Trẻ em thua thiệt, quốc gia tổn thất
Trẻ em là nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia. Điều này đúng không chỉ về mặt đạo đức mà còn đúng về mặt kinh tế. Đầu tư vào y tế, giáo dục và kĩ năng cho trẻ em sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho đất nước.
Thu nhập cao chưa chắc đã bảo đảm phúc lợi cho trẻ em*
Bản báo cáo Phúc lợi của trẻ em ở các nước giàu đưa ra một cái nhìn toàn diện về điều kiện sống của trẻ em ở Mĩ, Canada và châu Âu – 29 nước cả thảy. Trẻ em ở những nước theo đường lối xã hội dân chủ ở Tây Âu được chăm sóc kĩ lưỡng nhất. Hà Lan đứng đầu danh sách này, tiếp theo là Đan Mạch, Iceland, Phần Lan, Thụy Điển và Đức.
Đáng ngạc nhiên là Mĩ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – xếp thứ 26, theo sau là những nước nghèo như Lithuania, Latvia và Romania. Pháp và Anh nằm giữa bảng xếp hạng.
Công trình nghiên cứu này đánh giá phúc lợi của trẻ em từ quan điểm: điều kiện vật chất (liên quan đến mức thu nhập của gia đình); sức khỏe và an toàn; giáo dục; hành vi có tính rủi ro (như sử dụng quá nhiều rượu) và môi trường vật chất, trong đó có điều kiện về nhà ở. Mặc dù công trình nghiên cứu chỉ giới hạn trong những nước có thu nhập cao, chính phủ các nước – thậm chí chính quyền các thành phố – trong những khu vực khác trên thế giới nên tiến hành công trình nghiên cứu như thế nhằm phân tích tình trạng phúc lợi của trẻ em tại khu vực của mình.
Cách biệt giữa các nước Bắc Âu và Mĩ gây cho người ta nhiều ấn tượng nhất. Nói chung, các nước Bắc Âu thường chu cấp tiền cho các gia đình để bảo đảm rằng tất cả trẻ em đều được lớn lên trong những điều kiện tươm tất, và họ thực hiện những chương trình xã hội đầy tham vọng nhằm tạo ra những nhà mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học và trung học chất lượng cao. Ngoài ra, tất cả trẻ em đều được hệ thống y tế đầy hiệu quả chăm sóc một cách chu đáo.
Mĩ, với ý thức hệ thị trường tự do, cá nhân chủ nghĩa, thì lại khác. Ở đây, người ta chỉ cấp cho các gia đình những khoản tiền trợ giúp nhỏ. Những chương trình của chính phủ được cho là sẽ cung cấp cho người dân một mạng lưới an sinh xã hội, nhưng trên thực tế, các chính khách thường tỏ ra bàng quan đối với phúc lợi của người nghèo vì ít người nghèo tham gia bầu cử và họ không tài trợ cho những chiến dịch tranh cử tốn kém. Nói cho ngay, bằng chứng thể hiện một cách rõ ràng rằng các chính khách ở Mĩ có xu hướng chỉ nghe và phản ứng đối với những cử tri giàu có hơn của họ mà thôi. Cái gọi là mạng lưới an sinh bị thiệt thòi, người nghèo ở Mĩ thì cũng thế.
Sự khác biệt giữa các nền dân chủ xã hội và Mĩ còn thể hiện rõ hơn giữa những hạng người khác nhau. Ở các nước dân chủ xã hội, chỉ có dưới 10% trẻ em lớn lên dưới mức nghèo khổ tương đối (thu nhập của gia đình nhỏ hơn một nửa thu nhập trung bình trong cả nước). Ở Mĩ tỉ lệ nghèo khổ tương đối cao hơn 20%.
Trẻ em ở Mĩ còn bị khổ sở nhiều hơn vì sinh thiếu trọng lượng (chỉ số chủ yếu chứng tỏ sẽ gặp vấn đề về sức khỏe sau này); nhưng lại bị bệnh béo phì ở tuổi 11, 13 và 15; và có tỉ lệ sinh sản rất cao ở độ tuổi từ 13 đến 19. Ở Mĩ, trong số 1.000 bé gái tuổi từ 15 đến 19 thì có 35 trường hợp sinh con; trong khi đó, ở các nước Bắc Âu là dưới 10 trường hợp.
