sở các quy định của luật quốc tế về thềm lục địa. Tuy nhiên, điều 76 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ghi rõ: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”, hoàn toàn không liên quan đến các đảo, đá nổi lên mặt biển trong vùng thềm lục địa. Luận thuyết của Malaysia hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Yêu sách của Malaysia về chủ quyền cũng không có một cơ sở lịch sử nào.

3) Luận thuyết của Brunei

    Brunei chỉ yêu sách chủ quyền đối với đảo Louisa Reef, với luận thuyết đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei. Tuy nhiên, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 chỉ công nhận quốc gia ven bờ có “chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió”, quyền tài phán trong việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị về công trình, quyền tài phán trong việc nghiên cứu khoa học biển cũng như bảo vệ và gìn giữ môi trường biển (điều 56). Việc yêu sách chủ quyền đối với các đảo chỉ vì chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế là một diễn giải sai lệch các quy định của Công ước. Do đó, luận thuyết của Brunei, tương tự như trường hợp Malaysia, là thiếu thuyết phục và không có cơ sở.

    Ở đây, một câu hỏi có thể nảy sinh là: Louisa Reef có phải là một đảo theo qui định của luật quốc tế hay không? Bởi một quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền và thụ đắc chủ quyền đối với đảo (vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vẫn nổi trên mặt nước). Nếu Louisa Reef là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm, Brunei và các nước khác đều không thể yêu sách chủ quyền12. Khi đó nó sẽ là một phần vùng đặc quyền kinh tế mà Brunei có thể có các quyền giới hạn như đã nêu trên. Trong trường hợp này, một vấn đề nữa sẽ phải đặt ra là vùng đặc quyền kinh tế của Brunei có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam và Malaysia đòi hỏi hay không.
 
IV.    Kết luận

Những phân tích trên đây cho thấy trong tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dưới góc độ luật pháp quốc tế, các lý lẽ của Việt Nam là mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, thực tế tranh chấp dai dẳng và phức tạp cũng như ý muốn của các bên khiến việc giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý hiện nay rất khó khăn. Hơn nữa, tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì tính chất phức tạp của nó, đòi hỏi một giải pháp tổng thể với các yếu tố pháp lý, lịch sử, chính trị, kinh tế. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, yếu tố pháp lý vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông cần rất nhiều nỗ lực và thiện chí của các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, nước luôn phản đối việc đưa tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa ra trước tòa án quốc tế bất chấp nhiều lần đề nghị của Việt Nam.

——-

1. Michael Hindley, James Bridge, “South China Sea: the Spratly and Paracel Islands Dispute”, The World Today, London, vol.50 (June 1994), tr.111

2. Quốc Tuấn, „Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoaliên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tập san Sử Địa số 29, Sài Gòn 1975

 
3. Jan Rowinski, sđd


4. Lee G. Cordner, “The Spratly Island dispute and the Law of the Sea”, Ocean Development and International Law, Washington D.C., vol.25, 1994, trang 62

 
5. Samuels Marwyn S., sđd

6. Jan Rowiński, sđd

7. Lee G. Cordner, sđd

 
8. International Herald Tribune, số ngày 28.3.1974


9. Kuang-Minh Sun, “Dawn in the South China Sea? A Relocation of the Spratly Islands in an Everlasting Legal Storm”. South African Yearbook of International Law, University of South Africa, vol.16, 1990/91


10. Lee G. Cordner, sđd

11. Jan Rowiński, sđd

12. Xem các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp giữa Quatar và Barhan (http://www.icj-cij.org/docket/files/87/7029.pdf ) và chủ quyền đói với đảo South Ledge trong tranh chấp giữa Malaysia và Singapore (http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14506.pdf )

Tài liệu tham khảo:

1.    Wójciech Góralczyk, Stefan Sawicki, Đại cương công pháp quốc tế, Warszawa, Wydawnictwo Prawnicze LexisNexis, 2007.

2.    Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế, sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, 1988

3.    Jaseniew Vladimir, Stephanow Evginii, Biên giới Trung Quốc: từ chủ nghĩa bành trướng truyền thống đến chủ nghĩa bá quyền hiện nay, Moscow, 1982

4.    Jean-Pierre Ferrier, Le conflit des iles Paracels et le problème de la souveraineté sur les iles inhabitées, Annuaire francais de droit international, vol.21, 1975

5.    Monique Chemillier-Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội, 1998

6.    Beauvois Marcel, Les archipels Paracels et Spratley, Vietnam Press nr.7574, ngày 27.11.1971

7.    Rowiński Jan, Biển Đông, khu vực tiềm tàng tranh chấp ở châu Á, Warszawa, 1990

8.    Samuels Marwyn S., Contest for the South China Sea, New York, 1982

9.    Nguyễn Hồng Thao, Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Viện Luật Kinh tế biển Monaco, 2000

10.    Lee G. Cordner, The Spratly Island dispute and the Law of the Sea, Ocean Development and International Law, Washington D.C., vol.25, 1994

11.    Phạm Hoàng Quân, “Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc”, tạp chí mạng Talawas ngày 11.12.2007 (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11697&rb=0302)

12.    Kuang-Minh Sun, “Dawn in the South China Sea? A Relocation of the Spratly Islands in an Everlasting Legal Storm”, South African Yearbook of International Law, University of South Africa, vol.16, 1990/91

13.    Lacoste Yves, “Mer de Chine ou Mer de l’Asie du Sud-Est”, Herodote, Paris 1981

14.    Dương Danh Huy, „Trong chiến tranh 54-75, có một hay hai quốc gia Việt Nam trên hai miền Bắc, Nam”, trang web Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ngày 9.11.2011 (http://www.seasfoundation.org/articles/from-members/1288-trong-chin-tranh-54-75-co-mt-hay-hai-quc-gia-tren-hai-min-bc-nam )

15.    Từ Đặng Minh Thu, „Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng są và Trường Sa”, tạp chí Thời Đại Mới, số 11, tháng 7/2007.

16.    Michael Hindley, James Bridge, “South China Sea: the Spratly and Paracel Islands Dispute”, The World Today, London, vol.50 (June 1994)

17.    Quốc Tuấn, „Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tập san Sử Địa số 29, Sài Gòn 1975

18.    Lee G. Cordner, “The Spratly Island dispute and the Law of the Sea”, Ocean Development and International Law, Washington D.C., vol.25, 1994

19.    Kuang-Minh Sun, “Dawn in the South China Sea? A Relocation of the Spratly Islands in an Everlasting Legal Storm”. South African Yearbook of International Law, University of South Africa, vol.16, 1990/91

 

Tác giả

(Visited 46 times, 1 visits today)