Trước làn sóng AI và tự động hóa: Cơ hội nào cho Việt Nam?
Với Việt Nam, ảnh hưởng của làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa tích cực hay tiêu cực? Lao động Việt Nam sẽ được bổ sung hay bị thay thế? Công nghệ mới sẽ hỗ trợ hoặc cản trở các ngành xuất khẩu và qua đó tăng trưởng của kinh tế Việt Nam?
Dự báo, công nghệ trí tuệ nhân tạo và tự động hoá đến năm 2030 mang đến khả năng tăng GDP toàn cầu 14%, tương đương 15.7 ngàn tỷ USD (Price Waterhouse Coopers). Riêng công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ giúp tăng trưởng GDP toàn cầu 7 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới (Goldman Sachs). Nhưng cùng với các dự báo rực rỡ là những cảnh báo đen tối, cùng thời gian, 300 triệu việc làm sẽ biến mất (Goldman Sachs), 400 đến 800 triệu việc làm sẽ bị thay thế (McKinsey).
Tác động phá vỡ của những công nghệ mới đã được ghi nhận từ lâu với tên gọi là “creative destruction” – hiện tượng sáng tạo mới đào thải những phương thức cũ. Vào đầu thế kỷ 19, trong cuộc cơ khí hóa của ngành dệt may, nhóm “Luddite”, những thợ may bị thất nghiệp khi máy dệt được đưa vào các xưởng may, đã bạo loạn đập phá máy móc trong các nhà máy khắp Anh Quốc. Tại Mỹ vào thập niên 1950-60, ủy ban quốc gia điều tra ảnh hưởng của tự động hóa đã kết luận công nghệ đã nâng cao năng suất đóng góp lớn vào phát triển kinh tế nhưng đồng thời đề nghị chính phủ có biện pháp bảo đảm mức thu nhập tối thiểu cho các hộ gia đình bị công nghệ ảnh hưởng.
Việt Nam cũng như cả thế giới đang đối diện làn sóng sáng tạo công nghệ mới nhất – trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Những công nghệ mới sẽ trực tiếp ảnh hưởng một số ngành và nghề qua tác động đến năng suất của đầu vào và qua cơ chế thị trường lan tỏa đến nhiều ngành khác. Và như những con số được phản ánh trong nhiều dự báo, những ngành truyền thống không liên quan đến công nghệ mới cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng.
Thay thế, bổ sung và ảnh hưởng giá
Những công nghệ mới ra đời trên thị trường không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là kết quả của những đầu tư có mục đích giảm chi phí của một sản phẩm hoặc hoạt động nào đó. Công nghệ mới giảm chi phí bằng hai cách.
Thứ nhất, công nghệ mới bổ sung sức lao động tăng năng suất của người sử dụng. Ví dụ Github co-Pilot, một sản phẩm dùng công nghệ của công ty OpenAI giúp người lập trình viết chương trình phần mềm nhanh hơn. ChatGPT giúp nhân viên hỗ trợ khách hàng chu đáo hơn và nhanh hơn. Cách thứ hai là công nghệ mới trực tiếp thay thế những yếu tố sản xuất năng suất thấp hoặc chi phí cao. Ví dụ Github co-Pilot thay thế một hoặc vài người lập trình. Thay vì một đội ngũ kỹ sư phần mềm thì chỉ cần một hai người sử dụng công nghệ đó. ChatGPT có thể thay thế những nhân viên hỗ trợ khách hàng qua chat hoặc điện thoại.
Có vài nghiên cứu sơ khởi cho rằng ChatGPT, sản phẩm trí tuệ nhân tạo đang thu hút sự chú ý, có khả năng bổ sung cũng như thay thế những người làm nghề viết văn, báo chí, lập trình, hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ luật sư, phân tích số liệu, giảng viên. Những người được công nghệ mới hỗ trợ sẽ làm việc hiệu quả hơn và thu nhập sẽ tăng. Đồng thời, những người bị công nghệ thay thế trực tiếp hoặc bị thay thế bằng một người được công nghệ mới hỗ trợ thì sẽ mất việc hoặc thu nhập sẽ giảm.
