Trò chuyện về tân hiến pháp

Là cuốn sách được soạn ra để giúp người dân Nhật Bản lĩnh hội được nội dung của hiến pháp mới, thay thế cho Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản ban bố dưới thời Minh Trị, “Trò chuyện về tân hiến pháp” (1947) đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa nước Nhật và khai sáng quốc dân Nhật.

Không bao lâu sau ngày Thiên hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, Hiến pháp Nhật Bản ra đời. Bản Hiến pháp mới với ba nguyên lý cơ bản là “hòa bình, dân chủ và tôn trọng con người” đã thay thế cho bản Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản ban bố dưới thời Minh Trị (1889). Nước Nhật trong suốt 15 năm (1931-1945) bị kìm kẹp trong sự trấn áp khắc nghiệt của chủ nghĩa quân phiệt vì vậy những nội dung của Hiến pháp Nhật Bản là những điều quá mới mẻ với hầu hết người dân Nhật. Chính vì vậy, làm thế nào để toàn bộ người dân Nhật Bản lĩnh hội được nội dung của hiến pháp trở thành vấn đề vô cùng quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, Cục thông tin giáo dục dân sự (CIE) của Bộ tư lệnh quân đồng minh (GHQ) trước khi công bố Hiến pháp Nhật Bản (3/11/1946) đã yêu cầu Bộ Giáo dục biên soạn một cuốn sách “cẩm nang” với mục đích làm cho học sinh có hiểu biết chung về những nội dung chính của Hiến pháp.

Tiếp nhận yêu cầu này, Cục Sách giáo khoa của Bộ Giáo dục Nhật Bản đã bắt tay biên soạn cuốn “Sách đọc về Hiến pháp”. Ngày 13 tháng 3 năm 1946, Asai Kiyoshi (Đại học Keio) được chọn là tác giả viết cuốn sách. Asai đã viết một hơi xong bản thảo dành cho đối tượng là học sinh các trường trung học cơ sở. Bản thảo của Asai đáp ứng được các yêu cầu của Ban Giáo dục trực thuộc CIE và Ban Luật và Tòa án (Court and Law Division) của Cục dân chính và đến ngày 13 tháng 5 thì được GHQ chính thức chấp nhận. Sau khi kiểm tra, CIE đã thêm vào 11 trang minh họa và cuốn sách được đem in.
Ngày 2 tháng 8 năm 1947 cuốn sách được phát hành với tựa đề “Trò chuyện về tân hiến pháp”. Sách được in tới 5, 5 triệu bản dành cho toàn bộ giáo viên, học sinh cấp THCS và người trưởng thành. Cấu tạo nội dung của cuốn sách như sau:

1. Hiến pháp
2. Dân chủ là gì?
3. Chủ nghĩa hòa bình quốc tế
4. Chủ quyền thuộc về nhân dân
5. Thiên hoàng
6. Từ bỏ chiến tranh
7. Các quyền con người cơ bản
8. Quốc hội
9. Chính đảng
10. Nội các
11. Tư pháp
12. Tài chính
13. Tự trị địa phương
14. Sửa đổi
15. Pháp quy tối cao

Về hình thức văn phong, cuốn sách được viết dưới dạng tác giả trực tiếp nói chuyện với độc giả vì vậy đặc điểm nổi bật của nó là sự tươi mới, mềm mại dễ đi vào lòng người. Ví dụ như đoạn văn dưới đây: “Trong số các bạn chắc chắn có nhiều người đã phải tiễn bố và anh trai ra trận phải không nào. Bố và anh có trở về an toàn không? Hay là cuối cùng thì họ đã không về? […] Tiến hành cuộc chiến tranh như thế, Nhật Bản đã thu được lợi ích gì đây? Không có gì cả. Nhưng thật kinh sợ, quá nhiều sự việc bi thảm đã xảy ra phải không nào?” (Từ bỏ chiến tranh).

“Hãy đến những nơi bị cháy bởi những trận bom. Từ mặt đất bị cháy bật lên những mầm cỏ xanh. Tất cả đang vươn mình sống.” (Các quyền cơ bản của con người).

