Từ chuyện HỌC SINH KHÔNG THÍCH MÔN SỬ
Đó là điều mà công luận đã lên tiếng báo động cách đây ngót một năm trước con số 60% bài thi sử ĐH-CĐ 2005 dưới điểm 1. Nhưng rồi thời gian cứ bình thản trôi qua như cái bình thản của những người có trách nhiệm với nền sử học và sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, để tới năm nay, một điệp khúc tương tự lại diễn ra. Trong bài báo này, chỉ xin đề cập chút ít về tư liệu sử hiện đại Việt Nam để lẩy ra vài lý do vì sao không phải chỉ học sinh, mà cả người lớn cũng không mấy quan tâm đến lịch sử nữa. Biết đâu trong đó có bóng dáng cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân, từ đó mới hình dung xem tình trạng này liệu có cơ cứu vãn được hay không.
Điểm qua vài sách sử
Bộ Đại cương lịch sử Việt Nam-tập III: 1945-2000*, được soạn nhắm nhiều đến các nhà giáo-nhà sử học tương lai, người sẽ trực tiếp truyền vào tim thế hệ đi sau niềm hứng khởi với môn sử. Dù được giành một phần đáng kể (55 năm-nhưng chiếm già 1 phần 3 pho quốc sử 4000 năm. Quả là bất bình thường!), viết về hiện thời, với phương tiện thông tin, lưu trữ hiện đại, nguồn sử liệu vô cùng phong phú (trong, ngoài nước), thế mà đọc hết lại thấy một cảm giác rất lạ, như sau bữa ăn thời “bao cấp”, hiếm thịt cá, chỉ toàn rau mì, bụng căng mà mắt vẫn hoa, rõ là bị thiếu những chất đang rất cần cho cơ thể, mà quá thừa những gì không cần nữa, hay khó tiêu hóa nổi. Đó là:
• Cuốn sách như để giảng dạy, ca ngợi về học thuyết chiến tranh cách mạng hơn là một thứ thông sử. Sử liệu thì ít, chủ yếu về chiến tranh, lại quá nhiều lời bình luận, đánh giá kiểu đại ngôn mang tính “định hướng tư tưởng” của những thập niên 50-60 thế kỷ trước.
• Tuy thiên về chiến tranh nhưng toàn thấy “ta thắng, địch thua”, làm giảm tính chất ác liệt của cuộc chiến, sự hy sinh, tổn thương ghê gớm của dân tộc.
• Tư liệu hầu hết là về cách mạng, miền Bắc, quá ít về xã hội thuộc Pháp, Mỹ-chính quyền Sài gòn (chỉ chưa tới 10 trong 340 trang sách).
• Về kinh tế, xã hội ở miền Bắc, cả nước sau 1975 cũng toàn “thành công”, “đúng đắn”, còn tổn thất, sai lầm chỉ sơ qua vài trang (kể cả những sai lầm đã được công khai thừa nhận); đầy những trích dẫn (hoặc giọng văn) của các báo cáo tổng kết thành tích, Văn kiện Đại hội .
• Đáng lo nữa là với một cuốn chính sử mà lại toát lên một cách nhìn quá thấp về lớp trẻ hiện nay.
Đọc thêm bộ Việt Nam những sự kiện lịch sử, cuốn 4:1945-1975** (và cả bộ Những sự kiện lịch sử Việt Nam *** nữa). Tuy không dàn trải những bình luận, ngợi ca ngoài sử liệu (vì thuộc loại sử biên niên), nhưng cũng đều mắc những “bệnh” hệt như bộ Đại cương lịch sử Việt Nam. Còn thử nghe các tác giả giãi bày: “…có hai dòng trái ngược: dòng lịch sử chính thống, cách mạng… và dòng lịch sử đối lập, phản bội…“, thành ra lý do của sự thiên lệch quá mức về sử liệu là “vì khuôn khổ có hạn của cuốn sách”(?) nên cái dòng gọi là “đối lập, phản bội” kia chỉ được đề cập “trong chừng mực có thể” (nghĩa là khoảng 5-7 trong 600 trang). với khoa học, với lịch sử mà lại có thể bằng giọng lấp liếm dễ dãi đến thế?
Xếp hàng thời bao cấp |
Bước qua một “địa hạt” khác, bộ Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II: 1955-1975**** thì khác hẳn. Mặc dù rất nhiều điều còn phải bàn về những sự thiên lệch cố hữu, nhưng dù sao cũng đã ít đi những mảng “tối” của sự thiếu vắng, sai lệch, che lấp tư liệu. Bên cạnh nỗ lực kiên cường của quân dân trong lao động, chiến đấu là mất mát đau đớn trong những đợt cải cách ruộng đất, chỉnh đốn Đảng, cải tạo tư bản, nền kinh tế bao cấp… cũng được nêu kha khá. Đặc biệt có hẳn một phần về vùng chính quyền Sài gòn kiểm soát (những 250/1100 trang). Ngoài ra, cùng bộ sách này còn có cuốn Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975 rất công phu, cho ta biết được một nền kinh tế năng động và có khả năng hội nhập, có thể phát huy khi đất nước được giải phóng, nhất là từ khi đổi mới, như tác giả-chủ biên Đặng Phong viết.