Nhưng đối với những ngành không bị ảnh hưởng trực tiếp thì sao? Ví dụ, các ngành xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, điện tử, da, giày không được nhắc phía trên có chịu ảnh hưởng bởi các công nghệ mới không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nên xem kinh tế của một quốc gia như là một đơn vị sản xuất và mỗi công việc, ngành, nghề trong kinh tế là một phần trong chuỗi sản xuất quốc gia (tạm gọi là GDP). Như thế năng suất của một ngành ảnh hưởng năng suất của ngành khác. Ví dụ, nếu ngành giáo dục đào tạo hiệu quả hơn thì năng suất lao động trong nhiều ngành sẽ cao hơn. Nếu kỹ sư lập trình năng suất cao hơn thì mức lương người đó có thể cao hơn và người đó sẽ tiêu xài nhiều hơn khiến cho các ngành nghề khác trong nền kinh tế đó sản xuất nhiều hơn. Hoặc kỹ sư lập trình năng suất cao hơn sẽ giúp thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất của các ngành liên quan. Nếu nhìn từ góc độ đó, thì dù ít hay nhiều, công nghệ mới có thể thay thế hoặc bổ sung một đơn vị sản xuất. Nhưng trong một kinh tế thị trường toàn cầu hóa, kể cả một đơn vị kinh tế được thúc đẩy bởi công nghệ mới cũng chưa chắc đã sống sót. Chẳng hạn, với cùng một đơn vị kinh tế, nếu ở nước A được công nghệ mới bổ sung nhiều hơn ở nước B thì đơn vị kinh tế đó ở nước B có nguy cơ suy giảm và biến mất.
Quá trình thay thế và bổ sung này làm giảm chi phí sản xuất. Mà khi chi phí sản xuất giảm, giá thị trường của sản phẩm cũng giảm theo. Hình 1 minh họa điểm này qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ cho một số sản phẩm điện tử. Từ năm 1997 đến 2015 giá TV, máy tính, dịch vụ internet, máy chụp hình, phần mềm, thiết bị âm thanh đều giảm đều đặn. Giá TV và máy tính giảm hơn 90%. (Riêng giá dịch vụ TV cáp và vệ tinh, và dịch vụ radio tăng nhưng đó chỉ do giới hạn đo lường. Các chương trình trên TV cáp và vệ tinh đã thay thế những cửa hàng thuê video, thay thế một phần phim chiếu rạp, và dịch vụ radio đã thay thế những cửa hàng bán đĩa nhạc. Giá dịch vụ này có thể tăng theo từng năm, nhưng đó là do họ có thêm nhiều chức năng đính kèm mới. Nếu tính trung bình sẽ thấy giá của mỗi chức năng đã giảm). Không chỉ chi phí sản xuất giảm, chi phí logistics cũng giảm. Sự phát triển công nghệ thông tin khiến giảm chi phí giao thông và chi phí thương mại quốc tế – điều này càng dễ dàng cho việc chuyển đổi sản xuất các sản phẩm giá rẻ di chuyển sang những nước giá nhân công rẻ hơn.
Thị trường bành trướng nhưng thị phần không rõ
Những năm đầu thế kỷ 21, số máy rút tiền ngân hàng tự động (ATM) tăng gấp bốn lần tại Mỹ. Nhiều tiên đoán cho rằng công nghệ này trực tiếp thay thế nhân viên ngân hàng và sẽ tiêu diệt việc làm đó. Nhưng theo thời gian, số nhân viên ngân hàng không giảm mà lại tăng. Đúng là máy ATM thay thế và giảm số nhân viên tại một chi nhánh ngân hàng. Nhưng vì điều đó, chi phí hoạt động một chi nhánh nay thấp hơn, khiến ngân hàng mở thêm chi nhánh. Đó là một ví dụ nhìn từ phía cung. Từ phía cầu, sự giảm giá có tác động tương tự. Khi giá thị trường hạ vì chi phí sản xuất giảm, mức cầu sẽ tăng, và nếu “nhu cầu co giãn”—có nghĩa nhu cầu tăng nhiều hơn tỷ lệ giá giảm-thì giá trị doanh thu sẽ tăng khi giá gỉảm. Các mặt hàng điện tử và quần áo được xếp vào hạng “nhu cầu co giãn”. Vào những năm thập niên 1990, một gia đình trung lưu Mỹ thường có một hoặc hai TV trong nhà. Đến 2015 khi giá TV đã giảm hơn 90%, một hộ có trang bị ba, bốn TV trong nhà không phải là điều xa xỉ. Vào những năm 1990, một số ít người có thể mua một máy vi tính cá nhân. Đến năm 2015, một cá nhân thường sử dụng máy vi tính bàn tại công sở, dùng máy vi tính laptop cá nhân sau giờ làm việc, dùng iPad đọc báo và nhắn tin trên điện thoại là chuyện thường. Câu chuyện nhu cầu quần áo cũng theo mẫu tương tự. Nên đối với ngành điện tử và may mặc, hai ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, công nghệ trí tuệ nhân tạo và tự động hoá vì có tác động giảm giá sẽ có tác động bành trướng thị trường toàn cầu.
Tuy thị trường bành trướng cho những ngành này, có hai điểm cần nhắc. Thứ nhất, nhu cầu tăng trưởng vì giá giảm, và giá giảm là do chi phí sản xuất giảm bởi những công nghệ mới tạo điều kiện để thay thế những yếu tố sản xuất năng suất thấp hơn với yếu tố năng suất cao hơn. Nói cách khác, những xí nghiệp tại những quốc gia dùng công nghệ mới hiệu quả hơn sẽ chiếm thị phần lớn hơn. Nếu công nghệ mới không bổ sung sản xuất đủ thì có khả năng bị thay thế bằng doanh nghiệp tại một nước khác. Thứ nhì, tuy thị trường lớn hơn, giá thị trường một đơn vị sản phẩm giảm có nghĩa mức lương chỉ có thể tăng nếu năng suất tăng đủ nhờ công nghệ mới. Chỉ khi đó mới có thể giữ được và thậm chí mở rộng thị trường toàn cầu.
Vị trí trong chuỗi giá trị
Hình 2 trình bày giá trị của một đơn vị trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Mỹ. “Giá trị một đơn vị” là một chỉ số đo lường giá của sản phẩm xuất khẩu. Giá ngành da giảm khoảng 70% từ năm 2000 đến thời điểm đại dịch Covid.Giá ngành giày giảm chút đỉnh nhưng có tăng trưởng từ năm 2000. Ngành nhựa tăng khoảng 50% từ năm 2000 và giá ngành may mặc tăng 100% từ năm 2000. Đáng chú ý nhất là ngành điện tử. Từ năm 2001, giá trị một đơn vị điện tử xuất khẩu đến Mỹ tăng 1300% (gấp 13 lần!). Nên nhớ quá trình giá sản phẩm điện tử Việt Nam xuất khẩu tăng giá xảy ra trong những năm chỉ số giá tiêu dùng điện tử tại Mỹ theo đà giảm (xem Hình 1). Điều này chứng tỏ ngành sản xuất điện tử Việt Nam đã tiến lên trong chuỗi giá trị, lần lượt xuất khẩu những sản phẩm có giá trị cao hơn trong 20 năm qua.
