Từ chủ quyền dữ liệu đến ban-căng hoá internet: Những vận động mới trong quản lý internet
Chủ quyền dữ liệu (data sovereignty) là khái tiệm tư duy đang ngày càng trở nên phổ biến trong cách các quốc gia khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) tiếp cận việc quản lý internet. Đặc biệt, tư duy chủ quyền dữ liệu là nền tảng cho việc hình thành thương hiệu quản lý internet của Nga và Trung Quốc – hai cường quốc đang ngày càng xích lại gần nhau trên mặt trận hình thành ý thức hệ đối lập với phương Tây trong việc định hình hệ thống internet. ‘Ban-căng hoá’ internet (internet balkanisation– hay ‘splinternet’), một khái niệm được nhắc đến đầu tiên từ những năm cuối thập niên 90, đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây bởi mối liên minh ngày càng rõ nét này.
Tổng thống Vladimir Putin trong một buổi hội nghị báo chí phát biểu rằng: “Internet là một dự án của CIA và bây giờ vẫn vậy”. Nguồn: kremlin.ru
Chủ quyền dữ liệu và khối BRICS
Chủ quyền dữ liệu là thuật ngữ dùng để chỉ các động thái làm luật với mục đích kiểm soát dữ liệu đi ngang qua, hoặc được tạo ra ngay tại lãnh thổ các quốc gia trên thế giới. Khác với một khái niệm rộng hơn là chủ quyền điện toán (cyber sovereignty), chủ quyền dữ liệu và các quốc gia đứng sau tư duy này (mà cụ thể là các quốc gia khối BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và những nước có trình độ phát triển kinh tế tương tự) đặc biệt hướng mũi nhọn quan tâm đến việc điều chỉnh dòng chảy dữ liệu trên internet dưới quyền hạn pháp lý của từng quốc gia khác nhau.
Nga và Trung Quốc là hai quốc gia thuộc khối BRICS có cái nhìn gay gắt và mạnh mẽ nhất về vấn đề chủ quyền dữ liệu, với thái độ xem việc siết chặt dòng chảy dữ liệu bắt nguồn từ và thông qua lãnh thổ quốc gia hai nước này là yêu cầu tối quan trọng trong việc bảo vệ thông tin nhạy cảm cũng như nền văn hoá quốc gia của họ trên môi trường internet. Các quốc gia còn lại trong khối BRICS đã và đang có những động thái làm luật với hướng đi tương tự, dù với mức độ thành công, sự chặt chẽ, mối quan tâm, và động lực khác nhau. Vào năm 2013, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ủng hộ việc sửa đổi khung quyền dân sự trên internet (còn được gọi là Marco Civil), yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ đám mây nước ngoài lưu trữ dữ liệu tạo ra tại Brazil trên các máy chủ được lưu trữ ở Brazil. Tuy nhiên, đề xuất này không mấy được lòng các nhà làm luật tại Brazil, và dự luật được chốt lại với điều khoản ít gây tranh cãi hơn, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ đám mây nước ngoài hoạt động tại Brazil phải tuân thủ luật pháp Brazil.
Vào năm 2011, Chính phủ Ấn Độ cập nhật Đạo luật Công nghệ thông tin năm 2000 nhằm đưa ra một số sửa đổi liên quan đến quyền riêng tư và xử lý dữ liệu, bao gồm cả việc bắt buộc các doanh nghiệp thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân phải có chính sách bảo mật dữ liệu người dùng, có được sự đồng ý thu thập dữ liệu từ người dùng, và chỉ được chia sẻ dữ liệu với các công ty có cùng tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu gắt gao theo quy định pháp luật của Ấn Độ. Không phải là ngẫu nhiên mà các yêu cầu này của Ấn Độ vào năm 2011 nghe khá quen thuộc; Ấn Độ, với vị trí là quốc gia tiếp nhận hơn 40% lượng thuê ngoài bắt nguồn từ các nước phương Tây, vốn đã từ lâu đồng thuận với cách nhìn làm luật quản lý dữ liệu của các quốc gia châu Âu. Ta có thể nhìn thấy rất nhiều điểm tương đồng từ cách làm luật của Ấn Độ với GDPR, bộ luật bảo vệ dữ liệu châu Âu chính thức có hiệu lực vào năm 2018. Điểm đáng lưu ý với trường hợp Ấn Độ là việc ủng hộ làm luật quản lý dữ liệu tại quốc gia này chủ yếu đến từ giới tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ thông tin, bởi nhu cầu gia tăng tính cạnh tranh trong việc giành lấy thị phần thuê ngoài từ các quốc gia phương Tây với lối tư duy bảo vệ dữ liệu nhằm mục đích gia tăng quyền lợi của công dân họ. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, Ấn Độ dường như quan tâm hơn đến việc bảo vệ dữ liệu của các nhà đầu tư phương Tây tại lãnh thổ quốc gia họ hơn là bảo vệ dữ liệu của công dân Ấn Độ tạo ra trên lãnh thổ Ấn Độ. Chính vì sự khác biệt mấu chốt này mà động thái làm luật dưới tên gọi chủ quyền dữ liệu của Ấn Độ thường mang nhiều tương đồng với các quốc gia phương Tây hơn là các quốc gia còn lại trong khối BRICS.