Tương tự như thế, trẻ em ở Mĩ thường gặp nhiều vụ bạo lực trong xã hội hơn là trẻ em ở những nước có thu nhập cao khác. Có thể đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng rất đáng lo vì tiếp xúc với bạo lực là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển về thể chất, tình cảm và nhận thức của trẻ em. Số vụ giết người tính trên đầu người dân ở Mĩ lớn hơn khoảng năm lần so với Bắc Âu.
Quyền bình đẳng về cơ hội là quyết định
Một trong những khía cạnh thú vị của công trình nghiên cứu của UNICEF là họ đã sử dụng cái mà bây giờ được gọi là “phúc lợi chủ quan.” Nghĩa là hỏi thẳng về mức độ thỏa mãn của người dân. Thời gian gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về phúc lợi chủ quan của người lớn trên khắp thế giới. Nhưng tôi chưa thấy một công trình nghiên cứu tương tự nào như thế, trong đó người ta hỏi trực tiếp trẻ em về cảm nhận của chúng về phúc lợi – đúng là một câu hỏi rất thông minh.
Bằng chứng chứng tỏ rằng, nói chung trẻ em ở Bắc Âu đánh giá được lợi thế đáng kể của chúng. Người ta đề nghị trẻ em xếp hạng “mức độ thỏa mãn với cuộc sống” của chúng theo thang 11 bậc. Ở Hà Lan, tới 95% trẻ em tự xếp từ bậc 6 trở lên. Ở Mĩ, tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 84%. Điểm phân loại theo lối chủ quan này lại có liên hệ mật thiết với chất lượng của những mối tương tác của những trẻ em này với bạn bè cùng trang lứa và cha mẹ chúng. Khoảng 80% trẻ em Đan Mạch nói rằng bạn học là những người “tử tế và sẵn sàng giúp đỡ”, trong khi chỉ có 56% trẻ em Mĩ nói như thế mà thôi.
Nước Mĩ phải trả giá quá đắt vì để cho nhiều trẻ em đến như thế lớn lên trong nghèo đói, bệnh tật, trường học và nhà ở tồi tàn. Tỉ lệ trẻ em phải đi tù – nhất là trẻ em da màu, nghèo khổ – làm người ta phải choáng váng. Ngay cả những em may mắn thoát được hệ thống nhà tù to lớn của Mĩ cũng thường trở thành người thất nghiệp hay không thể tìm được việc làm vì không có tay nghề cần thiết để có thể tìm và giữa được việc làm xứng đáng.
Người Mĩ đã và đang nhắm mắt trước sai lầm chết người này một phần là do lịch sử phân biệt chủng tộc kéo dài, cũng như niềm tin không đúng chỗ của họ vào “chủ nghĩa cá nhân thô kệch.” Thí dụ, một số gia đình da trắng phản đối đầu tư công cho lĩnh vực giáo dục vì tin rằng phần lớn tiền thuế của họ sẽ dùng để trợ giúp những học sinh da màu nghèo khó.
Kết quả là mọi người đều thua. Trường học kém hiệu quả; tỉ lệ đói nghèo cao; và cùng với đó là tỉ lệ thất nghiệp và tội phạm cao lại buộc xã hội Mĩ phải trả giá đắt về mặt tài chính và xã hội.
Kết luận của UNICEF có sức thuyết phục mạnh mẽ. Quốc gia có thu nhập cao cũng chưa chắc đã bảo đảm được phúc lợi cho trẻ em. Những xã hội quyết tâm thực hiện quyền bình đẳng về cơ hội cho tất cả con em của họ – và sẵn sàng dùng công quỹ đầu tư cho chúng – cuối cùng sẽ nhận được những kết quả tốt hơn rất nhiều.
Từng nước phải so sánh điều kiện sống của con em mình với điều kiện sống được UNICEF nói tới trong công trình nghiên cứu được nhắc tới bên trên và dùng kết quả đó làm kim chỉ nam cho việc mở rộng những khoản đầu tư cho phúc lợi của trẻ em. Đấy là sự nghiệp quan trọng nhất đối với sức khỏe và thịnh vượng trong tương lai của bất kì dân tộc nào.
Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về phát triển bền vững, và về chính sách sức khỏe và quản lí; Giám đốc Viện Trái đất ở Đại học Columbia (New York, Mĩ); Cố vấn đặc biệt của Tổng thư kí Liên hiệp quốc về mục tiêu phát triển thiên niên kỉ. Ông đã xuất bản những cuốn sách như Chấm dứt đói nghèo và Thịnh vượng chung.
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/new-unicef-study-of-poor-children-in-rich-countries-by-jeffrey-d–sachs
—
* Các tít phụ do Tia Sáng đặt