Tự chủ đại học: Con đường gập ghềnh

Tự chủ đại học đã được nhắc tới từ cách đây hai thập kỷ và được luật hóa từ năm 2005, sau đó bắt đầu thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Dù các nhà quản lý đã khẳng định tự chủ đại học là con đường một chiều của giáo dục đại học Việt Nam nhưng trên con đường ấy vẫn còn những vướng mắc nào cản trở quá trình tự chủ của các trường? Đó là nội dung cuộc trao đổi của Tia Sáng với GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam.


GS.TS Trần Đức Viên. Ảnh: Hoàng Nam

Là người có thời gian theo dõi, trải nghiệm một chặng đường dài của tự chủ đại học, ông thấy chính sách tự chủ đã tạo ra cú hích nào với các trường?

Sau rất nhiều các thảo luận và trải nghiệm, người ta đã nhận thức rằng tự chủ đại học là con đường tất yếu phải đi của các trường đại học Việt Nam dù muốn hay là không. Nhưng con đường ấy rộng hay hẹp, phẳng phiu hay gập ghềnh trắc trở thế nào phụ thuộc chủ yếu vào thể chế và quyết tâm chính trị của những người có trách nhiệm. Đã có nhiều hướng dẫn, văn bản, nghị định1 được đưa ra mang tính “đốc thúc” tự chủ nhưng tại sao cho đến nay mới chỉ có trên 20 trường dám “thí điểm” tự chủ (và chưa có những tổng kết đánh giá khả tín về những bước đi chập chững của những trường này)? Một chủ trương muốn được cuộc sống chấp nhận cần phải đảm bảo được ít nhất hai vấn đề cốt tử: một là tạo được niềm tin cho các đối tượng chịu tác động của chính sách, bởi một khi đã có niềm tin, người ta có thể đạp bằng mọi gian khó; và hai là, thực tế phải minh chứng được chính sách ấy giúp họ có thêm nhiều lợi ích đa chiều hơn.

Từ quan sát của cá nhân, tôi thấy các nỗ lực chính sách của chúng ta chưa thực sự tường minh nên đang tạo ra hiệu ứng chỉ tự chủ được “nửa chừng”. Tự chủ được thể hiện ở hai cấp độ quan hệ: cấp độ trong nội bộ trường và cấp độ giữa trường đại học với nhà nước, rõ nhất là với cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan. Hiện nay về cơ bản các trường tự chủ có mô hình quản trị chưa khác gì nhiều so với các trường chưa tự chủ, ngoài việc “đẻ” ra thêm một thiết chế mà đến nay vẫn còn hữu danh vô thực là Hội đồng trường (HĐT). Mặt khác, có lẽ các nhà trường chưa được tin tưởng thực sự nên thay vì tạo điều kiện để tự chủ thực chất thì vẫn được các bộ ngành giám sát hoạt động “như xưa” qua công tác thanh tra, kiểm toán trực tiếp đều đặn, và hàng loạt các chính sách trói buộc tự chủ đại học khác, làm cho các trường tự chủ muốn tự chủ thực sự cũng không dễ dàng gì; dù ai cũng biết, ở các nước có nền GD&ĐT tiên tiến, nhà nước ngoài việc cung cấp tài chính thì có rất ít vai trò trong việc định ra những quy tắc để quản lý trực tiếp nhà trường, đó thuần túy là công việc của nhà trường và các bên liên quan khác trong cơ chế đồng quản trị; nhà nước và xã hội chỉ quan tâm đến các sản phẩm đầu ra mà nhà trường đã cam kết.

Trong khi chưa tính toán đầy đủ và khả thi để biết tự chủ sẽ tạo ra động lực, nguồn lực thực sự gì cho từng trường đại học, qua đó có một lộ trình phù hợp, vậy mà chúng ta đã đưa ra những thủ tục hành chính hóa là đến một ngày cụ thể phải có HĐT, rồi đến một ngày cụ thể khác phải đổi mới HĐT theo luật mới một cách “đồng phục”.