Nam Phi phê duyệt Khung chính sách An ninh mạng Quốc gia vào năm 2012, với động lực cốt yếu giúp quốc gia này xây dựng cơ sở an ninh internet đáng tin cậy hơn. Đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tai nạn tấn công mạng (cyber attacks), Nam Phi là một trong những nạn nhân chịu nhiều rủi ro mạng nhất thế giới bởi cơ sở hạ tầng non yếu và sự lơ là xây dựng cơ sở pháp lý vững mạnh nhằm bảo vệ an ninh mạng. Với tỉ lệ phần trăm người dùng ngày càng tăng đáng kể (gần 60% vào năm 2018, cao hơn Ấn Độ với chưa đầy 25%, và nhỉnh hơn cả Brazil với 58%), Nam Phi đang ngày càng đối mặt với những thử thách an ninh mạng cả về mặt kỹ thuật lẫn pháp lý.
Bài toán thương hiệu liên minh Nga-Trung
Trái với các quốc gia còn lại trong khối BRICS, Nga và Trung Quốc đang dần hình thành một thương hiệu quản lý internet đậm nét Nga-Trung. Chính phủ Trung Quốc và Nga đồng kiến tạo thương hiệu “chủ quyền internet” hoàn toàn đối lập với hệ tư tưởng công nghệ và quản trị của Mỹ, phù hợp với tham vọng chính trị của cả hai cường quốc này trên chính trường thế giới từ những năm đầu thế kỷ XXI.
Chủ nghĩa tư duy đối lập của Trung Quốc và Nga có một lịch sử khá dài. Thương hiệu chủ quyền internet của Nga ra đời năm 1998, khi Nga đề xuất với Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết về “Những phát triển trong lĩnh vực thông tin và viễn thông trong bối cảnh an ninh quốc tế”. Vai trò trung tâm của nhà nước và các tổ chức liên bang trong việc quản lý internet tại Nga được manh nha từ văn bản này, và từ đó phát triển ngày càng mang tính có tổ chức. Trong suốt một thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc và Nga cùng nhau giới thiệu khái niệm chủ quyền internet thông qua nhiều cơ quan và quy trình quản trị Internet mới, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin (World Summit on the Information Society), Diễn đàn quản trị Internet (Internet Governance Forum), Đại hội công nghệ thông tin thế giới (World Congress on Information Technology), và Netmundial. Trong vòng 10 năm trở lại đây, khi vấn đề quản lý internet ở cấp độ toàn cầu đang ngày càng trở thành vấn đề địa chính trị mang tính tranh cãi gay gắt, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong vấn để này đang ngày càng xích lại gần hơn, với chuyên gia Alexander Gabuev gọi đùa mối quan hệ này là “tình anh em kỹ thuật số” (digital bromance) trong thời đại công nghệ thông tin.
