Tranh luận dựa trên lý lẽ

Xuân thu nhị kỳ, lần đầu ngỡ ngàng vừa qua, gần 500 đại biểu Quốc hội mới và cũ đã bước vào kỳ họp thứ hai. Cuộc chuyển tạm từ Ba Đình tới Hội trường Bộ Quốc phòng chắc là đầy bề bộn. An tọa trong những chiếc ghế đỏ, khi ấn nút thông qua các chính sách và đạo luật ảnh hưởng tới 84 triệu đồng bào, các vị đại biểu Quốc hội đã dựa trên những lý lẽ gì?


Câu hỏi ngây thơ ấy của cử tri chắc sẽ được trả lời với những tập tài liệu hàng trăm trang mỗi ngày được chia cho từng vị đại biểu. Sáng bàn về thuế thu nhập cá nhân, chiều chuyển sang sổ đỏ, sổ hồng, ngày mai là luật hồng thập tự, ấy là chưa kể tới những hạng mục ngân sách đầy ắp những con số nhảy múa và sức ép phân quyền cho các địa phương gia tăng tưởng chẳng thể dừng. Đọc và hiểu hết từng ấy tài liệu, sau mỗi ngày các vị đại biểu Quốc hội đã trở thành chuyên gia của vô số lĩnh vực. Chỉ có điều, các thông số ấy đều do Chính phủ và các bộ ngành chuyển sang, chúng được chuẩn bị bởi rất nhiều chuyên gia thạo nghề để thuyết minh cho các chính sách mà các cơ quan ấy muốn. Đất cũng cần được được quản lý, nhà cũng cần được quản lý, thậm chí giao dịch nhà đất cũng cần được Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ có điều quá nhiều đỏ, hồng, xanh… ấy có thể thêm rắc rối cho dân chúng. Tiện cho quan viên nhà nước nhưng phiền cho dân, nếu muốn vì tiện lợi cho dân mà tranh biện lại, đại biểu Quốc hội lấy đâu ra lý lẽ?
Câu hỏi ấy chắc sẽ được trả lời bằng vô số các thiết chế phục vụ. Ngoài thông tin do cơ quan hành chính cung cấp, đại biểu Quốc hội có thể nhờ tới các kênh thông tin từ ít nhất 06 loại thiết chế dưới đây: (i) các đoàn đại biểu được tổ chức theo 64 tỉnh thành, (ii) các ủy ban, (iii) các hội nghị đại biểu chuyên trách, (iv) các cuộc thảo luận ở tổ, (v) các cuộc tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử, và (vi) hoạt động phục vụ của Văn phòng Quốc hội với gần 700 nhân viên. Đoàn đại biểu địa phương được đại diện bởi trưởng đoàn, thường là một lãnh đạo có ảnh hưởng ở địa phương. Có nhiều lý do để đoàn đại biểu Quốc hội trước hết phải vì lợi ích của địa phương mình. Vì thế, Quốc hội đôi khi như một diễn đàn bị chi phối bởi 64 nhóm lợi ích khác nhau. Đề cao lợi ích của địa phương mà chia sẻ quan điểm với các bộ, ngành trung ương, vì lẽ ấy đôi khi ao ước bật ra tiếng nói thẳng thắn của cử tri có thể cũng chẳng dễ dàng thực hiện.
Thì cũng thế, 15 ủy ban của Quốc hội có những kênh thông tin nào để tìm lý lẽ tranh luận với các đề xuất chính sách do Chính phủ trình. Đối mặt với hàng trăm chuyên gia của từng bộ, các ủy ban của Quốc hội có vẻ như rất nghiệp dư, muốn bác bỏ một lập luận do các bộ chuyển sang chẳng thể dễ dàng. Chừng nào chưa có nghiệp đoàn và các nhóm lợi ích phát triển (xã hội dân sự), chừng đó chưa có nhu cầu cho phản biện xã hội, các ủy ban của Quốc hội chưa thể tổ chức các phiên điều trần để tranh luận công khai về những điều được mất của từng chính sách.
Đã sáng suốt lựa chọn, song cử tri nước ta chưa thể tạo sức ép cải thiện môi trường cho các đại biểu Quốc hội chuyên tâm hoạt động trên hết là vì lợi ích của cử tri. Các đại biểu chưa có văn phòng riêng, không có chuyên gia giúp việc, lại càng không có ngân sách riêng để hoạt động đại diện. Thời buổi thị trường, chúng ta có thể kỳ vọng quá cao không, nếu đại biểu chỉ được hưởng một khoản trợ cấp lưu trú rất khiêm tốn, không thể bù đắp những thiệt thòi khi phải xa gia đình hằng tháng trời đối với những đại biểu từ các tỉnh tới Thủ đô.
Hiến pháp nước ta trân trọng đề cao vị trí quyền lực tối cao của Quốc hội, quyền lực ấy trước hết phải được hiểu là quyền tự do đại diện cho lợi ích nhân dân. Để từng vị đại biểu và các tập thể lớn nhỏ của họ có thể thực hiện được cái chức năng cao quý đó, dường như vẫn còn rất nhiều việc phải làm./.


Phạm Duy Nghĩa

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)