Trứng hay gà có trước?
Trứng có trước hay gà có trước? Câu hỏi đơn giản này lại là một thách thức khôn cùng về mặt lôgích. Có người cho rằng trứng có trước vì trứng nở ra gà; có người lại cho rằng gà có trước vì gà đẻ ra trứng. Thế nhưng, con gà đẻ ra trứng thì lại nở ra từ một quả trứng, và quả trứng đó lại do một con gà đẻ ra… Cứ như vậy, vô tận là những cuộc tranh luận- những “cơn bão tố trong ấm nước trà”.
Thực ra, một thứ chân lý chung chung là điều rất khó đạt được trong cuộc sống. Chân lý bao giờ cũng cụ thể: Con gà đẻ ra quả trứng, thì có trước quả trứng; quả trứng nở ra con gà, thì có trước con gà. Việc trứng có trước hay gà có trước là điều chúng ta chỉ có thể biết được một cách chắc chắn tại những thời điểm xác định trong dòng chảy vô tận của thời gian.
Có hai phạm trù luôn luôn tồn tại khách quan và quyết định bản chất của sự vật. Đó là không gian và thời gian. Chân lý chỉ tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định. Nó không tồn tại ngoài không gian và thời gian đó. Ví dụ, nước sôi ở nhiệt độ 100oC chỉ đúng với vùng đồng bằng, chứ không đúng với vùng núi cao, chỉ đúng với thời nay, chứ không đúng với thời Trái đất có áp suất không khí lớn hơn (hoặc nhỏ hơn). Cũng tương tự như vậy, sự phân bổ của thị trường về các nguồn lực tốt hơn hay sự phân bổ của Nhà nước tốt hơn; tự do quan trọng hơn hay sự điều chỉnh quan trọng hơn là những điều chúng ta chỉ trả lời chính xác được cho từng lúc và từng nơi mà thôi.
Trong chuyện hoạch định chính sách và pháp luật, điều quan trọng là phải luôn luôn nhớ đến các yếu tố không gian và thời gian. Những lý luận chung chung nằm ngoài khuôn khổ của các yếu tố nói trên, đều chứa đựng rủi ro sai lệch hoặc giáo điều. Giáo điều, về bản chất, là một sự sai lệch về thời gian, khi chân lý của quá khứ được áp đặt cho hiện tại và tương lai. Điều tệ hại nhất là các giáo điều thường làm tê liệt khả năng tư duy của con người. Mà thiếu một khả năng tư duy phê phán, con người không thể nắm bắt được những quy luật thay đổi và phát triển không ngừng của cuộc sống.
Cuộc sống lại có thể biến đổi khác nhau ở những vùng miền khác nhau. Một mức hạn điền ở một thời điểm nhất định có thể đúng cho miền Bắc, nhưng chưa chắc đã đúng cho miền Nam. Một định mức chi tiêu có thể đúng cho nông thôn, nhưng chưa chắc đã đúng cho thành thị.
Quả trứng hôm qua có thể đã nở thành con gà hôm nay. Lạm phát hôm qua có thể đã chuyển thành giảm phát hôm nay. Vạn vật đều biến đổi vô tận trong không gian và thời gian. Chính vì vậy, điều quan trọng là đừng nên dùng khả năng tiếp cận chân lý của ngày hôm qua để áp đặt cho ngày hôm nay.