Trong phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những đơn vị đang đi tiên phong trong việc phát hiện một số bệnh dịch mới nổi. Ảnh: Thu Quỳnh

 

Vì sao cho đến nay HĐT vẫn bị coi là “hữu danh vô thực”?

Về nguyên tắc, theo Luật định, HĐT đại diện cho chủ sở hữu của nhà trường, mà với các đại học công lập thì đó là chủ sở hữu cộng đồng thiết chế quyết định các vấn đề quan trọng nhất của một trường đại học như tổ chức và nhân sự, kể cả nhân sự ban giám hiệu, tài chính và tài sản, đối nội và đối ngoại; nhưng thực tế vai trò này lại bị chồng chéo và còn chưa rõ ràng. Vì trên thực tế, cũng như tất cả các trường chưa tự chủ khác, Đảng ủy mới chính là cơ quan quyết định công tác tổ chức và nhân sự trong nhà trường. HĐT có nhiệm vụ hợp pháp hóa các nghị quyết của Đảng ủy bằng các nghị quyết của HĐT. Chưa có một hướng dẫn nào phân định rõ ràng nghị quyết của Đảng ủy có gì giống và khác với nghị quyết của HĐT và ngược lại. Nếu trong một trường đại học mà bí thư Đảng ủy kiêm luôn hiệu trưởng thì người đó gần như toàn quyền. Ví dụ, quy trình hiện nay về nhân sự là đã có quy hoạch của Đảng ủy, rồi quy hoạch ấy lại trình lên Đảng ủy khối các trường đại học, trình lên Ban cán sự Đảng của cơ quan chủ quản, thì việc xin ý kiến HĐT chỉ là thủ tục, hội đồng chỉ làm việc thực hiện những quyết định đã có sẵn; cái đó được gọi là ‘tự chủ thủ tục’ (procedure autonomy), chưa phải tự chủ thực chất.

Trong thực tế hiện nay có thể nói rằng không có hội đồng thì các trường vẫn hoạt động như thế. Trong khi đó, muốn đánh giá được vai trò của HĐT, phải chứng minh được rằng thiết chế ấy đã nâng cao được chất lượng giáo dục, chất lượng hoạt động KH&CN và các hoạt động khác của trường đại học.
 

Dễ thấy điểm khác biệt căn bản của mô hình tự chủ của ta so với các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến (mà ta đang cố gắng học theo) là trong khi ta có các tầng lớp kiểm soát, giám sát khác nhau thì ở họ các đại học đó hoàn toàn gần như là một “lãnh địa” riêng của giới học thuật mà nhà nước không cần can thiệp vào miễn là trường ấy không vi phạm hình sự, không làm thất thoát tài sản, không tham nhũng, đảm bảo liêm chính học thuật. Nhà nước tôn vinh và đầu tư cho nhà trường dựa vào KPIs (kết quả đầu ra) rõ ràng như có nhiều sinh viên xuất sắc, sinh viên có việc làm tốt, nhiều công bố đẳng cấp, nhiều phát minh, sáng chế, nhiều đổi mới sáng tạo, nhiều kết quả phục vụ xã hội thiết thực và hiệu quả, v.v… Thông qua KPIs ấy, xã hội cũng đã tự “xếp hạng” và vinh danh các trường đại học thôi. Vấn đề mấu chốt là chúng ta phải làm sao xây dựng được một mô hình lành mạnh, tự do học thuật cao, liêm chính học thuật được tôn trọng, không bị bó buộc bởi bất cứ thủ tục hành chính nào; nhờ thế, nhà trường sẽ trả lại cho xã hội bằng kết quả KPIs tốt nhất có thể.