Các nhà nghiên cứu người Nhật cho rằng cuốn sách này là một tư liệu quan trọng phản ánh không khí thời đại của nước Nhật khi đó – giai đoạn chuyển mình từ nước Nhật quân phiệt sang nước Nhật hòa bình, dân chủ. Các nhà nghiên cứu người Nhật cũng chỉ ra một số đặc trưng nổi bật của cuốn sách.

Thứ nhất, cuốn sách đã khẳng định và chỉ rõ rằng Hiến pháp là phương tiện quan trọng để hạn chế quyền lực của quốc gia (nhà nước) và xác lập quyền lợi của quốc dân, tức là thuyết minh về tính hai mặt của hiến pháp. “Trong hiến pháp này, giống như vừa trình bày, bên cạnh cách tiến hành công việc của đất nước thì còn có viết một việc quan trọng nữa. Đó là quyền lợi của quốc dân” (Hiến pháp).

Thứ hai, cuốn sách đã chỉ rõ sự khác biệt của Nhật Bản mới so với Nhật Bản trước chiến tranh. Chẳng hạn như đoạn viết về “Tự do” và “Bình đẳng”: “Có hai thứ cần thiết cho cuộc sống thật sự là người. Đó là “Tự do” và “Bình Đẳng” (Các quyền cơ bản của con người). “Tòa án trở thành nơi có thể kiểm tra xem pháp luật do quốc hội tạo ra có phù hợp với hiến pháp hay không” (Tư pháp).

“Khi sửa đổi hiến pháp thì một mình quốc hội không thể làm được mà phải tiến hành bỏ phiếu để xem quốc dân đồng ý hay phản đối” (Sửa đổi hiến pháp).

Thứ ba, cuốn sách đã luận giải về điều 9 của hiến pháp. Sự trình bày này mặc dù vừa tiếp nhận chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối và phê phán chiến tranh nhưng đồng thời cũng là sự thuyết minh phản ánh chính xác sự biện luận của chính phủ Nhật Bản ở vào thời điểm chế định Hiến pháp. “Ở Nhật Bản sẽ không có cả lục quân, hải quân và không quân. Đây là sự từ bỏ chiến lực. “Từ bỏ” có nghĩa là “ném bỏ”. Tuy nhiên tôi không hề nghĩ mọi người sẽ cảm thấy buồn. Đó là vì nước Nhật làm điều đúng đắn trước các nước khác. Trong thế giới này không có thứ gì mạnh hơn điều tốt” (Từ bỏ chiến tranh).

Tuy nhiên, theo các học giả Nhật thì “Trò chuyện về Tân hiến pháp” cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế. Thứ nhất là sự “biện hộ” cho trách nhiệm của Thiên hoàng đối với cuộc chiến tranh vừa xảy ra: “Trong cuộc chiến tranh này, thiên hoàng đã rất vất vả” […]. Hãy đặt Thiên hoàng vào giữa, phải làm sao cho thiên hoàng khỏi phải vất vả vì trị nước nữa” (Thiên hoàng). Thứ hai, cuốn sách đã đơn giản hóa một cách cực đoan tính đúng đắn của nguyên lý quyết định theo đa số. “Việc quyết định mọi việc theo ý kiến số đông là điều đúng đắn nhất. Do đó những người còn lại nên tuân theo ý kiến của số đông” (Dân chủ là gì?).

Mặc dù còn có những hạn chế nói trên, “Trò chuyện về tân hiến pháp” đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa nước Nhật và khai sáng quốc dân Nhật. “Trò chuyện về tân hiến pháp” của Bộ Giáo dục được ghi vào Mục lục sách giáo khoa năm 1948 và 1949 với tư cách là sách giáo khoa dùng cho học sinh trung học cơ sở năm thứ nhất (tương đương lớp 7 ở Việt Nam). Tuy nhiên sau đó trong năm 1950 và 1951, cuốn sách được dùng như là tài liệu bổ trợ và từ năm 1952 trở đi không còn được ghi vào mục lục sách giáo khoa nữa. Các học giả Nhật cho rằng đó là do sự thay đổi trong chính sách của quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản và mối quan hệ quốc tế đã trở nên căng thẳng khi Xô-Mĩ đối đầu trong cuộc Chiến tranh lạnh.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)