Trung Quốc xem Baidu là “phương tiện để phát sóng và truyền bá văn hóa Trung Quốc. Nguồn ảnh: South China Morning Post
Vào năm 2011, cùng với Tajikistan và Uzbekistan, Trung Quốc và Nga đã trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc một đề xuất về Quy tắc ứng xử quốc tế về an ninh thông tin (International Code of Conduct for Information Security). Phê phán những lời hoa mỹ mang tư duy toàn cầu hoá về tự do ngôn luận trên internet thường được đẩy mạnh bởi Mỹ và các quốc gia phương Tây, Quy tắc này nhấn mạnh “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các quốc gia” cũng như “tôn trọng sự đa dạng của lịch sử, văn hóa và hệ thống xã hội của tất cả các quốc gia.” Quy tắc này cũng nhấn mạnh quyền của các quốc gia trong việc bảo vệ không gian thông tin của họ, đặc biệt đề cao “môi trường tinh thần và văn hóa”, và “sự cần thiết phải thiết lập một hệ thống quản lý Internet quốc tế đa phương, minh bạch và dân chủ” ở cấp chính phủ. Năm 2015, dưới tên gọi Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization), bao gồm các nước Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan, Quy tắc này được chỉnh sửa và một lần nữa trình lên Liên Hợp Quốc. Động thái này được nhìn nhận rộng rãi trên toàn thế giới là hành vi đánh dấu sự chia rẽ mang tính thể chế hoá trong quản lý internet ở cấp độ toàn cầu.
Cũng trong năm 2015, Trung Quốc và Nga chính thức hóa mối liên minh điện toán của hai quốc gia này với Thỏa thuận song phương về Hợp tác an ninh thông tin quốc tế (Agreement on International Information Security Cooperation). Thỏa thuận khẳng định rằng chủ quyền và các nguyên tắc quốc tế áp dụng cho toàn bộ các quyền thi hành luật của nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, và quyền tài phán quốc gia luôn được ưu tiên trong các vấn đề cơ sở hạ tầng thông tin nằm trong biên giới địa lý của mỗi quốc gia. Gần đây nhất, vào tháng 4/2016, Moscow đã tổ chức Diễn đàn An toàn Internet Quốc tế lần thứ 7, và trong khuôn khổ này Diễn đàn an ninh và phát triển Công nghệ thông tin Trung-Nga lần thứ nhất đã chính thức diễn ra. Tham gia diễn đàn này từ phía phái đoàn Trung Quốc là Lu Wei, Giám đốc Quản lý không gian mạng của Trung Quốc lúc bấy giờ, và Phương Tân Hưng, Kỹ sư trưởng của Khiên Vàng (Golden Shield), công nghệ kiểm duyệt internet khét tiếng ở Trung Quốc. Chủ quyền điện toán và sự cần thiết trong việc đối trọng với chính sách và các công ty Internet của Mỹ là những vấn đề được bàn đến xuyên suốt diễn đàn. Liên minh Nga-Trung ngày càng phản đối rõ nét những gì họ xem là sự thống trị của Mỹ trong việc quản lý internet toàn cầu, và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chủ quyền internet bằng cách thúc đẩy xây dựng các công ty dịch vụ internet nội địa. Các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực internet không chỉ được nêu tên tại các sự kiện trong nước một cách khoa trương; mà các công ty này còn thường xuyên được đưa vào tham gia các sự kiện liên quốc gia dưới biểu ngữ ‘chủ quyền internet’.
Các công ty dịch vụ internet nội địa điển hình của Trung Quốc và Nga là Baidu và Yandex. Hai thương hiệu bộ máy tìm kiếm trên internet này đều ra đời vào năm 2000, ra sàn vào năm 2005 (Baidu) và 2011 (Yandex). Tại Trung Quốc, Baidu chiếm hơn 75% thị phần công cụ tìm kiếm trên mạng, giữ vị trí gần như độc tôn tại quốc gia này – phần lớn nhờ vào việc Google rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010. Tuy vẫn đang hoạt động tại Nga, thị phần của Google ở quốc gia này chỉ vỏn vẹn 30%, so với 55% của Yandex. Không chỉ vận hành trên lãnh thổ Nga, Yandex đã và đang thiết kế những công cụ tìm kiếm đặc biệt dành cho các quốc gia lân cận như Belarus, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ukraine. Từ sau khi lên sàn, Yandex còn đặc biêt tạo ra công cụ yandex.com dành cho người sử dụng tiếng Anh, và thậm chí đặt văn phòng nghiên cứu và phát triển mang tên Yandex Labs ở Thung lũng Silicon tại California, Mỹ. Ước tính cho thấy 9% lợi nhuận của Yandex thu được từ quảng cáo đến từ bên ngoài lãnh thổ Nga. Làm chủ bộ máy tìm kiếm trên ở cấp độ quốc gia là một dự án mang tính chiến lược vô cùng quan trọng; lượng thông tin khổng lồ trên internet sẽ không thể nào đến được với người dùng nếu không có những bộ máy tìm kiếm sàng lọc và tổ chức, sắp xếp lượng thông tin này theo cách liên quan và hữu ích nhất đến với người dùng. Nói cách khác, các công cụ tìm kiếm trên mạng như Google, Baidu, hay Yandex chính là cửa ngõ dẫn người dùng internet đến với nguồn tài nguyên thông tin kỹ thuật số giàu có của toàn thế giới. Đằng sau mỗi cánh cửa là một quan cảnh khác nhau, với những chọn lọc tài nguyên được sắp xếp với những mục đích hoàn toàn khác biệt. Trung Quốc xem Baidu là “phương tiện để phát sóng và truyền bá văn hoá Trung Quốc”, và dù đã không đạt được thành công tại Nhật và Việt Nam, Baidu đã ra mắt công cụ tìm kiếm bằng tiếng Bồ Đào Nha mang tên Busca tại Brazil vào năm 2014, với sự có mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Nga xem Yandex là sản phẩm của một “nước Nga mới, tràn đầy lý tưởng đổi mới và tư duy kinh doanh”, dưới thời Tổng thống Medvedev. Khẩu hiệu này tồn tại vỏn vẹn bốn năm khi tổng thống Nga Putin trở lại vào năm 2012; dưới chính quyền Putin, internet được nhìn nhận là hệ thống công nghệ kỹ thuật mang tính lật đổ của phương Tây, là nơi bắt nguồn của tệ nạn xã hội và chính trị, và là mối đe dọa xã hội cần được kiểm soát và kiềm chế. Tại Diễn đàn độc lập Truyền thông địa phương và Khu vực năm 2014, Putin đã gọi internet là một “dự án đặc biệt của CIA”, và bày tỏ quan điểm rằng Mỹ muốn giữ vị trí độc quyền trong quản lý nguồn tài nguyên cũng như cơ sở hạ tầng internet.
Ban-căng hoá internet và những rủi ro tương lai
Quản lý internet là vấn đề ngày càng mang tính địa chính trị đậm nét. Thời đại mà internet được xem như một ‘ngôi làng chung’ kết nối toàn thế giới dưới cùng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật trung lập vận chuyển dữ liệu toàn cầu dường như đã kết thúc. Ngày nay, sự can thiệp của chính quyền các quốc gia với những tư tưởng chính trị đối lập đến việc quản lý và kiểm soát môi trường thông tin số đang ngày càng trở nên có hệ thống và phần lớn mang nhiều tính cực đoan. Rõ nét hơn hết là sự thành lập liên minh Nga-Trung trên chính trường quốc tế, và động thái thành lập những hệ tư tưởng đối lập với Mỹ của hai cường quốc này. Trong bối cảnh phân cực ý thức hệ trong quản lý internet hiện nay, việc khả năng dẫn đến các quốc gia vừa và nhỏ dần dà tách ra đứng về phía phương Tây/Mỹ hoặc phía liên minh Nga-Trung và khối BRICS nói chung là rất cao.
Bán đảo Ban-căng, vốn hầu hết nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman cổ đại, đã bị phân tách thành những quốc gia nhỏ độc lập từ đầu thế kỷ XIX và hình thành hơn 10 quốc gia khác nhau. Việc ‘chia năm xẻ bảy’ các vùng lãnh thổ quốc gia đối lập và thù địch về chính trị, kể từ đó, thường được ví von với tên gọi “Ban-căng hoá”. Chưa thể nói chính xác được liệu trong tương lai internet của chúng ta có sẽ phải qua quá trình lịch sử như bán đảo Ban-căng hay không; điều mà ta có thể bắt đầu làm rõ và phát triển ngay từ bây giờ, đó chính là lập trường quản lý internet dựa trên tinh thần hợp tác và thiện chí. Các quốc gia dù nhỏ hay lớn đều có quyền và nghĩa vụ tìm lấy tiếng nói riêng của mình và đóng góp mang tính xây dựng vào diễn đàn toàn cầu trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường thông tin điện toán chung của toàn nhân loại.