Nhìn chung, muốn sáng tạo, phát huy nội lực thì phải có tự do học thuật, có khoảng trời tự do cho các nhà khoa học, phải trao quyền cho họ thì họ mới có tự do được, mới nghiên cứu cái mà mình muốn và công bố cái mà đất nước đang cần; nhà nước và xã hội tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do học thuật ấy. Nhìn lại, hình như chúng ta chưa làm được nhiều trong việc tạo ra khuôn khổ pháp lý để các nhà khoa học được thực sự tự do sáng tạo, để họ được cống hiến thật sự cho dân cho nước.

Để đại học tự chủ thì không chỉ cần có sự tự chủ về mặt thiết chế tổ chức, mà còn cả về nguồn nhân lực, tài chính. Theo ông trong thực tế điều này đã diễn ra như thế nào?

Trường đại học chỉ tự chủ thực sự khi quyền quyết định chuyên môn thuộc về hội đồng học thuật đại học, quyền quyết định về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản thuộc về HĐT với sự giám sát của vị đại diện vốn nhà nước nằm trong HĐT. Về mặt luật pháp tưởng như đã thông thoáng, rõ ràng nhưng thực tế có rất nhiều thứ đang còn lúng túng, đang bị ràng buộc bởi nhiều luật khác như Luật Viên chức, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… vì các Luật này và hệ thống các văn bản dưới Luật còn chưa hỗ trợ nhau, thậm chí còn nhiều quy định chưa ăn khớp với nhau, “cản phá” nhau, chưa hoàn chỉnh, thống nhất để dẫn lối và hỗ trợ các trường đại học thực hiện quyền tự chủ đã được luật định.

Về mặt nhân sự, các trường tự chủ chưa được trao quyền tự chủ quyết định nhân sự cấp cao nhất, mà mới chỉ được quyết định từ cấp khoa, cấp bộ môn trở xuống.

Về tài chính, chúng ta cũng đang tự chủ khá nửa vời và chưa có những quy định tường minh xem các trường được làm gì và chưa được làm gì. Nhà trường tự chủ và không nhận kinh phí chi thường xuyên của nhà nước, nay được quyền xếp lương cho cán bộ nhưng chỉ tối đa bằng hai lần mức lương cơ bản, còn lại muốn xếp lương cho giáo sư thì phải xin ý kiến. Làm sao mà Bộ Nội vụ hoặc cơ quan chủ quản biết được chính xác giáo sư ấy thực sự đóng góp như thế nào cho nhà trường? Khen thưởng cũng theo định mức, theo hướng dẫn; đúng ra đó là việc của nhà trường, được phân loại dựa theo các tiêu chí về hiệu quả công tác, hiệu lực quản lý và năng suất lao động, ko cần một “cấp trên” nào “duyệt” cả.

Thực ra bây giờ đồng lương chưa đủ sống thì làm sao các trường đại học có thể thu hút được người tài về, muốn trả thu nhập xứng đáng theo hiệu quả công việc thì lại phải “biến báo” bằng cách trả thêm theo hợp đồng sản phẩm, hợp đồng nghiên cứu, viết chuyên đề, v.v…. thay vì nhà nghiên cứu, giảng viên trong trường có được một mức lương cao một cách minh bạch, cứ thế mà làm và trả đúng KPIs nhà trường giao. Nhà khoa học còn phải hoàn tất cả yêu cầu dở khóc dở cười như đi ô tô thì phải sao chụp từ bằng lái của lái xe, số CMT của lái xe, nhật ký hành trình, chụp ảnh chiếc ô tô với biển số đăng ký, tới nhà dân khảo sát là phải có thông tin tọa độ, địa chỉ, số CMT, xin số tài khoản để chuyển khoản, nhìn chung là các nhà quản lý tìm đủ mọi cách để chống các nhà khoa học (KH) “nói dối”. Các trường phải tiêu tốn nguồn nhân lực không nhỏ vào việc hoàn thiện các chứng từ kế toán bằng cung cách quản lý “sợi tóc chẻ làm tư”. Nếu nhà quản lý quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chí KPIs rõ ràng, khả tín thì lo gì họ nói dối hay bớt xén?