Vài chuyện sử bên ngoài sách sử
Để có được sự ham thích học và tìm tòi về lịch sử nói chung đã là vô cùng khó với lớp trẻ thời nay, nên không chỉ có những cuốn sử khô khan, mà rất cần nhiều đóng góp của báo chí-thông tin, văn hóa nghệ thuật, làm cho từng nhân vật, sự kiện lịch sử xa mờ sống động lại trong mắt hậu thế, khơi gợi trí tưởng tượng cho chính sử gia để có được lý giải, tìm tòi những trang sử bị khuất lấp. Vậy thử điểm qua vài món ăn tinh thần qua mấy chục năm nay.
Cách đây khoảng phần tư thế kỷ, có hai vở kịch lịch sử của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trãi ở Đông quan và Rừng trúc và bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt, bộ phim tài liệu Hà nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy. Số phận chúng khá khốn khổ, không phải do giá trị nghệ thuật (vì người xem rất hưởng ứng), mà lại là do những đánh giá không thuận của một số nhà quản lý văn hóa.
Tiếp đến, trong không khí được “tự cởi trói” của giới văn nghệ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã làm sôi sục văn đàn bằng hàng loạt truyện ngắn; nhưng trong đó, những truyện có nhân vật Quang Trung, Nguyễn Du cũng đã chịu không ít “búa rìu” của giới phê bình quan phương. Đơn giản vì người ta đã “phong thánh” những anh hùng, danh nhân dân tộc, sẽ không thể chịu nổi một tài năng nhưng có “tật” là muốn “lật đổ thần tượng” bằng lối “người hóa” trở lại nhân vật.
Tương tự, ở cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, và gần đây là phim truyện về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong đều có đề cập đến người phụ nữ đầu tiên trong cuộc đời riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều mà từ lâu coi như húy kỵ. Chỉ tiếc rằng hai tác phẩm có lẽ ở vào hai thời điểm quá cách xa nhau, xuất phát từ hai chủ thể khác nhau (một đằng cá nhân, một đằng là Nhà nước) nên đã chịu hai thái độ nhìn nhận rất khác của những người có trách nhiệm.
Gần đây, qua văn học nước ngoài cũng thêm chút sử liệu quý giá, dù còn quá ít, dưới dạng hồi ký, như những cuốn Tại sao Việt Nam?, Cuộc chiến tranh Đông Dương, Paris Saigon Hanoi … ít bị cắt xén, hoặc của những nhân vật tiếng tăm trong chế độ Sài gòn được trích đăng báo, tập hợp thành sách như Đỗ Mậu, Phạm Duy, Nguyễn Tiến Hưng… Có lẽ phải đợi tới đây, bằng việc gia nhập WTO thì chúng ta mới có thể dễ được tiếp cận hơn những tư liệu về chính mình đến từ mọi ngả bên ngoài?
Mấy lời bàn
Trước hết, chỉ qua một vài phác họa trên ta có thể thấy chút căn nguyên cho lời giải đáp vì sao học sinh không thích môn sử. Mới tạm điểm qua sách giành cho thầy cô, cho “người lớn” thôi mà đã thấy nặng tư duy “thời chiến”, “cái búa cái liềm” trong lối viết sử ở thời đại văn minh, bùng nổ thông tin này. Khi cả nước trải qua liên tiếp mấy cuộc kháng chiến trong hơn nửa thế kỷ, rồi đối đầu bằng chiến tranh lạnh, nên đời sống xã hội mọi mặt đã phải đặt “nhiệm vụ chính trị” lên hàng đầu. Đó là minh họa đường lối, nhấn mạnh truyền thống chống ngoại xâm, kể cả cường điệu cái xấu của kẻ thù, vẻ đẹp của “ta”…, tạm gác lại thiên chức nhà sử học để mà viết ra những gì có lợi cho “ta” thôi. Mặt trái của “tấm huân chương” chính là cái giá đắt phải trả cho lối thực dụng tiểu nông đó. Nhưng không thể cứ tiếp tục trả giá mãi khi mà đất nước đã độc lập, thống nhất, chiến tranh lạnh cũng chấm dứt từ lâu, việc xây dựng một xã hội văn minh hiện đại giờ là yêu cầu hàng đầu, nên thế hệ sau rất cần hiểu nhiều, đầy đủ, chính xác, khách quan nền tảng văn hóa, đời sống lao động sản xuất, giao thương… của tiền nhân (đủ cả cái hay, cái dở).
