Tranh luận tại nghị trường
Cho đến nay, hoạt động tranh luận ở nghị trường, vẫn còn tồn tại không ít các vấn đề, tuy nhiên, thành tựu đạt được là rất đáng được ghi nhận. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường tiến tới chuyên nghiệp của Quốc hội nước ta.
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ngày 19/3, trong phiên họp thứ 22 của UB Thường vụ Quốc hội. Đây là phiên họp đầu tiên cơ quan thường trực của Quốc hội thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Nguồn: Vnexpress.net
Tranh luận được tăng cường là một trong những ấn tượng đọng lại về kỳ họp thứ 4 vừa qua của Quốc hội. Và chính tranh luận đã làm cho những phiên chất vấn trở nên hấp dẫn hơn; các vấn đề được đề cập trở nên sáng rõ hơn.
Tranh luận tại nghị trường là một hoạt động rất quan trọng trong quy trình quản trị quốc gia. Trong nhiều mô hình thể chế, đây có lẽ còn là hoạt động quan trọng nhất và thực chất nhất của nghị viện. Lấy ví dụ, đối với Nghị viện Anh Quốc hay nghị viện của bất kỳ quốc gia nào khác theo mô hình đại nghị, thì quyền thẩm định và thông qua luật (quyền lập pháp) chỉ là hình thức. Chính phủ có đa số ở nghị viện, nên có thể thông qua bất kỳ dự luật nào mà chính phủ muốn. (Đảng có đa số ở nghị viện (hạ viện), thì có quyền thành lập chính phủ. Chính vì vậy, ở đây quyền lập pháp và quyền hành pháp hòa lẫn vào nhau làm một. Quyền lập pháp của nghị viện lúc này chỉ mang tính hình thức. Trừ trường hợp các nghị sĩ của đảng cầm quyền không nghe theo đảng, thì nghị viện mới có thể quyết khác chính phủ. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra, vì kỷ luật đảng trong mô hình đại nghị là rất nghiêm ngặt).
Nếu việc thông qua dự luật chỉ là hình thức, thì việc tranh luận về dự luật lại không phải như vậy. Tranh luận là dịp để phe đối lập và các nghị sĩ độc lập đưa ra ý kiến phản biện về chính sách lập pháp được đề ra. Chính phủ và các nghị sĩ của đảng cầm quyền cũng có điều kiện để biện hộ cho chính sách của mình. Việc tranh luận vì vậy sẽ làm rõ được mất của chính sách, nhờ đó mà quy trình chính sách cũng trở nên minh bạch; người dân và các tổ chức xã hội cũng có điều kiện nắm rõ chính sách và đóng góp ý kiến của mình. Hệ quả tiếp theo là dân chủ tham gia (participative democracy) được tăng cường.
Tranh luận cũng rất quan trọng đối với Quốc hội nước ta, vì Đảng cầm quyền cũng có đa số trong Quốc hội. Chủ trương, chính sách của Đảng chắc chắn sẽ được Quốc hội thông qua. Vấn đề là tranh luận tại Quốc hội sẽ làm cho các chủ trương, chính sách đó trở nên minh bạch hơn. Và Đảng cũng có điều kiện được cân thêm về chủ trương, chính sách của mình khi được nghe ý kiến phản ánh sự nhìn nhận vấn đề từ những góc độ khác nhau.
Tranh luận thực chất là một cuộc thảo luận chính thức tại nghị trường khi các vị đại biểu đưa ra ý kiến phản biện lại quan điểm của Chính phủ hoặc của các vị bộ trưởng. Thực tiễn cho thấy, ở nước ta, các vị đại biểu tranh luận không chỉ với các vị bộ trưởng mà còn cả với nhau. Một số đại biểu quả thực đã xin phát biểu để tranh luận lại ý kiến của các vị đại biểu khác. Đây là một điểm rất khác với nghị viện của nhiều nước trên thế giới. Có thể, điều này xảy ra vì không có phe đối lập trong Quốc hội nước ta. Cũng có thể, quy trình, thủ tục cho các phiên tranh luận đang trong quá trình hình thành.
Do tranh luận chưa được tổ chức theo những phiên họp dành riêng cho hoạt động này, (mà đang diễn ra chủ yếu trong các phiên chất vấn), một sáng tạo về mặt thủ tục đã được đề ra. Đó là để tranh luận, các vị đại biểu Quốc hội phải giơ bảng; để chất vấn hoặc phát biểu thì ấn nút điện tử. Đây là cách làm hay vì chủ tọa có thể nhận biết đại biểu nào đang muốn tranh luận. Do tham gia tranh luận sẽ được ưu tiên, nên quả thực, có một số vị đại biểu giơ bảng chỉ để giành quyền được phát biểu. Không ít những phát biểu như vậy lại không đưa ra được ý kiến phản biện.
Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến văn hóa tranh luận cũng cần được quan tâm. Ví dụ, văn hóa tranh luận đòi hỏi chỉ được tấn công quan điểm, chứ không được tấn công con người. Hay, lập luận phản biện phải dựa trên chứng cứ và lô gíc, chứ không dựa trên sự suy diễn và quyền thế. Tranh luận theo giá trị cũng ít khi được các nghị viện chuyên nghiệp chấp nhận. Vì tranh luận theo giá trị không nhắm vào các vấn đề đang được đặt ra, mà lại dựa vào những giá trị đã có sẵn. Các giá trị này có thể được chia sẻ, nhưng cũng có thể rất khác nhau. Ví dụ, khó có thể nói người thích ăn mặc giản dị là sai, chỉ có người thích ăn mặc hợp thời trang mới đúng.
Tóm lại, liên quan đến hoạt động tranh luận ở nghị trường, vẫn còn tồn tại không ít các vấn đề, tuy nhiên, thành tựu đạt được là rất đáng được ghi nhận. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường tiến tới chuyên nghiệp của Quốc hội nước ta.