Như vậy, chính sách thì cởi mở nhưng nhìn vào chi tiết thì thấy còn nhiều cái bó chân bó tay nhà khoa học. Động lực cho các trường phát triển sẽ chỉ tới khi không còn những quy định làm nản lòng các nhà khoa học, các giảng viên đại học, để tự chủ đại học mang lại cho chủ thể của đổi mới giáo dục và các đối tượng liên quan niềm tin thực sự, lợi ích thực sự. Khi hội tụ đủ các yếu tố ấy, không cần “hô hào” hoặc “khoác” chiếc áo tự chủ, các trường cũng sẽ tự động tự chủ, không cần một biện pháp hành chính nào.


Đại học Bách khoa là một trong số hơn 20 trường đang thí điểm tự chủ đại học. Ảnh: Hoàng Nam. 
 

Vậy cần có những chính sách, quy định nào để không còn những cái “bó chân” đó, thưa ông?

Muốn một thực thể sống thật thì nó phải có không gian sinh tồn thực sự của mình. Về tự chủ đại học, cần làm rõ mối quan hệ giữa các thiết chế quản lý và quản trị ở hai mức độ: một là, trong nội bộ trường đại học có Đảng ủy thì Đảng ủy sẽ làm gì, HĐT, ban giám đốc làm gì; nghị quyết của Đảng ủy, nghị quyết của HĐT ban hành những vấn đề gì. HĐT phải có thực quyền chứ không thể là một tổ chức hữu danh vô thực, nó có vị trí và vai trò thực sự của nó; thiếu thiết chế này hoạt động của trường đại học bị méo mó, chất lượng đào tạo, uy tín xã hội bị suy giảm… Mô hình HĐT cũng tương tự như mô hình hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp, người ta cũng cho rằng trường đại học tự chủ sẽ vận hành ‘như’ (chứ không phải ‘là’) doanh nghiệp, vậy thì tại sao cơ chế của hội đồng quản trị của doanh nghiệp lại khác biệt với tổ chức HĐT nhiều đến vậy? Thứ hai là xác định rõ ràng mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và nhà trường. Chúng ta chỉ bỏ “cơ chế” chủ quản chứ không nhất thiết phải bỏ cơ quan chủ quản, nên cần phải quy định, cơ quan chủ quản được làm gì và không được làm gì, nhà trường được làm gì và không được làm gì. Một khi hành lang pháp lý có đường biên rõ ràng thì các trường đại học tự chủ cứ thế mà thực hiện các quyền đã được pháp luật cho phép, quan hệ xin-cho giữa cơ quan chủ quản và trường cũng sẽ biến mất, không còn có chuyện cơ quan chủ quản can thiệp sâu vào các hoạt động của nhà trường, kể cả các vấn đề “tế nhị” về tổ chức và nhân sự.

Về mặt tư tưởng, cũng cần thay đổi quan điểm tự chủ tài chính là các trường phải tự lo, “tự bơi”. Cách hành xử này dẫn đến thực trạng là trước khi nghĩ đến chất lượng hay giáo dục khai phóng còn ở mãi đâu đâu, các trường đã phải loay hoay lo kiếm tiền để tồn tại, lo tuyển cho nhiều sinh viên vào học vì học phí gần như là nguồn thu duy nhất trước khi lo thực hiện sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của trường. Ở đâu giáo dục mà chỉ lo kiếm sống thì ở đó khó có nền giáo dục tử tế, khó nói đến chất lượng, ở đâu làm khoa học mà để kiếm tiền, để làm giàu thì ở đó khó có nền khoa học công nghệ chân chính, khó có liêm chính học thuật. Nếu nhìn nhận tự chủ tài chính một cách méo mó và thiển cận, thì sẽ tạo ra làn sóng “kinh doanh hóa” các trường đại học, nghĩa là những người điều hành trường đại học đặt ưu tiên tài chính lên hàng đầu, nên họ tìm mọi cách để tăng thu và tiết kiệm tối đa chi phí đào tạo, tìm mọi cách thức để “giáo dục với giá rẻ”. Lãnh đạo các trường này không ngại ngần yêu cầu giảng viên phải chấm điểm cao hơn, thiết kế khóa học dễ hơn, giảm bớt thực hành, thực tập, hạn chế tối đa việc đánh trượt sinh viên, v.v…  Kinh doanh hóa đào tạo như thế thì lấy đâu ra chất lượng, lấy đâu ra người tài?