Thời “bao cấp” kéo dài từ trong chiến tranh cho tới giai đoạn 1975-1986, nhưng không phải chỉ trong kinh tế, mà mọi mặt, có sử học. Tiếp đến là thời “đổi mới”, nhưng những thay đổi mới tập trung cho phát triển kinh tế; tâm lý e ngại, những thói quen do tình trạng trì trệ quá lâu đã tự làm khó sử gia trong việc thay đổi căn bản lối tư duy-viết sử (nói rộng hơn là cả về khoa học xã hội). Phải chăng chúng ta mới chỉ đang xóa “bao cấp” trong kinh tế thôi chứ chưa dám xoá “bao cấp” về tư tưởng? Nghĩ giản dị rằng con người hễ “no cơm ấm áo” là khắc văn minh, vui tươi yêu đời? Có phải vì thế mà thông sử thì vẫn không thoát được cái “vòng kim cô” xưa cũ, nhưng chuyên sử kinh tế thì được “cởi trói” dần theo với nền kinh tế thị trường? Hay đó còn là cả một quan điểm giáo dục, muốn thông qua môn sử và vài môn xã hội khác để “đúc sẵn” vào đầu những nhận thức chính trị, lòng trung thành với chế độ cho lớp trẻ? Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, rồi nào là “mở cửa”, hội nhập… mà vẫn quanh quẩn với lối nghĩ đó thì thật tai hại; khi mà cũng chỉ với từng đó thời gian thôi, nước Nhật phong kiến Minh trị Duy tân đã làm cuộc đổi thay cách mạng mới có được như ngày hôm nay, trước hết là do biết nâng cao dân trí, ý thức sớm việc bảo vệ độc lập quốc gia phải bằng một nền dân chủ văn minh tiên tiến.
Một điều trái ngược với thực trạng đáng buồn này là lịch sử hiện đại của Việt Nam lại vô cùng đa dạng, phong phú, đầy “kịch tính” trên mọi lĩnh vực, là “đất màu mỡ” cho những khám phá, tranh luận… tạo hấp dẫn thêm cho mọi tìm tòi phát hiện táo bạo của các sử gia. Nhưng cũng ngược lại, với những đa dạng phức tạp đó, nếu ta không sớm định cho nó một “hình hài” đúng như nó vốn có mà để các sử gia tiền bối nhắm mắt xuôi tay, cả bao “pho sử sống” dần khuất núi đem theo xuống mồ bí ẩn lịch sử, rồi phó mặc cho hậu thế thì sẽ vô cùng nan giải cho cái việc nắn lại một “cơ thể” đã mang đầy khiếm khuyết, dị tật. Ấy thế mà ít nhất chúng ta vẫn đang có tới 2500 sử gia để mà lo lắng cho điều này!
Với nội dung giảng dạy lịch sử như vậy, để có được niềm say mê dạy, học môn sử, thầy trò sẽ phải nỗ lực rất nhiều để nhặt nhạnh thông tin, tìm kiếm nguồn cảm hứng ở bên ngoài môi trường học tập, bù đắp những gì mà hệ thống sách vở không đem lại, đem lại không đúng cho họ. Khốn nỗi họ phải theo giáo án, đi đúng lằn ranh đã được vạch sẵn chứ khó dám liều để dạy “sử ngoài luồng”; cuộc sống khó khăn với đồng lương không nuôi nổi bản thân, điều kiện giảng dạy thì nghèo nàn không cho phép họ phiêu lưu lãng mạn với “tình yêu nghề nghiệp” duy ý chí. Và đáng lo ngại nữa là thế hệ trẻ ngày nay vẫn bằng mọi cách riêng để tự hiểu mình là ai, hiểu thế hệ cha ông; đương nhiên chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt cho điều đó. Là thái độ phản kháng bằng lên án, mất niềm tin và sự kính trọng thế hệ đi trước; nảy nở thói đạo đức giả, thực dụng, vô ơn… Còn một giá đắt nhãn tiền mà chúng ta đã phải trả từ lâu cho nhiều quyết định sai lầm để lại hậu quả nặng nề là từ sự chủ tâm coi thường tính thẩm định, dự báo, phản biện của khoa học xã hội (trong đó không thể thiếu sử học). Sẽ như “gậy ông đập lưng ông” cho một nền sử học-giáo dục minh họa phải đứng trước nhiều thế hệ nhắm mắt, bịt tai, quay lưng lại. Như câu bất hủ của Abutaliv “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác”.
———————
* NXB Giáo dục – 2005
** NXB Giáo dục – 2004 (Viện sử học)
*** Phan Đình Nhân – 2002
**** NXBKHXH – 2005 (Viện kinh tế)