Để xem xuất khẩu Việt Nam đặc biệt hay chỉ theo xu hướng toàn cầu, chúng ta so sánh giá trị của một đơn vị Việt Nam xuất khẩu với một số nước trong vùng (xem Hình 3). Từ năm 2000 đến 2020, giá xuất khẩu Việt Nam tăng nhiều nhất 60%, Indonesia khoảng 40%, Malaysia gần 30%, Mỹ và Trung Quốc khoảng 20%. Tại ba nước trong vùng giá xuất khẩu giảm: Philippines 10%, Nhật 15%, và Hàn Quốc 40%. Xu hướng này được minh họa rõ hơn trong Hình 4 với chỉ số tỷ giá thương mại (Terms of Trade, TOT), tức giá xuất khẩu chia cho giá nhập khẩu. TOT Việt Nam tăng nhiều nhất 37%, tiếp theo là Indonesia và Malaysia; TOT Mỹ không thay đổi từ 2000-2020, Trung Quốc giảm 10%, Philippines giảm 20%, Nhật 30%, và Hàn Quốc giảm hơn 40%. Đối với một quốc gia, TOT là giá trị của những gì mình bán so với những gì mình mua. Trong dài hạn TOT tăng là tốt, giảm là không tốt.
Trong xu hướng tự động hóa và bành trướng của công nghệ trí tuệ nhân tạo, việc những ngành xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt ngành điện tử, có nhiều dấu hiệu tiến lên chuỗi giá trị là điều đáng lạc quan vì hai lý do. Thứ nhất, như đã trình bày trên những công nghệ mới này có tác động giảm giá cho rất nhiều ngành. Khi giá thấp hơn sẽ gây áp lực cho tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Các nước đều phải lựa chọn giữa việc tăng năng suất hoặc giảm mức lương, nếu không, lợi thế sản xuất sẽ dịch chuyển đến một nước khác. Nếu thành công trong việc thích nghi với những công nghệ mới, nâng năng suất đủ, Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư sản xuất những sản phẩm đó, và trong đó, tiếp tục tiến lên nấc thang cao hơn chuỗi giá trị toàn cầu. Giá của sản phẩm mới, tuy theo đà giảm nhưng cao hơn giá sản phẩm Việt Nam xuất khẩu trước.
Thứ nhì, riêng với ngành điện tử, công nghệ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đã và sẽ trực tiếp tạo nhu cầu cho nhiều sản phẩm mới. Cuối tháng năm vừa qua, công ty Nvidia vượt thị giá vốn 1.000 tỷ USD, tăng 180% trong năm 2023. Lý do giá trị công ty này tăng khủng khiếp như vậy là vì Nvidia thiết kế và sản xuất những chip đặt vào máy điện toán đám mây xử lý các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các công ty chứa dữ liệu lớn và điện toán đám mây đều phải nâng cấp phần cứng dùng chip Nvidia sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho ChatGPT và những phần mềm ứng dụng tương tự. Với nhu cầu toàn cầu, không lâu, những công ty khác sẽ nhập cuộc cạnh tranh với Nvidia, áp lực giá chip giảm và tạo nhu cầu sản xuất chip tại những nơi chi phí thấp đủ khả năng và năng suất và thỏa mãn những tiêu chuẩn ngoài chi phí. Nói chung hơn, công nghệ mới sẽ tạo áp lức giá cho nhiều ngành tại nhiều quốc gia. Đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận những công nghiệp tìm kiếm những nơi sản xuất kinh tế hơn.
Làn sóng AI và tự động hóa, qua cơ chế thị trường có khả năng tích cực cho các ngành xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên với điều kiện là lao động Việt Nam thích nghi và dùng công nghệ mới để nâng cao năng suất. Trong việc này, chính phủ, các đơn vị giáo dục cũng như phụ huynh cần tạo điều kiện cho dân chúng, nhất là học sinh và người trẻ tiếp cận với công nghệ mới. Với chính sách đầu tư đúng đắn cho công nghệ mới, lao động Việt Nam có thể thích nghi, năng suất tăng và làn sóng công nghệ mới nhất sẽ là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục phát triển. □
——
Tác giả: Đại học Baylor