Đồng thời, việc đầu tư cho các trường tự chủ cũng phải tường minh. Hiện nay chúng ta đang thấy một thực trạng là tự chủ hay không tự chủ không hơn gì nhau về mặt đầu tư của nhà nước, chỉ thấy tự chủ bị thua thiệt vì bị cắt ngay lập tức các khoản chi thường xuyên. Dù muốn dù không thì cũng đã đến lúc có các chỉ số về đầu tư tường minh, dựa chủ yếu vào các tiêu chí KPIs mà các trường đại học đạt được. Ví dụ, hiện nay chúng ta chưa biết rõ cơ sở khoa học của việc đầu tư cho trường đại học A cả ngàn tỉ đồng với một trong những đầu ra là 200 công bố trên các tạp chí Q1, còn ít bằng phát minh hay sáng chế; trong khi đó, có trường không nhận ngân sách nhà nước nhưng cũng có cả trăm công bố trên trên các tạp chí Q1, và đều đặn có một vài phát minh, sáng chế được quốc tế thừa nhận.

Tôi vẫn còn băn khoăn là, hình như ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển, các trường đại học tự chủ thực chất là các trường tự trị đại học mà ở đó họ chỉ cần cam kết: Không vi phạm hình sự, không tham nhũng, không vi phạm liêm chính học thuật, không làm thất thoát hay suy giảm tài sản công, và bảo đảm hoạt động của nhà trường hiệu quả và bền vững. Một khi đại học làm đúng như vậy, không một cơ quan nhà nước hay tư nhân nào can thiệp vào các hoạt động của nhà trường.

 

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Thu Quỳnh thực hiện

 

Cần phải có đánh giá các chính sách tự chủ đại học hiện nay đang tác động như thế nào tới các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 [2] trong giai đoạn đầu.
Thực ra, 6 trường ‘thí điểm’ đầu tiên (Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) đều là các trường ‘mạnh’ về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hoặc là các trường có nguồn thu học phí chủ động và đủ lớn, có thế mạnh có thể liên kết với doanh nghiệp, và hợp tác quốc tế; nên cần phải phân tích để biết được các chính sách về tự chủ đã tạo điều kiện cho họ phát triển đến đâu, những thành quả nào có được là nhờ tự chủ, những thành tựu nào không phải do tự chủ… Việc đánh giá này phải do các cơ quan, tổ chức đánh giá độc lập tiến hành, từ đó rút ra các bài học cho việc hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện tự chủ đại học trên quy mô lớn hơn. Cũng xin nói thêm là, nên chăng nhà nước chọn các đại học quốc gia, đại học vùng, là các đại học rường cột của hệ thống giáo dục đại học của đất nước, để tiến hành thí điểm tự chủ trước; từ đó, với các bài học thu được từ quá trình ‘thí điểm’ này, mở rộng dần sang các trường đại học khác, thì có lẽ tiến trình tự chủ đại học đã thu được nhiều thành tựu nổi bật hơn.


Chú thích:
1 Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục đại học 2012 và cụ thể hóa hơn trong Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định 99, ngày 30 tháng 12 năm 2019, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục ĐH.
2 Nghị quyết 77/NQ-CP (NQ77) ngày 24/10/2014.

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)